Facebook Việt Nam có đại dịch "1 sao", còn Amazon lại có đại dịch "5 sao" vô tội vạ

Tấn Minh, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 19/04/2019

Theo một báo cáo mới của tổ chức người tiêu dùng Which? của Anh, Amazon đang phải đối mặt với một đại dịch mang tên "đánh giá sản phẩm ảo".

Which? đã nghiên cứu hàng trăm sản phẩm công nghệ được đăng trên Amazon, bao gồm headphone, smartwatch, và các loại thiết bị theo dõi sức khỏe, và phát hiện ra rất nhiều sản phẩm được đánh giá cao trong mỗi danh mục đều xuất phát từ các nhãn hiệu "lạ hoắc" và nhận được hàng loạt các đánh giá chưa được xác thực cùng với xếp hạng 5-sao.

Which? sau đó đã sử dụng chính nghiên cứu về headphone của mình để làm ví dụ. Tất cả các sản phẩm hiện ra trong trang đầu của kết quả tìm kiếm đều đến từ các nhãn hiệu vô danh, hoặc các nhãn hiệu mà các chuyên gia công nghệ của công ty chưa từng gặp trước đó.

Khoảng 87% trong số 12.000 đánh giá cho các sản phẩm này được viết bởi những người chưa được xác thực, và 71% số headphone có xếp hạng 5-sao.

Which? đã chia sẻ nghiên cứu này với ReviewMeta, một website kiểm tra đánh giá trên Amazon, và được tiết lộ thông tin rằng, thực ra mọi đánh giá 5-sao dành cho top 10 cặp headphone trên Amazon đều là các đánh giá "ảo".

Một người phát ngôn của Amazon từ chối bình luận về báo cáo của Which?, nhưng cho biết công ty đã đầu tư "một lượng tài nguyên đáng kể" nhằm bảo vệ sự trung thực của các đánh giá.

"Thậm chí có một đánh giá không thật đã là quá nhiều rồi" - ông này nói - "Chúng tôi có những bản hướng dẫn rõ ràng dành cho cả người đánh giá và các đối tác bán hàng, và chúng tôi ngừng/cấm, cũng như thực hiện những hành động trừng trị về mặt luật pháp đối với những người vi phạm chính sách của công ty".

Facebook Việt Nam có đại dịch 1 sao, còn Amazon lại có đại dịch 5 sao vô tội vạ - Ảnh 1.

Có rất nhiều đánh giá 5-sao gây hiểu nhầm và giả mạo trên Amazon

Amazon cho biết họ sử dụng một loạt các nhóm điều tra viên kết hợp với công nghệ tự động nhằm phát hiện các đánh giá ảo. Nhưng Which? khẳng định chừng đó là chưa đủ để chống lại tình trạng đăng tải thông tin sai lệch.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Amazon đang thua trong trận chiến chống lại các đánh giá ảo - khi mà những vị khách mua hàng 'dội bom' website này bằng những bình luận mơ hồ nhằm tự quảng cáo cho các nhãn hiệu vô danh" - Natalie Hitchins, trưởng bộ phận sản phẩm và dịch vụ gia đình tại Which? cho biết.

Hitchin khuyên các khách hàng đừng quá tin vào các đánh giá, và đề nghị Amazon mạnh tay hơn trong việc xác thực các đánh giá sản phẩm nhằm duy trì niềm tin của người tiêu dùng.

Việc nhận được một lượng lớn đánh giá từ khách hàng là rất quan trọng đối với người bán, bởi nó giúp cải thiện tỉ lệ chuyển đổi (tỉ lệ người xem chuyển thành người mua) và mang các sản phẩm của họ lên vị trí cao hơn trong danh sách kết quả tìm kiếm của Amazon.

Theo Which?, 97% người mua hàng tại Anh dựa vào các đánh giá của khách hàng trên mạng để đưa ra quyết định mua sản phẩm. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường nước này ước tính rằng mỗi năm, các đánh giá trực tuyến này gây ảnh hưởng và tác động khiến người tiêu dùng chi tiêu gần 30 tỷ USD khi mua sắm.

Trong năm 2018, Amazon đã bắt đầu ra tay xóa bỏ nạn đánh giá ảo. Kết quả là hàng trăm cửa hàng trên Amazon tại Mỹ đã bị đóng tài khoản.

Tham khảo: BusinessInsider