JVevermind làm Vlog kêu gọi giúp đỡ trẻ em Việt

Gấu, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 19/03/2013

Ngày hôm nay, hot Vlogger JVevermind vừa tung ra một Vlog, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ, giúp đỡ trẻ em nghèo trên mọi miền đất nước đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cư dân mạng.

Ngày hôm qua, Vlog dài 6 phút của hot Vlogger kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam đã thu hút một lượng lớn người xem và comment.

Từ câu chuyện đơn giản, gần gũi của bản thân mình hồi bé, JV đưa người xem tới những vấn đề lớn hơn của cả cộng đồng: Đó là trạng thái vô định, mất phương hướng của giới trẻ. Nhiều người luôn than thân, trách phận mà không nhận ra rằng cuộc sống của các bạn vẫn còn rất nhiều niềm hạnh phúc. Hạnh phúc, may mắn ở đây đơn giản chỉ là có những lựa chọn, ước mơ để thực hiện. Nhưng, nhiều người không nhận ra niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó. Để rồi, khi có sự cố xảy ra, các bạn trở nên bi quan, không dám đối diện và đương đầu.

Từ luận điểm về sự hạnh phúc, JV đã khéo léo đưa người xem đến với cuộc sống bất hạnh của nhiều trẻ em Việt Nam - những đứa trẻ không có ai che chở và bảo vệ. Xen lẫn đoạn clip là các bức ảnh những trẻ em nghèo, đáng thương. Những hình ảnh khiến cho độc giả thực sự xúc động và thương cảm.


JVevermind làm Vlog kêu gọi giúp đỡ trẻ em Việt 1

JVevermind làm Vlog kêu gọi giúp đỡ trẻ em Việt 2

JVevermind làm Vlog kêu gọi giúp đỡ trẻ em Việt 3

Kết thúc Vlog cũng chính là lời kêu gọi đầy ý nghĩa của JV. Hãy cùng chung tay trao cho các em nhỏ những hy vọng, ước mơ, để nụ cười luôn nở trên môi các em!

Đoạn Vlog được thực hiện để quảng bá cho chiến dịch bảo vệ trẻ em Việt Nam của UNICEF. Những câu chuyện vô cùng đơn giản của JV đã làm toát lên tầm quan trọng của việc giúp đỡ trẻ em Việt Nam và qua đó, JV cũng đã kêu gọi giới trẻ cùng tham gia.

Sau khi xem xong Vlog này, nhiều độc giả nhận xét tinh thần của Vlogger này có ảnh hưởng rất tích cực với giới trẻ bởi cộng đồng Vlogger đã bắt đầu hướng tới những vấn đề xã hội.

JVevermind làm Vlog kêu gọi giúp đỡ trẻ em Việt 4

JVevermind làm Vlog kêu gọi giúp đỡ trẻ em Việt 5

Độc giả Duy Bảo Đàm nhận xét: "Mình thấy được cái thông minh của JV thể hiện ở chỗ: từ việc nói về những trẻ em bất hạnh, đã khéo léo hướng đến cuộc sống của phần đông thanh niên VN như chúng ta hiện nay: VÔ ĐỊNH VÀ MẤT PHƯƠNG HƯỚNG, và đáng sợ hơn, phải chấp nhận mở 1 cánh cửa khác, đi 1 con đường khác hoàn toàn những gì mình đã chọn. Vậy nên, cuộc sống rất cần sự lạc quan, bởi cho dù ta phải đi con đường "tệ" hơn, nhưng ít ra còn may mắn hơn nhiều người không có sự lựa chọn, không tìm được 1 con đường để đi trong cuộc đời".  

- Hơn một nửa số trẻ em khuyết tật tại Việt Nam - khoảng 650.000 em - không được đi học và những em này thường có nguy cơ cao bị lãng quên và bị lạm dụng.

- Có khoảng 1/3 gia đình có trẻ khuyết tật tại Việt Nam chưa bao giờ điều trị khuyết tật cho con em mình. UNICEF hỗ trợ chính phủ Việt Nam giúp trẻ khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, chăm sóc thay thế, giáo dục hòa nhập và phục hồi chức năng.

- Có ít nhất 1/3 triệu trẻ khuyết tật tại Việt Nam, bao gồm cả trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam. Trong số đó có rất nhiều em không được đi học, không được chăm sóc y tế và không nhận được sự hỗ trợ cần thiết của xã hội. Tuy nhiên, trẻ em khuyết tật cũng có quyền giống như tất cả các trẻ em khác.

Và đặc biệt là sự chênh lệch rất lớn giữa trẻ em dân tộc Kinh và trẻ em các dân tộc thiểu số:

- Về tỷ lệ trẻ em đói nghèo (60,3% các dân tộc thiểu số so với 22,6% dân tộc Kinh)

- Về sức khỏe bà mẹ khi sinh, trẻ sơ sinh và trẻ em (cứ 1.000 trẻ sinh ra thì tỉ lệ tử vong ở dân tộc thiểu số là 39, so với 12 ở dân tộc Kinh)

- Về tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp và thực hành dinh dưỡng nghèo khác dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

- Về sự hạn chế trong vấn đề an toàn vệ sinh gây ra việc nhiều trẻ em bị mắc các bệnh truyền nhiễm trong nước, thức ăn... (99,9% trẻ em dân tộc Kinh được tiếp cận và sử dụng những đồ bảo vệ an toàn vệ sinh như xà phòng, nước rửa tay... so với con số chỉ 42% trẻ em dân tộc thiểu số)

- Về giáo dục (95,7% trẻ em dân tộc Kinh được đến trường hết cấp 2, so với 65,2% dân tộc thiểu số)

- Về vấn đề tảo hôn (10,4% phụ nữ Kinh trong độ tuổi 20-49 thừa nhận từng cưới trước 18 tuổi, so với 26,8% phụ nữ dân tộc thiểu số)

                              (Số liệu năm 2011 của Tổ chức UNICEF)