"Kiêng" yêu mới có thể... học giỏi?!

Huyền Trang, Theo 00:01 11/10/2010

Nhiều bạn cho rằng để học hành đạt kêt quả tốt thì phải chịu khó kiêng yêu!!! Chứ "yêu vào" là kiểu gì cũng mất tập trung, lơ là.

Yêu nhiều thì không còn thời gian để học?

Chẳng phải tự nhiên mà mọi người hay nhận định rằng tình yêu ảnh hưởng nhiều đến việc học, hay chẳng phải không lí do mà các bậc phụ huynh thường không muốn con mình yêu sớm từ cái thuở cắp sách đến trường. Bởi nhiều bạn khi yêu quay cuồng thì không còn tâm trí cho việc học. 

Mỹ Dung (học sinh lớp 12, trường Bùi Thị Xuân) chia sẻ: “Hồi lớp 11, tớ từng yêu một anh chàng lớn hơn 2 tuổi hết lòng. Tớ từng đắm đuối đến độ mẹ đưa đi học thêm, trốn học chỉ để ra đứng nói chuyện với hắn một chút. Lúc nào cũng canh cái điện thoại trực chờ tin nhắn của hắn. Những gì tớ làm được để vun đắp, giữ gìn tình yêu tớ đều cố gắng. Nhưng khi hắn đi du học thì hắn chia tay tớ. Lúc ấy, không thể tưởng tượng tớ đã suy sụp thế nào. Tớ không thiết làm gì nữa, học hành cũng bỏ bê”. 

Khi mặn nồng say đắm bình yên thì các cặp thường bận hẹn họ, bận đi chơi, bận làm cái này cái kia cho người yêu nên việc học tạm bị cắt xén lại. Đến khi cãi vã, chia tay thì suy sụp, không thiết đến việc học hành. Một số bạn cố gắng phân chia thời gian học và yêu hợp lí. Tuy nhiên, tâm trí sẽ không thể dồn toàn bộ vào việc học như lúc chưa yêu. 

Nói đến ảnh hưởng của tình cảm đến việc học thì thường con gái bị tác động nhiều hơn con trai. Bởi con gái thường nhạy cảm hơn con trai trong mọi chuyện. Một câu nói đùa vô tình cũng có thể kiến nàng tổn thương, suy sụp, không thể học hành. Nhưng với các chàng thì họ thường lạc quan hơn. Thậm chí cả khi chiến tranh xảy ra, nhiều anh chàng vẫn bình chân như vại. 


Dành tâm trí vào việc học, nhiều bạn quyết định không yêu. (Ảnh minh họa)

Con gái thích con trai học giỏi, nhưng với các anh chàng thì không hẳn thế? 

Tiêu chí chọn người yêu của nhiều cô bạn là: ngoại hình được, kiến thức uyên bác, nói chung là giỏi hơn mình. Từ trước đến nay, trong môi trường lớp học, những anh chàng học giỏi trong lớp thường được nhiều người để ý hơn. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đằng ấy là phái mạnh, mà con gái ai chẳng thích được bạn trai bảo vệ, nâng niu. Nhất là những anh chàng giỏi giang, thì họ thường chín chắn hơn, có tương lai hơn (theo suy nghĩ của các bạn nữ). 

Đối với con gái là thế, nhưng đối với nhiều chàng trai thì lại không như vậy. Một số anh chàng mất tự tin khi yêu nàng giỏi quá. Như Minh Quân (sn 1994) chia sẻ: “Bạn gái tớ xinh lại học siêu. Nàng luôn là lớp trưởng rồi ẵm hết giải thưởng này đến giải thưởng khác. Nhiều khi tớ cũng cảm thấy tự ti vì nàng giỏi quá. Bạn bè nhiều người bảo tớ “bám gót bạn gái". Rồi nhiều lúc nàng bận học cũng chẳng còn thời gian gặp nhau. Cũng buồn, nhưng vì yêu nàng nên đành cố gắng vì tương lai hai đứa”. 

Những anh chàng có bạn gái học giỏi hay có điểm đặc biệt, xuất sắc thường thành vấn đề cho người khác chọc ghẹo. Đôi khi, bạn bè chỉ vô tình đùa vui, nhưng nó khiến nhiều chàng tự ti khi người ấy giỏi hơn cả mình. Tất nhiên, đó không phải toàn bộ và không phải vì thế mà các chàng kiêng yêu những bạn nữ chỉ biết có học.  

Bên cạnh đó, một số chàng trai tỏ ra rất thích có bạn gái học giỏi và thông hiểu mọi thứ.

Như anh chàng Minh Quân ở trên, sau thời gian đầu tư ti và áp lực, Quân quyết cùng học tập để không thua kém bạn gái mình. Nhờ cố gắng và có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, lại được bạn gái hướng dẫn, động viên cùng học, thành tích của Quân tiến bộ rõ rệt. 

Con trai thường thích bạn gái mình là những người hiền lành, biết suy nghĩ  và vun vén cho hạnh phúc của hai đứa. Thường, những bạn nữ chăm ngoan, học giỏi luôn hội đủ tiêu chuẩn và ghi được nhiều điểm tốt trong mắt chàng. Những cô nàng ăn chơi tối ngày, học hành không lo thường khiến các teenboy có suy nghĩ chỉ quen vui đùa rồi chia tay. 

Rất nhiều cặp đôi yêu nhau, nhưng lại cùng giúp nhau học, cùng giúp nhau tiến bộ và đi lên. Nhất là với con gái, nhiều cô bạn rất muốn hướng cho đằng ấy của mình một hướng đi đúng đắn. Nếu các chàng không nhăng nhó và tự ti thì hẳn đó sẽ trở thành một cặp đôi cùng tiến bộ. Tất nhiên, để được như thế còn phụ thuộc và nhận thức khác nhau của mỗi cặp, và không phải cặp đôi nào cũng đủ chính chắn để tìm ra cái nhận định ấy.