Phương Mỹ Chi bất ngờ có mặt trong... đề thi Giáo dục công dân

Jamie, Theo Pháp luật xã hội 16:49 20/12/2013

Phương Mỹ Chi - cô bé 11 tuổi nổi tiếng của chương trình Giọng hát Việt Nhí 2013 vừa bất ngờ có mặt trong đề thi học kỳ của học sinh lớp 7.

Phương Mỹ Chi là một trong những giọng ca nhí hot nhất trong năm 2013 khi tỏa sáng trong chương trình Giọng hát Việt Nhí. Tuy không được giải Quán quân nhưng Mỹ Chi vẫn là cái tên được nhiều người nhớ tới với giọng hát dân ca ngọt ngào hiếm có.

Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền bài kiểm tra học kỳ I môn Giáo dục công dân lớp 7 của một trường tại Đà Nẵng có câu hỏi liên quan đến Phương Mỹ Chi khiến nhiều người cảm thấy thú vị.

Phương Mỹ Chi bất ngờ có mặt trong... đề thi Giáo dục công dân 1

Cụ thể, nội dung ở câu 2b trong đề thi này như sau: “Bạn Phương Mỹ Chi trong chương trình Giọng hát Việt nhí đã tiếp nối truyền thống gia đình (cô ruột) bằng cách hát những ca khúc ngọt ngào mang đậm âm hưởng dân ca miền Nam làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhiều bạn trẻ vốn đang “quay lưng” với âm nhạc truyền thống.
Là một học sinh cùng trang lứa tuổi với Phương Mỹ Chi, em có suy nghĩ và cảm nhận gì về điều này?”.

Phương Mỹ Chi bất ngờ có mặt trong... đề thi Giáo dục công dân 2
Đề thi có câu hỏi liên quan đến Phương Mỹ Chi, cô bé 11 tuổi nổi tiếng của chương trình "Giọng hát Việt nhí 2013".

Vừa được đăng tải nhưng đề thi này đã trở thành chủ đề bình luận của cộng đồng mạng.

Bên cạnh những đề bài phân tích, cảm nghĩ về các tác phẩm văn học, những vấn đề nghị luận xã hội này cũng là một trong những cách hay để đánh giá sự hiểu biết thực tế, nhìn nhận vấn đề đa chiều của học sinh. Và hơn cả, những vấn đề thế này sẽ giúp các bạn học sinh được thoải mái bày tỏ ý kiến cá nhân, góc nhìn và tư duy khác nhau.  

Facebooker Hồng Anh chia sẻ: "Mình rất ủng hộ những đề Văn thiết thực như thế này. Đề được ra cho các học sinh lớp 7, cũng không lệch quá nhiều tuổi so với độ tuổi của Mỹ Chi, do đó nó khá phù hợp để các học sinh trình bày suy nghĩ của mình. Không bài học nào thiết thực hơn là một bài học thực tế và để tự các em trải nghiệm".

Nhiều bạn cũng cho rằng đưa câu hỏi liên quan đến nhạc truyền thống để hỏi học sinh, trong thị trường âm nhạc quá đa dạng, phong phú, nhiều thể loại như thế này là hoàn toàn hợp lý: Vừa là để khảo sát, vừa có thể để học sinh có những cảm nhận đa chiều hơn, quan tâm hơn tới nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam.