Được chồng trả "lương" để nghỉ làm, ở nhà chăm con và đây là những điều quý giá tôi đã học được sau khoảng thời gian "sóng gió" ấy

Minh Kiên, Theo Helino 08:10 24/09/2019

Melissa quyết định nghỉ công việc hiện tại để ở nhà tập chung chăm con sau khi sinh với mức giá 15 USD một giờ do chính chồng trả, nhưng có vẻ như cô đã lầm khi nghĩ "làm mẹ" cũng sẽ giống những công việc khác.

"Phụ nữ nên đi làm hay nghỉ việc ở nhà chăm con, lo toan việc nhà?", đây là nỗi băn khoăn của rất nhiều ông bố bà mẹ ngày nay. Đã có nhiều người từng lựa chọn gác lại sự nghiệp để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho gia đình nhỏ nhưng kết quả lại khiến họ thất vọng và tiếc nuối bởi "công việc làm mẹ" chưa bao giờ là dễ dàng cả.

Hãy đến với câu chuyện của người phụ nữ tên Melissa Petro dưới đây để có thêm một góc nhìn mới về vấn đề này. Thay vì ở nhà phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, cô đã thương lượng để được trả lương cho việc làm mẹ, chăm con toàn thời gian.

*Bài viết của Melissa Petro, một tay viết tự do sống ở thành phố New York.

Trước khi làm mẹ, tôi và chồng đều có một vai trò ngang hàng nhau trong mối quan hệ này: Chúng tôi đều có việc làm toàn thời gian - anh ấy là chuyên gia tư vấn trong ngành truyền thông kỹ thuật số, còn tôi là một cây viết tự do - cả hai cùng đóng góp 50 - 50 cho quỹ gia đình. Việc nhà cũng được phân chia đồng đều giữa tôi và anh.

Cuộc sống vợ chồng cứ đều đều như thế cho đến khi tôi mang bầu và sinh con, đứa bé ra đời cũng là lúc sự bình đẳng giữa cả hai "khăn gói ra đi". Quá mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần, bị sốc với việc quán xuyến việc nhà, từ lúc mở mắt ra cho đến khi đặt lưng xuống giường đều xoay quanh chuyện chăm con, tôi đã không nghĩ rằng mình từng bận bịu đến thế. Chưa hết đâu, dù khá thành công với nghiệp viết nhưng thu nhập cả năm trời của tôi trong nghề này cũng gần như chẳng đủ để chi trả cho dịch vụ chăm sóc trẻ toàn thời gian.

Được chồng trả lương để nghỉ làm, ở nhà chăm con và đây là những điều quý giá tôi đã học được sau khoảng thời gian sóng gió ấy - Ảnh 1.

Melissa Petro.

Và sau khi nghỉ thai sản, thay vì quay trở lại đi làm như trước đây, tôi đã thuyết phục chồng đồng ý với thỏa thuận mới này: Đó là chúng tôi sẽ không thuê người giữ trẻ hay gửi đứa con 4 tháng tuổi đến trung tâm chăm sóc trẻ nữa mà tôi sẽ đích thân chăm con, làm việc nhà và lo mọi thứ khác trong gia đình. Ngắn gọn lại là chồng chỉ việc đi làm còn chuyện nhà cứ để tôi lo. Hàng tháng, chồng sẽ trả lương cho tôi, số tiền sẽ được tính bằng số giờ làm một tuần nhân với lương theo giờ. Dù anh ấy lo rằng tôi sẽ không bằng lòng chuyện từ bỏ sự nghiệp nhưng cuối cùng anh hiểu được tôi đã quyết tâm như thế rồi nên anh cũng đồng ý.

Cả hai chúng tôi đều cố gắng làm mọi thứ tốt nhất cho gia đình và hôn nhân. Nhưng giờ đây, khi ngồi nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngây thơ và chẳng hề suy nghĩ rõ ràng gì. Dù ý tưởng trên không hề tệ nhưng vấn đề về bình đẳng trong hôn nhân hết sức phức tạp. Dưới đây là những điều quý giá mà tôi đã học được sau khoảng thời gian làm việc tại gia.

Làm mẹ là một công việc khó khăn nên đừng hạ giá bản thân

Theo trang web Salary.com, nếu một bà mẹ ở nhà được trả lương đúng với công sức bỏ ra thì một năm người phụ nữ ấy sẽ nhận được một khoản tiền lên tới 162,000 USD. Trong trường hợp của mình, tôi đã tính mức lương theo giờ cho công việc làm mẹ là chỉ khoảng 15 USD một giờ. Sau khi tính toán cân đối, số tiền chênh lệch rơi vào khoảng 1200 USD, bởi vì tôi cũng cần chi trả cho các khoản phí cá nhân như tiền cà phê, làm tóc, quà cáp,... Nói một cách khác, sống bằng "nghề làm mẹ" là chưa đủ, tôi sẽ phải làm thêm việc khác để có thêm thu nhập.

Vào vị trí của mình ở thời điểm đó, tôi thấy đây là một lợi thế: Tôi chưa từ bỏ sự nghiệp hoàn toàn, tôi nghĩ thế và cho rằng mình vẫn có thể tranh thủ hoàn thành các bài viết trong lúc con ngủ trưa. Ngẫm lại, tôi thấy đáng ra phải thương lượng với chồng ở mức giá cao hơn.

