Chia tay ấu thơ (kì 2)

Lê Bảo Ngọc, Theo Mask Online 12:46 29/03/2013

Dù tôi với nó hay đấu khẩu nhưng nó vẫn là thằng bạn thân thiết, là chiến hữu tốt nhất của tôi. Sự xuất hiện của Hạ Quyên có nguy cơ làm nó thành tình địch của tôi...

Kì 2 : Thầm Thương Trộm Nhớ
 
Chiều thứ 6, tôi đạp xe sang nhà Lâm, trời thì nắng mà nó dặn tôi đi từ rõ sớm, buồn ngủ nên tôi ngáp dài suốt đoạn đường. Đến nơi Lâm kéo tôi vào đứng sau cái quầy tính tiền rồi bảo: 
 
- Mày đứng đây, đợi tí.
 
Rồi nó chỉ cho tôi một cô bé vừa mới dựng xe trước thềm nhà và đi thẳng vào quầy truyện tranh quen thuộc. Thằng Lâm nói lảm nhảm bên tai tôi rất nhiều thứ, nhưng tai tôi ù đi, chẳng để tâm xem nó nói gì nữa. Lúc sau, tôi ngẫm lại thấy mọi người nhận xét đúng thật. Tôi với Lâm từ bé tới lớn có rất nhiều sở thích giống nhau. Bây giờ đến nỗi mà hai đứa cũng thích chung luôn một cô gái.
 
Về tới nhà, tôi thấy người mệt mỏi như bị say nắng, tôi leo lên giường nằm suy nghĩ. Nhưng yên lặng chưa được 5 phút thì có tiếng chạy rầm rập dưới cầu thang, rồi có người xô cửa chạy vào phòng tôi. Đó là cái Phương, nó kéo tay tôi, nói gấp gáp:
 
- Anh Khoa, anh Khoa, anh xuống nhà đi, cái Hạnh mang quà từ quê lên kìa. 
 
Hạnh là đứa bạn học cùng từ hồi mẫu giáo với em gái tôi. Cả nhà tôi chẳng lạ gì Hạnh vì nhà gần nhau nên nó rất hay chạy sang nhà tôi cho cái Phương chè với kem. Mẹ cái Hạnh là người gốc Huế nên nấu chè rất ngon. Chè xoài, chè khoai môn, chè đậu đỏ, cái nào tôi cũng thích cả. Tôi không phải người háo ngọt lắm nhưng cũng phải hâm mộ tài nghệ của cô ấy. Nhưng chẳng hiểu sao một người đảm đang như thế mà lại có một đứa con gái hậu đậu, đụng đâu vỡ đấy. Đúng là quy luật bù trừ. Hè nào Hạnh cũng theo mẹ về quê ngoại một tháng, lúc ra mang đến nhà tôi bao nhiêu là quà. Tôi giằng tay cái Phương lại:
 
- Đợi anh thay cái quần dài đã, đang mặc quần đùi mà.
 
Cái Phương liếc nhìn xuống chân tôi một cái rồi cười khẩy:
 
- Ui dào Hạnh chứ có phải khách đâu, anh sợ gì.
 
Rồi tôi bị Phương kéo xuống dưới nhà. Đúng như tôi dự đoán, trên bàn chất đầy mấy quả mãng cầu, hồng xiêm, thanh long, toàn là quả của miền trong. Tôi còn đang đếm xem có bao nhiêu quả mãng cầu tất cả thì con bé Hạnh từ đâu nhảy xổ ra trước mặt tôi khua khua con dao trước mặt, miệng nhanh nhảu nói:
 
- Anh Khoa ơi, em bổ mít cho anh ăn nhé.
 
