JVevermind và Suboi lần đầu chia sẻ về áp lực dư luận khi trở thành người nổi tiếng

Quỳnh Trân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/05/2015

Cả JVevermind và Suboi đều là những người có khao khát được thể hiện bản thân, được là chính mình, dù xuất phát điểm của cả hai không hề giống nhau nhưng hai nhân vật này đều nằm trong top 30 gương mặt nổi bật nhất dưới 30 tuổi do Forbes Vietnam bình chọn.

Ngày 12/5, sự kiện Under 30 Summit (với chủ đề “Thế hệ Tiếp nối” tập trung vào thế hệ trẻ, những người sinh ra từ những năm 1970 trở đi) của Forbes Vietnam tổ chức tại một Tòa nhà Trung tâm Sài Gòn, quy tụ khoảng 800 người tham dự, là những nhà lãnh đạo tương lai của thế hệ tiếp nối: gồm các doanh nhân trẻ, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, chuyên gia, sinh viên.

Trong những phiên thảo luận với những gương mặt nổi trội trong nhiều lĩnh vực thì phiên thảo luận cuối cùng trong chương trình thực sự cuốn hút hàng trăm người có mặt tại sự kiện. Phiên thảo luận có sự tham gia của Vloger Trần Đức Việt (JVevermind), Ca sĩ, nhạc sĩ Hàng Lâm Trang Anh (Suboi) cùng các nhân vật nổi tiếng nhờ những hoạt động cộng đồng, mạng xã hội khác. Trong đó, anh bạn Hoàng Đức Minh, Giám đốc tổ chức Hành động vì tương lai (Action4Future) cũng đưa ra những chia sẻ và quan niệm khá thú vị.


JVevermind và Suboi có phần khiêm tốn hơn về sức ảnh hưởng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đối với giới trẻ trong nước, họ lại là những nhân vật rất được yêu thích và ngưỡng mộ. JVevermind với những vlog thông minh và đánh trúng tâm lí giới trẻ đã thu hút hàng triệu lượt xem mỗi video đăng tải, thu nhập chỉ tính riêng từ Youtube đã lên đến con số hàng trăm triệu mỗi tháng. Tài khoản của JVevermind trên Youtube cũng nằm trong số những tài khoản Youtube có lượng người xem cao nhất Việt Nam.


Không chỉ nằm trong top 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi, JVevermind còn tham dự với tư cách là diễn giả khách mời của sự kiện sự kiện Under 30 Summit.

Với Suboi, mặc dù chỉ vừa 24 tuổi nhưng cô đã là rapper số 1 hiện nay và được gọi là "Nữ hoàng rap Việt Nam" nhiều năm liền. Suboi là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được mời biểu diễn tại lễ hội âm nhạc nổi tiếng SXSW của Mỹ và có bài phỏng vấn riêng trên tạp chí Wall Street Journal.


Suboi cũng xuất hiện trong phiên thảo luận thu hút sự chú ý của đông đảo khách mời trong khán phòng.

JVevermind: Tôi muốn mọi người hiểu và lắng nghe mình nói

Chia sẻ về cảm hứng bắt đầu làm Vlog, JVevermind cho biết có 3 lý do chính khiến anh bắt đầu nghĩ đến việc phải tự quay những video để nói lên quan điểm của mình trước sự việc gì đó. "Khi tôi học ngành Truyền thông đa phương tiện ở Đại học Cameron University, tôi muốn làm gì đó để trau dồi, rèn luyện kỹ năng được học trên trường để áp dụng cho truyền thông thực tế, và tôi biết mình nên bắt đầu với Facebook, Youtube. Thời điểm năm tôi 21 tôi, tôi có một thôi thúc muốn thể hiện bản thân. Tôi muốn mọi người biết đến mình, hiểu và lắng nghe mình chia sẻ những quan niệm, ý kiến cá nhân về các vấn đề trong xã hội. Tôi muốn mình sẽ là một trong những người tiên phong trong phong trào Vlog vào thời điểm đó", JVevermind chia sẻ.

Tuy là một người “khá ồn ào” trên youtube, nhưng ngoài đời, JVevermind lại thể hiện mình là một người khá “trầm” và nghiêm nghị trong suốt thời gian diễn ra phiên thảo luận. JVevermind chọn cách trả lời súc tích nhưng vẫn chứa đựng những chia sẻ chân thật, trước những câu hỏi khó, cậu ta chỉ nhìn xuống đất rồi chèn một kiểu cười ngượng ngùng trước khi bắt đầu phần trả lời của mình.


Theo JVevermind, khi trở nên nổi tiếng và những chia sẻ của anh ở mỗi Vlog bắt đầu "quyền lực" hơn, thì trách nhiệm bản thân đối với xã hội cũng cao hơn. JVevermind nói: "Khi đã nổi tiếng trên mạng xã hội, bản thân mình khi nói gì, phát biểu ra sao thì cũng sẽ có những người theo dõi, học và sao chép gần như y chang 100%. Nếu những bạn trẻ học theo những gì tôi nói, tôi làm, và nghĩ sai lệch theo hướng tiêu cực, thì trách nhiệm sẽ thuộc về tôi. Tôi hiểu rằng khi theo đuổi lĩnh vực này, quá trình xây dựng hình ảnh cho bản thân phải thật cẩn trọng, nhất là những gì mình nói và viết ra".

Về vấn đề này, Hoàng Đức Minh cũng cho biết mọi người đừng đặt trách nhiệm của bản thân lên người khác."Đừng đặt trách nhiệm của mình lên người khác. Người nghe phải học được cách phản ứng thông minh với các thông tin mà họ tiếp nhận được, họ không nên bị dẫn dắt bởi những người mà họ cho là thần tượng, như vậy sẽ giảm bớt trách nhiệm cho những người như chúng tôi", Đức Minh nêu quan điểm.


"Người nghe đừng bị dẫn dắt bởi những người mà họ cho là thần tượng", Hoàng Đức Minh chia sẻ.

"Dư luận nghĩa là khi bạn "luận" nhiều quá thì sẽ... dư!"

Tham gia đặt câu hỏi cho các diễn giả trong phiên thảo luận này, một bạn trẻ đã gửi câu hỏi vô cùng... ngắn gọn với nội dung: "Anh chị nghĩ sao về dư luận xã hội ở Việt Nam?"

Suboi cho biết, vì câu trả lời này khá... chung chung nên cô cũng trả lời... chung chung. Theo Suboi, dư luận gồm nhiều khía cạnh, dư luận trên internet, dư luận trên báo chí và dư luận với chính bản thân mình. 3 khía cạnh đó là yếu tố quyết định mình có tập trung vào việc mình đang hướng đến hay là để dư luận chi phối. "Dư luận nghĩa là khi bạn "luận" nhiều quá thì sẽ... dư, mà tôi thì thấy dư luận ở Việt Nam đang dư nhiều", Suboi hài hước chia sẻ.


Khi MC chuyển sang phần trả lời của JVevermind, anh chỉ ấp úng rồi lại cười, nói:

- "Sau một thời gian làm truyền thông, làm những video và nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của dư luận xã hội thì tôi thấy à.. ừ... tôi nghĩ là dư luận ok!"
.

Cả khán phòng phá lên cười.

- Thế Việt có biết bạn đang làm chủ một làn sóng dư luận riêng mình không?
- MC hỏi tiếp
- Chính vì thế nên tôi mới không... chê được!

Suboi cũng chia sẻ thêm về những ngày đầu tiên khi cô bắt đầu chọn dòng nhạc rap, hiphop để theo đuổi. Theo cô, một cô gái khi chọn thể loại nhạc này sẽ gặp nhiều áp lực hơn con trai.

"Khi một người đàn ông đọc rap, người ta khen, khi tôi đọc, thì mọi người sẽ hỏi "Ơ, cô gái này đang cố làm cái gì vậy?" Thời điểm tôi thích tự viết thơ và sáng tác rap, ba mẹ tôi bắt đầu lo lắng và tự hỏi với nhau tại sao tôi lại "nói", "đọc" trên nền nhạc như thế suốt ngày. Một thời gian dài theo đuổi đam mê, hiểu rõ ý nghĩa của việc mình làm, tôi biết rằng bạn không cần phải là một người đàn ông da đen thì mới có thể đọc rap. Tôi bắt đầu thu những bài hát của mình và gửi cho bạn bè xem để góp ý", Suboi chia sẻ.


Suboi từng được báo Mỹ ca ngợi là "Nữ hoàng hiphop của Việt Nam".

Chúng ta phải học cách chấp nhận những điều khác biệt

Trao đổi về những vấn đề liên quan đến facebook, một vị khách mời đặt câu hỏi:

- Tôi thấy hiện nay, giới trẻ phụ thuộc vào facebook quá nhiều, cứ mời bạn bè đến nhà ăn thì các bạn chụp ảnh món ăn còn chén thì để... tôi rửa. Họ làm gì cũng facebook, đi ngủ cũng facebook, đi chơi cũng facebook. Các thống kê cho thấy thế hệ trẻ ngày này sống ảo nhiều quá, các bạn là một thế hệ của social media (một phương thức truyền thông đại chúng trên nền tảng các dịch vụ trực tuyến) thì tôi muốn biết thể giới ảo và thế giới thực của các bạn như thế nào. Các bạn làm sao để dẹp được những cái xấu trên thế giới ảo và trên social media của mình?


Phiên thảo luận cuối cùng trong sự kiện diễn ra rất gần gũi, thoải mái với những câu trả lời hài hước và thuyết phục của các diễn giả trẻ.

Phần trả lời của Hoàng Đức Minh khá thuyết phục khi bạn cho rằng facebook không phải là một thế giới ảo mà là một nhu cầu hằng ngày trong đời sống của con người. Theo Minh, người lớn đừng quá khắt khe trước những quan niệm cho rằng giới trẻ lệ thuộc vào thế giới ảo. "Facebook phản ánh đời sống của con người, bây giờ tôi đang nói những lời này trước hàng nghìn người, đó có phải là lời nói ảo không? Tôi không nói những điều này hàng ngày, nhưng trên facebook tôi các bạn sẽ thấy tôi nói nhưng điều thân thuộc mỗi ngày, ảo hay không là do chính mình thôi. Chúng ta phải học cách nhìn nhận sự khác biệt để mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Ví dụ một cô gái post ảnh ăn sáng lên facebook, hoặc online suốt 5 tiếng/ ngày, điều đó liên quan gì đến tôi, đó là việc của cá nhân người khác cơ mà!"

Cũng nhân câu hỏi này, Đức Minh đã kể câu chuyện vào ngày hôm trước giữa mình và Suboi. Minh cho biết, cậu đã phàn nàn khi Suboi là người Việt nhưng khi nói chuyện lại thêm nhiều từ tiếng Anh chèn vào. Suboi đã tức giận và nói "Cậu chỉ toàn đánh giá sai người khác". Đức Minh đáp trả rằng cậu có quyền "còm-men" và thể hiện sự khó chịu khi cứ nghe Suboi nói tiếng Anh. "Suboi bảo rằng: "Nhưng tôi cảm thấy tổn thương vì bị đánh giá". Các bạn biết tôi làm gì chứ, tôi xin lỗi Suboi vì thực tâm tôi không hề có ý làm cô ấy tổn thương. Tôi nghĩ, người ta không nên xâm phạm giới hạn của người khác. Các bạn có quyền phạm sai lầm nhưng không có quyền cố tình phạm sai lầm. Chúng ta có quyền chỉnh sửa "còm-men" trên facebook và ngoài đời chúng ta có quyền xin lỗi. Đó là cách chúng ta tôn trọng sự khác biệt của người khác", Đức Minh kể lại câu chuyện xảy ra từ facebook đến đời thực.

Những gương mặt trong danh sách 30 under 30 Việt Nam năm 2015:

(đây không phải là bảng xếp hạng thứ tự từ 1-30)

Lĩnh vực kinh doanh, tài chính, quản trị:

Đinh Nhật Nam: Sáng lập kiêm giám đốc marketing chuỗi cà phê Urban Station

Nguyễn Trung Tín: Tổng giám đốc tập đoàn Trung Thủy

Edward Thái: Đồng sáng lập và giám đốc điều hành Vietnam Accelerator Fund (VAF)

Thi Anh Đào: Giám đốc điều hành Emerald

Tạ Minh Tuấn: Chủ tịch sáng lập Help International

Mai Trường Giang: Sáng lập &CEO công ty cổ phần Khuông Việt

Lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, game, thương mại điện tử, giáo dục, nghiên cứu khoa học:

Nguyễn Hà Đông: Nhà lập trình game, dotGEARS

Lương Duy Hoài: Đồng sáng lập, giám đốc điều hành công ty cổ phần đầu tư thương mại và chuyển phát nhanh F1

Tạ Sơn Tùng: Đồng sáng lập, CEO Rikkeisoft

Lê Hoàng Uyên Vy: CEO công ty cổ phần Thương mại Chọn

Ngô Thùy Ngọc Tú: Đồng sáng lập, giám đốc phát triển và sáng tạo Yola

Trương Thanh Thủy: Sáng lập, CEO Tappy PTE. LTD

Phạm Lê Nguyên: Đồng sáng lập & CEO 5Desire

Nguyễn Hữu Cát Thư: Sáng lập, CEO Mindstep

Lê Hùng Việt Bảo: Nhà nghiên cứu toán học, chuyên ngành Lý thuyết số, ĐH Chicago

Lĩnh vực giải trí, âm nhạc, nghệ thuật, thời trang, thể thao, truyền thông, hoạt động xã hội:

Phạm Toàn Thắng: Nhạc sĩ, ca sĩ

Hàng Lâm Trang Anh (Suboi): Nhạc sĩ, ca sĩ

Hoàng Thùy: Người mẫu thời trang

Nguyễn Ngọc Hưng: Giám đốc điều hành NVU; sáng lập Thích Ăn Phở

Trịnh Mai Trang (Trang Trịnh): Nghệ sĩ piano, nhà giáo dục âm nhạc

Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan): Nhiếp ảnh gia

Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN): Đạo diễn

Trần Quang Đức: Nhà nghiên cứu Hán nôm

Trần Đức Việt (Jvevermind ): Vlogger

Lê Quang Liêm: Nhà vô địch thế giới môn cờ chớp 2013

Nguyễn Thị Ánh Viên: Vận động viên bơi lội

Trần Khởi My: Ca sĩ, MC

Huỳnh Trấn Thành: Nghệ sĩ giải trí

Trần Phương My: Nhà thiết kế thời trang

Hoàng Đức Minh: Giám đốc tổ chức Hành động vì tương lai (Action4Future)