Đừng dạy trẻ con cách làm toán hay lập trình, hãy dạy chúng biết làm bạn và biết ước mơ!

M.W, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 01/04/2017

Đừng tập trung dạy bọn trẻ quá nhiều thứ to tát, hãy tập trung dạy chúng cách mơ ước, cách dám mơ lớn, rồi mơ "tới".

Tôi có con em năm nay 8 tuổi. Ngày nó đi học từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều mới về. Về nhà rồi và vội bát cơm rồi tiếp tục đi học năng khiếu, hôm nhạc, hôm hoạ, hôm ôn Tiếng Anh. Thời gian chơi của con bé thì vẫn có, nhưng mẹ tôi thì cứ muốn nó tiếp thu được nhiều kiến thức nữa, chứ không dừng lại ở mức trên lớp giảng bài.

Nó, hay các bạn đồng trang lứa khác, ngày nay phải cắp theo mớ kiến thức nhiều gấp ba gấp bốn lứa tuổi của chúng, chỉ để đáp ứng được nhu cầu học hành, phấn đấu cố được điểm cao, rồi đích đến cuối cùng là tấm bằng khá giỏi sau khi ra trường.

Viễn cảnh đặt ra cho con bé ở đây là sau này nó lớn lên sẽ giải toán thật nhanh, làm văn thật hay, ngoại ngữ nói lưu loát và còn cầm kỳ thi hoạ mỗi thứ một chút.

Nhưng tình trạng chung thì vẫn là bao nhiêu học sinh sinh viên giỏi thất nghiệp, tồn động bao nhiêu là kỹ sư, cử nhân lăn lóc ngoài đường chẳng chỗ tiếp nhận. Thế thì rốt cục học giỏi để làm gì, khi mà học giỏi xong ra đời vẫn bằng không.

Vậy nên câu hỏi đặt ra ở đây là: Làm sao để bọn trẻ như em tôi, và thế hệ sau này nữa, có thể sống hạnh phúc, hay ít nhất là yên ổn trong tương lai mà mọi việc chắc chắn không có dấu hiệu yên bình hơn so với bây giờ?

Chúng ta từ trước đến nay định nghĩa về một đứa trẻ giỏi giang thường dựa trên số bằng cấp hay danh hiệu mà nó có. Rằng họ học trường nào, có nổi tiếng không, đầu vào thế nào, đầu ra có tốt không, đi thi học sinh giỏi cấp gì. Chúng ta lấy toán, văn, những con số và phép tính ra làm thước đo chuẩn mực cho một con người, rồi nhìn nhận nó như nấc thang đẹp nhất để đưa chúng ta thoát khỏi kiếp nghèo nàn.

Đừng dạy trẻ con cách làm toán hay lập trình, hãy dạy chúng biết làm bạn và biết ước mơ! - Ảnh 1.

Minh chứng rõ ràng nhất, so sánh giữa một người có bằng cấp và một người chỉ học hết cấp 3, dù người học hết cấp 3 kia có giỏi giang đến đâu thì vẫn luôn dính cái dớp "chưa có bằng đại học". Và một khi bạn dính vào cái dớp ấy rồi, mọi thứ trên đời sẽ trầy trật hơn nhiều. Công ty phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa bạn lên vị trí cao hơn, công cuộc tuyển dụng đối với người chưa có bằng cấp cũng lắm chông gai. Nói chung, không có bằng cấp là cuộc đời trải gai. Người học càng nhiều, càng lâu thì càng giỏi, càng có giá trị.

Các bậc phụ huynh đương nhiên ý thức rất rõ về chuyện này. Họ ráo rút đầu tư cho con trẻ ngay từ khi chúng chỉ mới lững chững trong nhận thức. Họ cho con đi học Ngoại ngữ, sau này con có thể đi du học. Họ cho con học đàn để sau này con là thiên tài âm nhạc. Họ cho con đi học cái này cái kia để con có cuộc đời sung sướng.

Nhưng thời đại bây giờ chúng ta có công nghệ kỹ thuật tân tiến. Máy móc có thể thay thế con người làm nhiều thứ, ví dụ như Ngoại ngữ thì đã có Google dịch đảm đương, rồi người ta còn đang nghiên cứu chế tạo robot sản xuất đủ thứ, từ thuốc cho tới các sản phẩm giải trí tinh thần. Vậy là nhiều bậc phụ huynh nhìn thấy viễn cảnh này tìm ra giải pháp khác: Cho con học lập trình, sau này nó sẽ làm vương làm tướng ở thời đại công nghệ.

Các lớp học ngày nay đều khá đủ đầy công nghệ tân tiến. Sóng WiFi có ở khắp mọi nơi, máy chiếu, máy tính bảng, điện thoại thông minh tràn lan cho lũ trẻ cơ hội tiếp cận với mọi tri thức của nhân loại. Thế giới ngày càng tân tiến và thay đổi, nhưng giáo dục thì dường như vẫn cứ giậm chân tại chỗ với hằng hà sa số các phép tính hay cách đặt câu, công thức vật lý hoá học.

