Fifty Shades: Freed, Phantom Thread và Mother!: Sau tất cả, phụ nữ muốn gì?

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 11:54 13/02/2018

Sự tương đồng trong ba tác phẩm Fifty Shades: Freed, Phantom Thread và Mother! khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Fifty Shades Freed (50 Sắc Thái phần 3) cuối cùng cũng ra mắt để khép lại bộ ba tác phẩm sặc mùi sắc dục. Hai phần trước đó đã đem về cho Universal ngót 1 tỉ đô la bạc tiền từ các phòng vé toàn cầu. Thế nên, dù bạn có thích nó hay không, có hai sự thật cần phải chấp nhận: thứ nhất, 50 Sắc Thái là một thành công thương mại rực rỡ và phim đánh trúng tâm lý của một bộ phận không nhỏ khán giả.

Fifty Shades: Freed, Phantom Thread và Mother!: Sau tất cả, phụ nữ muốn gì? - Ảnh 1.

Đúng, 50 Sắc Thái là một chương tình ái hào nhoáng và nông cạn. Thế nhưng nó cũng góp phần đẩy mạnh một trào lưu đang nổi lên gần đây trên màn ảnh, trong đó các nhà làm phim sử dụng tình dục như một thứ công cụ tường thuật lại ảnh hưởng của quyền lực và lạm dụng quyền lực.

Và đúng, loạt phim đã đưa tới những hiểu lầm tai hại trong an toàn tình dục với những câu thoại kiểu như “Tôi sẽ không chạm vào em cho tới khi tôi có lá thư chấp thuận viết tay của em!”. Sự thực là chi tiết Grey yêu cầu Anastasia ký vào tờ NDA (Thỏa thuận bảo mật thông tin) đã khiến nhiều người liên tưởng tới vụ scandal tai tiếng của Weinstein từng phơi trần một mặt xấu xí của Hollywood. Trong một cảnh phim khác, Grey bảo vệ bạn gái bằng cách đòi quyền sở hữu cô ấy về mình: “Hắn ta muốn thứ thuộc về tôi”.

50 Sắc Thái phiên bản thương mại và phiên bản nghệ thuật

Ngay từ lúc bộ sách được ra mắt, các nhà phê bình đã vò đầu bứt tai cố gắng tìm cách lý giải cho lý do chúng trở thành Best Seller: “Liệu đây có phải là thứ phụ nữ muốn? Bị còng tay, bịt mắt bởi một gã tỉ phú thích rình mò người khác?”. Hoặc có thể họ chỉ muốn tìm một lý do bào chữa cho việc đọc một cuốn sách mát mẻ trên Kindle mà không sợ bị hổ thẹn?

Fifty Shades: Freed, Phantom Thread và Mother!: Sau tất cả, phụ nữ muốn gì? - Ảnh 2.

Thế nhưng liệu có khi nào lý do thật sự lý giải cho sự yêu thích của cả thế giới đối với 50 Sắc Thái chẳng hề đơn giản như những gì chúng ta phỏng đoán, ngay cả khi nguyên tác tiểu thuyết và phim chuyển thể đã biến tướng sự thèm muốn của phụ nữ trở nên nông cạn và thực dụng?

Có lẽ, Fifty Shades là một biểu ngữ của thời đại chúng ta, khắc họa những mong muốn khó hiểu và dường như mâu thuẫn của phụ nữ. Và tất nhiên, Fifty Shades không phải là bộ phim duy nhất chạm vào vấn đề nhạy cảm đó.

Nhiều sự so sánh đã được đặt ra giữa Fifty Shades Freed và Phantom Thread trên Twitter thời gian qua. Trước khi ra mắt, Bóng Ma Sợi Chỉ được không ít người coi như một phiên bản nghệ thuật của 50 Sắc Thái: ít tình dục hơn, nội dung sâu sắc hơn, nhân vật hành xử bớt thực dụng hơn và có lý trí hơn.

Fifty Shades: Freed, Phantom Thread và Mother!: Sau tất cả, phụ nữ muốn gì? - Ảnh 3.

Thật khó để bỏ qua những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm. Christian Grey là một tỉ phú đem lòng yêu cô sinh viên nghèo Anastasia, còn Reynolds Woodcock là một thợ may nức tiếng, người mời Alma xinh đẹp làm nàng thơ của mình. Bao nhiêu lần chúng ta từng được thấy những người đàn ông giàu có, quyền lực, kiêu ngạo, đẹp trai tìm thấy sự cứu rỗi trong tình yêu đối với một cô gái chẳng có gì ngoài trẻ đẹp và tình cảm?

Tất nhiên cô ấy sẽ bị ngược đãi về mặt tinh thần, nhưng cuối cùng anh ta mới là người được “cứu chuộc” cơ mà, nhớ không? Chính sự ảo tưởng này đã lôi kéo vô số phụ nữ vào các mối quan hệ độc hại mà không dứt ra được.

Sự ích kỷ của "người nghệ sĩ" và tiếng nói yếu ớt của người phụ nữ

Một tác phẩm khác cũng nên được nói đến ở điểm này là mother! của Darren Aronofsky. Điều đáng tiếc ở phim là kịch bản đã không khắc họa được mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật của Jennifer Lawrence và Javier Bardem. Bỏ qua thông điệp về sự ấm lên toàn cầu, mother! là câu chuyện về một nghệ sĩ tài năng, ích kỷ cùng người vợ tảo tần trong khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ.

Fifty Shades: Freed, Phantom Thread và Mother!: Sau tất cả, phụ nữ muốn gì? - Ảnh 5.

Điều hẹp hòi ở đây là anh chồng muốn nổi tiếng lềnh phềnh, nhưng cũng đòi hỏi được yêu được chiều. Trong 50 Sắc Thái, Grey cũng muốn thao túng Anastasia đồng thời muốn tình yêu của nàng thu phục mình.

Dù vai Anastasia của Dakota Johnson khiến người ta buồn cười hơn là thương cảm, thì cô diễn viên này cũng không thể rũ sạch sự ngây thơ mà tác giả đã gán cho nhân vật. Vế sau cũng có thể dùng để nói về Jennifer Lawrence và mother!, nơi Lawrence không còn được đóng kiểu vai người phụ nữ thông minh, quyết đoán, độc lập, mạnh mẽ như trong Winter’s Bone hay Hunger Games nữa.

Người vợ vô danh trong mother! lặng lẽ, hiền dịu, phủ phục dưới chân người chồng - là một thách thức với Lawrence. Những đức tính ấy là tiền đề để những phụ nữ kiểu này luôn mở rộng vòng tay đối với người mình yêu, ngay cả khi đó là những con quái vật.

Vai của Lawrence trong suốt nửa đầu của phim chỉ loanh quanh mối bận lòng về người chồng và sự buồn khổ. Tương tự là Ana, bất cứ vấn đề gì cô nàng đem ra nói với Christian đều kết thúc bằng một cảnh làm tình hoặc chuyển sang cảnh khác. Không phim nào trong số này giải quyết được gốc rễ trong mối quan hệ bất cập giữa hai nhân vật chính. Đó chỉ là cô người yêu trong rất nhiều kẻ yêu, cô vợ trong hằng hà sa số người vợ.

Fifty Shades: Freed, Phantom Thread và Mother!: Sau tất cả, phụ nữ muốn gì? - Ảnh 6.

50 Shades, mother! hay Phantom Thread đều nói nhiều về thẩm mỹ và nghệ thuật. Nếu như mother! nói về nỗi đau của người nghệ sĩ, Phantom Thread nâng nghề may mặc lên một đẳng cấp tinh tế, thì 50 Sắc Thái cố gắng mô tả nét tình của nhập môn bạo dâm. Cả ba phim cũng cùng nói về mối quan hệ của các cặp đôi, song chúng lại là những ví dụ cho thấy chẳng khó khăn gì để tìm được hình ảnh một người phụ nữ chịu những chấn thương tâm lý do một tình yêu méo mó gây ra.

Nếu như điện ảnh có thể tìm được một lối thoát thực sự cho phụ nữ thay vì mặc họ sống trong dày vò hoặc tìm thấy niềm an ủi ở vật chất, thì có lẽ điều đó sẽ đem tới thay đổi tích cực cho cộng đồng. Một ngày kia biết đâu ta sẽ được thấy một Anatasia hạnh phúc mà không cần Grey cùng cục tiền của anh ta bên cạnh.

(Nguồn: Filmschoolrejects)