Những kiểu comment Facebook cực kì "bất lịch sự"

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/12/2014

Vào Facebook người khác chê bai chửi bới, tag link sản phẩm vào status riêng tư của người khác, comment nhưng không xem nội dung status... là những ví dụ điển hình của văn hóa chơi FB khiến khổ chủ phải kêu trời.

1. Vào Facebook người khác để... chửi

Là cái tên khá nổi trong việc bán kem trắng da online, rồi phẫu thuật thẩm mỹ để từ "vịt" thành thiên nga, trở thành hot girl trên mạng xã hội, T. Venus cũng thường xuyên bị "soi" trên mạng xã hội. Cô gái này đã phải hứng chịu đủ thứ vô lý mà "anti fan" "đổ" lên Facebook mặc dù rõ ràng đây là trang mạng cá nhân của cô.

Mỗi lần post ảnh bản thân hoặc check in cùng bạn bè, ngoài những comment thiện chí thì không ít comment bỗng dưng... chửi bới, chê bai T thậm tệ. Sau đó là một loạt ảnh cũ từ thời chưa phẫu thuật thẩm mỹ của T cũng bị post lên nhằm mục đích "dìm hàng cẩn thận". Mặc dù nhiều lần T đã gần như phải "van nài" rằng: "Đây là facebook của tôi, muốn chê hay chửi xin mời về facebook các bạn", nhưng sau đó, vẫn tràn ngập những lời chửi bới, các bức ảnh xấu xí. Cực chẳng đã, T chỉ còn cách ngồi xóa từng comment vô duyên. Và thế là sau đó câu chuyện vẫn tiếp diễn theo chiều hướng "Đấy, vào facebook nó chê thì nó xóa ngay, khen thì để lại!".

Câu chuyện của T. Venus chỉ là một trong số vô vàn những ví dụ, về các kiểu văn hóa chơi Facebook "kỳ lạ" của bộ phận cư dân mạng. Sự phát triển của Facebook đã lên tới mức đỉnh điểm, khi mà mạng xã hội ngày càng gần gũi và trở thành công cụ thiết yếu trong cuộc sống. Người ta đã bàn quá nhiều về những lợi ích cũng như tác hại của Facebook, đã mổ xẻ không ít về thói nghiện Facebook ảnh hưởng đến cá nhân mỗi người ra sao... Nhưng có lẽ, chúng ta chẳng thể đổ lỗi cho một thứ "ảo" như mạng xã hội, khi mà con người mới chính là điều chi phối chính. Facebook - nói một cách công bằng, chỉ là phương tiện để người sử dụng nó để lộ ra những điểm xấu xí của bản thân. Điển hình là những kiểu văn hóa chơi mạng rất... vô duyên mà nhiều bạn trẻ đang mắc phải!

Một Facebooker bán hàng online tên B.G.L, post một đoạn link cũ từ nhiều năm trước, mà lại post rất tình cờ và mang tính chất cá nhân, đã vô tình "làm mồi" cho những kẻ rảnh rỗi trên mạng xã hội. Ở dưới đoạn link mà cô post, nick có tên B.C.N lập tức vào văng tục chửi bậy rất kinh khủng, ý nói cô post link câu like.

Quá bức xúc, B.G.L comment lên tiếng rằng đây là Facebook của cô, cô share cái gì không phải việc người khác để vào chửi bới vô văn hóa như vậy. Và nick B.C.N kia chống chế bằng một comment chửi lại, đọc mà... cười chảy nước mắt: "Tao chửi đông chửi tây, đứa nào nói ngứa tai thì tao chửi!".

"Đi lang thang đông tây, thấy ai ngứa mắt thì chửi", một khái niệm vô lý đến mức nực cười về văn hóa tối thiểu khi chơi mạng lại đang trở thành thói quen với một vài cư dân mạng. Nguy hiểm hơn, họ cho rằng Facebook cứ để public (hoặc set chế độ friend nhưng vẫn mở comment), mặc định là chốn công cộng và có quyền để lại bất cứ thứ gì trên ấy nếu không vừa ý. Nhưng có lẽ vì "lời gõ bàn phím không mất tiền mua", nên cứ thản nhiên thả comment bậy bạ, chửi bới, mặc kệ chủ nhân Facebook ấy phản ứng ra sao.

Chủ nhân facebook B.G.L chia sẻ: "Thỉnh thoảng khi share 1 điều gì đó lên FB, có những người để comment thực sự "rất có vấn đề", nói chuyện cộc lốc trống không, thái độ hách dịch, nói bậy bạ tràn lan, rất là bực mình. Hồi đầu còn hay ngồi đôi co hoặc xoá những comment đó đi luôn, nhưng sau thấy có vẻ không thay đổi được gì nên mình thường block luôn những người như thế, vì đó là cách tốt nhất để tránh xảy ra cãi vã qua lại". Cô cho rằng, những người kinh doanh trên FB nói chung thường public trang cá nhân vì nó thuận tiện cho việc khách hàng xem sản phẩm cũng như tiện trao đổi qua lại. Tuy nhiên cũng sẽ có những chuyện rất tế nhị liên quan đến vấn đề riêng tư như: hình ảnh cá nhân, sở thích hay cuộc sống thường ngày. 

2. Vào status buồn của "khổ chủ" để comment spam

Chẳng một ai cảm thấy vui và thích thú với chuyện người lạ hoắc vào "nhà" mình, chửi bới, thái độ, chê bai miệt thị. Tất nhiên họ có quyền mời những kẻ ấy đi ra, hoặc xóa comment vì đó là "nhà" của họ cơ mà! Câu chuyện vẫn chưa chấm dứt, nó sẽ biến thành các lời than thở "Vào comment chê tí mà đã xóa ngay, hèn!". Cứ thế, những cách hành xử mặc dù rất nhỏ thôi, và hoàn toàn núp bóng chiếc bàn phím lại tạo thành một thói quen chơi mạng rất xấu xí.
 
Một cô gái post ảnh chụp với bà nội khi bà còn sống, cô viết rằng những vất vả cuộc sống chẳng biết chia sẻ với ai ngoài bà nội nên giờ đây đang rất nhớ, thèm được ôm bà để cảm nhận sự ấm áp. Ở dưới, ngoài comment an ủi và cho rằng cô gái sống thật tình cảm, thì khoảng chục bình luận khác đang sẵn sàng... tag sản phẩm bán hàng shop của mình, kèm theo dòng chữ phía trước: "Không liên quan nhưng...".

Thật sự, chẳng có sự liên quan nào giữa đoạn status và những comment quảng cáo kia, nhưng các shop online vẫn miệt mài tag hình ảnh và link shop để hy vọng rằng dưới cái status đang gần 1000 like ấy, sẽ có khách hàng muốn mua?!

Chỉ khổ cho chủ nhân Facebook, phải ngồi xóa từng cái comment quảng cáo và khổ sở xin: "Các bạn làm ơn đừng post link bán hàng vào đây. Mình đăng status chuyện chẳng vui vẻ gì mà các bạn nhắm mắt nhắm mũi tag. Xin lỗi mình block hết các shop nhé!". Tưởng đã yên, dưới cái comment ấy vẫn có bạn tranh thủ quảng cáo thêm "Xin phép bạn cho mình đăng nốt, găng tay mùa đông không thể thiếu trong những ngày vào đông lạnh lẽo...".

3. Không thèm đọc caption đã comment hỏi "tán loạn"

Có vẻ như cuộc sống ngày càng vội vã, nên văn hóa đọc trên Facebook cũng bị một vài bạn "lược" bớt. Họ ồ ạt đọc tin tức, dòng status trên news feed, vội vàng vào comment nhưng thật hài hước khi quên luôn nội dung status ấy nói gì, những comment trước nói gì, chỉ chăm chăm bình luận cho mình. Dù không phải là điều gì to tát, nhưng nó thật sự để lại sự khó chịu với chủ nhân các đoạn status. Ví dụ về chuyện này thì vô cùng. Chủ nhân Facebook vừa post status hào hứng khoe đi ăn bún hải sản ở một quán mới mở, trên đó đã ghi rõ ràng địa chỉ quán kèm theo ảnh chụp. Ở dưới, hàng chục cái comment hỏi một câu giống nhau "Ăn ở đâu anh ơi, có ngon không?", đến nỗi người post phải thốt lên "Trời ơi không ai đọc status à, có ghi địa chỉ rõ ràng mà!".

Ai cũng có tài khoản Facebook, và ai cũng có quyền tự do "lang thang" trên thế giới ảo rộng lớn này. Thế nhưng, khi bạn vào một trang cá nhân của ai đó và để lại comment, nghĩa là bạn ghi nhận sự tồn tại của mình ở "nhà" người ấy chứ chẳng còn âm thầm kiểu "xem rồi lại ra". Cách bạn bình luận, khen chê, chia sẻ hoàn toàn thể hiện văn hóa trong con người bạn. Và chắc chắn rằng, ở ngoài đời, chúng ta chẳng dại gì xông vào "nhà người khác" để kiếm chuyện, đúng không nhỉ?