Á hậu Huyền My, Hà Lade hóa nữ thần trong thiết kế thời trang của sinh viên

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 06/08/2015

Hai người đẹp vừa tham dự Trình diễn thời trang tốt nghiệp 2015 “I AM” của Học viện Thiết kế và Thời trang London (Hà Nội) trong vai trò là MC và người mẫu.

Á hậu Huyền My lựa chọn trang phục dạ hội hiện đại của sinh viên LCDF nhưng mang âm hưởng của nền văn hóa cổ xưa tạo nên vẻ sang trọng, quý phái.
 
Á hậu Huyền My với vai trò MC của chương trình
 
Hà Lade sải bước tự tin trong bộ trang phục đính đá cầu kỳ lấy cảm hứng từ văn hóa Ai cập của NTK Thùy Dương
 

NTK Thùy Dương và BST “Đôi cánh của thần Nephthys” lấy cảm hứng từ văn hóa, tâm lý, hoa văn Ai Cập. Những người mẫu như những nữ thần khi trình diễn các trang phục cầu kỳ với chi tiết thêu và đính cườm.

Cả khán phòng như “vỡ òa” vì vẻ đẹp của trang phục ẩn chứa công sức lao động của NTK khi những trang phục chuyển động.
 
Trái ngược với BST trên, BST “Phục hưng” với kiểu dáng của những trang phục dạ hội đương thời, NTK Nguyễn Thị Ly kết hợp sử dụng những kỹ thuật thiết kế vải đặc trưng của thời kỳ Phục Hưng như đính cườm cầu kỳ và các chất liệu vải cao cấp tạo nên sự sang trọng, mạnh mẽ cho người phụ nữ.
 
Các tác phẩm trong BST “Uyển Diên” của NTK Nguyễn Hà Ngọc, lấy ý tưởng từ nham thạch trong quá trình phun trào của núi lửa với chất liệu len truyền thống mang đến vẻ đẹp mới lạ.
 
NTK Phạm Hồng Liên Bộ với BST “Sen” lấy cảm hứng từ những trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam kết hợp với các kỹ thuật thiết kế vải truyền thống, thêu và đính cườm toát lên vẻ thuần khiết và sang trọng của người phụ nữ.
 
Trang phục lấy cảm hứng từ thời kỳ sa hoa “Phục Hưng” của NTK Nguyễn Thị Ly tái hiện lại tâm lý, phong cách của thời kỳ quá khứ, nhưng mang hơi thở hiện đại bởi vì cấu trúc lạ được xử lý trên bề mặt vải.
 
Cảm hứng sáng tạo từ tôn giáo, hình ảnh nữ tu trong BST “Thánh địa” của NTK Nguyễn Diễm Quỳnh mang đến nhiều sự ngỡ ngàng cho công chúng bởi một ý tưởng lạ.
 
Lấy ý tưởng từ loài Địa Y và hình khối kiến trúc, NTK Đào Thị Minh Phương tạo cho tín đồ thời trang một phong cách thời trang mới, rực rỡ và phá cách.
 
BST “Khúc hát da màu” của NTK Nguyễn Thị Mỹ Linh lấy cảm hứng từ những nghệ sĩ nhạc Blues nổi tiếng, và phong cách thời trang phổ biến của những năm 1930 như quần ống suông, áo gi-lê cổ điển với những gam màu ghi khói, xanh chàm và trắng; các hoạ tiết in 2D thể hiện cảm hứng âm nhạc và đời sống thành phố New York năm 30.
 
NTK Nguyễn Hồng Hạnh muốn thể hiện ý tưởng từ kiến trúc Gothic với những thiết kế sắt uốn, những cấu trúc kiên cố vững chắc trong sắc đen huyền bí, mang đến vẻ bí ẩn mạnh mẽ.
 
BST “Ban sơ” của NTK Henriette Rakotoninaina (người Madagascar) với ý tưởng kết nối các nền văn hóa khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Cô đã “mạnh tay” kết hợp sử dụng các màu sắc đậm nét họa tiết thổ dân, kỹ thuật thêu tay và đính cườm để trang phục trở nên ấn tượng hơn.
 
Bộ sưu tập “Trung Địa” của NTK Lê Mỹ Linh rực rỡ và ấn tượng, lấy cảm hứng từ những câu chuyện thần tiên về Tộc Tiên và một thế giới huyền diệu hoàn toàn mới để con người thả hồn mình khỏi những bề bộn cuộc sống và biến những điều không thể thành có thể.
 
NKT Phạm Kim Anh với BST “Tre” được thiết kế cho mùa Xuân Hè 2016 với những đường cắt tối giản trên gam màu trầm, các kiểu dáng góc cạnh, và kết hợp những chất liệu đối lập như lanh, chiffon, lụa rất mềm mại và voan kính cứng mang đến một sự quyến rũ lạ mắt và độc đáo.
 
NTK Nguyễn Phương Anh với BST “Phản chiếu” như một câu chuyện kể về xu hướng xã hội khi con người chỉ quan tâm đến hình ảnh của bản thân phản chiếu trong mắt của những người xung quanh. NTK đã thử nghiệm sáng tạo với những họa tiết in, hình thêu, chiết và những nếp gấp để thay đổi bề mặt vải nhằm mục đích thể hiện một thế giới nội tâm phức tạp và huyền bí.
 
BST “Bụi” của NTK Bằng Anh với ý tưởng tái sử dụng cái cũ, phát triển thành cái mới bằng những phương pháp phá vỡ cấu trúc, xây dựng lại cấu trúc, tái chế, đan, tẩy trắng, nhuộm, chắp vá, xổ sợi, anh muốn biến những điều tưởng như không còn giá trị thành vô giá tạo thành dòng thời trang thân thiện với môi trường.
 
Bộ sưu tập “Hành trình kiếm tìm tình yêu đích thực” của NTK Mai Phương Linh thể hiện các thiết kế vải sáng tạo có tính thẩm mỹ cao như vẽ tay, thêu, đáp vải và đính cườm với các sắc màu tương phản mạnh mẽ.
 
NTK Ngô Thái Ngọc với BST "Cẩm thạch” mang phong cách thời thượng cao cấp lấy cảm hứng từ những cấu trúc đá địa chất tương phản kết hợp với hơi thở của hiện đại. Những họa tiết in trên đá, kỹ thuật xếp vải và đính cườm cầu kỳ mô phỏng lại các cấu trúc đá được thiên nhiên nhào nặn qua hàng triệu năm.
 
Bộ sưu tập “Khúc Hoan ca” được truyền cảm hứng bởi phong thái lạc quan trong văn hóa người Do Thái. NTK Nguyễn Minh Uyên sử dụng kỹ thuật xếp ly, đắp vải và đính cườm tái hiện lại những ngôi đền linh thiêng, nghệ thuật sống động và lễ hội văn hóa đa dạng.

Sự kiện là một sân chơi nghệ thuật công phu, luôn là sân khấu mở cho các nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo không biên giới, mỗi tác phẩm được trình diễn trong chương trình mang một bản sắc, cá tính mạnh mẽ, một khát vọng, hoài bão, nhân sinh quan riêng. Nhưng tất cả đều hướng chung về một cái đích và cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chương trình, đó là niềm đam mê đến với cái Đẹp, là bản lĩnh của những người trẻ tin vào con đường đam mê mình đã chọn.