Muôn màu chuyện lì xì của teen Việt

Quang Khải, Theo 00:01 29/01/2012

Ngày mai là teen mình sẽ quay trở lại trường học sau kì nghỉ Tết rồi. Cùng khám phá những chuyện xung quanh việc lì xì bạn bè nhé!

Ngày Tết qua đi, trở lại lớp học, teen mình lì xì cho nhau đã là chuyện quá quen thuộc rồi. Song teen lì xì nhau thế nào, ra sao thì chẳng mấy ai biết hết được. Bởi với sự sáng tạo vô biên của những cô cậu học trò, với những ý tưởng độc đáo, mới mẻ của những cái đầu bùng nổ tính sáng tạo, chuyện lì xì của học trò Việt chúng mình không có mất cứ một quy tắc chung nào cả.

Học trò chúng mình có rất nhiều quái chiêu “vòi” tiền lì xì của bạn bè; ngộ nghĩnh và nhiều khi… trắng trợn một cách rất dễ thương. Như kiểu vòi tiền cổ điển của Tuấn Nam (16t) với chiều cao khá khiêm tốn trong lớp thì thủ thỉ với mọi người: “Năm mới, ai trong lớp mình cũng đều cao lớn quá chừng. Chỉ có mình là vẫn “tuổi thèm phong bao”. Mọi người định ra sao bây giờ ấy nhỉ?”. Rất có tính gợi mở vấn đề “lì xì” với bạn bè phải không? Còn Quân (17t) thì còn làm hẳn một bài thơ rồi đọc cho tụi bạn nghe: “Mỗi năm hoa đào nở // Lại nhớ bao lì xì // Tụi bạn mình, mấy đứa // Chưa đứa nào chịu chi…

Hương (19t) thì dùng chiêu “bắc cầu” để “vòi” tiền lì xì của cậu bạn thân: “Hoa nó mừng tuổi mình rồi. Trời ơi, là con gái mà nó lại còn hào phóng đến như vậy, chả bù cho cậu, đẹp trai, cao ráo, học giỏi thế này mà lại…”. Nói xong, cô bạn liếc anh chàng một cái rất “tình củm”, đảm bảo cả năm trên năm anh chàng nghe được câu này của nàng đều phải “đau khổ” mà rút ví thôi. “Thâm” hơn còn có “quái chiêu” của Thuận (15t) khi mượn ví của cậu bạn và mở ra, rút tờ polymer mới cứng trong ví rồi “giả nai”: “Tờ tiền này mới đến mức chắc cạo râu được đấy. Râu mình dài rồi, được lì xì tờ này về cạo râu rồi sướng còn gì bằng”. Dùng chiêu “ép” này khi đối tượng lì quá thì teen mình phải đánh thẳng vào mục đích của hành động để sớm muộn gì đối tượng cũng phải “xì” tiền ra chứ sao.

“Vòi được”, “móc được” tiền lì xì rồi thì chúng mình cũng phải đáp lễ chứ nhỉ? Teen mình khôn lắm, thường là đáp lễ bằng phân hoặc không thì thấp hơn chứ hiếm khi thấy cậu chàng, cô nàng nào hào phóng đáp lại cao hơn cả. Thế nhưng cũng có một vài trường hợp ngoại lệ; có thể là do cậu chàng/ cô nàng đó là “đối tượng” đang nằm trong tầm ngắm của mình; hay vì hoàn cành “khách quan” đưa đẩy. Tuấn Anh với vẻ mặt đau khổ kể lại: “Tết vừa rồi, không chủ quan đổi tiền nên trong ví tớ tờ tiền có mệnh giá cao nhất là 10.000 đ. Thế nên dù chỉ được mấy đứa bạn mừng tuổi một đồng xu 5.000đ nhưng tớ thì lại phải đáp lễ tới tận gấp đôi. Qua Tết rồi mới ngộ ra đợt ấy sao mình “củ chuối” quá, không biết ra hàng tạp hóa ngoài cổng trường để đổi. Nghĩ ra sớm thì đã không chóng rơi vào cảnh “thâm hụt ngân sách” khi Tết cũng vừa qua đi”.

