Những người trẻ sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội - Họ nói gì?

Diệp Nguyễn, Quỳnh Chi, Theo Trí Thức Trẻ 11:40 15/08/2014

Có lẽ người ta đã nói quá nhiều đến việc "dân phố Cổ sống khổ lắm" khiến suy nghĩ này đã ăn sâu vào nhận định của rất nhiều người. Vậy đối với những bạn trẻ sống ở phố Cổ, "người thật việc thật", họ nói gì?

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những mẩu chuyện về cuộc sống của người dân phố Cổ Hà Nội. Từ chuyện làm dâu phố Cổ khổ thế nào, sống ở phố Cổ chật ra sao, rồi hôm nay lại là vấn đề tình làng nghĩa xóm. Phố Cổ - cụm từ khi nhắc đến là người ta nghĩ ngay tới cuộc sống tấp nập ngay khu trung tâm, với "36 phố phường", và giá đất siêu đắt đỏ. Nhưng cũng có những cái "khổ" riêng mà chỉ nghe người ta đồn nhau thôi đã đủ khiến nhiều người "lắc đầu, thè lưỡi", đó là có những gia đình 3, 4 đời vẫn chỉ sống trong ngôi nhà mười mấy mét vuông hay xóm làng cùng làm kinh doanh nên cạnh tranh nhau đủ đường, thậm chí "ghét nhau ra mặt".

Vậy thực hư là thế nào? Liệu sống ở phố Cổ có "khổ" như người ta nói?


"Sống ở phố Cổ không "khổ" lắm đâu!"

Đó là nhận định của cả 3 bạn trẻ khi được chúng tôi đặt câu hỏi. Có lẽ người ta đã nói quá nhiều đến việc "dân phố Cổ sống khổ lắm" khiến suy nghĩ này đã ăn sâu vào nhận định của rất nhiều người. Vậy đối với những bạn trẻ sống ở phố Cổ, "người thật việc thật", họ nói gì?

Hoàng Ku - sinh năm 1989 chia sẻ: "Khổ ư? Chắn chắn là không rồi. Điều khổ nhất ở phố Cổ có lẽ là căn nhà không có đầy đủ chức năng của nó, dẫn đến việc nhiều tình huống lạ mà không phải dân phố Cổ sẽ cảm thấy ngỡ ngàng và hài hước. Nhưng gia đình Hoàng may mắn hơn vì có được căn nhà đầy đủ chức năng: có đủ Phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, phòng vệ sinh."

Hoàng Ku.

Aiden (St.319) cũng sinh ra và lớn lên ở phố Cổ (phố Hàng Gai). Anh chàng cho biết: "Mình may mắn khi nhà của mình ở phố Cổ khá rộng nên không có cảm giác chật chội lắm. Phố Hàng Gai 1 trong những phố Cổ mà các nhà sống tách biệt, không có nhiều hộ nhỏ nên tình trạng xích mích về diện tích cũng ít hơn các phố khác".

Còn bạn Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1990 - nhà ở phố Hàng Đường) cũng chia sẻ: "Mình không cảm thấy khổ mà thực sự yêu thích cuộc sống ở đây. Cũng có thể là từ khi sinh ra đã ở đây nên có khổ thì cũng quen rồi."

Tất nhiên, đây cũng là nhận định khách quan của các bạn ấy. Hoàng Ku cho biết thêm, trong cùng 1 số nhà có gần 10 hộ, thì nhà Hoàng là ngôi nhà duy nhất xây được nhà vệ sinh riêng. Không phải vì các hộ khác không có điều kiện tài chính, mà các căn hộ đó không có được điều kiện về kiến trúc để xây nhà vệ sinh, lắp đường ống thoát nước,... Đó là một đặc thù ở phố Cổ, khó có thể sửa lại những kiến trúc cũ vì kết cấu không cho phép. 

Aiden cũng chia sẻ: "Nhà mình khá may mắn khi diện tích rộng hơn những gia đình khác, nhưng đúng là ở phố Cổ thì có những gia đình 3, 4 thế hệ sống chung trong 1 căn nhà mười mấy mét vuông nên quả thật khá phức tạp".

Aiden Nguyễn.

Những điều tiện lợi và bất lợi khi sống ở phố Cổ

Một điểm cộng dễ nhận thấy nhất ở phố Cổ đó chính là ở Trung tâm thành phố, vì vậy tất cả mọi thứ như đi làm đi học, ăn uống và không khí dịp lễ Tết đều rất tiện lợi. Đó cũng là điểm mà anh chàng Aiden thích nhất khi sống ở đây. Cậu bạn Tuấn Anh cũng cảm thấy thích không khí cuộc sống ở phố Cổ vì an ninh tốt, gần trung tâm, mọi người xung quanh sống lâu năm thoải mái vui vẻ… "Tất nhiên vẫn có những bất tiện thường thấy khi sống trong một khu tập thể nhưng khi đã quen thì nó không phải vấn đề lớn đáng lo để phải rời đi một nơi khác."

Mặc dù có những tiện lợi là vậy, nhưng cũng không hề thiếu những vấn đề bất lợi. Ngoài vấn đề chung là nhiều gia đình phải ở chật chội thì theo Aiden, có một điểm nữa đó là ở phố Cổ hơi ồn, mật độ dân số cao. Còn đối với Hoàng Ku việc duy nhất không thích ở nhà là không có chỗ để xe. Vì nhà ở trên tầng 3, lối vào ngõ lại nhỏ nên các phương tiện đi lại của gia đình phải đi gửi ở bãi. Mà các bãi xe gần nhất thì cũng phải cách xa nhà tầm 200-300m, còn bãi xe ô tô có khi cách xa cả cây số. Việc đi lại lấy xe hàng ngày thực sự là vấn đề nan giải.