Tôi nhìn về phía tay Hạnh chỉ, một quả mít to đùng, gai nhọn nằm lù lù nơi góc nhà. Rồi tôi nhìn sang Hạnh, nó thấp hơn tôi hai cái đầu, người cũng tròn trịa mũm mĩm y chang quả mít kia, đôi mắt một mí lúc nào cũng nheo nheo. Hạnh bảo tôi nó có đôi mắt cười còn tôi chỉ thấy mắt nó lúc nào cũng nhắm híp tịt lại. Tôi nhìn quả mít rồi lại quay sang nhìn Hạnh, tự dưng bật cười khanh khách. Cái Hạnh khoe:
 
- Năm sau đi học tớ sẽ đi bằng xe đạp, hè vừa rồi tớ mới tập đi xe đạp đó. 
 
Mẹ tôi và Phương cùng cười theo cái Hạnh, còn tôi chỉ thấy thương cho cái xe đạp của nó. Con bé tròn trịa thế kia mà leo lên xe thì chắc ngày nào cũng phải bơm bánh trước mất. Mẹ tôi đột nhiên quay sang nói làm cắt ngang hình ảnh tôi đang tưởng tượng trong đầu:
 
- Nếu mà cháu muốn tập đi xe đạp vững thì qua bảo anh Khoa kèm cho nè. Anh Khoa ngày xưa tập đi xe đạp nhanh lắm. 
 
Cái Hạnh gật đầu lia lịa, miệng cười toe toét, còn tôi chả hứng thú gì. Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến Hạ Quyên, tôi mà được kèm cô bé đi xe đạp thì có phải là hạnh phúc nhất đời rồi không. 
 
Tôi hôm đó, tôi vạch ra một kế hoạch chu đáo. Thằng Lâm có lợi thế hơn tôi là nhà nó có hàng thuê truyện tranh nên tuần nào nó cũng sẽ gặp Hạ Quyên. Nhưng tôi lại có cái Phương là gián điệp tay trong rồi. Hạ Quyên sẽ học cùng trường với chúng tôi, vậy là tôi phải tìm cách để quen được cô bé, và nhất là giữ Lâm ở càng xa càng tốt. Nghĩ tới đây, tự dưng tôi thấy mình xấu xa quá. Tôi với Lâm là hai thằng bạn chí cốt, mỗi lần bị điểm kém sợ không dám mang về cho mẹ thì nhà Lâm là địa điểm cất giữ của tôi. Có lần sang nhà Lâm chơi tôi lúi húi nghịch thế nào mà làm hỏng mất cái radio nhà nó, Lâm nhận tội với mẹ thay tôi, lúc tôi hỏi sao nó làm thế thì Lâm chỉ nói: 
 
- Vì tao sợ mẹ tao không cho mày sang chơi nữa.
 
Chia tay ấu thơ (kì 2)  1

Dù tôi với nó hay đấu khẩu nhưng nó vẫn là thằng bạn thân thiết, là chiến hữu tốt nhất của tôi. Sự xuất hiện của Hạ Quyên có nguy cơ làm nó thành tình địch của tôi quá. Buổi tối, mẹ bảo tôi là Lâm gọi điện nhắn tôi sang học nhóm, tôi biết tỏng cái trò này của nó, cứ mỗi lần có đĩa trò chơi gì mới là nó lại rủ rê tôi sang học nhóm. Lâm có người bác ở nước ngoài, cứ mỗi lần về nước lại mang cho nó mấy đĩa trò chơi rất hay. Trong nhà tôi thì giữa hai anh em, cái Phương mê chơi game hơn và cũng chơi giỏi hơn tôi. Nghe mẹ tôi nói vụ học nhóm, nó theo lệ cũ lập tức đi xếp mấy quyển vở vào cái balo rồi xin phép mẹ:
 
- Mẹ ơi cho con sang học cùng hai anh nhé, con có bài Mĩ Thuật cần hỏi anh Lâm.
 
