Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ "giấy bồi" ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền

Minh Nhân - Ảnh: Quý Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 14/09/2018

Nói về sự mai một của nghề làm mặt nạ giấy bồi, bản thân ông Hoà là người hiểu nhất. Nhưng, ông đón nhận nó một cách tự nhiên và vui vẻ. Nghề sẽ mất, sẽ mai một, nhưng đó là quy luật. Cái quan trọng là trời cho ông sức khoẻ để tiếp tục làm cho đến khi nào tay run và mắt kém thì thôi.

Phố cổ Hà Nội vẫn luôn bí ẩn trong mắt nhiều người. Họ không biết giữa những gian nhà được xây từ hàng trăm năm qua còn cất giấu thứ nghề cổ truyền nào nữa. Ở cái đất kinh kì này, phải có duyên lắm mới có thể tận mắt gặp gỡ những người nghệ nhân cuối cùng. 

Mặt nạ giấy bồi là một nghề truyền thống. Sở dĩ gọi là "giấy bồi" là bởi một cái khuôn hình phải bồi thật nhiều giấy vào, rồi chồng lên nhau với độ dày vừa phải để cho ra một chiếc mặt nạ đúng chuẩn. Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi từng rất được yêu thích, nhất là vào dịp Trung thu. 

Đến nay, cuộc sống đổi thay khiến những khuôn hình dần mai một. Ở khu phố cổ này, còn mỗi vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hoà (64 tuổi) là còn "sót" lại.

Đôi vợ chồng cuối cùng ở phố cổ làm nên những chiếc mặt nạ "giấy bồi": Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền. Thực hiện: Minh Nhân.

Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Hoà bà Lan trong "căn xưởng" vỏn vẹn 30m2 của nhà mình.

45 năm gìn giữ nghề truyền thống: Làm mặt nạ từ giấy vụn

Trên căn gác chỉ chừng 30 m2, ông Hoà cùng vợ là bà Đặng Hương Lan (60 tuổi) đang tất bật tô tô vẽ vẽ những chiếc mặt nạ khi tết Trung thu đang tới gần. Đến nay đã 45 năm, nhiều người những tưởng nghề làm mặt nạ giấy bồi đã bị thất truyền rồi chứ. Đây là nghề gia truyền, từ đời bố vợ ông Hoà rồi tới vợ chồng ông. Thực chất trước đây ông công tác tại một công ty rau - quả, nhưng sau khi về hưu, hai vợ chồng cùng tập trung sản xuất những chiếc mặt nạ giấy bồi. Về phần bà Lan, năm lên 10 bà đã bắt đầu làm quen với giấy và màu. 

Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi, công việc đầu tiên là xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy A4 vào khuôn đúc sẵn rồi bắt đầu bồi giấy. Lớp trước dán chồng lên lớp sau, kết dính tự nhiên bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Bồi từng lớp một vào khuôn, bồi nào khuôn đấy. Đến một độ dày vừa phải khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một chiếc mặt nạ. 

Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền - Ảnh 3.

Tiếp quản nghề từ bố vợ, đến nay đã 45 năm ông Hoà gắn bó với mặt nạ giấy bồi.

Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền - Ảnh 4.

Những hộp màu lem nhem nằm vương vãi trên sàn nhà.

Sau khi lấy ra khỏi khuôn, chiếc mặt nạ được phơi sáng tự nhiên trong vòng một ngày để giữ dáng, không bị cong vênh. Theo người nghệ nhân, cái khó nhất khi làm mặt nạ giấy bồi chính là việc trang trí hoạ tiết cho tác phẩm. Không như những sản phẩm bình thường, mặt nạ giấy bồi được vẽ bằng sơn. 

"Mỗi lần tô chỉ được tô một màu. Màu này khô thì tô tiếp màu mới. Mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được đẹp, không bị lấm lem" - ông Hoà chia sẻ. 

Mỗi công đoạn trong cả quy trình làm mặt nạ đều rất quan trọng, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Chỉ cần vẽ sai, chiếc mặt nạ sẽ bị hỏng, nhem nhuốc và không bán được. Để giữ được họa tiết một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh, nghệ nhân cần phải vẽ rồi phơi hàng chục lần.

Mỗi năm, 2 ông bà lại cho ra đời những khuôn hình truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu hay ông Địa. 

Ngoài những khuôn mặt nạ truyền thống như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu,... mấy năm gần đây, gia đình ông Hoà làm thêm các nhân vật truyện tranh như Bạch Tuyết, người nhện,... để bắt kịp xu hướng thị trường. Giá trung bình mỗi chiếc mặt nạ khoảng 30.000 đồng, cái đắt nhất cũng chỉ 50.000 đồng. 

