Tâm sự của cô gái mua trả góp hoóc - môn chuyển giới

Người đưa tin, Theo 14:49 19/09/2013

Cát Thy cho biết, cô là người chuyển giới. Nhưng nếu cô không tự giới thiệu, ít ai nghĩ cô đã từng là... đàn ông. Chút nam tính còn sót lại trong cô là giọng trầm khàn, từ hồi tiêm hoóc - môn chuyển giới, giọng "trầm" đi nhiều.

Tôi gặp Hoàng Kim Cát Thy tại buổi triển lãm "Một tôi khác" tại Hà Nội. Cát Thy ra Thủ đô để tham gia triển lãm với tư cách là một khách mời của chương trình nằm trong dự án Photovoice do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) tổ chức.

Triển lãm này là thành quả của 105 người đến từ 15 nhóm xã hội, sau bốn tháng hợp tác với nhau họ đã đưa tới cho công chúng những bức ảnh gần gũi, đẹp đẽ nhất về những người khuyết tật, người sống chung với H, người cai nghiện ma túy, người bán hàng rong, người đồng tính, song tính, chuyển giới, người dân tộc thiểu số, công nhân di cư... Cát Thy là một trong những khách mời đó...

Tự tiêm hoóc - môn chuyển giới

Đây là lần thứ hai Hoàng Kim Cát Thy ra Hà Nội. Tuy nhiên, mọi thứ ở Thủ đô với cô vẫn còn khá lạ lẫm, bởi lần trước, người bạn dẫn cô đi chưa hết hồ Gươm rồi lại dẫn về. Cát Thy là một trong những tác giả chụp những bức ảnh về người đồng tính, chuyển giới trong buổi triển lãm này.

Cô và những người bạn của mình trong tổ chức ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam - PV) ra Hà Nội bằng tàu hỏa, bởi với chứng minh thư vẫn ghi giới tính "nam" thì cô không thể di chuyển bằng máy bay.

Cát Thy cho biết, cô sinh ra trong một gia đình đông con tại Sài Gòn. Vì nhà đông anh em nên gia đình cô không mấy khá giả. Ngay từ lúc 6 tuổi, cô đã biết được những khác biệt trong cơ thể mình: Cô thích chơi với những người bạn gái, thích chơi thú bông, búp bê, cử chỉ rất nhẹ nhàng, nữ tính...

Khi biết được sự thật là cậu con trai của mình thích những người đồng giới, muốn trở thành một cô gái, gia đình Cát Thy ra sức phản đối, và cấm cô thực hiện ý định đó. Năm 16 tuổi, thôi thúc muốn trở thành một phụ nữ trong Thy rất mãnh liệt, cô đã tự mua hoóc - môn từ một người bạn chuyển về từ Thái Lan để tiêm vào người.

"Ý nghĩ phải trở thành một người phụ nữ thực thụ luôn thường trực trong tôi. Hồi đó tôi đã 16 tuổi, nghe "rỉ tai" của những người đồng tính như mình, tôi mua hoóc - môn về tự tiêm vào người để dần trở thành phụ nữ. Hoóc - môn chuyển giới 3 tháng mới được tiêm một lần. Để có tiền, tôi đã phải tự đi bán vé số.

Thậm chí, tôi đã mua hoóc - môn theo cách trả góp. Dần dần cơ thể tôi trở nên nữ tính. Tôi phải bỏ học từ năm lớp 9 vì không chịu được sự trêu chọc của các bạn, họ gọi tôi là thằng Pê - đê, thằng bệnh hoạn", Thy nói.

Tâm sự của cô gái mua trả góp hoóc - môn chuyển giới 1

Hoàng Kim Cát Thy giao lưu với khán giả trong triển lãm.

Vì không có chi phí “rủng rỉnh" nên ước mơ trở thành một người con gái, được Cát Thy thực hiện dần dần. Những người không có điều kiện kinh tế như cô phải tự mua hoóc - môn điều chuyển giới tính, thay vì có nhiều tiền và sang Thái Lan làm phẫu thuật. Thy cho biết, việc tiêm hoóc - môn như cô là việc hết sức nguy hiểm, bởi đó là những hoóc - môn rẻ tiền, có thể "mạng đổi mạng". Họ thà đặt cược mạng sống của mình vào những thứ thuốc ấy, còn hơn là sống trong một vỏ bọc không mong muốn.

Rồi cô kể cho chúng tôi nghe một cô gái tên Trinh bạn cô, vì cũng dùng hoóc - môn tự tiêm mà bị sốc thuốc, tử vong trước khi đến bệnh viện. Thế nhưng, những người bạn của cô chỉ coi đó là việc "hên xui" bởi giấc mơ trở về với đúng giới tính của họ rất mãnh liệt.

Có một “thế giới khác”

Không được gia đình đồng ý, nhưng Hoàng Kim Cát Thy vẫn quyết tâm để tìm lại... chính mình. Bỏ học, Cát Thy tham gia vào những gánh hát cho người đồng tính, chuyển giới ở TP.HCM để kiếm tiền. Ở miền Nam, tại những đám cưới, đám ma, lễ hội... người ta thường xuyên mời những người đồng tính, chuyển giới về hát để mua vui nên cô cũng có thu nhập ổn định. Từ đó, cô tiết kiệm tiền để giúp mình biến thành... con gái.

Dần dần, gia đình Cát Thy cũng quen với việc cô là một phụ nữ. Trong cuộc trò chuyện, "cô nàng" 22 tuổi này còn khoe cho chúng tôi cô đã... có chồng. Chồng của Cát Thy là một người đàn ông 25 tuổi, người miền Tây, làm ở một công ty da giày tại TP.HCM.

Tìm được tình yêu, Cát Thy đã phải rất vất vả để có được một người hiểu mình. Theo cô, người đồng tính rất khó tìm được người yêu thật lòng, người ta tìm đến với những người như Thy vì tiền, hoặc vì nhu cầu sinh lý nên khi có được một tình yêu thực sự, Thy rất trân trọng. Thy tâm sự: "Người chồng hiện tại không phải là mối tình đầu của tôi, nhưng là người hiểu tôi nhất. Những người yêu trước đều đến với tôi vì một lý do nào đó, khi tôi nhắc là muốn về thăm gia đình, hay ra mắt bên kia, họ đều tìm cách thoái thác.

Tuy nhiên, người chồng của tôi lại khác, anh ấy chủ động đưa tôi về miền Tây ra mắt gia đình. Khi biết tôi là một người chuyển giới, họ rất bất ngờ và không đồng ý. Gia đình chồng đều là công chức nên họ không chấp nhận một cô con dâu đã từng là... đàn ông. Phải mất gần 1 năm, với nhiều lần đi về và thuyết phục, chúng tôi mới được chấp nhận bởi "trời không chịu đất thì đất chịu trời...".

Chúng tôi dọn về một căn phòng của gia đình tôi để sống nhưng không có hôn thú. Hàng ngày tôi đi hát, làm MC, làm trong các đoàn xiếc, còn chồng tôi đi làm công ty như những cặp vợ chồng khác. Khoảng 3 - 6 tháng, tôi lại đi tiêm hoóc - môn một lần...".

Theo Cát Thy, tuy ở TP.HCM cũng có nhiều người đồng tính, chuyển giới, song tính nhưng việc nhìn nhận về giới tính của nhiều người trong xã hội chưa được thoáng. Họ vẫn nhìn những người chuyển giới như người từ hành tinh khác đến. Nhất là sự kỳ thị, hắt hủi khi đi xin việc, họ không chấp nhận một người con trai trong hình hài một cô gái.

Có người nhìn vào chứng minh thư của Cát Thy và nói thẳng rằng: "Tôi không nhận những người pê - đê", khiến Cát Thy và những người bạn của mình rất buồn. Có người bạn của Cát Thy ra phường làm chứng minh thư lại, nhưng bị từ chối, vì người ta không tin một người con trai lại có bề ngoài giống hệt con gái đến thế.

Không xin được việc ở các xí nghiệp, công ty, Hoàng Kim Cát Thy và những người bạn đồng tính, chuyển giới của mình đành tập hợp nhau lại để đi hát. Tuy nhiên, những tủi nhục của nghề cũng là những kỷ niệm buồn ám ảnh cô. Nhiều khi hát trên sân khấu, cô bị lôi xuống vì nhiều người nói là không muốn nghe "pê - đê" hát. Những người bạn của cô có cuộc sống rất chật vật, họ cũng tự xoay xở trong vòng quay nghiệt ngã của việc tìm lại giới tính.

Hiện tại, hình dáng của Hoàng Kim Cát Thy đã rất nữ tính, cô vẫn dùng hoóc - môn điều chuyển giới tính để trông mình nhẹ nhàng hơn. Dù hình hài đã trở thành một người phụ nữ, nhưng tất cả những giấy tờ cá nhân của cô đều vẫn ghi là "Nam giới".

Vì thế, những công việc, giao dịch cần đến chứng minh thư, giấy khai sinh đều mang lại sự bất lợi cho cô. Cũng như những người bạn cùng cảnh ngộ, cô vẫn mong mỏi một ngày nào đó, những người chuyển giới, đồng tính, song tính được công nhận thực sự, để họ được sống đúng với giới tính của mình và được cả xã hội chấp nhận điều ấy.

Hạnh phúc với những cử chỉ yêu thương của... “chồng”

Trong câu chuyện riêng của mình, Cát Thy vẫn mong mỏi mình có một đứa con với bản năng làm mẹ. Tuy nhiên, điều đó vẫn đang là mơ ước của cô. Thy khoe rằng, "chồng" cô cũng rất tâm lý, không bao giờ đề cập đến chuyện con cái, điều đó càng làm Cát Thy trân trọng và yêu "chồng" hơn. Trước khi Thy lên tàu ra Hà Nội dự triển lãm "Một tôi khác", "chồng" đã tự tay lau giày cho cô rồi đưa ra nhà ga. Thường ngày anh vẫn giặt đồ, nấu ăn cho cô. Chính những cử chỉ yêu thương này đã giúp cho Cát Thy có niềm tin vào cuộc sống và tình yêu: Người đồng tính, chuyển giới cũng có quyền mưu sinh và hạnh phúc như những người bình thường khác.