Khi teen không chịu phấn đấu để hoàn thiện bản thân

Lê Thu Hà, Theo 10:00 27/09/2011

Bởi vì teen cảm thấy mọi thứ mình có là đã đủ, nên không chịu biết cố gắng để mình có thể giỏi hơn người khác.

"Vừa đủ" = không chịu cố gắng

"Vừa đủ" có nghĩa là an phận với cuộc sống của mình mà không bao giờ cố gắng để đạt được những thứ tốt hơn, sức học khá, cuộc sống vật chất đầy đủ chẳng thiếu thứ gì, vậy thì chẳng cần phải cố gắng để hơn người khác, cứ thế này là tốt lắm rồi.

Ngọc Minh được sinh ra trong một gia đình khá giả, có cuộc sống đầy đủ, sức học khá, ngoài việc học tập và vui chơi thì cô bạn chẳng phải làm thêm bất kì việc gì, điều đó dẫn đến việc Minh chẳng bao giờ phấn đấu hay có mơ ước gì thêm nữa, cho dù nếu phấn đấu với sức học của mình cô bạn sẽ không chỉ mang kết quả khá về nhà mà có thể là giỏi và hơn thế nữa. Minh tâm sự rằng: “Có giỏi hơn nữa thì cũng thế thôi mà, mình có đủ những thứ mình cần rồi, phấn đấu thêm làm gì nữa”. Hội chứng này dường như đang rất phổ biến ở teen. Học chừng mực vừa đủ cho một kết quả như bạn bè, cố gắng vừa đủ để vào một ngôi trường đúng tầm, có một cuộc sống giải trí vừa đủ..., các bạn ấy tự hài lòng với cuộc sống của bản thân.

Và còn một trường hợp khác của hội chứng "vừa đủ" là suy nghĩ “nhìn xuống dưới thì chẳng ai bằng mình, nhìn lên trên thì mình chẳng bằng ai”, tại sao lại phải gồng mình làm những việc mà mình không thể làm. Sống chậm, không phải vồn vã, không dồn dập và từ lúc nào teen biến mình trở thành người “lỗi thời” trước cuộc sống gấp gáp của xã hội. Không có sự ganh đua, không có những nỗ lực của bản thân. “Tại sao lại cứ phải gồng mình để đạt được những thứ mà mình không thể làm được, chỉ cần một cuộc sống “vừa đủ” thế này là được rồi.”– Hương (18t) bày tỏ quan niệm của mình.

Không phải sống không có ước mơ mà vì hội chứng vừa đủ khiến teen không muốn phấn đấu. Đôi khi teen nghĩ rằng, việc cố gắng để được bằng một ai đó khi mình không có khả năng thật phung phí sức lực, nhưng chính teen lại chưa bao giờ thử cố gắng để làm điều đó. Sợ thất bại, sợ thử thách, sợ khó khăn phía trước, khiến không ít bạn chùn bước.



Tâm lý cho rằng "mình đã đủ" khiến các bạn trẻ không phấn đấu để hoàn thiện mình hơn. (Ảnh minh họa)

Làm thế nào để vượt qua hội chứng "vừa đủ"

Hãy vạch ra cho mình những kế hoạch, ước mơ để chinh phục và thử thách. Cuộc sống sẽ rất nhàm chán nếu ta an phận với những thành quả mà người ta chẳng cần cố gắng để có thể đạt được. Đơn giản từ suy nghĩ “kì này nhất định mình sẽ giành được loại giỏi”, “phải cố gắng để không cố gắng thua kém cô bạn lớp trưởng”, “mình sẽ tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để trưởng thành hơn”… Hãy nhìn vào những tấm gương từ những người xung quanh để đặt ra mục tiêu cho mình phấn đấu.

Mách nhỏ với những teen boy này, nếu con trai mà mang trong mình hội chứng "vừa đủ" thì sẽ nằm trong danh sách “khoanh vùng” không thể làm “một nửa” của con gái đấy nhé! Con gái sẽ chẳng bao giờ yêu những chàng trai ỷ lại, dựa dẫm từ những thứ có sẵn mà không bao giờ chịu phấn đấu. Với con gái, con trai cũng sẽ không bao giờ để mắt tới những cô gái có một cuộc sống nhàm chán đơn điệu vì chẳng biết làm gì. Dĩ nhiên là con trai sẽ yêu hơn những cô gái mạnh mẽ năng động cá tính và luôn biết phấn đấu rồi, đúng không nào?

Những người nỗ lực hết sức mình khi làm bất cứ cái gì không bao giờ phí phạm thời gian cả bạn ạ. Suy nghĩ "vừa đủ" không tốt chút nào cho những người cố gắng hết sức mình. Không phải là ganh đua hay ghen tị mà sự cố gắng và nỗ lực của bản thân chính là cách teen khẳng định bản thân mình, sự phấn đấu không mệt mỏi là chìa khóa thành công cho những bước đường phía trước mà teen cần phải chinh phục.

Tuổi trẻ không có ước mơ không phải là tuổi trẻ, ước mơ chính là điều quan trọng nhất của tuổi trẻ. Hãy đặt ra cho mình những mục tiêu phía trước, hãy biết ước mơ và nỗ lực biến những ước mơ của mình thành sự thật, bạn nhé!