Thương cảm bố nghèo đưa con gái một chân đi thi ĐH

Afamily.vn, Theo 00:56 05/07/2012

Bác Nguyễn Văn Lượng và em Nguyễn Thị Lệ Thu xứng đáng trở thành điểm sáng của mùa thi Đại học 2012 bởi nghị lực của cô con gái khuyết tật và tình yêu thương của người bố nghèo.


Ông trời cướp mất một chân của con tôi 

Chiều 4/7, kết thúc buổi thi môn Lý, chúng tôi theo chân các bạn sinh viên tình nguyện tới khu tập thể ký túc xá Đại học Sư phạm I Hà Nội để gặp gỡ hai bố con một thí sinh khuyết tật. Ngay khi được nghe qua câu chuyện của họ, tất cả chúng tôi đều bị ấn tượng mạnh.

Bác Nguyễn Văn Lượng (Mai Trung, Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đưa cô con gái tên Nguyễn Thị Lệ Thu lên Hà Nội để dự thi vào Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Rất khó nhận ra sự “khác biệt” của Lệ Thu với các thí sinh khác nếu như chúng tôi không được nhóm sinh viên tình nguyện chia sẻ trước một số thông tin về Lệ Thu, và tận mắt nhìn thấy chiếc chân giả của cô bé dựng ở góc phòng.


Bác Nguyễn Văn Lượng và con gái tên Nguyễn Thị Lệ Thu 

Theo lời bác Lượng, gia đình bác có ba cô con gái. Cô chị cả sinh năm 89, Thu sinh năm 94, còn cô út kém Thu tròn 10 tuổi. Tai nạn xảy khi Thu đang học lớp 5. Chiều hôm đó, Thu bế em đứa út mới tròn 8 tháng ra xem người ta xúc đất ở ngay trước cổng nhà. Ham vui cùng lũ trẻ hàng xóm rồi nhảy lên khoang lái máy xúc, Thu đâu ngờ cuộc đời của cô bé lại bước sang một trang buồn bã từ giây phút đó.


Hai bố con bác Lượng trọ thi trong ký túc trường Đại học Sư phạm I

Anh lái vì không chú ý đã để lưới xúc xúc sâu vào tận bánh, làm chiếc máy bị lật. Cả anh lái và lũ trẻ đều nhảy được xuống, còn Thu, vì đang bế em, sợ em ngã nên không dám nhảy. Cho tới khi chiếc máy lật nhào, chèn ngang vào chân con bé, nó vẫn chỉ kêu gào cứu em cháu với, cứu em cháu với”, bác Lượng trầm ngâm nhớ lại.




Dù bị mất một chân, nhưng cô con gái bác Lượng chưa bao giờ thôi ham học

Phải mất hai tiếng người ta mới lôi được chiếc máy xúc ra khỏi người Thu: “Người ta nói con tôi chết là chắc rồi, vì nó vẫn tỉnh táo, mà không hề ngất đi. Vợ chồng tôi bất lực đứng nhìn con. Tôi ít học nên không biết phải nói cảm giác của mình như thế nào. Nhưng tim tôi đau lắm. Mà trời đất lúc đó chắc cũng như sắp sụp đổ trước mắt”.




Hai bố con trò chuyện về ngày đầu "chinh chiến" của Lệ Thu với môn Toán và Lý

Bệnh viện Bắc Giang nói rằng phải cưa cả hai chân, Lệ Thu mới có thể giữ được mạng sống của mình. Nhưng bác Lượng kiên quyết “con nước còn tát” đưa con lên bệnh viện tuyến trên. Các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng chỉ có thể giữ lại một chân cho Lệ Thu: “Một ngày sau con bé mới tỉnh. Ánh mắt đau đớn, sợ hãi của con sẽ ám ảnh tôi cả đời mất. Nhưng con còn sống là vợ chồng tôi phải cảm ơn ông trời lắm".

Theo bác Lượng, tai nạn đến với Lệ Thu khi cô bé còn quá nhỏ tuổi, nên nhiều khi chưa ý thức được mất mát to lớn mà mình phải gánh chịu: “Con bé ngây ngô tới mức nhiều khi nó hỏi tôi rằng có phải chân con cụt rồi sẽ mọc chân khác không? Rồi con bé có ước mơ làm bác sĩ. Vì nó muốn tự tạo ra một cái chân giả bằng thịt lợn để lắp vào cái chân đã mất”.

Tôi nghèo nhưng không để giấc mơ của con dở dang

Nửa năm trước khi tai nạn xảy ra với Lệ Thu, bác Lượng cũng bị ngã xe máy, chấn thương não và hôn mê hơn một tuần mới tỉnh. “Cái phận nghèo nên tật bệnh biết đường mà tự khỏi. Hôn mê hơn một tuần, rồi nghỉ ngơi vài ngày tôi lại đi xây. Nhà hai vợ chồng làm ruộng. Vợ tôi chỉ quanh quẩn ở nhà trồng cái cây, chăn con gà nên chẳng có thu nhập gì. Tôi đi xây, xuống Hà Nội làm thuê, nhưng chỉ đủ tiền ăn, còn tiền tiêu thì gần như không có. Tôi mà nằm nhà dưỡng bệnh, cả nhà chắc chết đói”.

