Part-time của tớ - từ vẽ graffiti đến làm hoạt náo viên ở nhà hàng

Thỏ Trắng Màu Nâu (Ghi lại), Theo 00:01 23/05/2010

Tớ bắt đầu đi làm thêm từ năm lớp 10, trải qua cũng kha khá công việc part-time. Bắt đầu từ vẽ graffiti, thiết kế áo đồng phục... giờ thì tớ đang làm MC kiêm hoạt náo viên ở một nhà hàng lớn...

Trần Tuấn Anh, sinh năm 1988

Đã từng làm nhiều part-time như thiết kế áo đồng phục, vẽ giầy, vẽ graffiti ở quán bar...

Hiện tại: làm MC kiêm hoạt náo viên của nhà hàng Sen Tây Hồ từ tháng 4 đến nay.

Thời gian làm việc: Từ  6h đến 9h30 tối vào 3 buổi Thứ  6, thứ 7, Chủ nhật.

Thu nhập: 2,4 triệu/tháng

 
Từ Graffiti đến MC

Từ hồi học lớp 10, tớ đã có một suy nghĩ như thế này: Tại sao phải xin bố mẹ tiền tiêu vặt? Nhà tớ tuy khá nhưng cũng không phải là giàu có, nhiều lúc tớ rất ngại xin tiền mẹ để trang trải cho những nhu cầu cá nhân hay phát sinh như mua cái này cái kia, đi sinh nhật... Và ý định đi làm thêm để tự phục vụ cho nhu cầu cá nhân “không giới hạn” của tớ xuất hiện.

Nhờ có khiếu vẽ graffiti, tớ nhận thiết kế áo đồng phục cho khối cuối cấp. Cũng biết tí ti về bộ môn này nên tớ khá đông khách. Thấy được tớ bán luôn cả áo, giầy có vẽ hình sẵn. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều nơi đã gọi tớ đến vẽ trang trí graffiti ở cửa hàng, quán bar cho họ, thậm chí còn được đi các tỉnh. Phải nói là tớ có thể “sống” được bằng nghề này, tuy có vất vả, nhưng đủ để tiêu và để dành mà không phải xin mẹ.




Bắt đầu đi làm thêm với nghề vẽ grafiti

Tớ thích hiphop, và có thể đọc rap khá “suyễn”. Mỗi khi đi vẽ garffiti, tớ hay đọc vài bài rap cho “vui cửa vui nhà”, khiến khách cũng thoải mái hơn. Thế rồi một lần đang “í ới” biến câu chuyện của 2 chị em nhà cô bạn nhờ đến vẽ cho cửa hàng thành một đoạn rap vui vui, bạn ý quay sang hỏi tớ “Đi làm MC không? Ở nhà hàng Sen Hồ Tây, nhanh mồm nhanh miệng như Tuấn Anh thì làm dễ ợt!”. MC ư? Công nhận là tính tớ thoải mái lắm, và cũng có khiếu nói chuyện nữa. Nhưng mà đấy là chỉ nói chuyện tếu táo vui vẻ thôi, còn đứng trước nhiều người, và người ta lại còn đang ăn nữa.. .thì mình biết làm sao để người ta chú ý đây?

Tớ về suy nghĩ mãi, công nhận là ngại. Nhưng chưa thử thì làm sao biết có khó hay không, chẳng lẽ cứ loanh quanh làm mãi việc cũ! Và tớ quyết định đến phỏng vấn thử việc, trong đầu đinh ninh là sẽ đứng... đọc rap để phục vụ thực khách, thôi thì cũng đúng sở trường! ^^

Từ “Thằng hề” đến “Thằng mõ”

Tớ được thử việc ngay. Lúc đầu nghĩ là sẽ mặc hiphop, cầm mic đứng trên sân khấu đọc rap, nhưng ý tưởng của tớ bị anh quản lý... cười sằng sặc. Hóa ra không phải, tớ phải mặc quần áo dân tộc, hôm thì đồ của anh Mõ làng + đi chân đất, hôm lại thằng hề đi theo nhà vua, hôm khác làm anh lính ngày xưa. Và điều “kinh dị” nhất là phải đánh mặt choe choét xanh đỏ cho giống với tạo hình nhân vật. Nghề của tớ là đi “mua vui” cho thực khách mà!