Đừng dạy trẻ con cách làm toán hay lập trình, hãy dạy chúng biết làm bạn và biết ước mơ! - Ảnh 2.

Chúng ta dường như chỉ cung cấp cho bọn trẻ các tri thức khô khan cơ bản của cuộc đời, để chúng có thể sống sót, tồn tại đủ đầy nhưng lại dạy chúng rất ít về cách để tận hưởng cuộc đời ấy. Kết quả, chúng ta tạo ra một đội ngũ mọt sách, giáo sư, nhưng chẳng hề hạnh phúc, luôn đeo trên mình trĩu nặng những ưu tư. Chúng ta luôn sẵn sàng cho bọn trẻ thử nghiệm phương pháp học tập mới, cho chúng theo học những môn học đang thịnh hành. Chúng ta quan niệm rằng mình đang trang bị cho lũ trẻ những lợi thế tốt nhất có thể, nhưng nhỡ tương lai chẳng cần đến những lợi thế ấy nữa thì sao?

Và chúng ta cũng quên mất rằng, đôi lúc bọn trẻ chẳng cần đến những điều to tát ấy, mà vô tình chúng ta đang buộc lên lưng chúng những hòn đá trách nhiệm nặng nề.

Con người là giống loài có khả năng thích ứng rất cao, bằng chứng là chúng ta có thể xoay sở sống sót ở mọi nơi mà chúng ta muốn, bất cứ hoàn cảnh nào nếu chúng ta tự trở nên mạnh mẽ. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải lo lắng đến chuyện cung cấp áo giáp, vũ khí cho bọn trẻ khi mà chúng hoàn toàn có thể tự mình trang bị cho bản thân? Thay vì trực tiếp vũ trang cho chúng, tại sao không hướng dẫn chúng cách để giành được lợi thế cho mình bằng chính công sức của mình.

Chúng ta, với vai trò là những người đi trước, hãy hướng dẫn, hãy chỉ bảo dẫn dắt bọn trẻ bước những bước đầu tiên trên con đường dẫn đến tương lai.

Nền móng cơ bản nhất của mọi thành công chính là ước mơ. Đừng tập trung dạy bọn trẻ quá nhiều thứ to tát, hãy tập trung dạy chúng cách mơ ước, cách dám mơ lớn, rồi mơ "tới". Một khi có được sự liều lĩnh trong tư tưởng ước mơ, chúng sẽ có được sự liều lĩnh để thực hiện ước mơ đó.

Hãy để tương lai ở đó, để cho bọn trẻ tự bươn. Chúng ta đang sống ở thời đại mà kiến thức, thông tin, mọi thứ đều có thể tìm thấy và vay mượn từ Internet. Cái bọn trẻ cần là tinh thần tỉnh táo để chọn lọc thông tin, kèm theo đó là kỹ năng kiếm tìm trên mạng. Đứa em 8 tuổi của tôi hiện nay có thể sử dụng Google nhoay nhoáy để kiếm tìm những thứ nó thắc mắc, thay vì sục sạo trong thư viện cả ngày trời mà chưa chắc đúng ý, và nhiều đứa trẻ khác cũng có thể làm tương tự.

Đừng dạy trẻ con cách làm toán hay lập trình, hãy dạy chúng biết làm bạn và biết ước mơ! - Ảnh 3.

Điều này không có nghĩa là chúng ta chẳng còn cần đến kỹ năng viết tay thật đẹp khi mà bây giờ mọi thứ đều được viết trên bàn phím máy tính. Không có nghĩa là chúng ta có thể tự do nói ngọng, nói sai và để mặc cho công nghệ, các phần mềm nhận diện giọng nói, phần mềm kiểm tra chính tả tự sửa lại cho mình.

Cái để nói ở đây là chúng ta nên ưu tiên phát triển khía cạnh gì cho con trẻ khi công nghệ đã đảm đương hầu hết nhiệm vụ cơ bản của con người. Toán học, logic là rất cần thiết, nhưng con người cần phải tư duy trừu tượng hơn, từ lối tư duy trừu tượng người ta mới có thể sáng tạo và làm nhiều điều vượt khuôn khổ giới hạn mà máy móc bị hạn chế chứ.

Từ đó, tôi nghiệm ra một điều, rằng chúng ta nên bồi dưỡng nhiều hơn những khía cạnh nhân bản nhất của con người. Trường học và nền giáo dục, theo tôi, cũng nên tập trung vào việc trồng người nhiều hơn nữa, cân bằng với sự nghiệp trồng kiến thức, trồng giáo sư. Cơ bản nhất trong việc bồi dưỡng nhân cách con người, có thể kể đến các khía cạnh sau:

Các mối quan hệ

Nên nhớ, thế giới này được tạo dựng nên thông qua các mối quan hệ giữa người với người.

Khi mà con người không phải đấng toàn năng, việc một lúc giỏi tất cả mọi việc và tự mình xoay sở những công việc ấy không phải là điều khả thi. Bạn không cần phải biết cách lập trình nhoay nhoáy, biết cách bơi đủ mọi tư thế, làm bánh thật ngon, tính tiền không một sai sót, nhưng bạn cần phải biết những người giỏi chuyện ấy và làm sao để họ giúp mình.

