Khi hai người yêu nhau tranh cãi - ai nhường ai?

Huyền Trang (tổng hợp), Theo 00:01 09/11/2009

Khi cả teen boy lẫn teen girl đều sở hữu những cái Tôi quá lớn!!!

Đã xa rồi cái thời “lady first”

Hẳn, chẳng nói ai cũng biết trong tình yêu, không phải cứ chỉ cần yêu nhau là bền vững. Đôi khi cũng cần biết nhường nhịn, chấp nhận một số thứ của “đằng ấy”. Trước đây, hình ảnh của người con gái Việt Nam luôn đi đôi với sự nhường nhịn, chịu thương, chịu khó. Vì vậy, một khi nói đến sự hi sinh nhường nhịn thì con gái là người được nghĩ đến đầu tiên. Thế nhưng ngày nay, việc nhường nhịn đa số được hoán đổi ngược lại.

Tất nhiên, trong tình yêu thì người ta thường không phân chia “ai nhường ai”, quan trọng là “ai yêu ai nhiều hơn”. Khi người này dành nhiều tình cảm cho người kia, thì dù người kia “như thế nào”, thì cũng phải “chấp nhận”. Thế mới nói là khi yêu, người ta hay “mù quáng”. Nhưng trên thực tế, đa số teens hiện đại lại không có thói quen “nhường” khi yêu như vậy. Không chỉ teenboys mà teengirls cũng thế. Ai cũng ráng giữ cái tôi, và sự “kiêu hãnh” cho mình.

Trúc Quỳnh 18 tuổi cho biết: “Mình thấy bây giờ ngay cả khi yêu, ai cũng đặt cái tôi của mình lên cao và khó mà “nhường người khác”. Đồng ý rằng, con gái đôi khi cũng rất hay sai rồi nhõng nhẽo. Nhưng các teenboy ngày nay cũng chẳng bao giờ chịu “cúi mình”. Ai cũng đòi công bằng về phía mình cả”.

Thậm chí cũng xa rồi cái thời “lady first”, một số teenboy hiện đại ngày nay cho rằng mọi thứ đều phải công bằng “cô ấy một thì tôi cũng một”. Tất cả đều muốn mình là người chiến thắng. Cái ranh giới “cần nhường” giữa con trai với con gái cũng dần dần mờ nhạt hơn trong suy nghĩ một số “ô mai mơ”.

Nói về sự nhường nhịn, nhiều teenboys cho rằng mình luôn phải “lép vế”. Và thời đại mới lên ngôi, họ không chấp nhận cái quan điểm cũ “con trai luôn phải nhường nhịn con gái”. Vì theo họ  “Cái gì cũng phải có giới hạn của nó thôi”.

Không chỉ là đòi công bằng, trong những trường hợp chàng “sai mười mươi”, nhưng do không muốn “mất mặt với bạn bè”, nên các chàng cũng có lúc cố  giành được phần thắng. Những teenboys như vậy lại đa phần có bạn gái “hiền lành và yêu thương nhất mực”. Bởi nếu không phải một người bạn gái như thế, thì rất khó duy trì được một mối quan hệ lâu dài.

Nhìn chung, ai cũng có cái tôi riêng và những suy nghĩ riêng. Dù là một người hết sức điềm tĩnh, đến khi đụng chạm vào sự kiêu hãnh của họ thì ngay cả sự điềm nhiên vốn có của họ cũng khó giữ. Thế là, ông tám lạng, bà nửa cân, chẳng ai muốn mình phải nhún nhường cả.
 

Cái "tôi" quá lớn của bạn có thể sẽ làm đối phương cảm thấy mệt mỏi và chán nản. (Ảnh minh họa)

Không phải cứ “im lặng là nhường”

Khi những cuộc tranh cãi liên tiếp nổ ra thì đa phần phải có một người “im lặng trước”. Nhưng im lặng ở đây không có nghĩa là chấp nhận. Đó chỉ là cách đáp trả lại theo kiểu “không muốn tranh cãi nữa”. Cái cách đáp lại như thế được sử dụng nhiều nhất ở các “boy”.

Không ít teenboys mệt mỏi với các cuộc đấu tranh bằng miệng, nên đa số chọn cho mình trạng thái “im lặng là vàng”. Teenboys thường rút lui và “xuống” trong các cuộc cãi vã nhiều hơn teengirls. Một phần vì teenboys không thích những cuộc cãi vã quá căng. Các chàng cho rằng yêu như vậy “thêm mệt mỏi”. Phần còn lại, vì nếu so với các nàng “chanh chua”, thì vốn ngôn ngữ của các chàng dù có giỏi đến mấy thì cũng “sao địch lại được”?

Khi nghe thấy quan điểm này, nhiều teengirls giật mình. Một số không cho rằng mình lại “đè nén” đằng ấy đến thế. Các nàng nghĩ rằng trong một cuộc tranh cãi đôi bên, bên nào nói ra được lí lẽ thì bên anh giành chiến thắng. Còn chuyện các “chàng cãi không lại” thì đó đâu phải là “nhường”?

Thành Long, 18 tuổi bày tỏ nỗi bức xúc: “Những cuộc tranh cãi chỉ làm cho tình cảm rạn nứt. Tại sao các nàng không bao giờ “hạ bớt” cái tôi của mình. Có tranh cãi thì cuối cùng người phải xuống nước chấp nhận cũng là con trai. Thế thì thôi, ngay từ đâu cứ im lặng cho xong chuyện, đỡ phải mất thời gian tranh cãi”.
 
Đa số các chàng thường chọn phương án tối ưu nhất “im lặng, nhịn cho xong”. Nhưng đáng sợ nhất chính là những suy nghĩ “nhường cho xong, dù mình chẳng sai gì”. Vì như thế, dù mọi chuyện có qua đi thì vẫn để lại trong lòng người “cho rằng mình đã nhịn”, một sự ấm ức còn lớn hơn thế nữa. Đến khi có thể bộc phát, thì nỗi “ấm ức ấy” còn gấp 3, gấp 4 lần lúc đầu. 
 
Cãi vã chỉ làm cho tình cảm thêm rạn nứt

Trong một số cuộc cãi vã, bất kể ai đúng ai sai, thì  “bên nào cũng muốn giữ cái tôi cho riêng mình”. Thế là cuộc “thi gan giữa đôi bên bắt đầu” bất phân thắng bại. Mỗi lần như thế, một trong hai bên phải xuống nước trước dù biết rằng “mình chẳng sai gì”. Thế nhưng, nếu một lần, hai lần thì chuyện “nhường” cũng chẳng sao. Còn nếu cứ ngày nào cũng “leo lên đầu lên cổ người khác ngồi”, rồi bắt người ta phải nhường mình, thì có đến “bụt” cũng không thể nào chịu nổi.

Nhiều cặp cũng vì những nguyên nhân như thế mà đổ vỡ. Tình cảm cũng ngày một rạn nứt. Bởi vì, người này cho rằng người kia không biết cách “hiểu và  thông cảm cho mình”.

Để có một mối quan hệ lâu dài hay một tình cảm đẹp, đòi hỏi cả hai đều phải biết yêu thương và trân trọng lẫn nhau. Chính những cặp đôi “hình mẫu” cũng chia sẻ rằng họ luôn giải quyết vấn đề một cách từ tốn để không bao giờ xảy ra tranh cãi.

Hòa hợp và biết tiến lùi đúng lúc, chính là cách giúp cho tình yêu được lâu bền.