Khi sự ghen tị núp bóng "đạo đức"

Thỏ Trắng Màu Nâu, Theo 00:01 11/08/2010

"Sao không đi từ thiện mà lại thế này thế kia", câu cửa miệng của họ luôn là vậy. Lối so sánh quá thiển cận mà chẳng hiểu sao vẫn tồn tại trong một bộ phận những người trẻ.

Sao không làm từ thiện?!”

Trong một cuộc thi Pet, chủ nhân (hầu hết đang thuộc tuổi teen) hào hứng mang thú nuôi dễ thương của mình đến “đọ sắc” với hàng trăm chú cún, mèo khác. Phần để khoe, phần muốn giao lưu với những bạn nuôi chó mèo và cùng có lòng thương yêu động vật giống mình. Chẳng ai để ý đến tính chất là một cuộc thi, mà đều coi như hội chợ “khoe” Pet cưng, được giao lưu với những chú cún Alaska, Husky, Lạp sườn... đáng yêu thật vui vẻ.

Tuy thế, cuộc vui vẫn gờn gợn vài hạt sạn, mà đáng buồn ở chỗ sạn lại đến từ những kẻ chẳng liên quan gì đến thi Pet, khéo cũng chẳng bao giờ  kiên nhẫn nuôi nổi một chú cún hay con mèo trong nhà. Hạt sạn đến vì một thói quen rất thường tình: ghen ăn tức ở. Tại sao phải ghen tức với một cuộc thi cực thông thường, dễ mến và được đông đảo teen ủng hộ đến vậy? Câu trả lời đơn giản là vì... tính nó vậy, chuyện gì mình không làm được, vượt quá khả năng của mình thì cứ ghen tức vậy thôi. Và lại quay về câu hỏi muôn thủa, xuất hiện phần lớn ở bất cứ cuộc thi từ nhan sắc, đến trò chơi, đến chương trình ca nhạc, đến cả cuộc thi cho chó mèo: “Sao không làm từ thiện mà cứ tổ chức thi thố?”,“Sao cứ phải khoe chó đắt tiền thế, tiền mua chó sao không đi giúp đỡ người nghèo”... Sao không thế này, sao không thế kia, nhưng tựu chung đều là “Sao không làm từ thiện ấy!”. Trăm ngàn ví dụ để rồi dẫn đến câu hỏi cũ rích, chẳng qua chỉ biện minh cho sự ghen tị đang núp bóng vấn đề rất đạo đức: làm từ thiện.

Từ thiện là một khái niệm rất rõ ràng và đạo đức, nhưng lại hay bị mập mờ giữa những kẻ ghen tức và đạo đức giả. Ví dụ, ở một cuộc thi nào đó diễn ra với mục đích trong sáng, có ý nghĩa về văn hóa, thì lại không thể không có những kẻ vạch lá tìm sâu và lôi vài câu đại loại như “Tiền tổ chức thi sao không đem làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó? Thật tốn tiền, lãng phí, chơi nổi”... Đáng buồn là lời nhận xét “Sao không, sao không...” ấy xuất phát toàn từ những kẻ “loser” toàn tập, cả đời có lẽ vẫn chưa góp được đồng tiền nào vào quỹ phúc lợi, gửi được bộ quần áo nào giúp đỡ đồng bào lũ lụt, mua được bao gạo hay gói mỳ nào giúp trẻ em cơ nhỡ... nhưng lại rất hay "kém miếng khó chịu".
 

