Thích là... lấy!
Nhớ
ngày nào, bộ phim “Cô dâu 15 tuổi” như một câu chuyện đùa kể về cô nàng xì tin
15 tuổi kết hôn để làm vui lòng ông nội, chính thức bước vào đời sống gia đình đã
rất thu hút khán giả, đặc biệt là lứa tuổi mới lớn. Nhưng khi đó, ít ai nhắc đến
chuyện cưới xin ở tuổi teen, kể cả “ngưỡng” 20-21 cũng khá là hiếm hoi. Giờ đây,
chuyện cưới sớm đã trở thành xu hướng và ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong giới
trẻ. Cảnh những cô dâu chú rể tuổi teen hôm qua vừa ngồi bắn PS ầm ầm, ngày mai
đã xúng xính váy áo trao nhẫn trước hai họ trở thành chuyện thường ngày ở huyện.
Teen bây giờ ngại yêu, nhưng cũng không muốn phải trăn trở nhiều giữa “phá hậu
quả” và trách nhiệm. Các cô dâu xì tin rút ngắn thời gian phải hẹn hò, đưa đón,
và tiện quản lý “chồng trẻ” của mình bằng cách “về một nhà”. Thế nên “Thích là
lấy, không phải xoắn!”.
Mùa
cưới tưởng chừng chỉ bận rộn với những người đã trưởng thành, nhưng không ngờ
một sinh viên năm nhất như Huyền (KHXHVN) lại có tuần phải đi dự tới 4 tiệc cưới
của 4 đứa bạn cũ, 2 cấp II và 2 cấp III. Được mời cưới mà phát sốt ruột, “Cảm
giác như mình già lắm rồi, bạn bè đã yên phận chồng con gần hết rồi còn đâu!”,
Huyền cười. 20 tuổi mà “trơ trọi” giữa đám bạn đã “yên bề gia thất” như Huyền
không phải là ít. Có teen đang học lớp 12 còn vinh dự nhận thiệp mời, cả lớp xúm
lại chọn váy đẹp và nói dối phụ huynh đóng tiền học thêm để “phong bì” cho bạn.
Q
(sn1992) sinh ra và lớn lên giữa phố cổ Hà Nội. Nhà buôn bán giàu có, chuyện học
hành đối với bố mẹ Q không quan trọng, miễn sao tính được tiền và cái đầu phải
nhanh nhạy kiểm kê hàng hoá. Q nổi tiếng biết chơi, biết yêu và sành nhất trường
PĐ.. Ai cũng tưởng cô nàng phải bay nhảy chán, hưởng thụ tuổi trẻ trong sự giàu
có và chiều chuộng của bố mẹ. Đùng một cái, Q thông báo rút học bạ để chuẩn bị đi du học (nhưng thực chất là để “chống lầy”),
mời cả lớp đi ăn.
Chú
rể hơn 5 tuổi, là khách hàng kiêm con nợ của mẹ Q. Cũng là dân chơi “gãy cánh”,
vay lãi ở nhà Q gần 3 tháng chưa trả được đồng lãi nào vì phụ huynh ở nhà đã chán
chẳng buồn cứu, chú rể tìm cách cưa luôn con gái chủ nợ. Thấy anh này đẹp trai,
biết chơi, Q thích rồi dính lấy nhau như sam. Mẹ Q nói không được, 2 tháng sau đã
thấy Q thỏ thẻ “Con dính rồi...”. Nhà trai đến xin trả cả gốc lẫn lãi, kèm theo
lời đề nghị cho hai cháu nên duyên vợ chồng. Không sâu đậm, chẳng kịp tìm hiểu
sâu xa, Q cũng như hàng trăm teen girl khác đang lấy chồng theo xu hướng “Thích
là được rồi, chẳng cần yêu!”. Cô nàng giải thích “Yêu nhiều làm gì cho đau đầu,
con gái trước sau gì chẳng lấy chồng, lấy sớm thì khỏi phải lấy muộn mà lại trẻ
lâu!”. Q chưa đủ tuổi nên hai người lấy nhau mà chưa đăng kí kết hôn. Q lại tưng tửng khi bạn bè hỏi chuyện đó: "Càng tốt chứ sao. Nhỡ sau này có gì, không ở được với nhau nữa thì cũng không phải lằng nhằng thủ tục li dị".

Cũng
thuộc dạng “bác sĩ bắt cưới”, Thuý Anh (sn1991) lại lấy chồng vì một cơn... say
nắng. Hai cô cậu gặp nhau trên... chiếu bạc tá lả dịp tết năm ngoái. Thuý Anh đánh
bài thuộc dạng cao tay, anh chồng ngồi dưới cánh móm liên tục 4 ván liền thì “a
cay” lắm. Nhưng Thuý Anh lại xinh xắn, ưa nhìn nên chỉ còn cách ngậm bồ hòn rút
tiền ra trả. Hôm ấy anh chàng thua gần 2 triệu tá lả. Từ hôm sau, chàng để ý đến
nàng nhiều hơn, và chỉ sau 5 ngày tết là đã đưa nhau đi chơi. 1 tuần sau, Thuý
Anh nhận lời yêu và 4 tháng sau thì vác bụng về nhà đòi cưới.
