“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại

Hạnh Hạnh, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 23/10/2018

“First Man” (Bước Chân Đầu Tiên) đã thành công trong việc tái hiện lại một phần lịch sử đẹp đẽ nhưng cũng đầy khổ đau. Đó là lịch sử với dấu ấn huy hoàng của khoa học vũ trụ được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả tính mạng của con người.

Nếu theo dõi kỹ First Man (Bước Chân Đầu Tiên), khán giả có lẽ sẽ để ý đến một đoạn phim tài liệu đắt giá về ngành khoa học vũ trụ được đưa vào trong phim. Đó là lúc tổng thống Mỹ John.F.Kenedy phát biểu về việc tại sao đế quốc của ông lại chọn mặt trăng là mục tiêu chinh phục đầu tiên. Tổng thống giải thích đại ý rằng người ta tưởng chúng ta chọn mặt trăng bởi vì nó dễ, nhưng không phải, mặt trăng đẹp nhưng rất khó để chinh phục, đó là lí do nó được chọn.

“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại - Ảnh 1.

Những phi hành gia như Neil Amstrong (Ryan Gosling) đã phải trả giá rất đắt cho thành tựu đầu tiên của ngành khoa học vũ trụ Mỹ.

Chính vì khó nên nếu chinh phục được mặt trăng, diện mạo của khoa học vũ trụ Mỹ sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Thế nhưng, cái giá phải trả cho 1 lần "nâng cấp" diện mạo này quá đắt. Dù khoảnh khắc Neil Amstrong (Ryan Gosling) đặt chân lên mặt trăng có huy hoàng đến đâu thì khi vụt tắt, nó vẫn để lại nỗi đau âm ỉ cho bao nhiêu người bởi những tổn thất quá lớn.

Nhiều người đã mất mạng hoặc suýt mất mạng

Trước khi phóng thành công con tàu Apollo thám hiểm mặt trăng, các chuyên gia khoa học vũ trụ Mỹ đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm lớn nhỏ thông qua các dự án như Germini. Neil Amstrong là người tham gia hầu hết các cuộc thử nghiệm đó. Là người trải qua vô vàn biến cố và tai nạn từ những vụ phóng thử tàu bay, anh hiểu rõ mức độ nguy hiểm của chúng. Nhẹ thì bị thương, nặng thì mất luôn cả mạng. Anh có thể may mắn giữ được mạng sống, nhưng đồng nghiệp của anh lại không như vậy.

“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại - Ảnh 2.

Bản thân Neil đã trải qua vô số lần thoát chết chỉ trong gang tấc.

Jan (Claire Foy), vợ của Neil từng cảm thán rằng cô và chồng đã phải dự đến 4 cái đám tang chỉ trong một thời gian ngắn. Bốn đám tang của 4 phi hành gia tận tụy ập đến liên tục khiến Neil bị ám ảnh, một nỗi ám ảnh thầm kín nhưng có sức sát thương vô cùng lớn. Nó giằng xé tâm can Neil đến nỗi anh sống như một cái bóng im lặng và lầm lì. Chưa kịp hết đau đớn, Neil lại phải lần lượt nghe tin những đồng nghiệp mới của mình ra đi, thậm chí, hy sinh một lúc 3 người. Họ chết đi ngay lúc đang hứng khởi cho một chuyến bay mới vào vũ trụ. Họ chết đi như một lẽ tất nhiên sẽ xảy đến trong mọi cuộc thử nghiệm.

“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại - Ảnh 3.

3 phi hành gia, đồng nghiệp của Neil đã phải chết tức tưởi chỉ vì một lỗi nhỏ trong quá trình phóng thử Apollo.

Nỗi đau chia ly của các gia đình

Mỗi khi có một đợt thử nghiệm mới sắp sửa được tiến hành, gia đình của các phi hành gia phải chuẩn bị tâm lý cho một cuộc tiễn đưa câm lặng. Chồng mình, cha mình có lẽ sẽ một đi không trở lại, có thể sẽ tan biến thành cát bụi giữa vũ trụ bao la. Mất đi một phi hành gia, ngành khoa học vũ trụ Mỹ sẽ có những phi hành gia khác thay thế. Nhưng với những gia đình có người sắp sửa bay vào vũ trụ, không ai khác có thể thay thế họ. Có nỗi đau nào rỉ máu hơn nỗi đau chia ly, biết rõ ngày mai có thể cách biệt âm dương nhưng hôm nay vẫn phải cắn răng tiễn người thân của mình đi vào chốn không rõ sống chết?

“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại - Ảnh 4.

Cuộc sống bình yên là thứ vô cùng xa xỉ đối với gia đình của các phi hành gia như Neil.

Suốt thời lượng hơn 2 tiếng của First Man, chúng ta có thể cảm nhận được rằng nỗi đau đó luôn âm thầm ám vào gia đình của các phi hành gia. Họ không nói ra, nhưng bất cứ ai cũng có thể thấy nỗi sợ vô hình đậm đặc trong từng ánh mắt và cử chỉ của họ. Cái cách Jan thấp thỏm nhìn Neil chuẩn bị hành lý cho lần phóng chính Apollo, cách cô nổi cáu với chồng vì anh trốn tránh gia đình đã giúp khán giả cảm nhận sâu sắc rằng thế nào là giọt nước làm tràn ly. Hành động đó của Jan là hệ quả tất yếu của việc không cách nào kìm nén được nỗi sợ hãi mất đi người thân đang gặm nhấm tâm hồn. Và phải dũng cảm lắm, cô mới không òa khóc khi nhìn Neil khuất bóng trong màn đêm cùng với chiếc ô tô đưa anh đến với Apollo.

“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại - Ảnh 5.

Jan không khóc, nhưng đôi mắt của cô nói cho khán giả biết cô sợ hãi và phẫn nộ như thế nào khi phải tiễn chồng đi vào chốn không rõ sống chết.

Sang chấn tinh thần của các phi hành gia

Mỗi chuyến bay qua đi là mỗi lần các phi hành gia phải chịu đựng những sang chấn tinh thần khác nhau. Như Neil Amstrong, cái chết của đồng nghiệp là một loại sang chấn đối với anh. Nó dường như luôn hiện hữu trong tâm trí anh trong mỗi chuyến bay. Và dù đáp xuống mặt đất rồi, sự hy sinh của họ vẫn mãi là nỗi ám ảnh sâu sắc trong lòng Neil.

“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại - Ảnh 6.

Đôi mắt Neil luôn ẩn chứa vô vàn nỗi niềm, đó là nỗi ám ảnh với vũ trụ, với cái chết của đồng nghiệp, nỗi cô đơn và nỗi sợ vô hình khi đối mặt với hiểm nguy.

Ngoài ra, loạt sự cố lớn nhỏ trong mỗi lần thử nghiệm phóng tên lửa cũng khiến các phi hành gia ám ảnh. Dù dũng cảm đến đâu thì khi bị cái chết liên tục rình rập, họ không thể không bận tâm. Càng chứng kiến nhiều sự cố, những sang chấn tinh thần đó sẽ tích tụ ngày càng nhiều đến nỗi, từng tiếng động dù là nhỏ nhất trong tên lửa cũng là thứ vô cùng nhạy cảm khiến các phi hành gia căng thẳng đến toát mồ hôi hột.

Gánh nặng thuế của người dân Mỹ

Tiền thuế từ người dân chính là nguồn lực chủ yếu giúp duy trì các hoạt động của ngành khoa học vũ trụ Mỹ tại thời điểm đó. Khoa học vũ trụ tiêu tốn của người dân Mỹ không biết bao nhiêu tiền của, khiến họ phải cật lực lao động và siết chặt chi tiêu hằng ngày đến nỗi không đủ tiền chi trả chi phí sinh hoạt cơ bản. Cái giá phải trả cho một khoảnh khắc huy hoàng của lịch sử là giai cấp vô sản Mỹ phải sống lay lắt suốt gần chục năm trời. Đồng thời, làn sóng phản đối chính sách rót hàng tỉ đô la tiền thuế vào khoa học vũ trụ của chính phủ Mỹ do tầng lớp này khởi xướng cũng dâng cao trong suốt chừng ấy năm.

“First Man” - Cái giá phải trả đằng sau phút huy hoàng của lịch sử nhân loại - Ảnh 7.

Khoảnh khắc huy hoàng này của lịch sử khoa học vũ trụ là thành quả có được từ sự hy sinh của hàng triệu người.

First Man đã khai thác câu chuyện về phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng dưới một góc nhìn gai góc hơn, đau đớn và ám ảnh hơn. Có lẽ, tựa phim muốn gửi gắm một điều rằng, mỗi bước tiến vĩ đại của lịch sử nhân loại đều là thành quả được đánh đổi bằng vô vàn sự hi sinh. Vậy nên chúng ta, với tư cách là hậu thế kế thừa thành tựu đó, không được phép ve vuốt lịch sử mà lãng quên sự thật tàn khốc đằng sau đó.

First Man (Bước Chân Đầu Tiên) hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.