VIỆC QUAN TRỌNG Ở TUỔI DẬY THÌ CỦA CON
NHƯNG NHIỀU CHA MẸ không hề biết
Trong mắt các bậc phụ huynh, con cái lúc nào cũng còn nhỏ dại, cần bao bọc. Nhưng nhiều cha mẹ lại không hiểu rằng ngay trước và trong tuổi dậy thì nguy cơ con bị “tấn công” bởi HPV đã tiềm ẩn. Từ đó dẫn tới chủ quan, bỏ lỡ “thời điểm vàng” từ 9 - 14 tuổi để dự phòng HPV, dễ dẫn đến ảnh hưởng tương lai con trẻ.

Với phụ huynh, luôn là quá sớm để con trải nghiệm một điều mạo hiểm, để tự ra quyết định quan trọng, để tự lập… Nhưng chăm sóc sức khỏe, lo lắng cho tương lai của con thì không bao giờ là quá sớm. Đó là lý do cha mẹ không nên bỏ lỡ “thời điểm vàng” dự phòng HPV ngay ở tuổi dậy thì: từ 9 - 14 tuổi.

Đây cũng là độ tuổi “dở dở ương ương” người lớn thì chưa phải nhưng trẻ con cũng chưa qua của trẻ. Nhiều bất đồng giữa cha mẹ và con cái bắt đầu xuất hiện, phụ huynh muốn bảo vệ con nhưng nhắc tới “chuyện người lớn” lại sợ “vẽ đường cho hươu chạy”.

Cần phải hiểu rằng, xã hội có nhiều thay đổi và con trẻ ngày nay cũng có thể dậy thì sớm hơn vì nhiều lý do. Lúc này, con trẻ có nhiều thay đổi về mọi mặt, khao khát trải nghiệm, tìm hiểu và lớn lên nhanh hơn về cả thể chất lẫn tâm lý. Cùng với quá trình đó, con cũng phải đối mặt sớm hơn với nhiều nguy cơ về sức khỏe, bao gồm cả thể chất và tinh thần. Nếu phụ huynh né tránh hoặc có những quan niệm sai lầm, cái giá phải trả có thể rất đắt và không có gì bù đắp được.

Cha mẹ nào cũng dễ thấy con thay đổi về ngoại hình, trăn trở vì nổi mụn nhưng không phải ai cũng biết tới “nổi loạn” tuổi dậy thì, đi cùng với nguy cơ nhiễm HPV. Không khó để thấy con bắt đầu chú ý tới vẻ bề ngoài, quan tâm tới thành tích học tập, nhưng lại dễ bỏ qua việc con bắt đầu có những rung động đầu đời, những tò mò về tình dục và thế giới của người lớn. Đây là thời điểm quan trọng, một quyết định sai lầm, một nền tảng sức khỏe không tốt có thể ảnh hưởng tới cả tương lai sau này của con.

Theo báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019, tỷ lệ học sinh THCS & THPT Việt Nam có quan hệ tình dục lần đầu tiên trước 14 tuổi đã tăng gấp 2 lần, từ 1,48% (năm 2013) tăng lên 3,51%. Cũng trong khảo sát đó, chỉ khoảng 20,7% trẻ sử dụng biện pháp phòng ngừa an toàn trong quan hệ tình dục lần đầu tiên. Những con số đó đã giải thích rất nhiều hệ luỵ mà trong đó có việc HPV ngày càng gia tăng tỷ lệ mắc ở trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, thay vì bảo bọc hay cấm đoán con quá mức, cha mẹ hãy học cách giáo dục giới tính đúng cách và kịp thời. Đồng thời, hãy trang bị cho con nền tảng sức khỏe tốt nhất để bảo vệ bản thân tốt hơn. Giúp con phát triển đúng hướng và toàn diện, tránh được các nguy cơ bệnh tật có thể ảnh hưởng tương lai con sau này, trong đó có HPV.

Cũng nằm trong chương trình vì sức khỏe cộng đồng liên quan đến HPV, mới đây các bậc phụ huynh đã chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội Facebook về chiếc hộp quà “Bật mí bí mật HPV” mà mọi người nhận được. Theo đó, các hot mom nhận được một chiếc hộp quà được thiết kế rất đặc biệt. Trong hộp chứa những thẻ thông tin xoay quanh vấn đề sức khỏe tuổi dậy thì của các con. Tuy nhiên, một số thông tin quan trọng sẽ được ẩn đi dưới dạng mực UV. Những thông tin được ẩn đi chính là những điều mà bố mẹ có thể vô tình bỏ qua, mang tên HPV. Qua đó, thông điệp "HPV chẳng chừa ai. Tỏ sự thật, vững tương lai" được truyền đi mạnh mẽ, kêu gọi các bậc phụ huynh hãy nhớ rằng không bao giờ là quá sớm, tuổi dậy thì cũng không còn quá nhỏ để con được dự phòng, nhằm tránh mối nguy hiểm mang tên HPV!

