Cư dân mạng tranh cãi về clip lịch sử gây bão trên Youtube

Jamie, Theo Trí Thức Trẻ 15:10 09/01/2013

Bên cạnh sự khen ngợi, khích lệ và hưởng ứng về tính sáng tạo của nhóm thực hiện, cư dân mạng cũng đã có những ý kiến đóng góp về một số thông tin lịch sử chưa thực sự chính xác trong clip.

Những ngày qua, một clip lịch sử dạng Inforgraphic gần 10 phút có tiêu đề "Việt Nam - hình hài một chữ S" đã gần như gây bão trên cộng đồng mạng bởi sự sáng tạo, ngắn gọn, hấp dẫn và dễ hiểu, tóm gọn lịch sử đất nước trong suốt hàng ngàn năm qua. Clip là đồ án tốt nghiệp cử nhân ngành Đồ họa ứng dụng (Graphic Design) trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn, nhưng với những hiệu ứng mà nó tạo được trong suốt hơn hai ngày qua, có thể nói clip này đã vượt ra tầm một đồ án tốt nghiệp.

Clip lịch sử gây bão trong những ngày qua

Sau hơn hai ngày được đăng tải lên Youtube, clip "Việt Nam - hình hài một chữ S đã thu hút hơn 200 ngàn lượt view, hơn 16 ngàn lượt like và vô số comment của cư dân mạng cũng như lượt share trên facebook. Đa số mọi người đều cảm thấy bất ngờ và hứng thú với clip này. Chỉ trong hơn 9 phút nhưng nội dung của clip đã thể hiện gần như đầy đủ những dấu mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam. Với đồ họa đẹp mắt, dễ chịu, âm nhạc phù hợp, clip đã cung cấp cho người xem rất nhiều kiến thức về lịch sử mà nhiều người chưa biết, mặc dù hầu hết những kiến thức này đã được học trong chương trình phổ thông.

Cư dân mạng tranh cãi về clip lịch sử gây bão trên Youtube 1

Cư dân mạng tranh cãi về clip lịch sử gây bão trên Youtube 2

Bạn Kazusha comment: "Clip quá hay. Thật tự hào về lịch sử hàng ngàn năm của Việt Nam. Clip của bạn làm xem rất dễ hiểu, còn cung cấp nhiều điều mà trước giờ còn ít người biết. "Like" cho sự sáng tạo của bạn này"

Hay một bạn khác có nick name Bella: "Chắc sự đầu tư công sức cho đề tài này là không nhỏ. Là sinh viên mà đã làm được clip chất lượng thế này rồi, thật là ngưỡng mộ quá. Nếu ở nhà trường mà dạy lịch sử kiểu này chắc nó đã không là... thảm họa" của đa số học sinh nữa"

"Hi vọng sau clip này sẽ có những clip khác giúp học sinh hiểu rõ hơn nữa về lịch sử nước nhà. Nên học tập cách tư duy sáng tạo của bạn này"

Bạn Lê Zdan thì nói: "Giới trẻ VN hiện nay rất sáng tạo và đầy nhiệt huyết. Lên trên mạng, có thể tìm thấy rất nhiều clip quay về cảnh đẹp và sự bình dị của con người Việt Nam làm rất chuyên nghiệp. Dù các clip do chính các bạn trẻ tự quay với chi phí thấp và đôi khi sử dụng cả những đạo cụ tự chế... Hãy trao những cơ hội đó cho lớp trẻ. Hãy để cho chúng tôi cống hiến cho quê hương"

Tuy nhiên, bên cạnh những sự ủng hộ, khích lệ, vẫn có những nhận xét của người xem về những kiến thức lịch sử được đưa vào clip. Bạn Thanh Xuân chia sẻ quan điểm: "Không thể phủ nhận clip này có sự mới mẻ và sáng tạo. Tuy nhiên có một vài thông tin trong clip là những thông tin mới đối với nhiều người, ít được kiểm chứng".

Bạn Nguyễn Chí thì nêu rõ: "Hay nhưng chưa chính xác, đúng ra vào thời Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) lãnh thổ Việt nam còn có cả một phần Lào và Căm Pu Chia, nếu không tính về sự chiếm đóng lập ra Tây thành thì ít ra cũng tính các tỉnh Hủa Phăn của Lào xưa là đất Bồn Man đã sat nhập vào Việt nam, sau Pháp khi thành lập Lào đã cắt và nhập vào Lào, tỉnh Kam pot, và Ko kong của Căm Pu Chia đuộc vua Căm Pu Chia tăng cho Mạc Cửu sau ông giao lại cho nhà Nguyễn, đến thời Tự Đức thì ông vua này lại trả lại cho Căm, phía Bắc thì sau hiệp ước Pháp Thanh, một vùng lánh thổ VN bị cắt cho nhà Thanh đó là môt phần Phòng thành hay còn gọi là Tam Vĩ Đầu và thành phố Đông Hưng"

Một bạn có account TranViet thì để lại comment: "Về phần tỉnh Điện Biên và Lai Châu chưa chính xác, 2 tỉnh này và 1 phần tỉnh Vân Nam ( TQ) vốn được Hoàng Công Chất sử dụng làm căn cứ để dấy binh khởi nghĩa ( từ năm 1975). Vì vậy không thể nói 2 tỉnh này được giao cho chúng ta khi Pháp kí hiệp ước Pháp-Thanh, mà nó vốn là của chúng ta"

