Flores thừa nhận chưa đủ trình độ làm võ sư

Hà Thành, Theo VTC 12:21 01/03/2018

Chia sẻ với báo giới sau cuộc gặp Johnny Trí Nguyễn, môn đồ của phái Vịnh Xuân Nam Anh Flores không dám nhận mình là võ sư.

“Tôi rất vui mừng vì có thêm cơ hội được trao đổi với báo chí để làm rõ một số vấn đề hiểu lầm trong thời gian vừa qua”, ông Flores mở đầu.

“Tôi xin đính chính, tôi được mọi người gọi là võ sư nhưng thực chất tôi chưa xứng đáng mang danh hiệu cao quý đó. Danh hiệu đó phải do tổ chức, do bậc thầy, bậc đại sư có thẩm quyền phong tặng chứ không ai được phép tự phong cho mình”, Flores nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của môn sinh người gốc Chile, xét về tiêu trí tài và đức thì ông tự nhận rằng, về kỹ năng, tài nghệ thì ông có thể phấn đấu đạt được, nhưng về mặt đức, ông còn nhiều thiếu sót, khiếm khuyết cần phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa.

Flores thừa nhận chưa đủ trình độ làm võ sư - Ảnh 1.

Flores chưa đủ trình độ làm võ sư.

“Như các bạn đã biết, tài đức là hai thứ luôn đi song song giống như cây gươm và tấm lá chắn để bảo vệ. Những người chính nhân quân tử ngày xưa phải hội đủ những đức tính ngũ thường là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín thì những người học võ không chỉ hội đủ ngũ thường mà còn phải thêm một số đức tính khác nữa”, Flores chia sẻ.

Theo Flores những đức tính khác đó là biết quản lý, lãnh đạo, nghệ thuật lãnh đạo sao cho khen thưởng, phạt phân minh, là khả năng chiến đấu. Đây là khía cạnh không thể tách rời, không thể thiếu với người học võ.

Ông Flores phân định có 5 dạng chiến đấu khác nhau, tùy vào mục đích: “Thứ nhất là đấu tập luyện. Các môn sinh trong phái tự tập luyện, đấu với nhau.

Thứ hai là thi đấu. Thi đấu có thể giữa các chi nhánh của võ đường, võ phái hoặc với các môn phái khác. Và tất nhiên, thi đấu phải có những luật lệ nhất định.

Thứ ba là giao đấu. Việc này có thể diễn ra với bất kỳ môn phái nào để trao đổi kỹ thuật. Bản thân chữ "giao đấu" tức là đấu giao hữu đã ngầm ý rằng, sau khi đấu thì kết giao thành bằng hữu chứ không phải thành thù. Giao đấu là để phân cao thấp, để hiểu tài nghệ nhau, quý mến, khâm phục lẫn nhau chứ không phải gây thù oán nhau.

Thứ tư là thách đấu. Thách đấu có phần nào tiêu cực, bởi nó xuất phát từ những bất phục nhau, ghen tị, bất đồng phải giải quyết bằng sự phân thua rõ ràng. Tuy nhiên, nó vẫn ngầm chứa yếu tố tích cực như giao đấu là sau đó có mâu thuẫn được giải quyết, hai bên vẫn có thể là bạn của nhau.

Cuối cùng là đấu sinh tử. Đây là kiểu đấu ngày nay chúng ta không cổ súy!”

Trong chia sẻ mới nhất với báo giới, Flores khẳng định, việc ông về Việt Nam không phải để thách đấu mà mục đích chính chuyến đi lần này là cùng sư phụ về ăn Tết Nguyên đán.

“Người ta có sự hiểu nhầm về việc thách đấu. Tôi khẳng định, tôi về Việt Nam là để học hỏi thêm về nền văn hóa Việt Nam, để kết bạn với những người Việt Nam hiền hòa dễ mến”, Flores nói.

“Tôi học một người thầy Việt Nam, tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của tôi, những người Việt Nam như anh em tôi, không có lý do gì để tôi về đây thách đấu.

Tôi khẳng định, nếu bây giờ có ai thách đấu tôi, tôi xin chào thua, không nhận lời”, võ sư gốc Chile nhấn mạnh.