Chuyện về "thánh cuồng Đôrêmon" hay sự hung hăng đáng sợ của cư dân mạng

CaDe, Theo Mask Online 00:44 23/10/2014

Sự vô lý của cư dân mạng đã khiến mạng xã hội chẳng khác nào một môi trường hà khắc và khốc liệt nhất, đày ải con người ta bởi những quy luật, quan điểm lệch lạc ngầm.

Kellie Elmore – Nhà văn, blogger người Mỹ - từng nói: "Truyền thông xã hội đầu độc thế giới bởi một loại virus ghê gớm tên là "sự phù phiếm"". Quả thật ban đầu khi nghe câu này, tôi không hiểu lắm, thậm chí còn sẵn sàng tặc lưỡi bỏ qua. Mạng xã hội hữu ích thế cơ mà, chẳng cớ gì phải dùng từ "loại virus ghê gớm" để nói về những điều xung quanh nó. Nhưng từ khi bất cứ thứ gì được đăng tải trên mạng xã hội cũng đều được mang ra mổ xẻ, phán xét, tẩy chay, rồi a dua, hội đồng chỉ qua cú click chuột hay vài dòng gõ phím, tôi mới bàng hoàng nhận ra: Đã từ lâu, cuộc sống này chẳng còn điều gì là của riêng ai nữa.

Khi thú vui "bài xích hội đồng" được đẩy lên cao trào

Thời gian vừa qua, cư dân mạng truyền tay nhau bức ảnh gây chú ý bởi từ xe, áo khoác ngoài, đến mũ bảo hiểm đều có hình tượng nhân vật phim hoạt hình Đôrêmon. Rất nhiều lượt like và share, những comment công kích bất chợt chĩa thẳng vào cô gái bỗng dưng trở thành tâm điểm cơn bão mạng xã hội một cách không mong muốn. Người ta đặt biệt danh cho cô gái là “thánh cuồng Đôrêmon”, người ta tìm ra bằng được danh tính của cô gái để chọc ngoáy vào đời tư của cô.

Chuyện về "thánh cuồng Đôrêmon" hay sự hung hăng đáng sợ của cư dân mạng  1

Chẳng cần lý do, cứ thế hết người này người kia lên án, chế nhạo, thậm chí là dùng những lời lẽ vô cùng nặng nề để đánh giá về vẻ bề ngoài, về nhân cách cũng như về vấn đề nhận thức của cô gái. Ai cũng thi nhau bài xích, ai cũng thi nhau ném một viên gạch viên đá để cố tham gia vào câu chuyện tưởng như rất bình thường. Khi sự tò mò và chủ nghĩa đám đông ăn sâu vào lối sống, đó chính là lúc người ta hùa vào với nhau để bình luận về cuộc đời của người khác. Cô gái trẻ đến mức phải rao bán chiếc xe yêu quý của mình, chỉ vì không muốn bị chú ý, bàn tán quá nhiều. Chính vài lời đánh giá, phán xét vô thưởng vô phạt của những người không quen biết trên mạng vô hình trung đã khiến người khác phải từ bỏ sở thích cá nhân hoàn toàn chính đáng, không ảnh hưởng đến bất cứ ai.

Chuyện lại khiến tôi nhớ đến bức ảnh cô gái trẻ Hà Nội mặc áo lông có hình đầu hổ ngồi sau xe máy trên đường phố cách đây vài hôm. Bỗng dưng vào một ngày đẹp trời, nhân cách, phẩm giá "được" đem ra bình luận, mổ xẻ và hứng chịu gạch đá suốt một thời gian dài vì bị "hiểu nhầm" là ăn mặc lố lăng, hở hang. Điều đáng nói là trong khi người chụp lén thiếu hiểu biết và chưa chắc chắn đã vội kết tội người khác, thì đám đông ngày đêm công kích hội đồng, bới móc từng ly từng tí "chuyện nhà người ta" đó lại dường như chỉ chờ có chuyện để mà nhảy vào bàn tán, để lên mặt chỉ trích, dạy dỗ người khác. 

Chuyện về "thánh cuồng Đôrêmon" hay sự hung hăng đáng sợ của cư dân mạng  2

Mỗi người góp một câu, thậm chí nếu để ý sẽ thấy dưới những lời bình luận còn có cả những lời nguyền rủa thậm tệ, những câu chửi vô văn hóa mà đọc thôi cũng hiểu được phần nào cảm nhận của nạn nhân trong hai câu chuyện này. Vậy mới nói, việc cô gái Cần Thơ kia phải đến mức bán xe, còn thiếu nữ Hà Nội có tạm biệt chiếc áo yêu thích của mình đi nữa thì cũng chỉ là những kết quả quá nhẹ nhàng đối với tất cả những gì họ phải gánh chịu khi trở thành bia để đạn bắn vào tới tấp, trở thành trò tiêu khiển bất đắc dĩ, hứng chịu toàn bộ sự độc ác của bộ phận lớn cư dân mạng.