Giáo dục trong tương lai nên hướng hơn đến việc dạy dỗ bọn trẻ cách để xây dựng nên các mối quan hệ lâu dài, tin tưởng. Ở thời đại ngày nay, tin nhắn đang dần thay thế các cuộc gọi điện trực tiếp, thư điện tử có thể thay thế các cuộc họp, người ta ngắm nhau qua các con chữ nhiều hơn là gặp mặt trực tiếp và tỏ bày yêu đương.

Đừng dạy trẻ con cách làm toán hay lập trình, hãy dạy chúng biết làm bạn và biết ước mơ! - Ảnh 4.

Thế hệ ngày nay thường xuyên mang trong mình một sự cô đơn thầm lặng, làm bạn với smartphone và đồ công nghệ là nhiều. Bởi thế lại càng làm nổi bật tầm quan trọng của các mối quan hệ. Chúng ta cần dạy bọn trẻ cách lắng nghe, phải dạy chúng cách trò chuyện với nhau, chứ không phải học cách bấm 1500 ký tự trong vòng nửa giây.

Tính tò mò

Nhờ có smartphone, Internet, việc kết nối đến thế giới tri thức trở nên dễ dàng hơn cả. Thứ duy nhất giới hạn chúng ta chính là tính tò mò, tính ham học hỏi của mỗi người mà thôi. Rõ ràng, đồ ăn bày ra trước mắt, cái quan trọng là muốn ăn hay không.

Tính tò mò khiến chúng ta có ham muốn được tiếp nhận kiến thức, lùng sục kiến thức, xây dựng nên mối quan hệ với những người giỏi giang mà chúng ta cần được học hỏi. Càng học hỏi, con người càng phát triển và trở nên có giá trị hơn, thay vì chỉ chăm chăm chỉ vào cái bằng mà mình đạt được rồi giậm chân tại chỗ. Muốn bọn trẻ giỏi? Kích thích chúng phải tò mò!

Sự nhanh nhẹn

Ngay ở thời điểm hiện tại, việc tưởng tượng ra viễn cảnh sự nghiệp của mình trong tương lai gần đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta không thể biết được người ta cần đến kỹ năng gì, sẽ có thêm những nghề gì nữa, sẽ có những cơ hội nào mở ra trước mắt. Bởi thế, cái ăn tiền ở đây là sự nhanh nhẹn thích ứng, phải nắm được thời cơ ngay khi nó chỉ tờ mờ tới.

Hãy làm quen với tương lai mà một thanh niên 25 tuổi có thể phải một lúc kiếm tiền từ 3-4 công việc khác nhau, bởi vậy hãy trang bị cho bọn trẻ khả năng nhanh nhẹn nắm bắt cơ hội sau này, cũng như sự linh hoạt với chính bản thân mình.

Sự sáng tạo

Ai ai trong chúng ta sinh ra cũng đều mang trong mình tính tò mò và khả năng sáng tạo. Cái chính là chúng ta có thể duy trì được nó cho đến tận mai sau không mà thôi.

Nên nhớ, bàn tay con người có thể làm nên tất cả, nhưng chính sức tưởng tượng mới khiến chúng trở nên khác biệt và có giá trị hơn. Chẳng phải tự nhiên mà người ta trả lương cho bộ phận ý tưởng nhiều hơn so với công nhân lao động bình thường. Đấy, thay vì bắt một đứa trẻ giải được 10 bài toán thật nhanh, hãy dạy chúng cách giải một bài toán theo nhiều phương pháp khác nhau, để chúng tự tập cho mình thói quen tư duy theo nhiều chiều hướng. Đây cũng chính là gốc rễ cho sự linh hoạt sau này mà.

Sự đồng cảm

Chúng ta cần biết rằng chúng ta khác biệt so với mọi người, vì vậy chúng ta càng cần biết cách phải tìm mối tương quan với nhau để đi đến mục đích tối thượng nhất là tạo nên các mối quan hệ. Trong thế giới mà càng ngày càng trở nên chia rẽ ngày nay, chúng ta buộc phải tạo nên những cây cầu, tạo ra những cộng đồng. Sự đồng cảm chính là công cụ để giúp chúng ta làm chuyện ấy.

Đừng dạy trẻ con cách làm toán hay lập trình, hãy dạy chúng biết làm bạn và biết ước mơ! - Ảnh 5.

Nếu như chúng ta nuôi dưỡng được cho bọn trẻ tính sáng tạo, tính tò mò và giúp đỡ nhau thông qua những mối quan hệ, tự nhiên chúng ta đã giúp chúng trở nên tự tin, độc lập hơn trong tương lai. Chúng sẽ nhanh nhẹn tháo vát, chúng sẽ có thể thích ứng với thế giới rối ren vội vã ngoài kia, chúng sẽ giỏi giang, hạnh phúc trong tương lai mà chính chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được bây giờ.