Đừng tưởng bạn đã biết: Khaisilk Hàng Gai nói "khăn Tàu" 100% là lụa tơ tằm - nghĩa là gì?

Hoa Hướng Dương, Theo Trí Thức Trẻ 22:00 26/10/2017

Sau khi lô 60 sản phẩm khăn thương hiệu Khaisilk bị phát hiện dòng chữ "made in China", đại diện cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai khẳng định chất liệu khăn làm từ 100% lụa tơ tằm.

Thông thường, khi nghe đến khái niệm 100% thì nhiều người có thể nghĩ ngay câu này nghĩa là: Lô 60 khăn có mác "made in china" lẫn mác "made in Vietnam" này làm từ "lụa tơ tằm nguyên chất" - nhưng có vẻ không phải như vậy.

Theo cách giải thích của đại diện cửa hàng Khaisilk Hàng Gai được đăng tải trên báo chí, có lẽ chúng ta phải hiểu là: những chiếc khăn này chất liệu hoàn toàn (100%) làm từ lụa tơ tằm. Còn, lụa tơ tằm đó là "nguyên chất" hay "không nguyên chất" thì chưa thể khẳng định. 

Đáp án cho cả hai vấn đề nêu trên (có phải làm hoàn toàn từ lụa tơ tằm, có phải lụa nguyên chất không) thì phải chờ cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận. 

Bài viết dưới đây chỉ bàn về một khái niệm hẳn là chúng ta nghe nhiều nhưng chưa chắc đã hiểu bản chất của nó: lụa tơ tằm nguyên chất là gì? Có bao nhiêu loại lụa tơ tằm?

Thế nào là lụa tơ tằm nguyên chất? 

Từ rất xa xưa, khoảng 5.000 năm TCN ở Trung Quốc đã biết cách nuôi tằm lấy tơ để có thể tạo thứ sản phẩm tốt nhất mà đến tận ngày nay, dù nhiều loại tơ sợi nhân tạo cao cấp được chế ra nhưng lụa tơ tằm tự nhiên vẫn không hề đánh mất vị thế hàng đầu của mình.

Ở nước ta, nghề nuôi tằm lấy tơ cũng đã xuất hiện rất sớm, từ những buổi đầu dựng nước thời Hùng Vương. 

Tùy thuộc vào loại lá mà loài tằm được cho ăn thì loại tơ mà chúng nhả ra lại khác nhau, gồm 4 loại tơ tằm tự nhiên: Tơ tằm dâu, tơ tằm thầu dầu lá sắn, tơ tằm sồi và tơ tằm tạc. 

Trong đó, tơ tằm dâu chiếm đại đa số, tới 95% sản lượng tơ trên thế giới. Tơ tằm dâu cũng là loại tơ tằm được ưa chuộng nhất.

Thậm chí, từng loại tằm khác nhau cũng cho ra các sản phẩm lụa khác nhau, mà nổi tiếng nhất là loài Bombyx mori - là ấu trùng của các loài sâu bướm.

Trong khi đó, loại tằm được nuôi phổ biến trong ngành công nghiệp tơ lụa lại là loại đã được thuần hóa (không như tơ tằm sâu bướm nêu trên), dễ nuôi, cho năng suất và chất lượng cao. Quy trình nuôi tằm cũng cực kỳ công phu, phức tạp, để đảm bảo chất lượng loại tơ mà chúng nhả ra phải sáng bóng, thẳng, đều và có độ bền cao.

Đừng tưởng bạn đã biết: Khaisilk Hàng Gai nói khăn Tàu 100% là lụa tơ tằm - nghĩa là gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, một sản phẩm lụa như thế nào thì được gọi là "nguyên chất" (không có các chất liệu khác ngoài tơ tằm)?

Thực tế, trên thị trường cũng có rất nhiều loại lụa tơ tằm không hề "nguyên chất", như là lụa tơ tằm có pha với sợi cotton hay pha với sợi polyester... và chúng được gọi là lụa pha. 

Còn khi nói tới sản phẩm lụa tơ tằm nguyên chất, thì hàm lượng tơ tằm trong sản phẩm lụa phải là 100% tơ tằm (nếu ít hơn, kể cả 99% tơ tằm, thì cũng không được là nguyên chất nữa rồi)!

Lụa nguyên chất khác lụa pha như thế nào? Đây là cách phân biệt!

Lụa nguyên chất được mô tả là có đặc tính thấm hút mồ hôi và không bị dính vào da, lại mềm mượt thông thoáng dễ chịu, không gây kích ứng da (do có protein sericin), và không gây nên hiện tượng tĩnh điện. Chúng cũng mềm mại, nhẹ hơn các loại lụa pha rất nhiều.

Đừng tưởng bạn đã biết: Khaisilk Hàng Gai nói khăn Tàu 100% là lụa tơ tằm - nghĩa là gì? - Ảnh 2.

Lụa nguyên chất sẽ mềm mại và nhẹ hơn lụa pha. Nguồn: AliExpress

Mặc dù khác nhau nhưng để phân biệt được bằng cảm quan là chạm tay hay bằng mắt thường không phải là điều dễ dàng mà cần sự tinh tế, hiểu biết, chỉ người trong nghề mới có thể phân biệt được.

Một cách đơn giản để phân biệt một mẫu lụa là nguyên chất hay pha như sau: Đốt bằng lửa, nếu có mùi khét như tóc (vì tơ tằm có cấu trúc protein như tóc người) và chuyển thành bột, vỡ tan khi xoa nhẹ, thì đó chính là lụa nguyên chất 100%.

Nếu có mùi khét lạ, vón cục, cứng và đen, xoa khó vỡ ra thì đó là lụa pha. Xem video:

* Tham khảo từ các nguồn: Lilysilk, Manitosilk, Phunuvietnam