Được chồng trả lương để nghỉ làm, ở nhà chăm con và đây là những điều quý giá tôi đã học được sau khoảng thời gian sóng gió ấy - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cẩn thận với scope creep - vượt phạm vi dự án

Lần đầu làm mẹ, tôi đã đánh giá quá cao những thứ có thể đạt được trong một ngày làm việc 8 tiếng. Sau cả một ngày dài với việc chăm con, cho con ăn, thay bỉm và chơi với con - đó là chưa kể đến rửa bát đũa, giặt đồ và dọn đồ chơi - tôi chẳng có chút thời gian nào cho công việc tay trái của mình nữa. Tìm bài làm không phải là vấn đề nhưng để hoàn thành nó lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Làm nghề cha mẹ toàn thời gian thậm chí còn khó kiểm soát hơn sau khi con tôi thay đổi giờ giấc ngủ và biến đổi nhanh hơn.

Nhưng bởi vì chúng tôi đã đồng ý rằng đây chính là việc của tôi, đến cuối ngày mà việc nhà chưa xong thì vẫn là trách nhiệm của tôi. Dĩ nhiên rồi! Chồng dù có phụ bế con hay làm gì thì đó vẫn chỉ là "giúp". Bởi sau tất cả, tôi đã được trả tiền để làm việc.

Nhưng rồi, mọi chuyện dần thay đổi, không đến mức quá xa lạ nhưng vẫn khá bối rối: Trong khi tôi tự tin hơn vào khả năng làm cha mẹ của mình, thì chồng lại trùng xuống. Anh ngày càng tỏ ra kính trọng, nhường lại vị trí đứng đầu cho tôi. Sở dĩ điều đó xảy ra không phải vì tôi đã tốt hơn trong việc gấp quần áo, nấu ăn hay khống chế cơn tức giận - mà là vì tôi thường xuyên làm những việc này hơn, đến cuối cùng, tôi làm nó mọi lúc, kể cả khi chồng ở nhà. Tôi làm việc 24/7 - và đã thấm đủ mệt để kiệt sức.

Hãy đàm phán lại khi cần thiết

Các chuyên gia có nói, sự kiệt sức của cha mẹ là kết quả của sự mất cân bằng giữa yêu cầu và phần thưởng và so với một công việc, nó cũng có nhiều điểm chung: mức độ kiệt sức rất cao, cảm giác không thỏa đáng và tách rời khỏi cảm xúc.

Nếu như chồng trả lương cho tôi cao hơn - và nếu các điều khoản trách nhiệm của tôi được xác định rõ ràng hơn từ đầu - thì có lẽ tôi đã cảm thấy khác biệt về cuộc sống của một bà mẹ ở nhà cả ngày. Nhưng mà mọi chuyện lại chẳng thể được như thế, tôi đã cảm thấy không đủ năng lực, chẳng được thỏa mãn, mệt mỏi, kiệt sức và bực bội.

Sau một năm nuôi dạy con toàn thời gian, tôi đã đạt đến giới hạn của mình. Tôi biết mình phải làm gì vào ngày tôi thấy mình ngồi khóc nức nở trong bồn tắm, để mất điện thoại (một lần nữa) sau khi vô tình xóa bài viết đã dành cả buổi chiều để làm khi con trai Oscar thức dậy sớm hơn sau giờ nghỉ trưa.

May mắn thay, khi thấy tôi vật lộn với rắc rối này, chồng đã bắt đầu trả nhiều hơn cho các khoản phí chung của gia đình (về cơ bản là tăng lương cho tôi). Anh cũng tự giác làm việc nhà và chăm sóc con cái thường xuyên hơn mà không cần đợi tôi yêu cầu. Và tôi đã thuê một trợ lý. Với một khoản nhỏ trong thu nhập của mình, tôi đã tìm được một người có thể trông con giúp tôi 3 tiếng một ngày để tôi có thể toàn tâm làm việc khác.

Hai vợ chồng tôi đã học được bài học quý giá

Điều đặc biệt trong câu chuyện của tôi là chẳng lâu sau, chồng tôi mất việc, buộc chúng tôi phải hoán đổi vị trí cho nhau. Anh ấy chịu trách nhiệm làm việc nhà, bao gồm cả việc chăm con, còn tôi lại đi làm toàn thời gian.

Từ khi đi làm lại, tôi nhận ra mình đã bỏ lỡ sự nghiệp như thế nào khi khả năng kiếm tiền của tôi đã tăng lên rất nhiều nhờ một phần không nhỏ vào kỹ năng quản lý thời gian và kĩ năng làm việc đa nhiệm mà tôi đã mài giũa trong suốt thời kỳ làm mẹ ở nhà.

Được chồng trả lương để nghỉ làm, ở nhà chăm con và đây là những điều quý giá tôi đã học được sau khoảng thời gian sóng gió ấy - Ảnh 3.

Trong khi đó, chồng giờ đây đã thấm thía những khó khăn tôi phải trải qua trong năm qua. Đã nhiều hơn một lần, khi tôi trở về nhà sau một ngày làm việc tại văn phòng thì thấy cảnh anh chồng vốn điềm đạm lại đang giàn giụa trong nước mắt, choáng ngợp và nản lòng bởi những nhiệm vụ tưởng đơn giản mà lại khó nhằn vô cùng.

Cuối cùng, gia đình tôi đã học được một bài học quý giá: Chăm sóc một đứa trẻ mới biết đi trong khoảng hơn 12 giờ mỗi ngày là một công việc khó khăn, khó hơn những gì mà vợ chồng chúng tôi từng tưởng tượng. Và khi chồng tìm được công việc mới, chúng tôi đã quyết định giao việc chăm sóc con lại cho các chuyên gia. Oscar sẽ đi nhà trẻ cả ngày trong thời gian tới.

(Theo businessinsider)