Nam Chung cũng không khá khẩm gì hơn khi: “Tết vừa rồi, rút kinh nghiệm những năm trước, tớ đã đi đổi tiền cẩn thận. Thế nhưng vừa vào tới lớp đã thấy 17 “con yêu nhền nhện” toe toét vừa cười vừa chìa tay. Không lẽ chỉ mừng tuổi một con nhền nhện chúa? Thôi thì đành chấp nhận vét nốt những đồng bạc cuối cùng trong ví để lì xì cho các nàng vậy, khó khăn thế nào cũng không thể mang danh nhà họ “ki” được, xấu mặt nam nhi lắm.

Duy Quang có vẻ khoái trá với quái chiêu của riêng mình: “Tết này, mình sẽ chuẩn bị một hộp kẹo mút lớn và đáp lễ bằng cách lì xì mỗi anh chàng/ cô nàng trong lớp một chiếc khuyến mãi đi kèm với câu “ranh” ngôn quen thuộc “Mừng tuổi lại nhé, mau ăn chóng nhớn rồi lấy vợ lấy chồng cho bà con yên tâm”. Tuy quái chiêu này khá kinh tế nhưng rất dễ bị chê là thực dụng, rồi ki bo, “phát lì xì như đi phát phiếu bé ngoan”, không tâm lí vì mấy bạn gái không thích ăn kẹo mút... tóm lại là không được lòng của các thành viên khác. Các bạn đã từng nghe câu “Có qua có lại mới toại lòng nhau” chắc sẽ hiểu!


Học trò Việt vốn nổi tiếng nhờ sự sáng tạo, vậy tại sao chúng mình lại không sáng tạo riêng cho mình những món quà mừng tuổi đầu xuân mới có ý nghĩa hơn là tiền bạc nhỉ. Đừng quên là từ một que tăm nhỏ cho đến những chiếc bút bạn đều có thể thỏa sức thể hiện, biến ý tưởng trong đầu mình thành những món quà khó quên cho bạn bèn mỗi dịp Xuân mới đang về. Chắc hẳn món quà độc đáo của bạn sẽ nhận được những sự ủng hộ của “bà con” nhiều hơn đấy!

Tiến (19t) mua một xấp vé số mừng xuân cho vào mỗi phong bao lì xì đỏ chói một cái rồi mừng tuổi bạn bè. Biện pháp này nghe chừng có hiệu quả vì mọi người đều vui, Tiến thì mừng vì cái hầu bao không bị “lạm phát”, vừa không mang tiếng “kẹo kéo”, người được mừng tuổi ra Tết hồi hộp chờ đón kết quả và theo lời Tiến thì năm ngoái có đứa còn trúng cả triệu đồng. Thế là lợi cả đôi bên! Tuấn (17t) thì sáng tạo ra cách làm những ngọn nến độc đáo dành tặng bạn bè. Cậu chàng đổ nến nóng chảy vào những chiếc khuôn theo hình thù tạo sẵn mua ngoài chợ; rồi đợi nến đông lại thì gỡ khuôn ra. Anh chàng đã có những cây nến “có một không hai” với hình chú vịt Mickey, mèo Tom, chuột Jerry, mèo máy Doraemon hay thậm chí là siêu nhân, người nhện, Songoku…. Ai ai cũng trầm trồ khen món quà độc đáo này của cậu chàng và dĩ nhiên chẳng ai dùng nó để thắp sáng cả!

Năm mới, mừng tuổi không chỉ là một phong tục đẹp của dân tộc mà còn là cách để học trò chúng mình bày tỏ tình cảm, sự quan tâm của mình đối với người khác cũng như bộc lộ sự sáng tạo, trí tưởng tượng, khả năng, tài lẻ của bản thân. Teen mình hãy làm thế nào để mỗi khi Xuân về, bạn bè mình gửi tới lời nhắn nhủ: “Tớ chẳng cần cậu mừng tuổi tiền bạc gì nhiều, vật chất gì lớn. Hãy lì xì tớ theo cách riêng của cậu sao cho thật ấn tượng. Bởi việc lì xì người khác một cách độc đáo, ấn tượng chứng tỏ sự nhiệt tình, tâm huyết, tình cảm, sự quan tâm của cậu dành cho tớ đều được gửi trọn vào đó. Một món quà tinh thần quý giá như vậy, tiền lì xì dù có lớn thế nào cũng chẳng thể thay thế được”.

Chúng mình hãy cùng tự tay thể hiện tấm lòng của mình qua những món quà lì xì “made by me” nhé... Chúc cả nhà một năm mới với nhiều ý tưởng mới!