Ở phố Cổ rất khó để gia đình có chỗ để xe riêng (ảnh minh họa)

Aiden cũng chia sẻ một rắc rối trong 20 năm sống tại đây mà anh chàng nhớ nhất. "Đó là khi nhà mình xây nhà đã gây ra không ít tiếng ồn, và có làm ảnh hưởng tới tường nhà bên cạnh. Do cấu trúc xây nhà phố Cổ ngày xưa xây sát nhau và có nhà còn chung vách tường nên nhà hàng xóm đã kiện cáo loạn lên cho dù nhà mình đã bồi thường. Sau này khi công an phường xuống giải quyết mọi việc mới êm xuôi" (Cười).

Tuy vậy khi được hỏi vì sao có những điều bất lợi như vậy mà hầu hết gia đình ở phố Cổ, trong đó có các bạn lại không chuyển đến một nơi khác rộng rãi hơn, Aiden chia sẻ: "Gia đình mình đã sống ở phố Cổ 20 năm nay và cũng không có ý định chuyển đi vì lí do đất ở phố Cổ là đất hiếm và giá rất cao, thường khi sở hữu mảnh đất ở phố Cổ người ta ít khi bán hoặc chuyển đi, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Như mình nói gia đình mình may mắn khi sống ở khu phố Cổ nhưng lại có diện tích ở khá rộng rãi. Đó là lí do nhà mình không có ý định chuyển đi".

Rất ít người dân sống tại phố Cổ có ý định chuyển đi vì ở đây là trung tâm và giá đất cũng rất đắt (Ảnh minh họa)

Hoàng Ku cũng cho biết: "Hoàng cũng như gia đình không có dự định sẽ chuyển nhà, vì ở đây cái gì cũng có. Chỉ cần chạy ra ngoài ngõ là mọi nhu cầu đều có, từ mua cái khăn mặt bàn chải, mua quần mua áo, rồi các dịch vụ chăm sóc làm đẹp, và các quán ăn nhà hàng, kể cả 1-2h sáng đói bụng, chỉ cần ra ngoài ngõ là sẽ được ấm bụng rồi. Ở phố Cổ khá là tiện, quan trọng là Hoàng thấy tiết kiệm được thời gian, và được biết, được thưởng thức gần như tất cả các dịch vụ nhà hàng quán xá ngon, tốt nhất thành phố."

Tình làng nghĩa xóm "không như người ta nói"

Có lẽ "không như người ta nói" ở đây chính là điều mà các bạn ấy "trăn trở" khi mới đây, một bức ảnh cùng dòng caption của một người phụ nữ sống tại phố Cổ cho rằng, ở phố Cổ không có xóm làng, hoặc tình cảm xóm làng không bằng những nơi khác. Tuấn Anh chia sẻ: "Những người hàng xóm trong ngõ nhà mình đều ở đây từ lâu, sống tập thể nhiều năm nên các nhà cũng đều hiểu rõ nhau và biết cách ứng xử phù hợp. Chính vì vậy không khí ở khu mình sống hết sức chan hòa, mọi người luôn luôn cố gắng thông cảm, giúp đỡ lẫn nhau. Tất nhiên, mình không dám khẳng định điều mình nói là chính xác với 100%  những người sống tại phố Cổ. Đó chỉ là nhận định cá nhân của mình, tại khu phố mình sống."

Hoàng Ku thì cho biết: "Hoàng và họ hàng bên ngoại đều ở đây, cách nhau có 1-2 nhà thôi. Nên tình hàng xóm cũng là tình ruột thịt. Hồi bé cũng chơi thân với rất nhiều bạn hàng xóm, nhưng các bạn đó giờ cũng lập gia đình và ra ở riêng vì nhà phố Cổ không có không gian riêng cho vợ chồng mới cưới. Hoàng cũng đi từ sáng đến tối, nên khi gặp hàng xóm thì cũng chỉ cười và chào lễ phép thôi. Mọi người cũng khá quan tâm và hỏi han về mình, từ nghề nghiệp đến những lần lên sóng truyền hình hay lên báo..."

Hoàng Ku cũng chia sẻ thêm, hiện tại dân phố Cổ gốc chuyển đi cũng nhiều, dân tứ xứ đổ về mua nhà và sinh sống ở phố Cổ cũng khá nhiều. "Có những thời gian bận đi làm từ sáng sớm đến tối khuya mới về, sau đó thấy hàng xóm mới lạ hoắc..."

Aiden thì nhận định: "Cách đây 10 năm thì tình nghĩa làng xóm ở phố Cổ rất bền chặt. Nhưng thời bây giờ nhiều hộ đã chuyển đi và nhiều gia đình khác chuyển đến. Họ có xu hướng sống biệt lập với nhau, chính vì vậy hiện tại tình làng nghĩa xóm ở phố nhà mình hiện chỉ còn ở mức xã giao. Nhưng nếu nói không có tình làng nghĩa xóm thì hoàn toàn không đúng!"

Mặc dù vậy, Aiden cũng chia sẻ thêm về tính cách của người dân sống ở phố Cổ: "Người dân gốc Hà Nội nhất là sống ở phố Cổ thường khá kĩ tính và hay để ý tới chuyện ở cả phố. Gia đình nào nếu có vấn đề gì thì cả phố đều bàn tán xôn xao. Khi mình bắt đầu may mắn có chút thành công trong hoạt động xã hội thì ở xóm, người thì có ý chúc mừng, nhưng có người lại có ý chúc mừng nhưng hàm ý bên trong là nói tới vấn đề khác. Sống ở phố Cổ lâu nên cũng quen, mình cũng không để ý đến những vấn đề đó nữa" (Cười)