Đấy, cái thằng Lâm vừa được cái mã ngoài bảnh bao lại vừa khéo ăn nói, nó học giỏi môn gì không giỏi lại giỏi Mĩ Thuật nên bọn con gái quý nó lắm. Tôi thì thấy mấy cái bức vẽ của nó chả có gì hay mà đám con gái lớp tôi cứ mỗi lần trả bài vẽ lại xúm xít xung quanh nó. Sang đến nhà Lâm, cái Phương nhìn thấy hai đĩa game mới cứng còn nguyên lớp vỏ nilon bên ngoài đặt trên bàn thì ùa tới. Cả buổi tối Lâm và Phương cứ mải mê chơi cái đĩa game mới, tôi thì ngồi xem ti vi trong phòng nó. Nhìn mấy cô ca sĩ hát đi hát lại mấy bài, tôi chợt nghĩ nhìn Hạ Quyên còn xinh hơn ca sĩ nhiều lần, mà Hạ Quyên có biết hát không nhỉ? Không biết cô bé thích bài hát nào nhỉ? Tôi tự dưng thấy cái bệnh tương tư của mình bắt đầu nặng hơn. Lúc ngồi ở nhà Lâm tôi chỉ nơm nớp lo sợ cái Phương sẽ buột miệng nhắc đến Hạ Quyên.
 
Buổi sáng trời thu Hà Nội có những cơn gió nhè nhẹ, nắng vẫn còn nhưng bầu trời đã trong xanh hơn. Hôm nay là ngày học sinh khối 10 tập trung. Từ sáng sớm mẹ đã phải rất khó khăn, bao gồm cả những lời nói nhẹ nhàng và la hét mới lôi được tôi ra khỏi chiếc giường yêu quý. Cũng tại mùa hè nghỉ ngơi nhiều quá nên tôi mới khó dậy thế này. Tới trường mới, tôi nháo nhác nhìn xung quanh xem có ai mình quen không. Hình như hôm nay chỉ toàn học sinh lớp 10, những gương mặt non choẹt, ngây ngô trước quang cảnh của ngôi trường cấp 3, đâu đó có tiếng làm quen, hỏi tên nhau giữa những người bạn mới. Tôi còn đang bỡ ngỡ nhìn xem có thấy biển lớp 10A5 không thì có đứa từ đâu nhảy đến khoác vai tôi, cười vang trời, thì ra đó là Lâm:
 
- Này này, sao nhìn mày ngơ ngơ vậy? Mày vừa dắt xe qua cổng trường là tao nhận ra liền. Lớp mình ở đây cơ mà. 
 
Chia tay ấu thơ (kì 2)  2
 
Tôi biết là Lâm bảo mẹ nó xin cho vào học cùng lớp với tôi, từ cấp một tới giờ lúc nào chúng tôi cũng học cùng lớp. Lẽ ra lên cấp ba thì mỗi đứa một trường, gia đình Lâm tính cho nó thi vào trường điểm thành phố nhưng đùng một cái, nó bị gãy chân nên phải nằm nhà, bao nhiêu kế hoạch đi ôn thi với vào trường điểm đổ xuống sông xuống biển cả. Bố mẹ nó thì tiếc mà tôi thấy nó vẫn nhởn nhơ lắm. Nó xin ngay mẹ nó cho vào học đúng tuyến với tôi, lại còn cùng lớp. Tôi với nó, đúng là chẳng bao giờ tách nhau ra được. Lớp tôi có 54 học sinh, mọi người gần như đã đến đủ, tôi nhìn xung quanh rồi giật mình vội quay đầu lại. Hạ Quyên đang chỉ đứng cách lớp tôi có hai hàng học sinh nữa. Đúng rồi, cô bé cùng trường với tôi mà, tôi chạy ra khỏi hàng nhìn xem biển lớp đó là gì: “10A7”. Lâm thấy tôi tách hàng nhưng cũng chả hỏi gì, chắc nó còn đang mải làm quen với mấy bạn nữ cùng lớp. Lúc sau nó ghé tai tôi thì thầm:
 
- Các bạn lớp mình đang định tiến cử tao làm lớp trưởng mày à, thích thế. Nhưng làm lớp trưởng lại phải học tập chăm chỉ với làm bài tập đầy đủ nên tao tính tiến cử mày.