Công việc thường ngày của tớ ở nhà hàng Sen

Thật may là tớ đã thuyết phục được anh quản lý để không phải đánh mặt nữa, chỉ mặc đồ thôi. Lần đầu tiên đứng trước sân khấu, và khán giả thì hầu hết còn đang... mải ăn, tớ run thực sự, bao nhiêu tự tin lúc đầu mất sạch. Phải mất đến 10p để trấn tĩnh bản thân, tớ mới mạnh dạn đóng vai một “thằng Mõ làng”, “loa loa” cho mọi người chú ý đến. Nhìn thấy tớ, khách bắt đầu cười và... ngừng ăn để xem nhiều hơn làm tớ cũng bớt run. Thế rồi lo âu với sợ sệt tự dưng tan biến hết, tớ cầm mic chạy khắp sân khấu, mặt mũi cũng “biến báo” cho hợp với câu chuyện mình đang nói. Hôm ấy, nhiệm vụ của tớ là cầm một chiếc hài của Tấm để thử xem khách nào đi vừa sẽ có phần thưởng. Vì tớ diễn khá lưu loát, anh quản lý đã nhận tớ vào làm với mức lương 2,4 triệu/tháng, làm từ 6h đến 9h30 tối các ngày thứ 6, thứ 7, Chủ nhật.

Phải công nhận rằng khiếu ăn nói đã giúp tớ rất nhiều trong công việc. Nhưng nếu chỉ nghĩ là cầm mic chạy loăng quăng như “hề” là xong, thì thật sai lầm. Tớ biết công việc của tớ không đơn giản chỉ là dẫn cho xong chương trình, mà còn phải khiến khách chú ý đến mình, làm cho họ vui vẻ để thưởng thức món ăn của nhà hàng. Trẻ con mới là những khán giả khó tính nhất, và chúng cũng rất thích tớ. Có lần tớ mặc quần áo hề, đứng chơi với một đám trẻ con. Đang vui thì một em... khóc nhè, mẹ em ý dỗ thế nào cũng không xong. Tớ liền làm trò ú oà rồi nhảy vòng quanh, em bé thích quá, hết khóc lại ngoan ngoãn ăn tiếp. Các phụ huynh thấy thế cứ “Ngoan nào rồi mẹ cho chơi với anh hề nhé!”, tự dưng thấy vui cực ý.

Tớ sợ nhất là mình thì cứ diễn, khách thì cứ... ăn, chẳng để ý gì đến. Thế nên tớ vận dụng luôn cả đọc Rap vào, xem ra khách rất thích nên tớ cũng hay nhận được những tràng vỗ tay và nụ cười thoải mái trên mặt họ. Đã làm MC kiêm hoạt náo viên như tớ, đó là điều để đánh giá mình có thành công hay không. Rồi tớ học cách gây sự chú ý bằng cách “chém” những câu đại loại như “Mua xoài trúng SH kìa, sao mà lại không mua nhỉ!”, khách lập tức chú ý đến dãy xoài đang bày mặc dù chẳng có chiếc SH làm nào phần thưởng. Hay thử hài Tấm cho khách rồi nói sao cho họ cảm thấy thật vui, ví dụ khen đôi chân của họ chẳng hạn. Đi làm, tớ thấy mình tự tin hơn hẳn vì gặp càng nhiều tình huống khó xử, tớ càng học được cách ứng biến “chữa cháy”.

Kiếm tiền mở quán cafe

Tớ rất yêu thích công việc của mình. Tuy có những khó khăn riêng, nhưng sau một thời gian “thử sức” tớ đã quen với không gian giao tiếp ở nhà hàng. Làm hoạt náo viên giúp tớ mạnh dạn hơn, ứng xử nhanh và khéo léo, lại hợp với tính cách tự do, không thích bị gò bó của tớ. Này nhé, bây giờ tớ đã dẫn chương trình lưu loát rồi, cầm kịch bản trong tay cũng có thể biến báo cho hợp với style của mình hơn. Mới làm 1 tháng mà khả năng xử lý tình huống của tớ đã tăng nhiều, hơn nữa còn được tự ý đọc Rap (“món” mà tớ khoái nhất ^^).

Tớ hy vọng sẽ làm công việc này + vẫn vẽ quần áo, vẽ giày cho đến khi đủ tiền mở quán cafe nho nhỏ, ước mơ của đời tớ. Tớ tự nhủ rằng, nếu mình không gò bó suy nghĩ ở những công việc cũ, thì lúc nào cơ hội mới cũng sẽ đến!