Bạn Hoàng Nguyễn Nhật nói: "Có một chi tiết sai to là cách tính năm công nguyên của bạn. Bắc thuộc lần 1 từ 207 đến 39 là 245 năm chứ không phải 246 năm"

Độc giả Hung Kha cũng đóng góp ý kiến: "Đã có một số nhỏ đi cùng công chúa Ngọc Vạn (con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên) được gả cho vua Chân Lạp - Chay Cheeta II vào năm 1619. Chính vì sự kiện Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý phía Nam năm 1698 nên Sài Gòn - TPHCM mới kỷ niệm năm 300 tuổi vào năm 1998 Nhưng công lao lớn thuộc về người Hoa vì họ đã làm cho cùng đất sình lấy hoang vu trở thành nơi đô hội, nhộn nhịp - chúng ta không thể phủ nhận công lao của họ được. Có nhiều thông tin các bạn nên kiểm tra lại..."

Độc giả Quang Nguyễn Hữu chia sẻ quan điểm: "Công ước Pháp Thanh 1887, trong clip gọi là Hiệp ước Pháp Thanh để thực hiện điều 3 của Hòa ước Thiên Tân 1885 của Nhà Thanh và Pháp về chia lại biên giới của Bắc Kỳ và TQ. Trong đó ko có việc sáp nhập hai địa danh Lai Châu và Điện Biên, mà là gồm 2 điểm chính chia ranh giới trên đất liền. Một là cắt 3/4 đất tổng Tụ Long thuộc tỉnh Hà Giang, có diện tích 750km2 cho tỉnh Vân Nam - TQ, hai là cắt 9 xã rưỡi thuộc tổng Kiền Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) cho tỉnh Quảng Đông - TQ"

Một điều đặc biệt là sau khi clip này được chia sẻ rộng rãi, có nhiều bạn đã nhận ra một số điểm tương đồng giữa clip "Việt Nam - hình hài một chữ S" với clip "Nhật Bản - Đất nước kỳ lạ" của một sinh viên làm về lịch sử của đất nước Nhật Bản hồi tháng 3 năm 2012. Clip cũng tạo được hiệu ứng rất tốt trong cộng đồng mạng bởi cách xây dựng nội dung và hình thức sáng tạo, phù hợp với thị hiếu và cách tiếp thu của người xem.

Clip "Nhật Bản - đất nước kỳ lạ"

Cư dân mạng tranh cãi về clip lịch sử gây bão trên Youtube 3

Cư dân mạng tranh cãi về clip lịch sử gây bão trên Youtube 4

Bạn Nguyễn Ân comment: "Dựa theo video "Nhật bản đất nước kì lạ" cũng của một sinh viên ngành đồ họa nhật bản đã làm, trong video đó anh ta cũng nói về đất nước của mình, về văn hóa cũng như lịch sử, và những điều thiếu sót". Bạn Phucly273 thì thẳng thắn: "Thật sự mình thích clip này hơn clip nói về VN, đơn giản vì nó thể hiện hết những văn hóa cũng như con người NB. Clip về VN chủ yếu nói về lịch sử nên không hấp dẫn khi nói về văn hóa".

Bạn Hanh Hoang đồng quan điểm: "Thấy clip Nhật nó hay ở chỗ nêu ra những khuyết điểm của nước họ, để cho ng nhật khi xem vào biết để khắc phục khuyết điểm đó, còn ng VN toàn thấy khen :( "

Tuy nhiên đã có nhiều bạn đáp trả ý kiến này. Một bạn có nick name Vietnameseboy1990: "Thế chỉ có Nhật Bản mới được phép nói về đất nước mình sao? Việt Nam không được phép nói về mình à? Chúng ta đang nói về lịch sử việt Nam đâu nói về lịch sử Nhật Bản. Còn clip của Nhật là do người Nhật làm về nước họ, chứ họ đâu nói về nước ta". Hay bạn  GiatOcprince Lê: "Clip nói về VN là clip thuyết trình về lịch sử mà bạn!"

Ngay sau khi clip này tạo hiệu ứng mạnh trên mạng, các nhà sử học nổi tiếng cũng đã bày tỏ sự ngạc nhiên của mình.

Theo nhà Sử học Dương Trung Quốc, clip về lịch sử Việt Nam "đã đánh thức Bộ GD&ĐT quan tâm hơn đến việc giảng dạy trực quan trong các môn học". Bộ có thể khuyến khích các đài truyền hình, công ty truyền thông, giáo viên, học sinh... làm clip, phim ngắn về lịch sử. "Chúng tôi luôn hoan nghênh và giúp đỡ những ý tưởng sáng tạo trong việc đưa lịch sử đất nước đến với mọi người". (...) Ông Quốc cũng cho hay đang xem lại các mốc lịch sử để giúp nhóm bạn trẻ hoàn thiện kiến thức, đảm bảo tính chính xác.

Còn nhà Sử học Lê Văn Lan thì cho rằng vai trò của giáo viên dạy Sử là chinh phục được học sinh, tạo cho các em sự đam mê môn học chứ không phải chỉ để nhớ kiến thức. Để thay đổi cách dạy và học Lịch sử, cần thay đổi cả một hệ thống trong đó có việc phổ cập tài liệu giảng dạy.

"Quá trình đào tạo, trình độ của thầy cô là những điểm đáng lưu ý để chinh phục học sinh. Hiện nay, nhiều giáo viên sau bao nhiêu năm được đào tạo vẫn ngủ quên trên kiến thức đó, không tự hoàn thiện mình thì không thể nào dạy tốt được", thầy Lê Văn Lan nói.