Gặp 9X chế cánh tay robot giành giải Ba tại Mỹ trong ngày mang vinh quang trở về xóm nhỏ

M.Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 27/05/2017

Phạm Huy, cậu học trò chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật đạt giải Ba cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2017) tại Mỹ trở về nhà trong vòng tay chào đón hân hoan, xúc động của người thân, thầy cô và bà con chòm xóm.

"Phạm Huy, truyện cổ tích có thật", đó là cách mà nhiều người Việt dùng để bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho chàng trai Việt vừa giành giải Ba trong cuộc thi Intel ISEF 2017, tại Mỹ vừa qua.

Phạm Huy (sinh năm 2000, tại Quảng Trị) là chủ nhân của dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật" xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm học 2016-2017. 

Trong quá trình xin hồ sơ sang Mỹ dự cuộc thi Intel ISEF 2017, Huy và thầy giáo hướng dẫn 2 lần bị từ chối visa. Có những thời điểm, cả hai thầy trò gần như rơi vào tuyệt vọng. Nỗ lực đến với cuộc thi và tính nhân văn của sản phẩm Huy dày công nghiên cứu, chế tạo đã giúp cậu học trò nghèo được ghi nhận đầy vẻ vang trên đất Mỹ.

Nhìn Huy xuất hiện trong bộ vest chỉnh tề bước lên sân khấu Intel ISEF 2017 nhận giải Ba, cao nhất toàn đoàn, người hâm mộ Việt thở phào: Suýt chút nữa, chúng ta đã lỡ cơ hội nhìn thấy một nhân tài tỏa sáng!

"Người hùng" của xóm nhỏ

Những ngày này, người dân thôn Bích La Hậu (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) và nhiều thầy cô, học sinh trường THPT Thị xã Quảng Trị đều quá đỗi vui mừng, tự hào khi nghĩ về giải Ba mà Huy vừa đạt được tại Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế năm 2017 được tổ chức ở California (Mỹ).

Tối 25/5, chiếc xe khách xuyên cơn mưa đêm mang chàng trai đầy nghị lực trở về với xóm nhỏ thân thuộc nhưng nay dường như trở nên vui tươi, rộn ràng hơn.

Rất nhiều người dân, hàng xóm nghe tin Phạm Huy, chàng trai chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật, sắp về đã sang nhà cậu ngồi đợi từ chiều tối với mong muốn chia vui.

Gặp 9X chế cánh tay robot giành giải Ba tại Mỹ trong ngày mang vinh quang trở về xóm nhỏ - Ảnh 1.

Huy mang vinh quang trở về trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình.

Trong lúc đợi cháu về, bà Phạm Thị Luyện (bà nội của Huy, năm nay 73 tuổi) vẫn còn "rùng mình" khi nhớ về giây phút lúc Huy bước trên thảm đỏ lên nhận giải thưởng.

"Đêm hôm đó, cả nhà ai cũng thức xem tin tức của Huy được truyền trực tiếp trên mạng, 2 giờ sáng tôi vẫn ngồi đợi ở cầu thang, xem cháu mình trên tivi, nhìn nó nhỏ xíu so với các bạn nước ngoài, tự tin bước lên nhận giải tôi rất thương, nước mắt rơi lúc nào không hay. Cảm giác lúc đó như có luồng điện chạy qua da vậy", bà nói.

Còn ông Phạm Xuân Vĩnh, bác của Huy bồi hồi nhớ về quảng thời gian "nếm mật nằm gai" để làm ra cánh tay robot của đứa cháu nhỏ.

"Phải gặp nhiều khó khăn, thử thách cháu Huy mới tạo ra cánh tay như ngày hôm nay. Khó khăn nhất là làm các phần cứng của cánh tay, cái này ở Quảng Trị chưa có nên Huy phải tự vẽ chi tiết rồi đặt hàng in tận Sài Gòn, Phú Yên, đôi lúc mẫu không được như ý. Nhiều khi hai bố con phải đứng dưới trời mưa và tới tận khuya ngoài quốc lộ chờ xe khách Nam - Bắc chạy qua để nhận hàng", Ông Vĩnh kể.

Khoảng 8 giờ tối (25/5), Huy cùng bố mẹ trở về nhà trong cơn mưa tầm tã. Đón Huy là người thân và rất đông bà con hàng xóm. Giây phút gặp Huy, bà Luyện, ông Vĩnh cũng nhiều người trong gia đình đã không giấu nổi sự xúc động, mắt ai cũng rưng rưng.

Một mình đến Mỹ: Gian nan rèn ý chí

Phạm Huy là con út trong gia đình, bố sửa xe máy, mẹ bán vải áo quần ở chợ Thị xã. Hằng ngày, tận mắt chứng kiến nhiều người khuyết tật sinh hoạt rất khó khăn Huy đã nảy sinh ý tưởng sáng chế cánh tay robot dành cho họ.

Trải qua cuộc thi cấp Quốc gia khu vực phía Bắc đạt giải Nhất, sản phẩm của Huy được Bộ Giáo dục đào tạo chọn là 1 trong 8 đề tài cử đi dự thi Khoa học - Kỹ thuật Quốc tế tại Mỹ. Chưa hết vui mừng, Huy bị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ chối cấp visa vào Mỹ sau hai lần phỏng vấn vì không đủ điều kiện. Điều này khiến Huy buồn bã, có lúc đã nghĩ đến việc buông xuôi.

Nhưng rất may mắn, trong lúc tinh thần hụt hẫng tột độ ấy, một tia sáng hy vọng nữa đã lóe lên. Sau khi báo chí và các thầy cô ở Bộ Giáo dục đào tạo và các ban ngành vào cuộc phản ánh, Huy đã được Đại sứ quán Mỹ gọi phỏng vấn lần thứ ba và cấp visa vào Mỹ.

Gặp 9X chế cánh tay robot giành giải Ba tại Mỹ trong ngày mang vinh quang trở về xóm nhỏ - Ảnh 2.

Huy cùng người thân sửa sang lại góc học tập.

Huy cho biết: "Sau khi nhận được giải thưởng em đã khóc òa vì không thể kìm được cảm xúc. Em rất vui mừng và tự hào vì sản phẩm của mình đã mang lại kết quả cao trong cuộc thi này".

Nói về chuyến đi vừa rồi, Huy chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em đi Mỹ và đi một mình nên rất hồi hộp, rất may được một người thầy hướng dẫn các thủ tục nên em cảm thấy yên tâm hơn. Nhưng khi máy bay hạ cánh để quá cảnh tại Hàn Quốc thì em bị lạc, không tìm ra được chuyến máy bay để đến Mỹ. Lúc này em rất hoang mang nhưng rất may được sự giúp đỡ của nhân viên hàng không nên em đã kịp chuyến bay của mình".

Ông Phạm Xuân Đính, bố Huy tâm sự, Huy đã một mình bay nửa vòng trái đất, thi đấu nơi xứ người. Gia đình ai cũng lo, nín thở chờ tin con, những hôm Huy bay sang Mỹ đêm nào tôi cũng không ngủ được.

Gặp 9X chế cánh tay robot giành giải Ba tại Mỹ trong ngày mang vinh quang trở về xóm nhỏ - Ảnh 3.

Bố Huy xúc động khi nhớ về giây phút con trai lên nhận giải.

Nói về dự định trong tương lai, Huy cho biết, sắp tới sẽ lên kế hoạch phát triển cánh tay robot, em hy vọng sẽ có một tổ chức hay cá nhân nào đó chung sức với mình để phát triển đề tài này một cách hoàn thiện, để sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi, sớm được đến với những người khuyết tật có thu nhập thấp.