Trò chuyện cùng chàng trai Việt được 5 đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng tiến sĩ

Thùy Dung, Theo Trí Thức Trẻ 14:23 16/04/2015

23 tuổi, hiện đang là sinh viên năm cuối đại học Texas – Dallas (Mỹ), có niềm đam mê vô bờ bến với Vật lý – đó là những gì Nguyễn Quang Thông giới thiệu về mình. Cậu bạn này chính là người xuất sắc được 5 đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng tiến sĩ toàn phần, mỗi suất học bổng có giá trị 50.000$ mỗi năm.


Nguyễn Quang Thông

Học sinh chuyên Lý trường THPT Hà Nội - Amsterdam

Sinh viên năm cuối ĐH Texas – Dallas (Mỹ)

Học bổng toàn phần Đại học Texas—Dallas (2011-2015)

Học bổng RISE (DAAD, 2013)

Giải thưởng Học giả nghiên cứu bậc đại học (UT Dallas, 2013, 2014)

Giành được học bổng Julia Williams Van Ness (UT Dallas, 2014)

Giải thưởng Nhà lãnh đạo toàn cầu (FUTI, 2014)

Thành viên Cộng đồng Danh dự Phi Kappa Phi

Huy chương bạc Khiêu vũ thể thao Hội khỏe Phù Đổng Hà Nội (2009)

Giải nhất 2 điệu Waltz&Tango giải khiêu vũ bang Texas (2015)

Chào Thông, chúc mừng bạn vì đã nhận được học bổng tiến sĩ tới từ 5 trường ĐH hàng đầu thế giới nhé! Bạn có thể chia sẻ cảm xúc của mình lúc này không?

Lúc nhận thư chúc mừng của mỗi trường, mình đã lâng lâng trong khoảng 1 tiếng, xong rồi mọi thứ lại đâu vào đấy. (cười)

Đó là những trường nào vậy? Hiện tại thì bạn đã quyết định chọn ĐH nào để học tiến sĩ chưa?

5 trường nhận mình bao gồm: Caltech, Columbia, Michigan, Illinois at Urbana-Champaign, và Maryland. Mỗi trường đều cấp cho mình toàn bộ tiền học (khoảng 50.000$ mỗi năm) và chi phí sinh hoạt (30.000$ mỗi năm). Mình đã chọn Caltech vì môi trường học thuật ở đây không chỉ rất mạnh mà còn khuyến khích sự hợp tác giữa nhiều chuyên ngành. 


Chân dung của chàng trai xuất sắc được 5 đại học hàng đầu trên thế giới trao học bổng.

Thông có thể kể lại hành trình “săn” học bổng của mình không? 

Việc nộp hồ sơ rất đơn giản, nhưng chuẩn bị cho nó là một quá trình dài bắt đầu từ những năm đầu tiên ở Đại học. Các chương trình Tiến sĩ ở Mỹ đòi hỏi ứng viên phải có sẵn bề dày kinh nghiệm nghiên cứu. Hè năm 2013 mình được lựa chọn tham gia một dự án của châu Âu nghiên cứu thiết bị phát hiện vật chất tối dưới lòng đất. Hè 2014 Đại học Tokyo mời mình tham gia vào nhóm nghiên cứu phát triển máy gia tốc hạt của Nhật Bản. Hai chương trình này giúp mình tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu trong ngành Vật lý hạt cơ bản - lĩnh vực mà mình đang theo đuổi.

Khó khăn lớn nhất trên con đường chinh phục các suất học bổng của bạn là gì vậy?

Sinh viên quốc tế như mình chịu thiệt ở chỗ, phần lớn các chương trình thực tập nghiên cứu ở Mỹ, được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ dành riêng cho công dân Mỹ. Do vậy mình chủ động đi tìm các cơ hội nghiên cứu ngoài nước Mỹ, nơi sinh viên từ khắp nơi trên thế giới được đánh giá và cạnh tranh công bằng không phân biệt quốc tịch. 

Phải chăng Vật lý là niềm đam mê bất tận của bạn?

Mình từng là học sinh chuyên Lý của trường chuyên Amsterdam (Hà Nội). Nhưng hồi đó mình thích vẽ và nghệ thuật nên thi vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Học được một năm thì nhận được học bổng toàn phần của Đại học Texas-Dallas nên mình quyết định khám phá cơ hội mới. Đến kỳ học thứ 2, mình đăng ký học lớp Vật lý của một giáo sư tên là Joseph Izen. Thầy có cách dạy hoàn toàn khác với cách mình học Vật lý trước đó. Lớp học của thầy khơi lại niềm đam mê Vật lý của mình từ thời còn bé. Sau một mùa hè suy nghĩ, mình quyết định chuyển hẳn ngành học sang Vật lý.  

