Đừng than thở kể khổ khắp mọi nơi, cuộc sống đã đủ bận rộn rồi, ai còn bận tâm đến rắc rối của người khác

Mèo Maverick, Theo Nhịp sống kinh tế 09:20 16/02/2019

Mỗi sáng tỉnh dậy hãy thử nói với mình một tin tốt lành khiến bản thân vui vẻ. Bạn là người thế nào sẽ thu hút được những người thế ấy.

Hồi học cấp II, tôi thấy mình rất khổ, sống xa bố mẹ, tha hương nơi đất khách quê người để đi học, trong lòng lúc nào cũng thấy tủi thân rồi cả sự hoang mang của lứa tuổi dậy thì. Tôi muốn tâm sự với một giáo viên trẻ nhưng cô giáo lại chẳng có thời gian để bận tâm tới.

Khi ấy tôi đã biết, đừng đi khắp nơi kể khổ, chẳng ai có trách nhiệm giải đáp hay an ủi bạn, chẳng ai muốn nghe bạn than thở oán trách, không khéo còn trở thành trò cười cho người khác. Điều này cũng khiến tôi hình thành tính nhẫn nhịn và không thích những người có thói quen kể lể than vãn.

Tôi từng nghe nhiều người kể về sự hoang mang, oán trách, tủi thân của mình, cứ như cả thế giới đều đang ức hiếp họ vậy. Có lúc tôi còn nhận được những lá thư chia sẻ người viết đi tới đâu gặp khó khăn tới đó, ban đầu tôi cũng chăm chỉ trả lời nhưng lại phát hiện thư trả lời của đối phương chỉ có hai câu: “Cảm ơn. Tôi sẽ cố gắng”.

Nói thẳng ra, họ kể lể với tôi không phải để tìm phương án giải quyết, càng không cần tôi đồng cảm hay giúp đỡ. Lâu dần, nhìn những lá thư chỉ toàn kể lể oán trách tôi không trả lời nữa. Có người bảo tôi lạnh lùng, cao ngạo, thật ra tôi không muốn thành cái thùng rác chứa đầy năng lượng tiêu cực của người khác.

Trên thế giới này chỉ có một kiểu người tự nguyện chấp nhận năng lượng tiêu cực của người khác, đó là những người làm tư vấn tâm lý, nhưng bạn phải trả họ tiền. Còn lại, có lẽ ngay bố mẹ cũng chẳng thể nào ngồi nghe bạn kể lể than vãn cả ngày mà chẳng chịu làm gì để thay đổi.

Đừng than thở kể khổ khắp mọi nơi, cuộc sống đã đủ bận rộn rồi, ai còn bận tâm đến rắc rối của người khác - Ảnh 1.

Tôi có một anh bạn đồng nghiệp khá thân, cái gì cũng tốt nhưng lại rất hay than vãn. Dù mọi người đi đâu chơi, ăn gì, lúc nào và dù sau này chúng tôi đã chuyển sang công ty khác, anh ấy vẫn không ngừng than vãn về công việc, đồng nghiệp, cấp trên, cứ như anh ấy đi đến đâu cũng không gặp được người tốt.

Ban đầu tôi và một người đồng nghiệp còn an ủi anh ấy, về sau chỉ biết im lặng mà nghe, muốn ăn thì ăn muốn uống thì uống, không nói bất kỳ điều gì vì điều cần nói đã nói, chẳng biết nói gì thêm. Về sau mỗi lần tụ tập chúng tôi đều băn khoăn có nên gọi anh ấy đến hay không, không gọi thì áy náy, mà gọi thì lại phải nghe anh ấy oán trách, chẳng vui vẻ gì.

Đi làm có bất mãn cũng là chuyện bình thường. Nhưng ca thán quá nhiều, đồng nghiệp và cấp trên sẽ cho rằng năng lực của người này có vấn đề, khả năng giao tiếp và làm việc quá kém.

Thật ra ai cũng muốn nghe những điều tích cực. Cuộc sống đã đủ khó khăn rồi, ai còn bận tâm đến rắc rối của người khác?

Dù đôi khi bạn bè với nhau những lúc buồn chán vẫn có nhu cầu tâm sự, nhưng ca thán quá nhiều thì chẳng ai chịu nổi. Sau khi người ta khuyên bạn một hai lần, thấy bạn chẳng có ý định thay đổi, thì chẳng ai đủ kiên nhẫn mà nghe tiếp nữa.

Nếu cả ngày chỉ mãi phiền lòng và bận tâm tới những chuyện nhỏ nhặt, thì bạn chẳng bao giờ làm được việc lớn.

Đừng than thở kể khổ khắp mọi nơi, cuộc sống đã đủ bận rộn rồi, ai còn bận tâm đến rắc rối của người khác - Ảnh 2.