Nét vẽ đơn sơ, giản dị, từng chiếc mặt nạ làm đến đâu hết hàng đến đó, nhưng gia đình ông Hoà vẫn kiên trì với quan niệm không chạy theo số lượng. Mỗi ngày vợ chồng ông chỉ làm hơn chục cái, không thuê thêm người ngoài để cố gắng gìn giữ bí kíp gia truyền.

"Nhân công chỉ có 2 chúng tôi nên sản xuất ít, theo từng ngày. Đây là nghề quanh năm, thời điểm không phải chính vụ thì chúng tôi làm cốt (khuôn xi măng - PV). Đến mùa thì chỉ cần sơn hoàn thiện nữa là xong. Có 27 hình mẫu tất cả, khách hàng đến mua tha hồ lựa chọn" - ông Hoà tấm tắc chia sẻ. 

Trong tất cả các công đoạn, việc tô vẽ cho những chiếc mặt nạ lồi lõm hết sức khó khăn. Nếu không may lỡ tay buộc phải bỏ cả chiếc mặt nạ. 

Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền - Ảnh 7.

Trời nắng, ông Hoà đưa mặt nạ ra hiên nhà phơi khô.

"Không truyền được thì chỉ có mất"

Nghề làm mặt nạ giấy bồi đã có từ rất lâu. Thời hoàng kim trước đây, khắp phố phường Hà Nội hễ vào mùa Rằm Tháng 8 chỉ bày bán mỗi mặt nạ với đủ loại hình thù. Lũ trẻ trong xóm tranh thủ mang mặt nạ ra khoe và đọ xem cái của ai đẹp hơn, tinh tế hơn. Thời đó, cả làng cả phố không kịp xoay sở vì sợ thiếu hàng.

Sự ồn ào, náo nhiệt và xô bồ của cuộc sống hiện đại khiến những chiếc mặt nạ giấy bồi dần đi vào quên lãng. Lũ nhỏ cũng được bố mẹ sắm cho nhiều thứ đồ chơi mới, gian hàng mặt nạ nay vắng bóng vì ít người mua. 

Trông đơn giản thế thôi, nhưng đôi bàn tay của người nghệ nhân phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn. 

Nói về sự mai một của nghề, bản thân ông Hoà là người hiểu nhất. Nhưng, ông đón nhận nó một cách tự nhiên và vui vẻ. Ừm, nghề sẽ mất, sẽ mai một, nhưng đó là quy luật. Cái quan trọng là trời cho ông sức khoẻ để tiếp tục làm cho đến khi nào tay run và mắt kém thì thôi.

"Nhà có con cái nhưng chúng nó giờ không theo nghề này đâu. Chắc tôi chỉ làm vài chục năm nữa là cùng chứ mấy, không truyền được thì chỉ có mất. Bây giờ tôi chỉ mong mình có sức khoẻ thôi để tiếp tục gìn giữ".

Trước đây từng có một nhóm người tới giả vờ hỏi mua mặt nạ nhưng thực chất là ngấm ngầm ăn cắp bí kíp của gia đình ông Hoà. Họ bày tỏ mong muốn được tận mắt chứng kiến khuôn xi măng do chính tay ông đục. Thật thà và hoà nhã, người nghệ nhân sẵn sàng chia sẻ. Nhưng thời gian sau, phát hiện trên thị trường xuất hiện một loại mặt nạ giấy bồi "na ná" nhà mình, vợ chồng ông Hoà mới vỡ lẽ là bị ăn cắp nghề.

Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền - Ảnh 9.

Ông Hoà bảo, thứ sơn này thân thiện với môi trường và đảm bảo không ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền - Ảnh 10.

Cả gia tài của ông, đơn giản gói gọn ở những khuôn hình này.

"Họ chỉ làm được mỗi 3 - 4 khuôn nhưng xấu lắm, làm sao sản xuất được 30 khuôn với hình thù đa dạng như nhà tôi. Nếu không làm được chắc chắn họ sẽ bị đào thải. Sau vụ việc trên, tôi vẫn rất niềm nở. Ai đến chơi tôi cũng tiếp, vô tư luôn. Ai thích làm thì làm, nhưng quan trọng là sau này không ai làm cho mình...". 

Giữa sự ồn ào của trung tâm thành phố, căn gác mái nơi chứa hàng trăm, hàng nghìn mặt nạ giấy bồi của gia đình ông Hoà bà Lan như một bảo tàng thu nhỏ. Ở đây, người ta tìm thấy một khoảng không gian văn hóa Việt truyền thống. Nơi mọi thứ xô bồ ngoài kia không hề ảnh hưởng gì, yên bình đến lạ lùng. 

Đôi vợ chồng cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ: Không muốn thuê người ngoài để giữ bí kíp gia truyền - Ảnh 11.

Dù biết nghề sẽ mất, sẽ mai một nhưng người nghệ nhân đón nhận nó một cách tự nhiên và vui vẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày