Trò chuyện với con gái của các chú thương binh

Nắng - Hồng Hạnh ; Ảnh: NVCC, Theo 00:01 27/07/2011

Hôm nay là ngày 27/7 - ngày tôn vinh những chiến sĩ bộ đội đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Chúng mình cùng lắng nghe tâm sự của hai cô bạn đều có bố là thương binh nhé.

Tạ Anh Thư - "Đối với mình, bố là một người hoàn hảo"

Bạn gái đầu tiên mà chúng mình sẽ trò chuyện là bạn Tạ Anh Thư (sinh ngày 6/12/1993), hiện đang là du học sinh tại New Zealand. Bố của Thư là chú Tạ Quốc Cường (sinh năm 1952), năm xưa chú thuộc mặt trận Thừa Thiên Huế và từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972. Hiện chú Cường là thương binh hạng 1/4, chú đang làm việc tại công ty TNHH Hòa Bình (Hà Nội). Thư tâm sự rằng, bố của bạn ấy không khác gì những ông bố bình thường khác, khi Thư còn ở Việt Nam thì hàng ngày bố vẫn đưa Thư đi học, đặc biệt là bố... rất chiều con gái yêu! Điều khác biệt duy nhất và là điều Thư luôn tự hào khi nhắc đến là việc bố của Thư từng một thời chiến đấu bảo vệ cho tổ quốc.


Bạn Tạ Anh Thư.


Chú Cường - bố của Thư.


Còn đây là ảnh Thư chụp cùng bố từ hồi bé tẹo này!

Hiện giờ, chú Cường đang làm việc tại công ty Hòa Bình. Hầu hết đồng nghiệp của chú Cường trong công ty đều là các chiến hữu, đồng đội của chú, từng vào ra sinh tử với nhau, một thời đổ mồ hôi, xương máu chiến đấu cho quê hương. Thư kể, các bác bạn của bố luôn lo lắng và ủng hộ, hỗ trợ khắc phục những hậu quả của chiến tranh. Những chuyến thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng, những lần mang gạo cứu trợ đồng bào lũ lụt, xây dựng tháp chuông tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, hay giao lưu văn nghệ, về thăm chiến trường xưa… vừa là kỷ niệm đẹp và cũng là những câu chuyện ấm tình người. Thư cười: "Kỷ luật quân đội, tính ngay thẳng, tiết kiệm, lòng thương người là những đức tính quý báu mà mình học được từ bố." Chúng mình cùng hỏi Thư đôi điều về bố của bạn í nhé!

Thư có thể giới thiệu một nét đặc biệt nào đó ở bố của bạn không?

Bố mình vừa hiền, lại vừa nghiêm khắc, không hề khắt khe nhưng biết cách làm cho mình "tâm phục khẩu phục". Bố rất thích hát, có niềm say mê đặc biệt với âm nhạc và hội họa. Bố mình còn rất khéo tay, có mắt thẩm mỹ về trang trí nhà cửa và viết chữ đẹp. Mình còn nhớ khi còn là học sinh tiểu học, có những buổi tối mình và bố ngồi cẩn thận bọc từng trang sách mới thật đẹp, thật ngay ngắn để mình sẵn sàng tới lớp. Kỷ niệm đặc biệt nhất có lẽ là lần bố và mình cùng biểu diễn bài hát “Đàn gà trong sân” khi mình mới chỉ học mẫu giáo. Tuy không theo bất cứ trường lớp âm nhạc chuyên nghiệp nào nhưng khả năng cảm thụ và giọng hát của bố đã được nhiều người công nhận. 

À, bố mình cũng là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm "Ca khúc đồng đội", đã đi diễn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nhằm mục đích sẻ chia âm nhạc và khơi gợi những kỷ niệm thời chiến với các chiến sĩ, đồng đội năm nào. Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm nay, bố mình và các bác trong nhóm cũng đã và đang nhiệt tình đi diễn ủng hộ các chương trình lớn nhỏ của Đài truyền hình Việt Nam đấy.

 

Bố của Thư (đang giơ tay ra) khi đi biểu diễn cùng đồng đội.


Chú Cường đứng thứ hai từ phải sang.


Chú Cường (đang cầm bó hoa) hát trong một chương trình kỉ niệm.

Bạn với bố có thân thiết và hay tâm sự cùng nhau không?

Mình là con gái nên chuyện nhỏ to gì mình hay tâm sự với mẹ hơn. Nhưng bất cứ quyết định lớn nào trong cuộc sống, hay đơn giản chỉ là khi mình cần một lời khuyên chân thành về những vấn đề đang vướng phải, mình đều tìm đến bố. Ngày mình còn bé, bố thường là người hay đưa mình đi chơi, kiên nhẫn ngồi nhặt nhạnh những mẩu bút màu với mình, hay đưa mình đi học đàn, học vẽ. Hai bố con cũng hay lượn phố những buổi trưa hè nóng nực, thưởng thức que kem mát lạnh và tìm đọc những cuốn truyện mới nhất. 

Sở thích của hai bố con cũng giống nhau: những món ăn mà mẹ mình hay nấu, loài vật nuôi yêu thích… Bố luôn khuyến khích mình theo đuổi đam mê và ước mơ của bản thân, luôn tự tin về những gì mình đang làm. Mình còn nói đùa rằng sẽ cố gắng tìm được một người bạn trai có tính cách giống như bố, vì đối với mình, bố là người hoàn hảo (cười).

Thư có thể chia sẻ về một kỉ niệm thời chiến mà bố đã từng kể cho bạn không?

Một trong những câu chuyện mà mình luôn ghi nhớ là câu chuyện về người đồng đội năm xưa đã cứu bố mình nơi chiến trường hiểm nguy. Lúc ấy bố mình đang bị thương rất nặng, những mảnh bom cứa ngang chân. Bác đồng đội ấy đã cõng bố mình trên lưng, cố gắng đưa bố mình về nơi có tiếp viện. Cũng chính vì vậy mà bác ấy hi sinh. Sự ra đi của bác cũng linh thiêng, hùng tráng như những người anh hùng khác, nhưng đối với gia đình mình, sự hi sinh của bác còn có rất nhiều ý nghĩa lớn lao. Cho đến giờ, mỗi khi trái gió trở trời, bố lại bảo chân bố rất đau, không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn vì bố nhớ tới người bạn cũ đã ra đi mãi mãi.

Là con của một chiến sĩ từng tham gia chiến đấu, bản thân Thư nghĩ gì về chiến tranh và về những người lính?

Chiến tranh là điều không ai muốn, những hậu quả nó để lại rất đáng sợ kể cả về mặt tinh thần hay thể xác. Nhưng nhờ đó mà người ta mới nhận thức được giá trị của tình đoàn kết, lòng yêu nước. Có đền đáp cả cuộc đời này cũng không sánh hết với những gì mà những người lính đã làm cho đất nước. Những bạn trẻ ngày nay có thể nói rằng mình yêu nước tha thiết, nhưng lời nói đôi khi không đi với hành động. Mình nghĩ thay vì những lời văn hoa, ca ngợi hay tán dương, thì sự quan tâm, lòng chân thành, một nén nhang tưởng nhớ… sẽ làm ấm lòng những người lính năm nào. 

Hôm nay là ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Thư có muốn gửi lời chúc gì đến bố thân yêu?

Ngày 27/7 năm nay là năm thứ hai mình xa nhà, không được ở Hà Nội, không được ở nhà để chúc mừng “ngày đặc biệt” của bố. Mình nhớ bố rất nhiều, mong thời gian trôi thật nhanh tới cuối năm để gia đình mình được đoàn tụ. Mình mong bố có một ngày 27/7 thật đặc biệt. Và mình cũng muốn bố biết mình đang học tập và làm việc chăm chỉ. Những gì mình có được ngày hôm nay đều nhờ công lao của bố mẹ, chính vì vậy mình sẽ càng cố gắng hơn nữa. 

Trần Tôn Châu Giang - "Bố đã, đang và sẽ luôn là trụ cột của cả gia đình mình"

Bạn gái thứ hai mà chúng mình sẽ làm quen là bạn Trần Tôn Châu Giang, hiện đang là sinh viên năm 2 trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Bố của bạn là chú Trần Hoàng Ngân (sinh năm 1962), từng tham gia chiến đấu trước năm 1975. Chú Ngân là thương binh 4/4, hậu quả của những vết đạn găm trên người. 

Bật mí nhé, Châu Giang có điểm đầu vào kì thi tuyển sinh đại học năm 2009 của ĐH Luật TP HCM khá cao đấy. Hiện tại bạn í đang học ở lớp AUF (lớp đào tạo tiếng Pháp) của trường ĐH Luật. Giang luôn được mọi người yêu quý, ngoài ra bạn còn là một nhân vật hoạt động năng nổ ở các công tác xã hội nữa. Bạn ấy vừa được trường trao học bổng khuyến học và hệ AUF tài trợ học bổng khuyến khích học tập năm học 2010-2011 vừa rồi.

 
Giang ngồi ở hàng ghế dưới, thứ năm từ trái sang.


Chú Ngân - bố của Giang.

Với tình trạng sức khỏe của bố như vậy, gia đình Giang có gặp nhiều khó khăn không?

Thật ra là cũng có khó khăn, nhưng mình nghĩ nếu so với những bạn có bố là thương binh nặng hơn, thì mình và gia đình mình vẫn còn rất may mắn. Những khó khăn trong gia đình cũng không quá nhiều. Mình chỉ thương bố mình vì bố thường khó nhọc khi làm những công việc nặng nhọc, nhất là những khi trái gió trở trời thì bố rất đau. Kinh tế gia đình cũng có những thời điểm rất khó khăn, do bố là người trụ cột trong nhà mà, nhưng không bao giờ bố để mình phải cảm thấy thiếu thốn gì cả.

Bạn cùng gia đình đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Mình may mắn có một gia đình hạnh phúc. Những khi sức khỏe của bố có vấn đề thì mẹ là người đứng ra cáng đáng tất cả, chăm sóc cho bố và cho cả gia đình. Họ hàng cũng giúp đỡ nhà mình rất nhiều, mình cũng đã “tự lực cánh sinh” để vượt qua khó khăn ấy nữa. Ngoài ra, mình cũng nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ nhà trường, xã hội, bạn bè nữa. Ở địa phương cũng như ở trường đại học, mình luôn nhận được chế độ, chính sách khuyến khích học tập, đó cũng là một động lực rất lớn để mình vượt qua những khó khăn về mặt tài chính và tiếp tục học hành.

Thế còn cuộc sống của sinh viên đại học, lại học tập xa nhà như Giang?

Cuộc sống xa gia đình và ở một thành phố sầm uất thì chắc chắn là ai cũng có khó khăn rồi (cười). Mình ở đây vừa phải cố gắng học tập vừa phải đi làm thêm từ rất sớm để đỡ giúp bố mẹ phần nào. Và tất nhiên là cũng mong có học bổng nữa chứ.

Và những thành quả mà Giang đã đạt được đến bây giờ?

Thật ra những gì mình đạt được so với các bạn sinh viên khác thì cũng không có gì đáng kể. Nhưng mình cũng cảm thấy vui khi nhận được học bổng của AUF khuyến khích học tập, học bổng của trường ĐH Luật TP HCM. Mình cũng tích cực tham gia các phong trào tình nguyện, các hoạt động ngoại khóa của trường mình tổ chức.

Giang nghĩ thế nào về bố của mình?

Lúc nào trong mắt bố mình cũng là cô con gái “rượu” cả. Dù sức khỏe bố có không tốt, dù đôi lúc hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng chưa bao giờ bố mẹ để cho hai chị em mình cảm thấy chúng mình thiếu thốn. Mình cảm thấy thực sự may mắn, đôi lúc còn quên đi mất việc bố là thương binh cơ mà (cười).

Dù sức khỏe của bố không tốt nhưng rõ ràng là bố đã, đang và sẽ luôn là trụ cột của cả gia đình. Bố cũng đã rất cố gắng để cuộc sống gia đình mình không quá khó khăn. Nói chung lúc nào mình cũng ngưỡng mộ và tự hào về bố - một người lính trong chiến tranh và giờ người lính ấy hòa nhập rất tốt với cuộc sống hòa bình. Lúc nào mình cũng mong muốn học thật tốt, ra trường có một công việc ổn định, lương khá khá đủ để lo cho kinh tế gia đình và em trai. À, và nếu được mình sẽ giúp bố mở một tiệm bánh thật lớn nữa, vì bố mình đang muốn thử sức ở lĩnh vực kinh doanh mà.

Cảm ơn hai bạn Anh Thư và Châu Giang, chúc hai bạn luôn học tập tốt và hạnh phúc bên gia đình của mình. Nhân ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7, chúng tớ cũng xin gửi những lời chúc sức khỏe và niềm vui đến với chú Cường, chú Ngân và tất cả những người lính đã từng chiến đấu cho Tổ quốc thân yêu.

Sau khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn  đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược.

Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Trước tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.

Bác Hồ đã chọn ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh, nhằm kỷ niệm và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Vào ngày hôm đó, một cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Từ năm 1955 đến nay, ngày 27-7 - ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh liệt sĩ.