Đau đầu chuyện sống thử của teen

Huyền Trang, Theo 10:00 10/08/2010

Yêu nhau, lại có cơ hội đi học xa nhà cùng nhau, nhiều cặp đôi quyết định sống cùng. Bất chấp dư luận xã hội, họ vẫn muốn thử sống cùng nhau. Ban đầu là thế, nhưng lâu dần mới biết nó làm tình yêu… bớt đẹp.

Yêu ngọt ngào nhưng sống chung thì... "vỡ mộng".


Khi mới yêu, ai cũng mong chờ từng giây từng phút để gặp đằng ấy. Cảm giác ấy khiến cho nhiều teen nôn nao muốn sớm tối đều ở bên nhau. Vậy nên khi có cơ hội đi học xa nhà, nhiều teen quyết phải ở chung với người yêu.

 

Ban đầu là vậy, nhưng khi sống chung với nhau rồi, teen mới thấy còn nhiều vấn đề không đơn giản chỉ là yêu. Như cặp đôi Thiên KimTiến Danh (du học sinh Mỹ) từng yêu nhau. Cả quyết định đi du học, ở chung nhà với nhau nhưng rồi tan vỡ.

 

Tình yêu vốn rất đẹp ngày Danh còn chạy chiếc xe đạp cũ qua chở Kim đi học. Nhưng khi cùng đi du học, cùng sống chung nhà, cùng thiếu thốn, cả hai mới nhận ra rằng đằng ấy không phải một nửa của mình.



Tuy đang yêu, nhưng nhiều bạn vẫn luôn thích so đo, tính toán.

 Danh không chịu nổi tính bày bừa của Kim. Là con gái nhưng Kim rất ghét phải dọn dẹp và bếp núc. Cô bạn thích cái gì nhanh gọn, ăn uống không quan trọng. Kim có thể nhịn ăn cả tháng để có tiền shopping. Kim cũng chẳng thích bạn bè nhiều, suốt ngày chỉ ở nhà học rồi xem film Hàn Quốc.

 

Về phía Kim, cô bạn không chịu nổi những sở thích quái gở của bạn trai. Danh có thể ngồi chơi điện tử ngày này qua ngày khác. Thức nhảy nhót la hét giữa đêm còn ban ngày thì không tới trường. Danh chẳng ngại bỏ tiền ra mời bạn bè ăn uống để rồi cuối tháng chẳng còn 1 xu.

 

Thủa ban đầu, cả hai có rất nhiều dự định, lại còn những buổi tối lãng mạn cùng nhau. Tiền bạc cũng dùng chung, không ai tính toán cả. Nhưng lâu dần, chàng bực mình vì nàng cứ lấy tiền mình đi mua sắm cho riêng. Tiền để đi chợ nấu ăn nàng cũng dùng tất. Lúc nào cũng triền miên cơm hộp, mì gói, chẳng bữa nào ra hồn.

 

Kim cũng khó chịu khi thấy Danh vung tiền đi nhậu nhẹt với bạn. Suốt ngày sắm sanh đồ nghề chơi điện tử chẳng lo học hành gì. Những bữa ăn tình cảm, những cuộc nói chuyện thân mật dần thưa thớt. Thay vào đó là sự hậm hực của cả hai. Từ những trận cãi vã nhỏ, cả hai thường bực tức với nhau hơn. Rút kinh nghiệm lâu dần cả hai bắt đầu tình toán… “tiền anh, tiền tôi”.



 Chẳng ai có thể nghĩ một ngày nào đó mình sẽ tính toán với đằng ấy. Nhưng khi xa nhà, trong những hoàn cảnh khó khăn mà tiền mình người khác phung phí thì thật khó chịu. Phung phí theo cái mình thích thì bao nhiêu cũng được. Nhưng nếu bắt mình phung phí theo ý thích của người khác, thì không phải ai cũng bằng lòng.

 

Con gái là người thiệt thòi nhất?


Yêu nhau, nhiều bạn còn chuyển nơi du học để cho gần đằng ấy. Có cậu bạn du học ở Canada đã hơn 1 năm. Sẵn sàng sang một nước khác học lại từ đầu với người yêu. Lại có cô bạn vừa tốt nghiệp trung học phổ thông là hối thúc bố mẹ làm giấy tờ đi du học. Nguyên nhân là vì… anh ấy đã đi du học trước rồi.



Con gái chúng ta luôn là người thiệt thòi nếu không biết cân nhắc kỹ trong tình yêu.

 Để được học cùng và sống chung, không ít teen đã phải đấu tranh rất quyết liệt với gia đình. Chấp nhận học lại, cãi bố mẹ, làm mọi cách để được học cùng người yêu.

 

Ấy vậy mà chẳng lâu, có những cậu bạn sau thời gian ngọt ngào, thì bắt đầu cảm thấy… chán. Chán ở đây không phải vì những xung đột cãi vã với đằng ấy như trường hợp của KimDanh ở trên. Mà cảm giác rằng họ không tìm thấy ở người kia điểm cuốn hút, hay sự mới mẻ, lạ lùng như lúc mới yêu nữa.

 

Không chỉ thế, khi bước ra xã hội, con gái luôn là người thiệt thòi nếu sống thử trước hôn nhân cùng bạn trai mình. Chẳng ai biết được khi sống chung, hai bạn thật sự trong sáng hay ra sao. Mọi người nhìn vào vẫn cứ rèm pha kiểu: “Nhỏ đó ở với bạn trai lâu rồi. Ai dám chắc rằng nó còn… trong sáng. Mà dạng con gái bạo vậy cũng không vừa đâu”.

 

Có cô bạn bị “shock” khi nghe những lời tương tự như vậy từ chính bạn bè thân thiết của mình. Thế nhưng sao trách được miệng lưỡi của người đời. Khi quyết định sống cùng người yêu, thì những chuyện phải nghe bàn tán là không tránh khỏi.



Quan trọng nhất là bố mẹ của teen, và phụ huynh của đằng ấy sẽ nghĩ gì trước quyết định của cả hai? Cũng có những bậc phụ huynh cứ để cho con trẻ tự quyết định cuộc sống của mình. Nhưng hầu hết các ông bố bà mẹ, đều không tán thành con cái sống thử trước hôn nhân với bất kì lí do nào.

 

Sống thử là sống vội. Mà cái gì vội vàng, hấp tấp quá đôi khi lại mất hay. Nhưng dù hay, dù dở gì thì những hậu quả và phiền phức mà nó gây ra có thể ảnh hưởng cả đời. Hãy suy nghĩ kĩ, trước khi đi quá xa, bạn nhé!