Cô
nàng tâm sự “Mới yêu nhau nhưng đã thấy không thể... sống xa nhau được. Mỗi khi
đi chơi về là hẫng hụt, nhớ điên lên. Lúc nào cũng muốn ở cạnh nhau. Thôi tốt
nhất là “làm trò” với bố mẹ rồi cưới quách cho xong”. Việc học đã được hoãn đến
vô thời hạn, gia đình 2 bên bỏ tiền ra thuê cửa hàng cho “2 con” làm ăn dẫu biết
rằng kỳ lương chính vẫn là những lần về xin tiền bố mẹ mà thôi.
Lấy
chồng cũng là giải pháp của các ông bố bà mẹ trong việc “cùm chân” con gái hư.
Tuổi mới lớn thường làm nhiều điều dại dột, ham chơi hơn học, lang thang tối ngày...,
nhưng để “kìm hãm”việc chơi bằng việc “chống lầy” thì quả thực... T.P (sn1992)
nổi tiếng ham chơi ở phố HB. Từ năm lớp 9, P đã biết thuê xe máy đi lượn, tối
thì trốn nhà lên bar tụ tập. Không chịu nổi cảnh con gái hư, bố P bèn tìm cách
mai mối P cho một cậu du học sinh con của bạn thân. Cậu này sang Sing học tiếng
nhưng nghỉ nhiều quá, đã bị đuổi về nước giữa năm nay. 2 nhà bàn “mưu” “Trói chúng
nó lại rồi thế nào cũng tu tỉnh mà làm ăn thôi”!!. Thấy anh kia “bóng sáng”, đi
chơi cũng hợp nên P không suy nghĩ quá 2 ngày đã gật đầu cái rụp.
“Đường sống” của vợ
chồng teen
Đối
với các cặp vợ chồng teen ở Hà Nội, duy trì con đường học tập sau khi cưới quá
là chuyện... trong mơ. Trước khi cưới đã lười, giờ lấy nhau nữa thì “ý chí” đâu
mà cắp sách vở đi học! Sau khi cưới, bao giờ 2 bên gia đình cũng gửi gắm cho
con mình một số tiền kha khá để mở cửa hàng hoặc cấp vốn làm ăn. “Làm ăn” đối với
những cái đầu chưa từng bước chân ra xã hội, gần như là nằm chơi xin tiền bố mẹ,
khá hơn thì mở cửa hàng quần áo hoặc... cá độ bóng đá, lô đề như “vợ chồng xì
tin” Nam - Nhung chẳng hạn.
Lấy
nhau khi cả 2 vừa tròn 19 tuổi, Nam – Nhung được bố mẹ cho số vốn kha khá để mở
tiệm guốc. Nhưng Nam thì không khoái trò cóp nhặt từng đồng như thế, cậu thỏ thẻ
xin vợ hết chỗ tiền để “làm một quả” cá độ hoành tráng, ngày hôm sau sẽ có tiền
mở hẳn “boutique” sang trọng. Sang trọng đâu chẳng thấy, 3 ngày sau đã thấy Nam
thua gấp đôi, nợ gần trăm triệu. Thất thểu về xin phụ huynh trả nợ chỉ sau 2 tuần,
cặp đôi lục đục thấy rõ. Cảnh “chồng” chửi “vợ” không biết giữ tiền, “vợ” quát
“chồng” bất tài, “đánh có mấy quả bóng mà cũng không xong”... ầm ỹ khắp khu phố.
Lại
có những cặp lấy nhau xong thì bỗng dưng đâm chán (vì có yêu sâu đậm đâu mà chẳng
chán?). Thế là anh nhà anh, tôi nhà tôi, khi nào có giỗ chạp thì về ăn cơm với
nhau. Có đôi thì có với nhau một thằng cu kháu khỉnh, nhưng rốt cục, ông vẫn quen thói ăn chơi, lén lút ăn chả, bà cũng chả vừa lao ngay đi "ăn nem" , thế là tan đàn xẻ nghé. Chỉ tội đứa con, thành công cụ để lâu lâu cô vợ mang về "vòi vĩnh" ông chồng cũ cũng giỏi kiếm tiền của mình.
Cuộc sống gia đình với 9x, nhìn thì đẹp lắm mà thử “nhón” chân vào mới thấy
ôi chao là lắm chuyện dở khóc dở cười!