Gần 90% khách đặt thức ăn qua ứng dụng, Grab toan tính điều gì khi mở nhà hàng, quán cafe đầu tiên ở Việt Nam?

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 17:35 08/10/2019

Để giảm thời gian chờ đợi của khách cũng như tài xế vận chuyển, Grab “chơi lớn” khi đầu tư mô hình “nhà hàng, quán cafe” với sự tham gia của 12 thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn. Đây là mô hình nhà hàng độc đáo lần đầu xuất hiện ở Việt Nam.

Ngày 8/10, Grab Việt Nam cho biết vừa chính thức ra mắt mô hình GrabKitchen - Căn bếp trung tâm lần đầu tiên tại Việt Nam ở quận Thủ Đức (TP.HCM). 

Đây là mô hình kiểu tập hợp nhiều thương hiệu quán ăn, cafe lại một chỗ để tài xế thuận tiện hơn trong việc giao nhận thức ăn cho khách. Hiện đang có 12 thương hiệu quán ăn, cafe có tiếng ở TP. HCM được Grab hợp tác tạo ra mô hình kinh doanh độc đáo này. 

Gần 90% khách đặt thức ăn qua ứng dụng, Grab toan tính điều gì khi mở nhà hàng, quán cafe đầu tiên ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Một trong 12 nhà hàng là đối tác của Grab trong mô hình.

Món ăn của tất cả các nhà hàng sẽ hiển thị trên một menu duy nhất, giúp khách hàng thoải mái lựa chọn và dễ dàng kết hợp các món mặn và món ngọt trên cùng một đơn hàng.

Theo Grab, tất cả chi phí mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất đều do đơn vị này đầu tư và thực hiện. Ngoài ra việc thiết kế các quán ăn, quán cafe này đều tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, bao gồm việc không gian rộng rãi cho việc chế biến thực phẩm, không ngập nước, có bể chứa mỡ, hệ thống xả thải tách biệt…

Tất cả các nhà hàng trên đều phải có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm riêng biệt cho khu vực gian nấu, đảm bảo chất lượng đến từng đơn vị cơ sở.

Gần 90% khách đặt thức ăn qua ứng dụng, Grab toan tính điều gì khi mở nhà hàng, quán cafe đầu tiên ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Mô hình "nhà hàng, cafe" tập trung của Grab được thiết kế dựa theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế.

Với mô hình này, khi tài xế nhận đơn tại Kitchen chỉ cần đến báo số đơn và chờ nhận món, lược bỏ các quy trình mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng. Thông qua việc tối ưu hoá vận hành, mô hình này cũng tạo điều kiện cho tài xế hoàn thành đơn nhanh hơn, từ đó nhận được nhiều đơn hàng hơn, tăng thu nhập của đối tác.

Đối với khách hàng thì chi phí vận chuyển giảm đáng kể khi đặt đồ ăn qua mô hình này. 

Gần 90% khách đặt thức ăn qua ứng dụng, Grab toan tính điều gì khi mở nhà hàng, quán cafe đầu tiên ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Nhân viên tại nhà hàng mang thức ăn giao cho tài xế để mang đến cho khách. Theo quy định, tài xế không được vào nhà hàng.

Gần 90% khách đặt thức ăn qua ứng dụng, Grab toan tính điều gì khi mở nhà hàng, quán cafe đầu tiên ở Việt Nam? - Ảnh 4.

Tài xế sẽ tập trung tại một chỗ để nhận thức ăn rồi mang cho khách.

Grab cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, GrabFood đạt tổng giá trị giao dịch tăng 400%, với trung bình khoảng 300.000 đơn hàng/ngày. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu độc lập của của Kantar công bố vào tháng 8/2019, có 87% người tiêu dùng tại Việt Nam được khảo sát lựa chọn GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn mà họ sử dụng thường xuyên nhất.

“Việt Nam là nước thứ hai mà Grab triển khai mô hình GrabKitchen. Riêng tại Indonesia, tính đến tháng 9 năm nay, chỉ trong vòng 6 tháng, chúng tôi đã mở 10 “căn bếp trung tâm" (cloud kitchen), hướng đến mục tiêu đạt 50 GrabKitchen vào cuối năm nay. Tại Việt Nam, với sự phát triển ấn tượng của GrabFood trong thời gian qua, chúng tôi tin rằng mô hình này cũng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ", ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam chia sẻ.