Lật tẩy “màn kịch” mấy mẹ con ngất xỉu, đói rách trên phố

Dân Trí, Theo 12:36 20/02/2012

Người phụ nữ nằm bất động trên đường, ngay kế bên những đứa nhỏ vây quanh than khóc để gây sự chú ý. Bằng màn kịch tinh vi, nhóm người này đã lừa gạt lấy được khá nhiều tiền của những người nhẹ dạ, có lòng thương người.

Màn kịch tinh vi

Gần đây, trên xa lộ Hà Nội đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã ba Cát Lái nằm giáp ranh giữa quận Thủ Đức và quận 2 (TPHCM) thường xuyên xuất hiện hai, ba “mẹ con” lang thang chuyên lừa gạt người dân với chiêu thức “giả vờ ngất xỉu vì đói sau đó xin tiền về quê”. Không kể nắng mưa, các đối tượng lừa đảo vẫn nằm lì giữa dòng xe tấp nập để diễn màn kịch đã chuẩn bị sẵn.

Rất nhiều người thấy vậy đã vội tin, rủ lòng thương xót nên không ngần ngại chạy đi mua thức ăn, nước uống thậm chí gom góp tiền bạc cho những người này lấy tiền xe về quê. Tưởng rằng “lá lành đùm lá rách” nhưng nhiều người không biết mình đã bị rơi vào trò lừa đảo khá tinh vi của những kẻ bất chính.


Người phụ nữ tên Phương (trái) và Vân đã dựng "kịch bản" để lừa lòng tốt của nhiều người.

Một trong số các nạn nhân “dính bẫy” là Đặng Giang Anh (sinh viên năm 3, trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM). Vẫn còn ấm ức, Giang Anh kể lại: Trưa 14/2, trên đường đến trường, khi đến đoạn ngã ba Cát Lái thì bắt gặp một người phụ nữ đang nằm bất động dưới mép đường bên cạnh là một bé gái khoảng 14 tuổi. Thấy vậy, Giang Anh vội chạy đến hỏi thăm thì được đứa bé cho biết: “Mẹ con đói quá nên xỉu, chú giúp mẹ con cháu với”. Cùng lúc đó, cũng có nhiều người qua đường đến hỏi chuyện và bế người phụ nữ vào khu vực gần đó để chăm sóc và cho ăn uống để lấy lại sức. Khi tỉnh dậy, người phụ nữ này cho biết bà tên là Phương quê ở Cà Mau, là mẹ của bé Vân (bé gái 14 tuổi đi cùng).

Vì nghe tin con gái bị cha đẻ và dì ghẻ đánh đập nên lên đây đón con gái về. Sau khi đón con, hai người đã đi bộ từ khu vực ngã ba Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lên bến xe Miền Tây đón xe về quê. Do không có tiền để đi xe và ăn uống nên đến đây thì bị ngất. Tưởng thật, nhiều người cảm thương đã rủ nhau khuyên góp được 525 ngàn đồng cho hai mẹ con đi xe buýt và mua vé xe về Cà Mau.

Lộ diện kẻ lừa đảo chuyên nghiệp

Sau khi tận tay trao lại số tiền mà mọi người đã gom góp cho hai mẹ con, Giang Anh có để lại tên tuổi và số điện thoại của mình với lời nhắn: “Đây là số điện thoại của em, chị cầm lấy. Khi nào về đến nhà, chị nhớ gọi lại để em mừng”. Chiều 14/2, sau khi chia tay 2 mẹ con được vài giờ thì Giang Anh nhận được cú điện thoại từ một số lạ cho biết: “Chị Phương đây, chị về đến nhà rồi”.

“Nói xong, bên kia đầu dây vội vàng cúp máy khi tôi vẫn chưa kịp hỏi thăm gì thêm. Thấy lạ nên mình có chút tò mò, khó hiểu vì theo như lời chị Phương thì từ đây về Cà Mau phải mất ít nhất 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Xe không thể nào chạy nhanh đến vậy. Rõ ràng có sự mâu thuẫn về vấn đề thời gian” - Giang Anh phân tích.

Sáng hôm sau, khi ghé vào quán cháo trên đường Nguyễn Văn Bá (quận Thủ Đức) thì tình cờ Giang Anh phát hiện chị Phương đang ngồi hút thuốc và hai đứa bé gái trong đó có cả bé Vân cũng ở gần đó. Giang Anh kể: “Lúc đó, bỗng dưng tôi thấy run run vì biết gần như mình đã bị lừa. Bé Vân nhìn thấy tôi nên đứng dậy bỏ đi trước, còn người phụ nữ kia cũng chạy theo. Tôi chạy đến cầm tay chị ta níu lại thì đúng là người hôm qua tôi gặp”.

Để chống chế, người phụ nữ tên Phương liền ấp úng, lí giải về việc mình chưa về quê và khẳng định: “Giờ chị đón xe về nè”.

Biết được câu chuyện của Giang Anh, người phụ nữ bán cháo cho biết, chúng nó bán vé số ở khu vực này cả năm nay. Sáng nào mấy người này cũng ghé vào quán của bà ăn sáng. Chuyện nằm ngoài đường giả đói khổ để xin tiền, lừa gạt người đi đường là “nghề” của nhóm người này.

Ghi nhận tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, việc một số đối tượng “đóng kịch” để lừa gạt xin tiền những người đi đường không phải là hiếm. Trước đó không lâu, tại khu vực đường Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) thường xuyên xuất hiện một người đàn ông trung niên ăn mặc rách rưới, đeo ba lô kiểu lính, đội nón tai bèo và dắt theo chiếc xe máy cũ.

“Màn kịch” của người này là thường vào các cây xăng hoặc đứng ở khu vực đèn đỏ xin tiền đổ xăng và mua vài cái bánh mì “chống đói”. Khi được hỏi thì đối tượng này “tuôn” ra một bài như đã học thuộc sẵn. Câu chuyện mà kẻ lừa đảo này kể ra như, đi thăm con ốm, bị móc hết tiền, giờ không biết nó sống chết ra sao… Những câu chuyện kiểu như vậy đã khiến không ít người nhẹ dạ, thương người, rơi nước mắt và gom hết tiền cho kẻ lừa đảo.

Không ít người bị “lợi dụng lòng tốt” đã cảm thấy thất vọng khi phát hiện ra thủ đoạn của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Rồi đây, những người đã từng cho tiền những kẻ giả nghèo khổ này có còn đủ niềm tin, sự đồng cảm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, khốn khổ thực sự?