Người trẻ trẻ thường phiền muộn chuyện gì? Thật ra, tuổi trẻ ai mà không trải qua những lúc cuộc sống khó khăn, bất mãn trong công việc. Bố mẹ không hiểu, bạn bè không tin, giấc mơ bước ra ngoài hiện tại, bản thân bất lực không biết phải giải quyết thế nào.

Bạn cho rằng bản thân bất hạnh nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. So với cuộc đời thăng trầm của các vĩ nhân, vấn đề của bạn chẳng hề tiêu cực như bạn nghĩ: Người khác có thể dựa vào quan hệ để giành học bổng, đồng nghiệp giở trò với bạn, bố mẹ không ủng hộ, bạn lang bạt ở thành phố lớn, bản thân lại mắc bệnh thoái hóa đốt sống ngủ không được… Khi quay đầu nhìn lại quá khứ, bạn sẽ nhận ra bản thân đã ấu trĩ tới mức nào, sao lại có thể vì chuyện nhỏ nhặt như thế mà khóc lóc mấy đêm liền.

Nhiều người cho rằng, cuộc sống của mọi người xung quanh có vẻ rất tốt, họ thật may mắn khi không gặp phải bất cứ phiền muộn hoang mang nào.

Trên thực tế mọi người đều giống nhau, chỉ là người ta không muốn để bạn nhìn thấy thôi. Tôi có quen một người khá nổi danh, nhỏ hơn tôi hai tuổi, là giám đốc công ty quảng cáo và từng có tác phẩm đoạt giải thưởng quảng cáo Cannes. Ngoài ra cậu ta còn là một tác giả, MC truyền hình, chuyên viên tư vấn tâm lý cấp II quốc gia, chuyên gia thôi miên, quản lý nhân sự cấp II.

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy đó là điều không thể, chỉ là chuyện bịa đặt. Nhưng bạn không biết, cậu ta chưa từng ngủ trước ba giờ sáng, gần như ngày nào cũng cập nhật chương mới của tác phẩm văn học đang làm, mỗi chương phải hơn 3.000 chữ. Cậu ta chưa bao giờ kể khổ với tôi, cũng không nói xấu ai. Cậu ta thường nói: “Phải cố gắng và nỗ lực hơn nữa”, chứ chẳng bao giờ dùng mấy lời vớ vẩn sáo rỗng.

Hai năm nay, tôi quen rất nhiều những nhân vật mới nổi trên Douban, một vài người trong số họ bắt đầu từ con số mấy trăm người theo dõi, đến nay đã lên đến mấy vạn người . Tôi lặng lẽ theo dõi họ ngày ngày vất vả cập nhật những bài viết dài cả vài nghìn từ.

Trong số họ, có người cầm đồng lương ít ỏi kiên trì nuôi ước mơ, có người tranh thủ thâu đèn viết bài khi tan ca, có người đã là một bà mẹ nghỉ sinh nhưng không nghỉ viết… Cuộc sống như thế có lẽ quá vất vả và không như bạn muốn, có lẽ cũng chẳng có lợi cho sức khỏe. Nhưng đó lại chính là ước mơ của họ.

Tôi đoán, họ đều từng trải qua những áp lực vì thiếu thời gian, nỗi cô độc khi tác phẩm của mình không có người đọc, cũng có thể từng muốn lên giường đi ngủ khi ngồi dưới ánh đèn vàng. Nhưng tôi chẳng bao giờ nghe thấy họ than vãn, chỉ thấy những tác phẩm được cập nhật từng ngày giống như một bức ảnh đại diện cho họ, bình thản, độc lập và dần dần được mọi người biết đến.

Đừng để bạn trong tương lai chán ghét chính mình ở hiện tại. Cảm giác mơ hồ hoang mang ai cũng có, nhưng thành công chỉ đến với người dũng cảm hành động. Đừng để thanh xuân của bạn bị nhấn chìm trong những oán trách và than phiền, cũng đừng biến mỗi cuộc gặp gỡ bạn bè thành buổi gặp của những “thím Tường Lâm” (nhân vật chính trong tiểu thuyết Chúc Phúc của Lỗ Tấn, trong cuộc sống luôn gặp phải nạn tai, bất tường, chẳng phải “cát tường như lâm”, “vận khí đặc hảo” gì cả. Vì thế, tên gọi “Tường Lâm tẩu” càng phản ánh một cách sâu sắc tính bi kịch của nhân vật và câu chuyện).

Nếu bạn không muốn bị năng lượng tiêu cực bủa vây, hãy thử nói về những đề tài vui vẻ hơn, như những người đang dũng cảm tích cực lập nghiệp kia, “hấp thụ” nhiều năng lượng tích cực từ những người xung quanh để đôi mắt của mình luôn tỏa sáng.

Mỗi sáng tỉnh dậy hãy thử nói với mình một tin tốt lành khiến bản thân vui vẻ. Bạn là người thế nào sẽ thu hút được những người thế ấy.

*Trích sách Khi tài năng không theo kịp giấc mơ của tác giả Mèo Maverick.