Dù chưa xuất sắc, nhưng "Lô Tô" đã góp phần xoá đi định kiến về "bóng gió" trong điện ảnh Việt Nam

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 03/04/2017

Bộ phim xoay quanh những cô đào ở gánh lô tô hội chợ đã chiếm được nhiều cảm tình của khán giả gần xa vì sự chân thật và gần gũi.

Đồng tính luôn là một chủ đề nhạy cảm với bất kì nền điện ảnh nào. Đơn giản vì nó khác biệt, mà cứ khác biệt là có nhiều chuyện để "cảm". Và phim đồng tính, hoặc có nhân vật đồng tính ở Việt Nam cũng có một quãng đường gian nan chỉ để đổi lại sự cảm thông từ đại chúng.

Chuyến hành trình khó khăn của những-kẻ-khác-biệt trên màn ảnh

Từ xưa đến nay, người đồng tính xuất hiện trong phim Việt Nam với cái nhìn không mấy thiện cảm. Hầu hết đều là những nhân vật giả gái, xuất hiện chủ yếu để gây cười. Năm 2006 có thể xem là một cột mốc quan trọng của điện ảnh Việt khi nhân vật đồng tính được đưa lên tuyến chính trong Trai Nhảy của đạo diễn Lê Hoàng. Không xuất hiện để gây cười, mối tình tay ba giữa hai chàng trai và một cô gái trong phim đã góp một phần nhỏ vào việc thay đổi cách nhìn của xã hội với người đồng tính thời đó.

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 1.

Phim "Trai Nhảy"

Sau đó, rất nhiều những bộ phim khác có nhân vật đồng tính nhưng đa số vẫn là những người ẻo lả, mang ước mơ làm con gái và bị xã hội kì thị. Tiêu biểu như vai Quang Vinh (Lương Mạnh Hải) - người tình của Trương Ba (Johnny Trí Nguyễn) - trong Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, chàng dancer (Tô Lâm) trong Những Nụ Hôn Rực Rỡ hay chị Hội (Thái Hoà) đình đám trong Để Mai Tính 1&2.  

Dần dà, hình ảnh người đồng tính gần như bị đóng khung trong điện ảnh Việt với các cử chỉ lả lướt, giọng nói eo éo cùng sự ham muốn đàn ông luôn chực trào. Giới LGBT Việt Nam chưa nhận được sự cởi mở từ xã hội, gia đình thời đó càng thêm ghét bỏ những phim Việt có nhân vật đồng tính, cho rằng đó là "trò câu khách rẻ tiền".

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 2.

Phạm Hương Hội là một "biểu tượng" của điện ảnh Việt nhưng cũng từng là chủ đề được tranh cãi gay gắt

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 3.

Không thể không nhắc đến thương hiệu Hot Boy Nổi Loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng tạo thành cơn sốt năm 2011 với cái nhìn thẳng thắn về tình yêu đồng tính. Bộ phim đã tạo ra hai luồng dư luận trong giới phê bình nhưng với cộng đồng LGBT Việt, Hot Boy Nổi Loạn chính là một "tượng đài" khi đó. Đến nỗi trong suốt nhiều năm sau, những bộ phim xoay quanh tình yêu nghiêm túc giữa hai chàng trai như Lạc Giới, Cầu Vồng Không Sắc hoặc có đề cập đến tình yêu đồng tính nam như Thần Tượng đều ít nhiều bị so sánh với Hot Boy Nổi Loạn một cách vô thức.

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 4.

Năm 2014, bộ phim Đập Cánh Giữa Không Trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã giới thiệu nhân vật chuyển giới đầu tiên của điện ảnh Việt do ca sĩ Thanh Duy đảm nhận. Tuy chỉ là vai thứ chính, nhưng nhân vật Linh cùng diễn xuất đầy bất ngờ của Thanh Duy như một ngọn lửa góp thêm vào bãi cháy của sự cảm thông le lói ở Việt Nam.

Lô Tô, sự thuyết phục từ hướng trực diện

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 5.

Lô Tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) ra đời do cảm hứng từ Chuyến Đi Cuối Cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), bộ phim tài liệu về nghề hát lô tô hội chợ của những người giả gái. Có thể nói Chuyến Đi Cuối Cùng của Chị Phụng là phim tài liệu "nổi tiếng" nhất ở Việt Nam vì sự quan tâm của đại chúng dành cho nó. Ngay cả những người "dị tính" cũng hết sức đón nhận bộ phim này bằng sự tôn trọng những người "đồng tính". Vì thế, phim điện ảnh Lô Tô được mang trách nhiệm phải kế thừa những gì mà phim tài liệu gốc đã làm được khi công bố dự án.

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 6.

Nhưng thách thức của bộ phim cũng không hề nhỏ khi mà những diễn viên quan trọng như Hữu Châu, Trịnh Minh Dũng, Huỳnh Lập hay Hải Triều đều đã từng thủ vai đồng tính trước đó. Chưa kể tất cả đều có nhiều kinh nghiệm với sân khấu kịch nên nghi ngại về việc "lố hoá" của họ trong Lô Tô là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, sau suất chiếu đầu tiên, Lô Tô và các diễn viên nhận được những lời khen không ngớt từ khán giả về sự chân thật và duyên dáng của các nhân vật. Không phải vì phim quá hay, quá xuất sắc hay cảm xúc mà vì bộ phim đã dùng cách đánh trực diện để bật ra những cảm xúc tiềm ẩn như mọi người kì vọng. 

