Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent

Giày Bata, Ảnh: Andy Trần, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 23/03/2013

Nếu theo dõi cuộc thi VN's Got Talent năm nay, có lẽ bạn không thể không biết đến thầy giáo ảo thuật Nguyễn Mạnh Phương, người đã gây được ấn tượng lớn với BGK và khán giả trong những phần trình diễn của mình.


Họ tên: Nguyễn Mạnh Phương

Sinh năm: 1981

Giảng viên thể dục của trường cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng

Giáo viên ảo thuật của trường Minh Đức (quận Tân Phú)

Giáo viên dạy kỹ năng mềm của một số trung tâm trong thành phố.

Sở thích: Cà phê “tám” với bạn bè, nghiêm cứu trò ảo thuật mới…






Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 1

Chào ảo thuật gia, anh có thể giới thiệu một chút về mình với độc giả Kenh14.vn không?

Mình tên Mạnh Phương – là 8x đời đầu. Mình hiện đang là giáo viên tại một số trường trong thành phố với nhiều bộ môn khác nhau. Mình sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh và hiện đang sống độc thân trên thành phố để tiện việc đi lại cho công việc. Cả gia đình mình có 6 anh em, tất cả đều sống dưới quê.

Giáo viên là một nghề chính của mình nhưng mình vẫn còn một nghề chính nữa đó là làm ảo thuật. Mình có một shop ảo thuật nhỏ chuyên phục vụ các bạn cùng sở thích. Và gần đây, mình cũng tham gia Việt Nam's Got Talent với màn trình diễn “chú cá giấy” cùng “người bạn diễn” Thúy Hạnh (BGK cuộc thi).

Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 2

Anh có thể chia sẻ lý do nào khiến anh chọn cuộc thi này để ra mắt khán giả không?

Lý do rất đơn giản, đó là các cuộc thi khác chỉ chọn thí sinh thi hát. Riêng với Viet nam's Got Talent thì mọi người trong mọi lĩnh vực mới có cơ hội nhiều hơn. Đây là một sân chơi rộng và thú vị, theo mình là thế.

Ảo thuật gia Mạnh Phương mong chờ gì trong lần ra mắt này?

Đơn giản là lên tivi (cười lớn). Nói giỡn chứ mình muốn giới thiệu với tất cả mọi người về bộ môn ảo thuật đường phố này. Một môn mà mình đam mê và rất yêu thích. Mình mong sẽ truyền tình yêu đó đến cho tất cả các bạn trẻ xem chương trình này. Nếu thích, các bạn cũng sẽ làm được như mình, chỉ cần đam mê và rèn luyện.

Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 3

Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 4

Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 5

Chỉ cần thích và rèn luyện là có thể biểu diễn được như anh sao, làm ảo thuật “dễ ẹc” như vậy hả?

Đúng, chỉ cần bạn thật sự thích, có đam mê và dành thời gian rèn luyện là sẽ thành công. Ảo thuật đường phố dễ dàng là “bạn” của mọi người, nhất là những người yêu thích nó. Tuy nhiên, để thành một nhà ảo thuật giỏi, bạn cần có thêm một chút thông minh và sáng tạo nữa. Đó mới là tài năng của riêng bạn.

Vậy con đường đi đến nghề ảo thuật của anh đã trải qua như thế nào?

Năm 2000, thời còn là sinh viên sư phạm, mình thấy thích và bắt đầu bỏ công sức luyện tập. Trong thời gian học hỏi thì mình còn phải chế ra thêm nhiều trò của riêng mình và cố gắng ngày càng hoàn thiện nó, trước khi đem ra trình diễn với mọi người. Năm 2005, mình chính thức hành nghề ảo thuật sau khoảng thời gian “tu luyện” nghiêm túc và đầy đam mê. Hai năm sau đó, lớp học ảo thuật đầu tiên cho trẻ em được ra đời. Đây là một cách mình thể hiện tình yêu với môn ảo thuật, mình muốn nó được lưu truyền và nhân rộng khắp nơi vì hiện nay nghề này tại nước ta đang dần mai một.

Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 6

Dạy ảo thuật? Nghề này có vẻ chưa phổ biến lắm?

Dạy ảo thuật đúng là có hơi lạ so với nước ta vì thường nghề này là nghề cha truyền con nối, bí mật gia đình… vì để “sinh ra” được một màn trình diễn ảo thuật mới sẽ phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu. Nhưng với mình, chia sẻ mọi kinh nghiệm mới là chuyện đáng làm. Đây là cách duy nhất để có thể phát triển nền ảo thuật đường phố tại Việt Nam. Và đây cũng là một cách để người thầy dạy như mình được học hỏi thêm từ các em học sinh trẻ. Một số em rất có khiếu, trong quá trình rèn luyện, đôi lúc các em còn phát kiến ra những thủ thuật rất hay khiến mình cũng phải “chú ý” (cười).

Quay trở lại với Viet Nam's Got Talent, nhiều khán giả thắc mắc về vụ “bể cá bị rơi”, anh có thể bật mí một chút không?

À, vụ này thì ai cũng hỏi (cười). Thật ra đó là kịch bản mình dựng nên để hợp logic trong việc chuyển cảnh qua phần bỏ con cá vào bình nước suối chưa mở nắp. Thường thì các màn biễu diễn ảo thuật sẽ không có kịch bản, đa số đều chỉ chú trọng vào phần ảo thuật là chính nhưng với mình như vậy là chưa chuyên nghiệp. Những màn biểu diễn của mình thường quan tâm đến phần ấn tượng của kỹ thuật diễn và cả phần logic câu chuyện sao cho khán giả thấy hấp dẫn hơn.

Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 7

Vậy có bao nhiêu bể cá đã rơi vì kịch bản ấn tượng này?

Khoảng hơn chục cái. Mình nhờ nhiều bạn trong chương trình (thí sinh) cầm giúp rồi làm bể nó như tính toán. Đa số ai cũng bất ngờ và rối rít xin lỗi vì tưởng họ làm bể của mình. Cả chị Thúy Hạnh hôm đó cũng vậy.

Tại sao những màn biểu diễn của anh đều phải dùng đến “quyền trợ giúp” của một người khác?

Vì đó mới chính là ảo thuật đường phố, nó có tính giao lưu.

Anh có thể nói rõ hơn về ảo thuật đường phố và ảo thuật sân khấu không?

Ảo thuật đường phố là những màn trình diễn gần gũi, ngay trước mắt khán giả của mình. Nó có tính tiếp xúc và giao lưu thân mật. Khán giả sẽ là người cùng thực hiện trình diễn với bạn. Còn ảo thuật sân khấu thì không làm được điều đó.

Gặp thầy giáo ảo thuật tài năng của Viet Nam's Got Talent 8

Anh tự tin vào những vòng thi tiếp theo của mình chứ?

Tự tin có thừa. Mình nghĩ, đi đến đâu không quan trọng vì đến được vòng này là mình vui lắm rồi. Thêm một vòng thì có thêm cơ hội trình diễn cho các khán giả xem thôi, vui hơn được chút nữa. Nên mình rất tự tin và chẳng lo lắng gì.

Rất cám ơn anh. Chúc anh sẽ gặp nhiều may mắn và cống hiến được nhiều hơn nữa cho bộ môn ảo thuật đường phố tại Việt Nam.