Teen và hội chứng “cú đêm”

Lê Thu Hà, Theo 00:01 24/09/2011

Thức khuya đã trở thành một thói quen không tốt của rất nhiều bạn trẻ bây giờ.

Thức khuya online, chat và nhắn tin

Giờ đây, gần như bạn nào cũng có thói quen online trên mạng buổi tối, để "cày" game, chat chit, vào Facebook, các diễn đàn. Có những bạn không đủ sức thức đêm nên gục trên bàn khi nào không hay, nick Yahoo cứ để "available" đến sáng. Một bộ phận các teen khác thì thức khuya để... nhắn tin và chiếc "dế yêu" là công cụ để tám chuyện mỗi đêm. Nhắn tin mãi mà không hết chuyện để nói, chúng mình có thể cứ vừa nằm trên giường vừa send qua send lại, rồi chờ người ta trả lời và thế là thức luôn đến sáng, hic. Đối với những cặp đôi thì hiện tượng này còn xảy ra nhiều hơn nữa.

Hậu quả của những buổi tối “buôn bán” ấy là sáng hôm sau, bạn sẽ cảm thấy uể oải, mắt thâm quầng, mặt thì đầy đèn pin, lên lớp chỉ trực gục xuống bàn và thiếp đi lúc nào không biết. Rồi bạn sẽ không tiếp thu được bài, rơi vào trạng thái mệt mỏi, sức khỏe giảm sút, kết quả học tập ngày càng thấp đi. Tại sao chúng mình lại phải tự hành hạ bản thân mình như vậy nhỉ? Tạo thói quen đi ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo chẳng phải sẽ tốt hơn nhiều đó sao?


Fanpage “Hội những người thức khuya” trên Facebook đã có tới hơn 17 nghìn thành viên. (Ảnh: Facebook)

Thức khuya học bài

Lại có khá nhiều bạn thức đêm vì ban ngày bận rộn không có thời gian học bài, nên dành thời gian buổi tối, đêm để... học bù. “Buổi sáng đi học, buổi chiều cày lớp học thêm, buổi tối tiếp tục ở lớp phụ đạo, đến 9h thì kết thúc một ngày mệt rũ rượi, nhưng… không dám ngủ vì còn phải làm bài ngày mai, thức đến 2, 3h sáng là chuyện bình thường mà.” – cô bạn Minh Trang (17t) tâm sự. Thức rất khuya, có khi thâu đêm để học bài là thói quen của không ít teen bây giờ. Một phần cũng vì thời gian ban ngày quá bận rộn với chuyện học thêm, làm thêm…, nhưng bạn cũng nên biết rằng thức khuya là rất có hại. Nếu ngủ không đủ giấc, buổi sáng khi thức dậy bạn sẽ có cảm giác mệt mỏi uể oải, thậm chí không thể nhấc mình lên nổi, kéo theo tinh thần học tập chán nản.

Học nhiều chưa chắc đã chất lượng, quan trọng là việc bạn biết sắp xếp thời gian hợp lí cho việc học của mình. Có thể khi thức khuya, hứng thú học của bạn sẽ rất cao nhưng hiệu quả thì lại quá thấp. Thay vì thức khuya, bạn hãy chọn lúc sáng sớm để học, không khí trong lành và đầu óc minh mẫn hơn nhiều. Quan trọng nhất, việc ngủ đủ giấc 8 – 10 tiếng một ngày sẽ giúp cho sức đề kháng và khả năng tư duy của bạn trở nên tốt hơn đấy.


Thức khuya học bài: nên hạn chế bạn nhé. (Ảnh: Facebook)

Thức khuya để... đi chơi

Đây là những trường hợp "cá biệt" và thường thì những teen này thuộc dạng "cứng đầu, hết thuốc chữa" . Hầu hết những bạn này đều xuất thân từ gia đình có cuộc sống vật chất đầy đủ, cha mẹ không quan tâm kiếm soát nên cứ mặc nhiên dành thời gian buổi tối đêm cho các cuộc nhậu nhẹt, vũ trường, bar… Đi đêm nhiều “ắt có ngày gặp ma”, teen bắt đầu sa đà vào việc ăn uống ở quán bar vũ trường, có khi sa vào các tệ nạn xã hội lúc nào không hay! D. (19t) chia sẻ: "Bar là nơi giải trí sau mỗi giờ học trên lớp của cả nhóm mình, buổi tối đến bar và lắc lư say mê trong những điệu nhạc cực kỳ sôi động mang lại cho mình cảm giác thích thú.

Môi trường của bar, club đầy rẫy những cám dỗ mà ở lứa tuổi teen thích tò mò khám phá sẽ khó kiểm soát bản thân, dễ làm cho teen sa vào nghiện ngập và những tệ nạn xã hội. Hậu quả của việc này thì cực kì nghiêm trọng: học hành sút kém, sức khỏe giảm, lại còn khó mà thoát ra được nếu không tự chấn chỉnh bản thân, rồi có khi teen còn dễ sa đà vào nhiều hiểm họa khôn lường khác.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thì thức khuya sẽ làm cho bạn dễ mắc chứng bệnh trầm cảm ở lứa tuổi từ 14 – 20, gây đau đầu và bệnh mất ngủ triền miên khi về già. Thức khuya cũng rất dễ dẫn đến mắc các bệnh về tim mạch, tâm lí. Có một thời gian ăn ngủ điều độ sẽ đảm bảo cho teen một sức khỏe tốt. Teen hãy tập thói quen đi ngủ trước 12h và dậy sớm để luôn tỉnh táo cho một ngày học tập nhé.