Trái ngược hoàn toàn với Hot Boy Nổi Loạn, những người đồng tính trong Lô Tô không "đàn ông" hay quá gai góc. Các "nàng Lệ" của gánh lô tô Phù Hoa thể hiện đúng những điều mà xã hội nói về họ: ẻo lả, lố lăng, hung dữ và tội nghiệp. Đừng vội cho rằng chữ "tội nghiệp" này hơi thừa, vì sự thật là vậy. Dù người Việt đã cởi mở hơn với người đồng tính nhưng phần đông đều nghĩ rằng những người này thật tội khi phải sinh ra trong hình hài ngang trái. Và, kịch bản của Lô Tô cũng không phủ nhận điều đó.

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 7.

Lệ Liễu, Lệ Phi Phi, Lệ Tú Nhàn hay Lệ Sa Sa đều có một ước mơ chính là sống như những cô gái. Họ muốn được mặc đầm, được xưng em xưng chị, có một người chồng và cuộc sống vui vẻ bình thường. Nhưng sự kì thị chính là "con quỷ" tàn bạo nhất suốt cuộc đời họ. Phàm là những người ở tỉnh, nơi mà kiến thức không được cập nhật nhanh như đô thị, thì những mảnh đời ngang trái càng thêm trái ngang. 

Những đợt đòn roi, những lời miệt thị mà cha và mẹ kế của Lệ Liễu đã xổ vào chị khi chị còn là chàng trai mới lớn tên Đực chính là ví dụ rõ ràng nhất. Vì khác biệt với số đông mà họ cũng bị tước đoạt luôn cả những thứ bình thường nhất trong cuộc đời: sự tôn trọng và công ăn việc làm. Nên họ mới phải tựa vào nhau như một gia đình, khoác lên mình những bộ cánh mơ ước thật lấp lánh để che đi sự ủ dột của tâm hồn, làm trò cười cho thiên hạ để làm kế sinh nhai. Và đó chính là sự thật ở bất cứ gánh lô tô nào ở miền Tây, nơi những cô đào tìm thấy niềm vui khi tự biến mình thành công cụ giải trí.

Lô Tô không tránh né thái độ mà người đời hay dành cho những kẻ "bóng gió": "Tụi nó hung dữ lắm!". Không sai, các nhân vật trong phim nói chửi luôn mồm. Người lanh miệng thì rủa xả không thương tiếc còn kẻ bị câm cũng không ngại dùng tay dùng chân. Họ không chửi những người gọi họ là "bóng", mà xù lông lên với tất cả những mối nguy muốn chạm đến gia đình họ. Các Lệ không giả tạo giấu đi những tiếng chửi để được tiếng nhân văn giả hiệu mà đường hoàng trở thành những kẻ bóng gió hung dữ nhưng ấm tình. Sự hung dữ không thể quyết định việc bạn có xứng đáng được tôn trọng hay không. Quan trọng chính là đạo diễn và ekip đã chọn cách thức đúng đắn khi thể hiện nó trong điện ảnh. Và sự chân thật đã được đón nhận xứng đáng.

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 8.

Có thể bạn sẽ thấy kịch bản Lô Tô còn nhiều yếu điểm hay hàng đống thứ mà phim chưa làm tốt nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp của bộ phim cho cộng đồng LGBT và cách nhìn của xã hội với họ. Dùng sự ồn ào và lố lăng làm vỏ bọc, các nhân vật của Lô Tô nhẹ nhàng kể câu chuyện đời mình như tiếng thở dài của họ sau những bức vách chung. Chẳng ai bận tâm đến chuyện người ta gọi mình là bóng, là pê-đê một khi đã khoác lên mình trang phục con gái. Họ chỉ biết cắm mặt vào những cuộc di chuyển rày đây mai đó, lo làm sao để đủ ăn, sống làm sao để không mất chồng. Những đồng bạc thu được từ mấy buổi diễn họ chẳng màng tiêu pha, mà chỉ để dành đặng làm ngực, dư dả thì "nuôi" trai làm chồng. Đó chính là cuộc sống của họ.

Dù chưa xuất sắc, nhưng Lô Tô đã góp phần xoá đi định kiến về bóng gió trong điện ảnh Việt Nam - Ảnh 9.

Nếu so với Chuyến Đi Cuối Cùng của chị Phụng thì Lô Tô vẫn chưa thể chạm đến cái cảm xúc vừa chân thật vừa xót xa vừa đay nghiến. Lô Tô chỉ giống như một phiên bản "kịch tích" hơn nhưng đồng thời đã kế thừa được những điều mà mọi người trông chờ. Bộ phim đã khiến ranh giới của sự kì thị mờ đi đôi chút, thay vào đó là sự cảm thông cho những kiếp đời trôi nổi, lo những nỗi lo mà bất kì ai cũng có thể gặp phải bằng chính những hình ảnh mang tính kì thị bấy lâu. Lô Tô là một đóng góp mang tính tích cực của điện ảnh Việt khi nhìn nhận về những nhân vật đồng tính, giả gái vốn bị xem như "trò cười". Bộ phim đã "chuyển hoá" nhịp nhàng những tiếng cười thành sự cảm thông, vạch ra mặt trái của những sự lố lăng mà người đời lười cảm nhận.

Xem Lô Tô là tiếng nói hay sự đại diện cao cả nào đó cho cộng đồng LGBT thì xa xôi quá. Nó chỉ đơn giản là hơi thở chân thật và gần gũi của một bộ phận người chưa thể tốt đẹp trong cuộc đời này. Họ cũng chẳng mong cầu gì hơn ngoài sự bình yên mà họ đã thắp cho nhau trên những quãng đường vô định. Có lẽ với Lô Tô, họ đã bình yên phần nào.