"Châu Phi còn thiếu nước, sao lại lãng phí với Ice Bucket Challenge?"

, Theo Mask Online 08:01 28/08/2014

Có lẽ đây là một trong những câu được nói nhiều nhất của các "thánh từ thiện" trong thời gian trào lưu Ice Bucket Challenge nở rộ tại Việt Nam.

Ice Bucket Challenge đang là trào lưu hot nhất trên thế giới trong 2 tuần trở lại đây. Không chỉ mới lạ, nó còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhờ đó, bất cứ ai hưởng ứng trò chơi này đều có thể đóng góp 1 phần nhỏ để làm từ thiện. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều bạn trẻ hào hứng với "thử thách xô đá" và thực hiện khá nhiều clip thú vị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó,  cũng có không ít bạn trẻ sẵn sàng hoài nghi và đánh đồng một cách xấu xí về việc cộng đồng mạng Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng trào lưu này. Hôm qua, một độc giả đã gửi thư về cho chúng tôi để phản biện lại những lý do đưa ra nhằm phủ màu đen tiêu cực lên mục đích trong sáng của Ice Bucket Challenge.

---

Chào Ban Biên Tập

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng nhộn nhịp hơn hẳn vì trào lưu Ice Bucket Challenge. Nếu như cách đây 1-2 tuần, các bạn trẻ Việt Nam chỉ biết đến trào lưu này qua các clip của những ngôi sao làng showbiz thế giới thì khoảng 1 tuần trở lại đây, Ice Bucket Challenge đã chính thức “lây lan” tới Việt Nam. Và không chỉ có các ngôi sao mới quan tâm tới thử thách này mà cả các bạn trẻ cũng hào hứng tham gia và thách thức lẫn nhau. 

Tuy nhiên, cũng chính vì sự bùng nổ của Ice Bucket Challenge tại Việt Nam mà những người tham gia vào trào lưu này cũng đã nhận được không ít “gạch đá” từ cộng đồng mạng Việt. Nhưng họ, những người đi đầu hưởng ứng trào lưu, liệu có đáng "ăn gạch" một cách vô lý như vậy không?

1. “A dua! Đú đởn” hay sự tự ti của người trẻ Việt?

Lý do mà nhiều cư dân mạng đưa ra nhất để phản đối trào lưu này tại Việt Nam chính là cho rằng đó chỉ là một sự “a dua” của các bạn trẻ “rảnh rỗi sinh nông nổi”. Nhưng sự thật đó là Ice Bucket Challenge đúng là một trò chơi để các bạn trẻ “a dua” với nhau! Người này làm rồi thách người kia, người nọ thấy hay lại chơi và thách người kìa. Bởi lẽ luật chơi của Ice Bucket Challenge chính là để chúng ta “a dua” lẫn nhau và tạo sự chú ý cho quỹ ALS. Và khi càng nhiều người a dua, càng nhiều người tham gia Ice Bucket Challenge thì căn bệnh ALS cũng như quỹ ALS này sẽ càng nhiều người được biết đến. Các bạn có tự tin cho rằng trước khi Ice Bucket Challenge lan truyền như một thứ virus, các bạn biết bệnh ALS là bệnh gì? Không phải không? Vậy thì đừng thắc mắc tại sao việc các bạn trẻ cứ nhao lên “đổ xô nước” vào đầu làm gì. Bởi ít nhất, họ đang làm một việc có ích, đó là khiến chúng ta biết về căn bệnh nguy hiểm này. 


Còn nữa, nhiều người rất ác mồm ác miệng, buông 1 vài câu comment bâng quơ, tỏ ý coi thường việc các bạn trẻ Việt Nam tham gia Ice Bucket Challenge. Dường như những người ấy đã đánh giá quá thấp về giới trẻ Việt. Họ cũng được tiếp xúc với Internet, được học hành, có nhận thức về thế giới xung quanh và muốn chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện một hành động chung đầy ý nghĩa. Và điều đó chẳng có gì là sai để phải lên án, để phải nhận sự kì thị từ chính những người cùng quê hương với mình. 


Nhưng như vậy chưa phải là xong! Nhiều người còn lớn tiếng dè bỉu việc nhiều bạn trẻ Việt Nam tham gia Ice Bucket Challenge và quảng bá cho các quỹ từ thiện khác. Họ cho rằng làm vậy là "cố tình gây sự chú ý" và "đánh đu, bắt chước để PR cho tổ chức của mình". Điều này có phần oan ức bởi việc "Việt hóasức lan toả mạnh mẽ của " lại Ice Bucket Challenge không có gì là sai, thậm chí là hợp lý bởi các bạn trẻ Việt Nam đã nhận thấy cái hay của trào lưu này và tự điều chỉnh sao cho phù hợp và để có thể cho nhiều người biết đến hơn về các tổ chức từ thiện trong nước đang hoạt động rất tích cực. 

Có thể thấy rõ trong những lời bình tiêu cực với trào lưu Ice Bucket Challenge tại Việt Nam là sự hằn học và tự ti của rất nhiều người trẻ. Họ không tin tưởng vào tư duy và sự năng động của chính bạn bè, cộng đồng xung quanh mình mà khăng khăng bám lấy tâm lý nghi hoặc của mình. Họ sẵn sàng hạ thấp và nghi ngờ lòng tốt của người khác bằng sự hoài nghi thiển cận và mang nặng mùi đánh đồng cá nhân, và không ai khác mà chính họ đã làm xấu đi ý nghĩa trong sáng của trào lưu này.

2. “Nước ở châu Phi còn thiếu nữa là đem đổ lên đầu”

Lại một biện hộ mang nặng mùi “tiền đó sao không mang từ thiện mà lại đi tiêu”. Những tưởng trào lưu đó đã chấm dứt được một thời gian dài, chẳng ngờ nó lại tìm được cách “đầu thai” vào Ice Bucket Challenge lần này. 

Nói về vấn đề từ thiện hay tiết kiệm nước, sẽ là rất mông lung để xác định xem thế nào là đúng, thế nào là sai. Bởi nếu nói tiết kiệm để cho những người khác có cuộc sống tốt hơn, thì bản thân chúng ta mỗi ngày phải tiết kiệm rất nhiều thứ, từ bữa ăn cho đến điện hay nước, và tôi tin là nhiều người trong các bạn đã làm những việc đó, dù nhiều hay ít. Nếu để trở thành một vị thánh từ thiện, làm mọi việc mà không sợ bị chỉ trích thì chỉ có nước ra hàng ăn một chén cơm trắng, uống nước lọc cho qua bữa để lấy tiền từ thiện, rồi thắp nến thay vì bật đèn để tránh tốn điện. Tất nhiên, như vậy chẳng có gì là sai cả, nó chỉ đơn giản là đi ngược với cuộc sống của chúng ta. 



"Mình thấy rất là tào lao và vớ vẩn. Vì 2 chuyện vốn không liên quan nhau. Nếu mình không tắm mà bên đó có nước uống thì ok. Còn không ảnh hưởng gì nhau thì gắn kết vào nhau rất là vớ vẩn... 1 nơi đầy không khí sạch để thở 1 bên thì bị ô nhiễm bạn nghĩ sao khi bạn thở nhiều như vậy?".

Đó là một ý kiến phản bác rất điển hình những luận điệu "nước châu Phi còn thiếu" của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ Việt Nam. Bởi lẽ, đặt hai vấn đề cạnh nhau đã thấy được sự kệch cỡm và có phần chụp mũ của các bạn trẻ nọ. Với họ, có lẽ sẽ chẳng ai từ thiện đủ cũng như chẳng có cách từ thiện nào là hoàn hảo hay thể hiện được sự tốt đẹp của người khác cũng như khiến họ hài lòng. 

Còn chuyện đổ nước lên đầu là lãng phí, tôi thật sự tin vào ý nghĩa và hiệu quả của chúng, ấy là chỉ trong có vài tuần, cả thế giới đã biết về căn bệnh ALS cũng như quỹ ALS đã được ủng hộ một số tiền lớn để họ nghiên cứu phương thuốc chữa căn bệnh quái ác này. Tôi nghĩ, số nước ấy đã không lãng phí.

3. Kết

Tất nhiên, không phải ai tham gia Ice Bucket Challenge cũng là những người từ thiện thật. Rất nhiều người chưa tìm hiểu kỹ về luật chơi và hoàn toàn tham gia Ice Bucket Challenge để "cho vui" và thậm chí nhiều cô nàng còn nhân cơ hội này để khoe thân. Nhưng, tạm gác lại những thành phần đó, chúng ta vẫn có quyền lạc quan về sức lan tỏa mạnh mẽ của Ice Bucket Challenge, nó đã thực sự mang đến thêm hy vọng cho các bệnh nhân ALS, cũng như thể hiện được một bộ mặt thật tốt đẹp, đoàn kết và hướng thiện của cộng đồng mạng. Xin đừng chỉ vì những sự tự ti cá nhân, những sự không hài lòng của riêng mình mà dập tắt đi một trào lưu ý nghĩa đến thế. Bởi lẽ, không chỉ ở châu Phi mà còn rất rất nhiều nơi, rất rất nhiều người cần được chúng ta dang tay giúp đỡ. 

Glamdcool...@gmail.com