Gương mặt trầm ngâm của bác Lượng khi nói về hoàn cảnh khó khăn của gia đình

Khi Thu bị tai nạn, chị gái Thu đã bỏ học cấp ba để đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Thương bố mẹ, thương chị, Thu nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới. Tuy có đau, có tủi thân, nhưng cô bé chỉ biết khóc thầm khóc mỗi khi đêm về. Bác Lượng chia sẻ: “Thương con lắm nhưng biết làm sao được. Chỉ biết động viên cháu vượt qua để sống cho tốt. Thu cũng là đứa rất ngoan. Chân tay không lành lặn nhưng vẫn giúp bố mẹ hết việc lặt vặt trong nhà”.

Đặc biệt, từ ngày xảy ra tai nạn, Lệ Thu có cố gắng vượt trội trong học tập. Mặc cho những ngày đầu mang chân giả, bị bạn bè trêu chọc, Thu vẫn quyết tâm hàng ngày đi bộ, rồi tự tập cách đi xe đạp một chân để bố mẹ bớt lo lắng.




Nghị lực, sự hồn nhiên và nụ cười vui vẻ luôn thường trực trên gương mặt Lệ Thu 
cũng phần nào làm bác Lượng bớt lo nghĩ

Tôi bận đi làm nên chẳng đưa đón con được. Chỉ thương con những lúc trời mưa. Đường trơn người thường đi còn ngã, mà cái chân giả quấn bông, trời mưa ướt nặng lắm. Những ngày mưa là con bé không có chân dùng, nhưng nó vẫn quyết tâm không bỏ một buổi học nào”.

Năm cuối cùng của lớp 12, vợ chồng bác Lượng tập trung đầu tư cho Thu học hành. Nhìn thấu ý chí và nghị lực của con, bác Lượng cũng phấn khởi: “Thu học khá, năm nào cũng xếp thứ nhất thứ nhì lớp. Con mình tật nguyền mà giỏi giang mình cũng được mát mày mát mặt. Vợ chồng tôi tuy nghèo nhưng quyết tâm cho con học tới nơi tới chốn”.



Bác Lượng trầm ngâm một lúc lâu mới tiếp tục câu chuyện: “Nhà tôi nghèo lắm. Nhà người ta chỉ hộ nghèo 5 năm, còn nhà tôi là hộ nghèo 10 năm rồi. Không sao thoát được cái cảnh nghèo, đành đổ tại cái phận bạc trời ban. Con Thu không biết bao lần ứa nước mắt khi xin tiền bố mẹ đi đóng học thêm. Nó không dám xin cả cục, chỉ dám xin nhỏ lẻ vài chục một. Mà vợ tôi nhiều lần cũng vẫn phải chạy vay hàng xóm”.

Lần này đưa con đi thi Đại học, vợ chồng tôi cũng phải lo toan chuyện tiền bạc. May quá, được các cháu sinh viên tình nguyện về tận huyện đón Thu xuống Hà Nội, rồi lo chỗ ăn, chỗ ở, lại còn chở em đi thi. Gia đình cảm ơn các cháu nhiều lắm. Ban đầu tôi để con đi một mình cùng các anh chị sinh viên, nhưng không an tâm nên chiều hôm qua tôi lại bắt xe xuống Hà Nội với con”, bác Lượng mỉm cười.




Bác Lượng "chiêu đãi" con gãi bữa cơm sinh viên trong căng tin Đại học Sư phạm I

Năm nay, Lệ Thu thi cả khối A vào khoa kế toán của Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp và khối B vào khoa cử nhân quản trị đất đai của trường Đại học Nông nghiệp I. Theo lời bác Lượng, mong muốn thực sự của Thu là trở thành cô giáo. Nhưng sau khi nghe lời khuyên nhủ của thầy cô, lo lắng nghề giáo sẽ làm Thu vất vả, cộng thêm bản thân Thu chưa thực sự tự tin sẽ đỗ vào khoa Toán của Đại học Sư phạm I, nên cô bé quyết định gác giấc mơ đứng trên bục giảng.

Con bé thích làm cô giáo lắm. Bọn trẻ hàng xóm hay mang sách sang để chị Thu dạy học. Tôi cũng thấy con có năng khiếu nhưng để con tự quyết định. Năm nay con mới thi lần đầu. Sang năm nếu muốn con có thể thi tiếp. Tôi nghèo nhưng không bao giờ để giấc mơ của con dang dở", nụ cười hiền hậu hiện lên trên gương mặt lam lũ của ông bố nghèo nhưng giàu tình thương con.