Thói ghen tức đội lốt "đạo đức", thực ra chỉ là trò hề của những "loser" yếu kém (Ảnh minh họa)

Chỉ ngồi một chỗ, bực tức vì nhiều sự kiện vui vẻ, trẻ trung đang diễn ra trước mắt mà mình chẳng thể tham gia, và cứ thế gán 2 chữ “từ thiện” vào sau mỗi câu ghen tức của mình. Thi Pet, người ta đem chó mèo đến giao lưu với người nuôi Pet và yêu thương động vật khác, chứ đâu để khoe vài con chó tiền triệu? Nuôi chó mèo là sở thích cá nhân, liên quan gì tới làm từ thiện, vậy mà phải so sánh và gán bằng được cho “cái tội”: “Nuôi chó tiền triệu sao không làm từ thiện?”. Lối so sánh quá thiển cận, chẳng hiểu sao vẫn tồn tại trong cộng đồng người trẻ. Không liên quan đến mình mà vẫn cứ phải “kém miếng khó chịu”, ấy thế mới thật là tài!

Thói xấu đang bị tẩy chay

Cách đây vài tháng, cái tin một game thủ bỏ 1,5 tỷ đồng để đổi một danh hiệu ảo trong game gây sôi sục trong cư dân mạng, nhất là giới chơi game. Người chơi mê game và chấp nhận bỏ ra số tiền lớn chắc hẳn có gia cảnh khá giả, nhưng tạm thời không bàn đến bởi đó là sở thích, là cuộc sống riêng của mỗi người. Không ít đại gia trong làng game sẵn sàng bỏ ra vài tỉ đồng chỉ để mua một account yêu thích.

Thế nhưng, cái sự bỏ ra nhiều tiền chỉ để đổi danh hiệu ảo của một game thủ, lại quá ảnh hưởng đến cuộc sống của những kẻ rỗi hơi, chuyên ghen ăn tức ở. Nực cười ở chỗ chả có mối liên quan gì đến người ta, nhưng họ sẵn sàng ngồi cả ngày comment chửi bới, khinh miệt game thủ vì “Tại sao bỏ ra nhiều tiền cho 1 thứ ảo đến thế, thà tiền đó để giúp người nghèo, làm từ thiện còn hơn”... Nhiều chú còn ác miệng đến mức khẳng định “Chắc là bố mẹ nó rút tham ô nên mới phung phí đến thế!”. Những comment ghen tức ngày càng tăng level, và kiểu gì cũng phải gán thêm vế “từ thiện” vào, kiểu gì cũng phải có!

Ngay lập tức, một luồng thông tin khác lên tiếng phản đối. Một độc giả comment “Muốn được như người ta thì cố mà giàu vào rồi làm từ thiện nhé. Người ta có tiền mua cái gì chả được, tiền của ông đấy à mà kêu như đúng rồi? Đừng cứ vào topic game để ăn tục nói phét. Đã làm được cái gì mà hơi tí là lôi từ thiện, phải làm việc gì có ích cho đời ra nói người khác? Người ta làm từ thiện phải khoe cho ông biết sao?”... Các comment khác cũng với nội dung tương tự, đã khiến những kẻ phiến diện, ghen tức hết đất biểu diễn.

Chỉ cần đọc qua cũng thấy khó chịu với những kẻ chỉ chăm chăm chê người trên mạng, sẵn sàng ngồi cả ngày để comment, lướt web rồi chê lấy chê để và không quên đặt câu hỏi về từ thiện. Trong khi đó, đố ai thấy được họ bỏ đồng nào trong túi ra cho người ăn xin trên phố, hay góp được xu nào trong quỹ lớp, quỹ trường mỗi khi có đợt từ thiện? Ấy vậy mà rất hăng hái nói đến từ thiện ở trên mạng. Chính vì sự vô lý, lệch lạc trong suy nghĩ kiểu này mà không ít người phải lên tiếng tẩy chay thói đạo đức giả.

Xem ra, cộng đồng mạng nói chung cũng đã “miễn dịch” với thói ghen tị đạo đức giả. Bởi vì ai cũng hiểu rằng, không thể chuyện gì cũng có thể gán cho việc làm từ thiện, vốn là một công việc đầy lòng nhân ái, với ý nghĩa giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Việc đánh đồng sự ghen tức cá nhân vào ý nghĩa tốt đẹp đó, chẳng phải tự khẳng định sự lố bịch, xấu xí của mình hay sao?