Khi “fan cuồng” làm xấu mặt “fan chân chính”

Nắng, Theo 00:01 07/03/2011

"Gia đình là phù du, Suju là tất cả" - một tuyên ngôn gây shock kiểu này thậm chí đã được rất nhiều "fan cuồng" hưởng ứng.

Bệnh “cuồng” thần tượng…

Không biết từ bao giờ, khái niệm “fan cuồng” đã trở nên phổ biến, đặc biệt là fan của các thần tượng, ngôi sao xứ Hàn. Khi sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của các sao ngày càng lớn, cũng là lúc các fan club ngày một mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, việc đó cũng đồng nghĩa với một “căn bệnh” mới ra đời: bệnh “cuồng thần tượng”. Những fan mắc “bệnh” này luôn cho rằng, phải ăn ngủ cùng thần tượng, sống chết vì thần tượng, phải khóc lóc, ỉ ôi, kêu gào đau khổ... tóm lại là phải làm mọi cách để mọi người biết được mình yêu thần tượng, thì mới là “tình yêu đích thực”.

Tháng 3 năm 2010, một sự kiện lớn đã xảy ra trong cộng đồng teen yêu nhạc: Super Junior đến Việt Nam. Như bắt được vàng, các “fan cuồng SuJu” ngay lập tức tìm mọi cách để có mặt ở sân bay “đón các anh”, thậm chí là phải “sờ vào các anh” cho bằng được. Vậy nên mới có chuyện các chàng trai SuJu phải khổ sở chen chúc giữa “rừng fan” để đến được lối ra. Khi ra được cổng sân bay rồi, họ vẫn phải chịu nghe tiếng la hét, gào thét, cùng việc hàng trăm teen girl bám đuổi chạy theo.


Chịu cảnh chen lấn xô đẩy như thế này, liệu các sao có vui vì fan của mình?


SNSD cũng đã từng một phen “hoảng hồn” ở sân bay Nội Bài.


Khóc lóc thảm thiết vì "các anh"...


 Nhưng rồi cũng để lại một "bãi chiến trường" ngay sau đó.

Hay như lần nhóm nhạc nữ f(x) đến Việt Nam, có những fan đã đứng ở cổng khách sạn từ 12h trưa đến 12h đêm, mặc kệ nắng nóng và khói bụi. Thậm chí, các bạn còn không chắc chắn được mình sẽ được nhìn thấy thần tượng hay không, mà đơn giản là chỉ đứng đó, với suy nghĩ “là fan thì phải thế!” Rồi có bạn còn chạy xe máy đuổi theo f(x) tới tận Bến Tre, nguy hiểm biết chừng nào.

Tháng 4 năm nay, một lần nữa các chàng trai trong nhóm SuJu sẽ đến Việt Nam, và một lần nữa mọi người lại chứng kiến cảnh các “fan cuồng” giành giật từng tấm vé xem show của “các anh”. Các teen này sẵn sàng “chịu chi” bao nhiêu tiền cũng được, thậm chí không có tiền, các bạn còn quyết định… bán thân (!) Như một fan girl sinh năm 1993 đã viết: “Em thực sự không còn con đường nào khác để có vé xem Super Junior, em yêu Super Junior nên nếu như anh muốn em qua đêm với anh để nhường cho em một chiếc vé, em sẽ sẵn sàng, hãy giúp em…” Liệu đây có phải cách “yêu Super Junior” đúng đắn của một teen girl còn chưa đủ 18 tuổi?

“Sốc” hơn, trên mạng trong mấy ngày qua còn lan truyền một số câu tuyên bố vô cùng "shock"  và rất nông cạn về chuyện đi xem Suju (mà vì quá phản cảm, chúng tớ không thể nhắc ra đây). Còn những dòng tuyên ngôn kiểu "gia đình là phù du, Suju là tất cả" thậm chí được rất nhiều người hưởng ứng.


“Gia đình là phù du, SuJu là tất cả!”

Nhận xét về những trường hợp “fan cuồng” trên, phần lớn mọi người đều cho rằng đó là “bệnh hoạn”, là quá khích, thậm chí lệch lạc và có những cái nhìn thiếu suy nghĩ. Cũng ý kiến bênh vực những fan đó, cho rằng đó chỉ là “phút nhất thời”, hay chỉ là viết trên mạng theo cảm tính. Thế nhưng, ngày một ngày hai, liệu có thể chắc chắn những fan đó không biến những câu nói cảm tính đó thành sự thật, và khi đó, liệu giới trẻ sẽ như thế nào? Ở nước ngoài, dư luận đã từng sững sờ trước những câu chuyện fan tự tay bắn thần tượng của mình, một người bố xuống nhảy sông tự tử để con gái được gặp mặt thần tượng… Những trường hợp như thế liệu có xứng đáng được gọi là “fan” không?