Sự "hung hăng" đáng sợ của cộng đồng mạng

Chưa bao giờ, chưa khi nào nhân cách và phẩm chất của mỗi người lại được đánh giá dễ dàng và công khai đến thế. Hình ảnh cá nhân bị tung lên mạng xã hội, ngay lập tức, hàng trăm, hàng ngàn người lao vào mổ xẻ và bình phẩm. Giá mà những lời đánh giá đó là công tâm, là hợp tình, hợp lý, có tính đóng góp thì chẳng nói làm gì, đằng này ai cũng muốn tỏ ra là mình giỏi giang, thần thánh, thông minh hơn người. Họ chửi bới và sẵn sàng dìm xuống đáy tất cả những thứ không giống họ, những thứ mà thậm chí còn chưa được kiểm chứng, hay đơn giản là thứ họ không thấy vừa mắt. Họ, luôn cho rằng mình là đấng tối cao, lo việc đời, ngẫm việc người. Và những điều họ nói hẳn là chân lý. Rồi chín người mười ý, vừa đánh giá, vừa cãi vã, chẳng khác nào... cái chợ.

Câu chuyện cô gái "cuồng" Đôrêmon hay cô gái Hà Nội mặc áo lông hình đầu hổ mà tôi nhắc đến ở trên chỉ là một ví dụ rất nhỏ, rất nhỏ cho sự hung hăng đáng sợ của cư dân mạng. Đến thời điểm này thì không chỉ sở thích cá nhân vô hại mà gần như tất cả mọi thứ xung quanh ta đều đã "được" mang ra suy xét và cô lập dưới cơn bão gạch đá của cư dân mạng. 

Mang trong lòng nỗi canh cánh không yên, tôi đem những ưu tư về vấn đề này kể với một người bạn. Cậu bạn của tôi chỉ cười, nói: "Thời đại này ấy mà, ghét ai thì chẳng cần làm gì to tát, bạn chỉ cần đăng vài ba bức ảnh lên Facebook hoặc mấy diễn đàn của giới trẻ thôi, tất cả sẽ có cư dân mạng lo". Câu nói nghe có vẻ bông đùa, nhưng lại khiến tôi cảm thấy buồn ghê gớm.

Từ bao giờ quyền lực của cư dân mạng lại trở nên lớn đến mức khó kiểm soát như vậy? Từ khi nào họ lại hung hăng đến mức đáng sợ như vậy?

Sự vô lý của cư dân mạng đã khiến mạng xã hội chẳng khác nào một môi trường hà khắc và khốc liệt nhất, đày ải con người ta bởi những quy luật ngầm, những quan điểm lệch lạc ngầm. Bỗng dưng một ngày cuộc sống cá nhân bị quẳng lên trước hàng vạn con mắt, con mắt nào cũng hau háu dò xét rồi kịch liệt chế giễu, mấy ai vượt qua nổi!

Tạm kết

Đã từ lâu người ta luôn e dè với tất cả những thứ xung quanh mình, làm gì cũng nghi ngại, lo sợ. Bởi chỉ cần sơ hở một chút là ngay lập tức sẽ có bao ánh mắt đổ dồn lại xung quanh, nhiếc móc, quy kết đúng sai, rồi chỉ trích, thậm chí là chửi rủa nếu chẳng may họ có cho rằng điều ấy là sai. Để rồi nhiều người bỗng trở nên lặng lẽ với thế giới chỉ vì không muốn phải hứng chịu mối nguy hiểm từ cư dân mạng, không phải chịu đựng nỗi đau khi bỗng dưng bị áp đặt, quy kết một cách vô tội vạ. 

Thế giới sẽ nhạt nhẽo lắm thay, khi mà chúng ta đang dần dần giết chết mọi thứ xung quanh mình chỉ bằng con mắt phiến diện của mỗi người. Chỉ một vài câu nói có thể gây tổn thương sâu sắc cho người khác. Chỉ một sự việc thu hút sự chú ý của cư dân mạng cũng đủ khiến cho ai đó rơi nước mắt, ai đó vì thế mà tổn thương. Dìm người khác xuống bằng cách này hay cách khác, không có nghĩa là bạn cao lên một tí. Bạn chỉ hơn người ta ở chỗ, bạn đứng trong tối, còn người ta ở ngoài sáng thôi. Hãy là người văn minh, và nếu không văn minh được, thì cũng đừng khiến bản thân mình trở nên hèn kém và lố bịch bằng những lời lẽ chê bai phiến diện. Bởi khi những hành vi vô tâm và những quan điểm vô lý được duy trì từ ngày này qua ngày khác, sẽ biến dần thành sự độc ác. Và sự độc ác hội đồng có thể hủy hoại tất cả mọi thứ, kể cả sự cảm thông, chia sẻ, tình người.