"Gỡ rối" cho những xích mích của teen với bố mẹ

Đ.T.H.D, Theo 16:00 12/08/2011

Teen và bố mẹ không thể tránh khỏi những khi hiểu lầm, xích mích. Cùng tìm hiểu và chọn giải pháp cho những rắc rối nảy sinh nhé.

Tình huống 1: Bố mẹ cứ xem bạn như một đứa trẻ

Tuổi trẻ luôn muốn tự do dấn thân, trong khi những người lớn chỉ thích trật tự và yên bình. Thế là bạn cảm thấy khó chịu khi phải hỏi ý kiến bố mẹ trước khi quyết định một việc gì đó, xin xỏ trước khi ra khỏi nhà, hay bị từ chối trước những đòi hỏi mà mình cảm thấy thật chính đáng.

Lời khuyên: Nhưng hãy nghĩ xem nhé, liệu bố mẹ có yên tâm xem bạn là người lớn không khi mà bạn đi chơi khuya lắc cũng chẳng gọi điện về nhà, hay mới nghe mắng một câu đã nóng nảy cãi lại và vùng vằng? Một sự thật là dù bạn có ba tuổi hay ba mươi tuổi thì đối với bố mẹ, bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ thôi. Cho nên chừng nào bạn vẫn chưa tự giải quyết và chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra, thì cứ an phận làm một đứa trẻ con nhiều tuổi đi nhé.

Tình huống 2: Can thiệp vào mối quan hệ bạn bè

Trong khi bạn thấy những người bạn mình thật tốt bụng và đáng yêu, thì dưới mắt bố mẹ, họ chỉ là mấy đứa tóc nhuộm xanh nhuộm vàng, đeo khoen mũi, mặc short quá ngắn và thường xuyên nói đệm tiếng Anh, rồi treo thẻ đỏ cấm vận cho họ.

Lời khuyên: Đừng quá khích rồi gây nên chiến sự trong nhà. Bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân tại sao bố mẹ không thích bạn bè mình, thỉnh thoảng nói cho bố mẹ hiểu mặt tốt phía sau vẻ ngoài đó, cũng như góp ý cho bạn bè điều tiết cách ứng xử khi đến nhà mình là ổn thôi mà!

Tình huống 3: Tiền bạc và chi tiêu

Bạn cảm thấy ngại khi đưa tay xin tiền tiêu vặt nghe bố bảo tiêu gì nhanh hết thế? Bạn ấm ức khi mở ví đưa bạn tiền mua một cái váy mới, mẹ chép miệng chi tiêu tiết kiệm nhé con... Rồi bạn hậm hực bỏ đi khi cả bố mẹ làm một bài thuyết giảng "tiền không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi"...

"Gỡ rối" nào: Chuyện này xảy ra ở rất nhiều gia đình, khi mà bố mẹ làm việc cả ngày bận bịu, không thể theo sát bạn được. Thêm vào đó là nỗi lo lắng, sợ khi bạn có quá nhiều tiền sẽ không biết quý trọng những gì mình có, sống sung sướng nhưng vô tâm hời hợt và nguy hiểm hơn là có điều kiện để dính vào tệ nạn. Vì thế, bạn nên chủ động một công việc làm thêm phù hợp để vừa tự chủ trong vấn đề tiền bạc, vừa hiểu lý do cho những lo ngại của bố mẹ mình, cũng như biết được rằng kiếm tiền đã khó nhưng biết cách chi tiêu còn khó hơn nhiều.


Tình huống 4: Những áp lực đè nặng

Đôi khi, bạn cảm thấy bế tắc khi bố mẹ không hiểu rõ sở thích hay nguyện vọng của bạn mà cứ chăm chăm bắt vào các trường tốp đầu, cũng như việc ép bạn phải vào trường chuyên lớp chọn trong khi khả năng của bạn hoàn toàn không thể.

Giải quyết: Thay vì đóng sập cửa phòng và nhắm mắt thi đại như ý bố mẹ cho xong chuyện, hãy cố gắng thuyết phục và kiên nhẫn chứng minh bằng hành động thực tế. Nếu cảm thấy bạn có khả năng, có chính kiến và chấp nhận được khó khăn từ quyết định của mình, bố mẹ sẽ hiểu và gật đầu thôi. Vì cuối cùng thì điều mà bố mẹ muốn cũng chỉ là bạn được thành công và sống hạnh phúc thôi mà!

Tình huống 5: Khoảng cách hai thế hệ

Tình hình là bạn thích đi mua sắm cùng lũ bạn hơn là với mẹ, và đến khi bạn khoác những thứ đã mua được lên người thì nổ ra tranh cãi. Bạn thấy những cái áo mẹ mua cho mình dường như dành cho những... quý bà thập niên trước, mẹ thì lại thấy thời trang của bạn thật kỳ cục và khác người?

Hòa giải thế nào đây: Tất cả là do con mắt của mỗi thế hệ khác nhau, cái nhìn về cách ăn mặc, cách sống của mỗi độ tuổi cũng khác nhau. Thêm vào đó nữa là cảm giác của những bậc làm mẹ làm cha, khi những đứa con lớn dần và định hình suy nghĩ riêng, họ lo sợ một ngày nào đó, không chỉ chuyện quần áo mà cả con người bạn, bố mẹ cũng sẽ không kiểm soát nổi nữa. Vậy thì, thay vì trách móc, bạn cần sự thông cảm và chứng minh cho bố mẹ thấy là mình đẹp và tự tin hơn trong những trang phục này. Hãy siêng năng đi dạo, mua sắm, và nói chuyện cùng mẹ về những vấn đề này, chắc chắn mẹ sẽ hiểu cho bạn thôi.

Tình huống 6: Không thích người yêu của bạn

Bố mẹ không muốn bạn yêu bây giờ để tập trung vào học tập, nên luôn "soi" thấy khuyết điểm của người yêu bạn. Và bạn mặt nặng mày nhẹ đấu tranh cho tình yêu, thậm chí bắt đầu luôn chiến dịch đưa tình yêu vào vùng "hoạt động bí mật" luôn cho yên chuyện?

Làm thế nào nhỉ?: Đừng khiến mâu thuẫn thêm trầm trọng bằng cách đứng hẳn về phía tình yêu của mình rồi chống đối lại phụ huynh. Cứ ở nguyên vị trí ở giữa và tìm cách cho bố mẹ thấy những điểm mạnh của người bạn yêu. Và lưu ý này, bố mẹ có nhiều kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm nhìn người hơn bạn. Nên nếu như bố mẹ vẫn cảm thấy người ta không tốt, bạn cũng nên tỉnh táo suy nghĩ lại về một số lời khuyên của bố mẹ, nhé!

Có nuôi con mới hiểu lòng bố mẹ. Nhưng có lẽ không cần đến lúc ấy, bạn vẫn có thể lắng nghe và thông cảm với bố mẹ bằng chính trái tim mình mà, phải không?