Và khi “fan chân chính” lên tiếng

Khi những hành động của các “fan cuồng” trên bắt đầu khiến cho người lớn và cả giới trẻ phải lắc đầu và “tẩy chay” toàn bộ cả fan club, đã đến lúc các fan chân chính đứng lên bảo vệ fan club và thần tượng của mình. Thu Hoài (18t), một ELF (tên gọi chung của các fan SuJu) cho rằng: “Vụ dọa giết bố mẹ để lấy vé có thể không phải fan SuJu thật sự mà là antifan cố tình làm vậy để hạ thấp fan SuJu chân chính. Còn nếu đúng là fan SuJu thì thật đáng buồn, nhưng những người đó chỉ dừng lại ở mức “thích” thôi, chứ không phải là “hâm mộ”, không phải là ELF bọn tớ.

Hỏi rõ hơn về khái niệm “thích” và “hâm mộ” đúng nghĩa, các bạn trả lời rằng: fan cuồng coi SuJu là thần thánh, là hoàn hảo, còn ELF coi SuJu là những người bạn theo đúng tinh thần của ELF (E.L.F có nghĩa là Ever-lasting Friends). Các bạn í không hoàn toàn cho rằng SuJu là độc nhất, là vô địch, họ thừa nhận thần tượng của mình không hoàn hảo, mỗi người đều có những điểm yếu và đôi khi có những sai lầm. Có thể phân biệt rõ nhất “fan a dua” và “fan chân chính” là khi các sao không thành công hoặc gặp một trục trặc nào đó trong sự nghiệp. Khi thần tượng không xếp hạng nhất hay gặp một thất bại nào đó, trái với một lượng lớn những người tự nhận là “fan” đều quay lưng lại, thậm chí còn “ném đá” thẳng thừng, những fan chân chính buồn nhưng vẫn tiếp tục dõi theo thần tượng của mình. Họ nhìn vào sự chăm chỉ, cố gắng không ngừng của thần tượng để lấy động lực cho chính bản thân mình. Có fan còn phấn đấu học tập chăm chỉ, đạt điểm cao để thuyết phục bố mẹ cho đi xem thần tượng của mình biểu diễn, chẳng phải là mục tiêu rất tốt và đáng khen hay sao?

Có thể lấy ví dụ rõ nhất về sự tích cực của các fan chân chính là khi các bạn ấy tổ chức đón tiếp thần tượng, làm việc có hệ thống, có kế hoạch rất hiệu quả. Khi SuJu đến Việt Nam năm ngoái, hơn 2000 fan đã đến công viên Bách Thảo và 400 fan đến tượng đài Lênin để nghe những fan điều hành ELF phổ biến thông tin về việc đón “các anh” tại sân bay. Các bạn trong ban tổ chức đã hướng dẫn các thành viên trong FC Sapphire Junior đọc to những khẩu hiệu bằng tiếng Hàn, rồi tự tổ chức một đội ngũ an ninh tại sân bay để tránh những hành động quá khích của các fan cuồng. Tiếc là “hàng rào bảo vệ” của các bạn í đã bị phá,vỡ, nhưng nỗ lực và sự cố gắng của fan SuJu chân chính là đáng được ghi nhận.

 

Các fan tại buổi thông báo kế hoạch đón SuJu.


Fan SuJu trong màu áo đồng phục xanh ngọc bích đang hướng dẫn mọi người.

 

Lập “hàng rào” người tại sân bay.

Những trường hợp fan cuồng chỉ là những phần tử tiêu cực, cuồng nhiệt quá đáng mà thôi. Họ không phải là 1 ELF thật sự, những ELF đều nhìn họ với ánh mắt không thể thiện cảm nổi. Rất nhiều teen bây giờ a dua thần tượng các nhóm nhạc này, ca sĩ kia, nhưng thật ra chẳng hiểu gì về nhóm nhạc, ca sĩ đó cả.” – Trang Kiu (19t), một ELF, nhận xét.

Khi các ngôi sao đến Việt Nam, họ sẽ không phân biệt đâu là “fan cuồng”, đâu là “fan chân chính”, mà chỉ đánh giá chung về fan club ở nước đó. Nếu không hiểu được điều này, các fan cuồng sẽ chỉ càng làm mình mất điểm trong mắt thần tượng mà thôi. Làm thế nào để các sao bị ấn tượng bởi sự quy củ của fan club Việt cũng như sự hâm mộ đúng mức của fan dành cho mình là câu hỏi lớn mà các fan chân chính đang phải đau đầu suy nghĩ. Nếu thuộc trường hợp “fan cuồng”, hãy thử một lần nhìn lại mình và tìm cách sửa đổi ngay, bạn nhé!