Ngày càng nhiều teen hoang mang vì bọ xít hút máu

Thỏ Trắng Màu Nâu, Theo 00:01 06/07/2010

Một vài teen khẳng định mình bị con bọ này đốt liên tục, lúc nào cũng buồn ngủ mà không biết phải xử lý ra sao. Nhưng vì quá hoang mang, vết đốt của côn trùng nào cũng bị teen quy kết thành "bọ xít hút máu".

Vì hoang mang nên con gì cũng thành... bọ xít!

Những hình ảnh về con bọ xít hút máu người còn sống được tìm thấy tại một nhà ở khu vực Trung Kính, Hà Nội, cùng với thông tin liên tục được đăng tải trên báo chí về loài bọ xít này, đã thực sự khiến dư luận dấy lên nỗi hoang mang lo lắng. Mặc dù chưa có thông báo nào về sự truyền nhiễm bệnh của bọ xít hút máu người, nhưng những triệu chứng như vết bị cắn sưng to, người bị cắn cảm thấy buồn ngủ và ngủ triền miên, sự sợ hãi trước dịch bệnh Chaga's – dịch lây nhiễm ký sinh trùng mà loài bọ xít này gây ra ở châu Mỹ La Tinh, cũng đủ khiến cộng đồng lo sợ. Khi tiếp nhận với thông tin này, đa số teen cũng tỏ ra sợ hãi. Và không ít bạn khẳng định đã bị con vật đáng sợ này cắn không chỉ một lần.

Bạn Quách Khánh, teen ở Hà Nội chia sẻ: “Cả nhà tôi 4 người đều là nạn nhân của nó. Đến hôm nay thắc mắc của chúng tôi mới có lời đáp. Khi bị chúng chích hút máu thường trong lúc ngủ, giật mình tỉnh dậy ngứa ngáy khắp người, nổi lên từng mảng như dị ứng, kèm theo chứng khó thở, riêng tôi lại thấy lưỡi bị líu lại. Khủng khiếp lắm! Chỗ bị chích sưng cứng, nóng và đau khoảng 3-4 ngày mới hết. Nhà chúng tôi rất sạch, không biết chúng bay từ đâu tới nữa và cũng may lâu lâu mới lại thấy”.
 



Loại bọ xít hút máu đang gây hoang mang trong cộng đồng teen (Ảnh: Bee.net)

Thu Thảo, một teen sống tại Mỹ Đình, Từ Liêm thì gửi mail thắc mắc liệu bạn ý có thể đi khám ở đâu vì bạn cũng đã bị một loại côn trùng đốt với các nốt sưng to, sau khi bị đốt thì mệt mỏi buồn ngủ liên tục. Sự lo lắng của Thảo cũng giống như nhiều teen khác, liệu có phải bị bọ xít hút máu đốt hay là loài côn trùng nào khác!

Thế nhưng, có lẽ vì quá hoang mang lo sợ mà rất nhiều teen đang “vơ” hết tất cả các nốt bị côn trùng cắn thành bọ xít hút máu người. Trên các diễn đàn và trong các câu chuyện với bạn bè, teen tỏ ra lo lắng khi thấy trên tay, chân xuất hiện các vết đỏ, ngứa, sưng tấy. Mặc dù trong số đó chỉ là nốt muỗi đốt, rệp cắn, nhưng nhiều bạn cũng quy thành bọ xít hút máu.

Trước cửa nhà của Thành Trung (sn1993) có nhiều cây cối, thế nên côn trùng bay vào cũng nhiều. Mới đây, Trung nhìn thấy một con bọ xít to đùng đậu ở cửa sổ, nhưng vì sợ quá nên không dám đập. Tối đến, nằm ngủ không màn nên cậu bị muỗi đốt sưng cả chân. Sáng hôm sau, Trung kêu ầm ỹ lên là mình bị bọ xít hút máu và con bọ to đùng hôm qua nhìn thấy chính là loài hút máu đáng sợ. Báo hại cho bố mẹ Trung phải lục tung cả nhà, quét dọn thật kỹ ở gầm tủ, cầu thang mà chẳng thấy con nào.

Không phải vết côn trùng đốt nào cũng là của bọ xít hút máu. Hơn nữa, loài này chỉ cư trú ở những chỗ tối năm như khe giường tủ, dưới đệm chứ không “chình ình” ở cửa sổ, dưới bóng đèn như thiêu thân. Nhiều teen thấy loài côn trùng có cánh cứng nào bay vào nhà là quy kết thành “bọ xít hút máu người”, kêu la ầm ỹ khiến mọi người càng hoang mang. Hơn nữa, thấy mình hay buồn ngủ, ngủ nhiều hơn một chút cũng cho rằng tại bọ xít hút máu. Trong khi trên thực thế nhiều teen do đêm thức khuya xem phim, xem WC nên sáng ra cứ vật vờ buồn ngủ. Thế nên nhiều khu vực vẫn chưa ghi nhận có bọ xít hút máu người tồn tại, nhưng do “truyền miệng” lại thành đại dịch bọ xít rất xôn xao dư luận.

Đi khám khi nghi bị cắn, và giữ vệ sinh nơi ở

Nói vậy nhưng không có nghĩa là bọ xít hút máu chưa xuất hiện và mối nguy hại nó mang lại không đáng phải bận tâm. Loài bọ xít này có thể sống ở bất kỳ khu dân cư đông đúc nào. Các trường hợp ở Hà Nội bị bọ xít hút máu cắn, đều có triệu chứng ngứa, càng gãi càng ngứa hơn và sưng đau, 10-12 ngày mới lành. Kèm theo đó là cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Nhưng nếu bị đốt, teen đừng gãi để vết cắn bị loang ra càng lâu khỏi, nếu ngứa quá chỉ nên day hoặc bóp nhẹ. Sau đó bôi kem chống dị ứng côn trùng hoặc bôi các chất có tính sút nhằm trung hòa lượng axit như vôi, kem đánh răng...

Loại bọ xít này sống ở những nơi bóng tối như khe giường, dưới chiếu, đệm tủ... Cách tốt nhất để tiêu diệt nó là tìm, bắt và giết chứ không nên phun thuốc. Tại ban ngày chúng thường trốn rất kỹ, ở các ngóc ngách rất khó phun được thuốc vào. Teen nên dọn dẹp phòng thường xuyên, lật giát giường, lật đệm để vệ sinh kỹ càng. Phòng không nên bày biện nhiều đồ quá, dễ làm nơi sinh sống lý tưởng cho chúng.

Nếu nghi mình bị bọ xít hút máu cắn, để biết chính xác bạn có thể tới khám ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư hoặc các BV Da liễu, chứ đừng ngồi ở nhà đoán mò khiến bố mẹ lo lắng, teen nhé!