Trên thực tế, HPV (Human papillomavirus) là mối lo ngại đáng được quan tâm với con trẻ bước vào tuổi dậy thì nhưng rất nhiều cha mẹ không hề hay biết. Đặc biệt, vi-rút gây u nhú ở người này có thể lây nhiễm và gây nguy hiểm cho cả nam lẫn nữ nhưng nhiều bậc phụ huynh cho rằng chỉ nữ giới mới bị nhiễm HPV, con gái bước vào dậy thì mới cần phòng chống HPV.

Ước tính có khoảng 660 triệu ca nhiễm HPV hàng năm, và 75.000 người trên thế giới bị nhiễm HPV mỗi giờ. Theo một bài viết đăng trên website của Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời ở nữ giới là 85% và nam giới là 91% nếu có ít nhất 1 bạn tình (1). Nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí The Lancet Global Health đầu tháng 9/2023 cũng chỉ ra cứ 3 nam giới thì có 1 người nhiễm HPV trong suốt cuộc đời, chủ yếu là HPV sinh dục (2).

HPV có hơn 100 chủng khác nhau, trong đó có hơn 40 chủng HPV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, các chủng lây nhiễm vào vùng sinh dục được gọi là HPV sinh dục. Độ tuổi có tỷ lệ nhiễm HPV cao nhất là từ 15 - 24 tuổi, nghĩa là con trẻ trong độ tuổi dậy thì nằm trong nhóm có nguy cơ cao (3). Trong khi đó, con trẻ bước vào giai đoạn dậy thì thường thiếu kiến thức nhưng lại thừa sự tò mò về “chuyện ấy”, là những điều mà các bậc phụ huynh sẽ không thể lường trước được, dễ dẫn tới nguy cơ đối diện với HPV. 

HPV cũng nguy hiểm hơn rất nhiều so với nhiều người thường nghĩ. Có tới 14 trong số 40 chủng HPV lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ gây ung thư. WHO cho biết, nhiễm HPV gây ra khoảng 5% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 630.000 phụ nữ và 69.400 nam giới mắc bệnh ung thư liên quan đến HPV mỗi năm (4).

Phổ biến nhất là ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, … cùng các tổn thương tiền ung thư hoặc/và loạn sản khác. Cũng không nhiều phụ huynh biết rằng, con đường lây nhiễm HPV từ tình dục không chỉ là giao hợp trực tiếp mà còn bao gồm cả quan hệ bằng miệng, quan hệ qua hậu môn.

Thêm một bí mật rất cần bật mí khác về HPV là ngoài đường tình dục, vi rút này còn có thể lây nhiễm qua nhiều nguồn khác như lây truyền từ mẹ sang con (trong trường hợp mẹ đã bị nhiễm HPV) hay qua tiếp xúc giữa niêm mạc với niêm mạc, da với da ở các vùng sinh dục như âm hộ, hậu môn, nơi bao cao su không che phủ.

Điều đáng lo là ngay cả sau khi nhiễm HPV, người bị nhiễm sẽ khó phát hiện ra là mình đã bị nhiễm và cần điều trị kịp thời. Việc nhiễm dai dẳng hoặc tái nhiễm nhiều lần các chủng HPV nguy cơ cao dẫn những tổn thương không hồi phục, và có thể tiến triển tới tiến ung thư là điều không phải bố mẹ nào cũng biết. Bởi vậy, sự chủ động trong bảo vệ sức khỏe con trẻ từ các bậc phụ huynh càng trở nên quan trọng, phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh!

Một trường học tốt, chế độ dinh dưỡng khoa học, môi trường sống lành mạnh, điều kiện kinh tế ổn định… là những điều cha mẹ nào cũng cố gắng chuẩn bị cho con bước vào tuổi dậy thì. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ.