Đối với mình, khoa học mang một vẻ đẹp sâu sắc và giản dị. Xét theo nghĩa này thì bản thân khoa học cũng không khác một môn nghệ thuật là bao.



Với bạn thì ai là người có đóng góp lớn nhất trong thành công hiện tại của mình?

Với mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều có các thầy cô lát những viên gạch lớn để mình bước tiếp trên con đường sự nghiệp. Hiện tại, mình rất biết ơn thầy Izen không chỉ vì đã khơi lại niềm đam mê Vật lý, mà còn giúp mình rất nhiều từ cách viết văn, cách thuyết trình đề tài khoa học, cách nói chuyện với công chúng và những người không thuộc giới hàn lâm – những kĩ năng cần thiết của một người làm nghiên cứu. 

Không tập trung vào giải những bài tập khó, thầy hướng sinh viên đến việc hiểu bản chất vấn đề và liên tục ồ lên thích thú khi hiểu thêm về một hiện tượng vật lý. Bài kiểm tra cuối kì của thầy là đưa sinh viên đến công viên chơi tàu lượn cao tốc. Mỗi sinh viên mang theo một thiết bị đo gia tốc rồi về nhà phân tích dữ liệu từ máy đo và viết một báo cáo dài 30 trang.

Còn bố mẹ Thông, họ có luôn ủng hộ những quyết định của bạn không?

Bố mẹ mình đều thuộc tầng lớp lao động. Từ khi mình vào cấp 3 bố mẹ đã rất tin tưởng và cho mình toàn quyền quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống. Lúc biết mình chuyển ngành học sang vật lý sau một năm du học, bố mẹ chỉ lo lắng chứ không ngăn cản. Mình rất biết ơn bố mẹ vì điều này.

Cuộc sống du học có giúp Thông phát hiện được điều gì mới mẻ không?

Lúc mới sang mình rất ấn tượng với văn hóa tranh luận trong lớp ở Mỹ. Chủ động đặt câu hỏi và tranh luận với các giáo sư là cách dễ nhất thể hiện sự hứng thú với nội dung bài học. Các giáo sư luôn đánh giá cao những sinh viên có khả năng phản biện và chỉ ra lỗi sai của thầy.

Sau khi học xong, liệu Thông có ý định về Việt Nam không?

Mình rất kính trọng một giáo sư người Pháp gốc Việt tên là Trần Thanh Vân. Được đào tạo và thành danh ở nước ngoài, suốt mấy chục năm qua thầy liên tục mở các  hội nghị khoa học ở Việt Nam, tạo điều kiện cho những nhà nghiên cứu trong nước gặp gỡ các tên tuổi lớn trên thế giới, bao gồm cả những nhà khoa học đạt giải Nobel. Ở bất cứ đâu, mình cũng đều muốn được đóng góp cho nền khoa học cơ bản nước nhà như thầy Vân.



Đoán là phần lớn thời gian của Thông đều dành hết cho học tập và nghiên cứu, bạn có nghĩ vì thế mà mình để lỡ nhiều thứ xung quanh không?

Mình đồng ý là việc học và nghiên cứu khoa học chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày. Điều này khiến mình phải chọn lọc và chỉ theo đuổi những thú vui thực sự đúng với đam mê và tham gia hoạt động ngoại khóa mà bản thân mình thấy ý nghĩa. 

Mình bắt đầu học khiêu vũ từ cuối năm lớp 10 ở Ams. Từ bé không có điều kiện học đàn và nhạc, nên khiêu vũ là cách mình tận hưởng âm nhạc trọn vẹn nhất, đồng thời nuôi dưỡng cảm xúc bản thân.

Còn việc tham gia những hoạt động ngoại khóa?

Mình hiện tại phụ trách mảng giáo dục của Mạng lưới du học sinh Việt Nam VINCEF tại đại học Texas—Dallas. Công việc của mình là tạo ra những không gian để cộng đồng du học sinh kết nối và chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghề nghiệp và cuộc sống xã hội, thông qua các buổi diễn thuyết hoặc các bài viết dưới dạng wiki. 

Một câu hỏi khá riêng tư nhé, Thông đã có bạn gái chưa vậy? Bạn có thể tiết lộ mẫu con gái mình thích được không? 

Hiện tại mình đang FA (cười). Mình nghĩ chỉ cần có tâm hồn đồng điệu thì mẫu con gái nào cũng không quan trọng, vì ngay cả bản thân mình cũng thay đổi theo thời gian mà.

Cảm ơn Thông về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc Thông ngày càng thành công hơn nữa nhé!