Tôi chẳng để ý lời Lâm nói, trong lòng vẫn còn đang vui sướng âm ỉ vì Hạ Quyên đang ở rất gần tôi. Lúc vào trong lớp, cô giáo đọc tên cho chúng tôi vào ngồi theo thứ tự, tôi ngồi sau Lâm ba bàn, lại đúng chỗ cửa ra vào. Ngồi cạnh tôi là một đứa con trai đeo kính dày cộp, trông có vẻ mọt sách. Bằng chứng rõ nhất là nó còn đang cầm quyển sách trên tay. Tôi hỏi nó:
 
- Cậu có biết lớp bên cạnh lớp mình là lớp nào không?
 
Nó ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi tôi:
 
Trường mình có hai tầng cho lớp 10, tầng này là số lẻ thì lớp bên cạnh là 10A3 và 10A7. Tự dưng tôi thấy quý đứa bạn cùng bàn quá, tôi lại được ở cạnh lớp của Hạ Quyên. Buổi học đầu tiên trôi qua trong bình lặng, chỉ là thầy cô điểm danh rồi dặn dò những học sinh mới. Tan học, tôi và Lâm cùng mấy đứa bạn mới quen lững thững đi bộ ra nhà gửi xe. Ngó thấy có chiếc xe đạp đặt áo mưa vàng ngay ngắn gần xe mình, tôi quay sang bảo Lâm:
 
- Mày ơi, tao nhớ ra phải lên văn phòng nộp mấy cái giấy, mày về trước đi.
 
- Giấy gì thế? Lâm hỏi:
 
- Hồi đầu năm nộp hồ sơ mẹ tao quên không nộp bản photo giấy khai sinh ấy mà.

Lâm nghe vậy thì giơ tay chào tôi rồi đạp xe về trước. Nó đi rồi tôi mới ngẫm nghĩ sao mình lại nói dối nó nhỉ. Mà thôi cũng chỉ là lời nói dối vô hại, coi như là tôi đùa nó vậy. Chỉ một lát sau thì lớp 10A7 cũng tan. Từ xa tôi đã thấy Hạ Quyên đi chầm chậm. Lúc cô bé đi qua tôi, có một mùi hương thơm nhè nhẹ như là mùi cỏ may tỏa ra. Hạ Quyên lấy xe xong là đạp đi thẳng luôn, tôi vội đạp xe đi theo phía sau. Ra hẳn tới ngoài đường lớn tôi mới thấy là nhà tôi và nhà Hạ Quyên đi về hai phía khác nhau. Thôi kệ, về muộn một tí cũng chẳng sao. Tôi đạp xe theo sát Hạ Quyên. Qua mấy lần đèn đỏ rồi lại xanh, hình như cô bé nhận ra có người đi theo nên quay lại liếc nhìn tôi mới cái. Cái nhìn đó chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi mà tôi thấy tim mình như đập chậm lại, tôi hơi xấu hổ nên tới chỗ ra tiếp theo thì quay lại đường cũ. Vừa về tới nhà tôi đã nghe thấy tiếng nói râm ran trong phòng bếp. Mẹ, cái Phương và cả cái Hạnh đang ngồi ăn cơm. Mẹ hỏi tôi:
 
- Sao về muộn thế con?
 
Tôi lại nói dối tiếp:
 
- Dạ hôm nay đường tắc mẹ ạ.
 
Phải nói thế thôi chứ nếu để mẹ biết là tôi đi theo con gái nên mới về nhà muộn thể nào mẹ cũng mắng tôi một trận té tát. Rồi cái điệp khúc ai đời mới bảnh mắt ra mà đã yêu với đương sẽ được ca đi ca lại mỗi ngày. Vừa ngồi xuống mâm cơm, cái Hạnh đã lanh chanh kéo ghế ra cạnh tôi, nó nói:
 
- Anh Khoa anh Khoa, em xới cơm cho em nhé.
 
Trên đời này tôi sợ nhất là cái Hạnh xới cơm. Lúc nào nó cũng lấy một bát đầy cơm lẫn thức ăn cho tôi. Tôi vội nói:
 
- Thôi thôi, để anh tự lấy cũng được.
 
Hạnh đặt bát cơm xuống bàn, hai tay chống cằm. Nhìn nó tiu ngỉu như con mèo cụt đuôi, tôi lại phải nhượng bộ:
 
- Em cứ lấy cho anh đi vậy. 
 
Hạnh reo lên: 
 
-  A, thích quá. Em yêu anh Khoa nhất. 
 
Mẹ tôi và cái Phương đã quen với cảnh này. Cả nhà thì chỉ có mình tôi là đủ can đảm đưa bát cho cái Hạnh xới cơm. Thật ra tôi cũng khá chiều nó, có khi còn hơn cả em gái ruột vì cái Phương thì hay chí chóe với hay mách mẹ tội của tôi còn Hạnh thì lúc nào cũng tỏ ra thán phục những việc tôi làm. Ăn cơm xong, Hạnh đi bộ về nhà con cái Phương chạy lại tôi hỏi thăm:
 
- Sao, hôm nay anh có gặp chị Hạ Quyên không?
 
Chia tay ấu thơ (kì 2)  3
 
Hóa ra nó vẫn còn nhớ tới người anh này cơ đấy, tôi gật gật đầu:
 
- Gặp rồi, nhưng học khác lớp anh.
 
- Anh nghĩ ra cách gì làm quen chưa?
 
Tôi lắc đầu, vẻ mặt rầu rĩ:
 
- Vẫn chưa. 
 
Cái Phương nhìn tôi tỏ vẻ ngao ngán rồi đi ra phòng ngoài. Suốt mấy ngày đi học tiếp theo, tôi chỉ dám nhìn Hạ Quyên từ xa chứ không lại gần đứng bao giờ. Tôi vẫn mong chờ một cơ hội để được làm quen với cô bé. Rồi thì trời cũng không phụ người có lòng, cơ hội của tôi cũng đến. Tôi hụt mất chức lớp trưởng nhưng lại được phân công làm sao đỏ chấm thi đua ở lớp Hạ Quyên. Tôi hí hửng trong lòng, hóa ra thành tích học tập không tệ hồi lớp 9 cũng giúp tôi có được sự tín nhiệm của những đứa bạn mới. Được đeo băng sao đỏ, tôi thấy oai hẳn ra dù nhận thức rõ công việc sao đỏ thường bị coi là xoi mói, xách mách. Làm sao đỏ được một tuần, tôi thấy cơ hội để được ở gần Hạ Quyên vẫn xa vời như trăng sao trên trời.
 
Thứ nhất Hạ Quyên rất gương mẫu, luôn đi học đúng giờ và chẳng bao giờ nói chuyện trong hàng. Thứ hai, đã không được nói chuyện với cô bé thì chớ, tôi còn chẳng được đứng ngắm Hạ Quyên nữa vì mấy đứa cùng lớp cô bé lại nói chuyện rõ nhiều làm tôi phải nhắc nhở liên tục. 
 
Thằng Lâm xem ra còn tiến với tốc độ nhanh hơn tôi. Nó khoe với tôi là đã tìm ra được lớp học thêm tiếng Anh của Hạ Quyên và sẽ xin bố mẹ nó cho đi học lớp đó.
 
- Tao sẽ đi học lớp đấy. Hạ Quyên học giỏi nhất nhì lớp, kiểu gì mà tao chả có cớ để hỏi bài chứ.
 
Tôi thấy Lâm có vẻ nhiều kinh nghiệm, chiến lược của nó nghe rất rành mạch bài bản. Tôi cũng không hiểu sao bố mẹ nó lúc nào cũng bảo là nó kém tư duy logic nhỉ?
 
Một tháng trôi qua, việc học tập trở nên vất vả hơn, cuốn tôi vào cái vòng quay bài tập, rồi kiểm tra không ngừng, tôi tạm dẹp chuyện tìm cách chinh phục Hạ Quyên sang một bên, nhưng vẫn ngấm ngầm ngắm cô bé mỗi buổi xếp hàng đầu giờ. Lúc tôi đã định can tâm an phận thủ thường làm một sao đỏ, chỉ lặng lẽ ngắm cô bé từ xa thì lại có một chuyện bất ngờ xảy ra. Tất cả cũng chỉ vì cái kế hoạch của Lâm. Nó đi học với Hạ Quyên nhưng ở lớp đó lại quá nhiều người hay hỏi bài Hạ Quyên nên nó chỉ mới dừng ở bước làm quen chứ chưa gọi là thân thiết gì được. Tuy nhiên Lâm chẳng phải đứa mới gặp tí khó khăn đã bỏ cuộc ngay.
 