Tại buổi tọa đàm về “Bí quyết chuyên gia Phòng ngừa HPV & chăm sóc sức khỏe tinh thần tuổi dậy thì”, Bác sĩ An Nghĩa - Phó khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, TPHCM cũng chia sẻ: Bố mẹ thường nhận diện việc dậy thì của con thông qua những hình thái bên ngoài, nhưng việc đó làm cho bố mẹ luôn chậm một nhịp so với sự phát triển của trẻ. Theo các báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho thấy HPV có có thể xảy ra từ rất sớm ngay lứa tuổi từ 9, 10, 11 tuổi. Xét về lứa tuổi có tỷ lệ nhiễm cao nhất, báo cáo từ Hoa Kỳ cho thấy rằng đó là lứa tuổi từ khoảng 15 tới 24 tuổi, 49% những đối tượng phụ nữ ở trong giai đoạn này đã có phơi nhiễm, đã từng nhiễm HPV. Chính vì vậy, việc dự phòng HPV sớm cũng là “hành trang” quan trọng vào tuổi dậy thì, giúp con tự tin và khỏe mạnh bước vào đời.

Nếu nhiễm HPV dai dẳng có thể khiến con trẻ đối mặt với vô vàn hậu quả nghiêm trọng. Bởi nếu chẳng may việc nhiễm HPV dẫn đến các bệnh lý sinh dục như sùi mào gà, sẽ khiến tâm lý của con trở nên bất ổn. Không chỉ trong giai đoạn dậy thì nhạy cảm, ngay cả sau khi đã điều trị các bệnh do HPV gây ra, trẻ vẫn có thể tự ti về bản thân, sợ hãi bệnh tái phát mà khó mở lòng với người khác.

Tương lai của trẻ có thể bị thay đổi bởi những hậu quả về sức khỏe mà HPV mang lại. Người từng bị nhiễm HPV sẽ có nguy cơ tái nhiễm, nhiễm thêm chủng HPV khác cao hơn. Bên cạnh những ảnh hưởng về tâm lý, ngoại hình thì trải nghiệm tình dục, khả năng sinh sản cũng có thể bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Thậm chí, trẻ phải cả đời chung sống với bệnh tật, chống chọi với ung thư hoặc tử vong do các bệnh ung thư từ HPV.  

Vì vậy, để đảm bảo hành trình tương lai của con được rực rỡ nhất, bất kỳ phụ huynh nào cũng cần phải “hiểu đúng, phòng trúng” đối với HPV. Đê đập cần được xây dựng sớm mới ngăn được lũ, phòng bệnh cũng vậy.

Để bảo vệ tương lai con được trọn vẹn, ngoài giáo dục giới tính, hướng dẫn vệ sinh đúng cách, bố mẹ cần chuẩn bị cho con một sức khỏe toàn diện, đặc biệt là dự phòng HPV từ sớm. Theo khuyến nghị của WHO và Hội Y học Dự phòng Việt Nam, nên dự phòng HPV cho con sớm nhất là 9 tuổi, đối với cả nam lẫn nữ. Bởi “thời điểm vàng” để dự phòng HPV là từ 9 - 14 tuổi, đúng vào giai đoạn gần và trong dậy thì. 

Trẻ ngày nay có xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn ở tuổi dậy thì, trong khi dự phòng HPV trước khi bắt đầu quan hệ tình dục sẽ đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất. 

HPV có nhiều chủng khác nhau và khả năng tái nhiễm rất cao. Nếu đã từng nhiễm một chủng HPV nào trước đây, vẫn nên dự phòng để bảo vệ trước những chủng HPV còn lại. 

Để tương lai con được khỏe mạnh, rực rỡ nhất, bố mẹ hãy thực hiện các biện pháp dự phòng cho trẻ sớm, không bỏ lỡ “thời điểm vàng” 9 - 14 tuổi.

Tài liệu tham khảo:

(1) Harrell et al. The Estimated Lifetime Probability of Acquiring Human Papillomavirus in the United States, Sex Transm Dis. 2014 Nov; 41(11): 660–664.

(2) Bruni L, Albero G, Rowley J, et al. Global and regional estimates of genital human papillomavirus prevalence among men: a systematic review and meta-analysis. Lancet Glob Health. 2023;11(9):e1345-e1362. doi:10.1016/S2214-109X(23)00305-4

(3) Dempsey AF. Human papillomavirus: the usefulness of risk factors in determining who should get vaccinated. Rev Obstet Gynecol. 2008 Summer;1(3):122-8. PMID: 19015763; PMCID: PMC2582644.

(4) . WHO, World Health Report. Executive Summary: Health of Adults.

  • Bài viết: Ngọc Ái
  • Ảnh: HPV
  • Thiết kế: Sun
  • Interactive: Lê Sơn - Hải Linh