Khu ổ chuột Seoul núp bóng “Gangnam Style”

trangdo, Theo Trí Thức Trẻ 20:58 22/10/2012

Khác xa vẻ hào nhoáng của khu đô thị Gangnam nổi danh trong bản hit "Gangnam Style" là khu ổ chuột tồi tàn của ngôi làng Guryong, cho thấy sự bất bình đẳng của 1 trong những thành phố phát triển nhất Châu Á.

Núp dưới bóng những ngôi nhà chọc trời hào nhoáng của khu đô thị giàu có Gangnam, bà Kim Bok Ja, 75 tuổi đang phải kéo chiếc xe chở đầy thùng bìa các tông dọc suốt con phố tồi tàn tại 1 trong những thành phố phát triển nhất Châu Á.

Tại khu sân tái chế, bà Kim cười gượng gạo đếm từng số tiền ít ỏi kiếm được từ những bìa các tông hay những thùng giấy bà thu gom được cả ngày.

Khu ổ chuột Seoul núp bóng “Gangnam Style” 1

Bà cho biết “Đây là tất cả những gì tôi có thể làm để sống sót cho tới khi chết bởi tôi chỉ có 1 mình, và không hề có nguồn thu nhập nào khác.”

Khu nhà của bà Kim là ngôi làng Guryong – 1 khu ổ chuột bẩn thỉu, ngổn ngang lều bạt ở tạm được thành lập năm 1988 khi những người dân nghèo khó bị đuổi ra khỏi khu vực trung tâm để đem lại vẻ đẹp cho Seoul đón chào Olympic.

Gần 25 năm sau, Guryong (được dịch là Cửu Long) gồm hơn 2.000 cư dân đang phải sống trong cảnh nghèo khó cùng cực của Thế giới thứ 3. Thậm chí, họ không được hưởng nguồn nước sạch.

Khung cảnh ở đây khác xa vẻ đẹp, sự hào nhoáng của khu tiếp giáp Gangnam – 1 khu đô thị với những chuỗi cửa hàng sang trọng, những câu lạc bộ đêm nổi tiếng , được biết đến nhiều hơn cả trong bản hit “Gangnam Style” của danh ca Psy.

Khu ổ chuột chỉ cách khu đô thị Gangnam 1 làn đường cao tốc 6 làn, có diện tích 30 hecta.

Phó chủ tịch hội đồng nhân dân Guryong, ông Lee In cho hay “Ngôi làng của chúng tôi là 1 trong những khu ổ chuột lớn nhất Seoul, tuy nhiên nó không hề xuất hiện trong bất cứ bản đồ nào.”

Hầu hết cư dân trong ngôi làng đều có độ tuổi từ 70 đến 80 và sống 1 mình, họ không hề được hưởng sự trợ giúp nào từ chính phủ.

Khu ổ chuột Seoul núp bóng “Gangnam Style” 2

Ông Lee cho biết “Nhiều người phải lao động rất vất vả hay làm những công việc bẩn thỉu để kiếm sống qua ngày. Thực tế họ không chết đói là vì có sự giúp đỡ của những tình nguyện viên và những tổ chức tôn giáo.”

“Một trong những điểm đặc trưng của khu vực Guryong là hàng loạt những cây thánh giá gỗ nổi lên trên hàng chục nhà thờ lụp xụp, thấp lè tè nằm khắp khu ổ chuột. Thêm vào đó từng mảnh đất ở đây đều biến thành những thửa ruộng nhỏ để người dân trồng rau, phục vụ nhu cầu lương thực cho chính mình.”

Biểu tượng của sự bất bình đẳng

Guryong là những ngôi nhà xây dựng trái phép; điện, ga là những thuật ngữ không hề tồn tại, vì vậy những viên than cuộn khói là nguồn sưởi ấm chính trong suốt mùa Đông lạnh giá.

1 vụ cháy vào tháng Giêng nhanh chóng cướp mất nhiều ngôi nhà, trong khi đó, mưa lớn hồi tháng 7 năm ngoái lại phá hủy phần lớn ngôi làng.

Chỉ có 1 điều tạm được coi là lợi thế của khu làng này đó là “dễ di chuyển, dễ dựng lại”. 1 người dân nơi đây cho biết “Nếu có chuyện gì xảy ra với những căn nhà vào ban ngày thì ngay buổi tối chúng tôi đã có thể sửa chữa lại được.”

1 sự thật trớ trêu đó là khu ổ chuột Guryong lại chính là khu đất “vàng” và nằm trong tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Khu đất này thuộc quyền sở hữu của tư nhân, nhưng do người lấn chiếm đất đã sử dụng đất quá lâu, nên chính quyền thành phố đã ra quyết định cấp giấy phép cư trú tạm thời cho người dân vào năm ngoái.

Đầu năm nay, 1 nhà phát triển tư nhân đã đưa ra kế hoạch xây dựng khu nhà cho thuê giá thấp để người dân Guryong có thể ở và tái phát triển khu đất bỏ hoang.

Chính quyền thành phố Seoul cũng vừa mới dự thảo 1 kế hoạch tương tự. Chính vì vậy, 1 cuộc tranh cãi nảy lửa đã diễn ra để xem đề xuất nào có lợi hơn.

1 người dân, ông Kim Mi Ran cho biết “Chúng tôi không còn tin các nhà chính trị nữa, họ chỉ hứa mà không bao giờ thực hiện”.

Cưỡng chế di dời cũng là 1 giải pháp thay thế, tuy nhiên các nhà chức trách hiểu rất rõ hậu quả của hành động cực đoạn đó. Bởi năm 2009, vụ cưỡng chế tại Seoul đã gây ra vụ đụng độ nghiêm trọng, khiến 5 người dân và 1 cảnh sát mất mạng.

Park Won Soon, 1 nhà hoạt động tự do đã được bầu làm thị trưởng Seoul hồi tháng 10 năm ngoái, đã nhận thức rõ ràng rằng mọi quyết định phải dựa trên ý kiến và lợi ích của tất cả công dân.

Ông Kim Kyo Seong, giáo sư trường phúc lợi xã hội tại đại học Chung Ang cho rằng Guryong là hiện thân cho thấy mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc.

Ông cho biết “Đó là biểu tượng của sự bất bình đẳng trong xã hội” thể hiện qua khoảng cách thu nhập, sự thiếu hỗ trợ cho người già và tình trạng thất nghiệp của những người bị “bỏ rơi” trong vòng xoáy công nghiệp.