Nó tìm hiểu được là Hạ Quyên rất thích đọc sách thơ văn, nghe bạn bè kể là cô bé có một chồng toàn tiểu thuyết lãng mạn ở trong phòng. Lâm quyết định sẽ viết thư cho Hạ Quyên, nó say sưa bắt tôi đọc đi đọc lại để lọc lỗi chính tả. Thật không chấp nhận được là nó lại giao cho tôi cái công việc nhàm chán thế. Xong nó còn bắt tôi phải mang sang đưa cho Hạ Quyên. 
 
- Sao mày viết mà mày không tự đưa? - tôi vặn vẹo:
 
- Thôi, tao ngại lắm. Mày chấm sao đỏ lớp đó mà, mày đưa giùm tao đi. Với cả…
 
- Với cả sao?
 
- Bọn con gái hay thích tưởng tượng còn gì. Tao muốn Hạ Quyên tưởng tượng về tao một chút.

Cái thằng này, làm người quang minh chính đại không thích lại thích làm anh hùng trong bóng tối. Tôi thấy nó giống anh hùng núp hơn, lại nhớ tới cái câu người ta hay nói “Anh hùng núp cho một mồi lửa đốt rơm anh hùng”.
 
Tôi chẳng từ chối được bởi nó đã nhét lá thư vào túi áo tôi. Khi kể lại chuyện này cho em gái tôi nghe, nó phán luôn một hơi rằng tôi là đồ ngốc, còn cái Hạnh ‘hột mít’ nghe Phương kể lại thì lại khen tôi là người tốt. Tối đó, tôi nằm trằn trọc mãi không ngủ được, tôi liền tỉnh dậy, mở lá thư ra ngồi đọc lại. Chữ thằng Lâm xấu quá, viết xiêu vẹo nhìn như gà bới vậy. Trời tối đọc chữ nó viết còn hại mắt nữa. Tôi đọc một lúc, thấy nó viết không ổn chút nào. Cái thằng này viết thư làm quen với người ta mà đúng theo kiểu “bấu chỗ này một tí, véo chỗ kia một chút”.
 
Bình thường nó hay mượn bài tập của tôi với một đứa nữa để chép so le, bây giờ đến cái phong cách chép bài mà nó cũng đưa luôn vào thành phong cách viết thư. Cả bức thư toàn đạo văn thơ là những lời hay ho từ mục Cà phê chiều thứ bảy trong báo Hoa học trò. Có một đoạn nó chép nguyên xi mà còn chưa thay tên Hạ Quyên vào nữa. Sao chiều nay tôi lại không phát hiện ra nhỉ?
 
Tôi quyết định viết lại hộ đoạn này cho nó. Nhưng rồi đoạn tôi viết rất chân thật thì lại không hợp với đoạn trên của Lâm, thế là tôi lại ngồi sửa lại đoạn phía trên của nó. Xong đâu đấy, đến gần sáng, tôi đọc lại cả lá thư, thấy toàn ý của mình, vẫn phải dằn lòng viết tên Lâm ở người gửi. Là con trai với nhau, lại là bạn, phải cạnh tranh đàng hoàng chứ ai lại làm thế. 
 
Ngày hôm sau tôi mang sang lớp Hạ Quyên nhưng nào dám đưa trực tiếp cho cô bé. Tôi nhờ một đứa tôi quen mang vào đưa hộ. Hạ Quyên quay lại nhìn tôi, miệng cười chúm chím. Tôi lại thấy lòng mình xao xuyến. Một nụ cười của Hạ Quyên dường như có thể làm tôi thấy vui vẻ suốt cả ngày. 
 
(Còn tiếp...)
 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày