Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng

, Theo 00:02 24/10/2013

EB White, tác giả kinh điển của văn học thiếu nhi Mỹ, từng nói: “Một nhà văn mãi chờ đợi điều kiện lý tưởng để làm việc sẽ chết trước khi viết nổi một từ trên giấy”.

Nhật ký và những cuộc phỏng vấn của các cây bút nổi tiếng trên thế giới phản chiếu một cái nhìn chân thực vào công việc sáng tạo của họ qua những thói quen hàng ngày. 

Kurt Vonnegut

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 1
Sau bữa tối, Kurt Vonnegut đọc và nghe nhạc jazz

Tác giả của Slaughterhouse-Five (Lò sát sinh số Năm), Cat's Cradle (Cái nôi mèo) sinh thời được ngợi ca là “nhà văn tài năng nhất trong số các nhà văn còn sống”. Những năm 1960, thời gian làm việc tại Đại học Iowa, ông viết nhiều thư cho gia đình mình, vẫn cư trú ở khu Cape Cod, Massachusetts. 

Trong một bức thư gửi cho vợ, bà Jane vào ngày 28/9/1965, Kurt Vonnegut đã kể lại thói quen hàng ngày của mình. Thư có đoạn: “…Anh tỉnh dậy lúc 5:30, làm việc cho đến 8:00, ăn sáng ở nhà, làm việc cho đến 10:00, đi dạo một quãng vào thành phố, làm vài việc vặt, đi đến hồ bơi, bơi trong nửa giờ, trở về nhà lúc 11:45, đọc thơ, ăn trưa. Vào buổi chiều, anh soạn giáo án, chuẩn bị cho giờ dạy. Từ trường, anh về nhà vào khoảng 5:30, ghé quán rượu sau đó về nhà nấu bữa tối, đọc và nghe nhạc jazz…”

Ray Bradbury

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 2

Niềm đam mê với máy đánh chữ đã có trong Ray Bradbury từ năm 12 tuổi

Năm ngoái, “người khổng lồ” của văn học Mỹ, Ray Bradbury đã qua đời ở tuổi 91 tại Los Angeles. Bắt đầu đọc các tạp chí khoa học viễn tưởng khi mới 7, 8 tuổi, Ray Bradbury của tuổi trưởng thành tác giả của hàng trăm quyển sách, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Fahrenheit 451 (451 độ F), The Martian Chronicles (Biên niên sử Hỏa tinh). Tổng thống Mỹ, Barack Obama từng gọi Ray Bradbury là “món quà của văn chương” còn đạo diễn lừng danh Steven Spielberg chia sẻ Ray Bradbury là nguồn cảm hứng lớn cho các bộ phim khoa học viễn tưởng của ông.
 
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010, Ray Bradbury đã hài hước chia sẻ: “Niềm đam mê với máy đánh chữ đã có trong tôi từ năm 12 tuổi. Vì vậy, tôi không bao giờ phải băn khoăn về thời khóa biểu hàng ngày. Với những ý tưởng mới luôn nói với tôi rằng hãy đến ngay máy đánh chứ và hiện thực hóa chúng… Tôi có thể làm việc bất cứ nơi đâu. Tôi viết trong phòng ngủ và phòng khách vào thời thơ ấu khi sống chung với cha mẹ và em trai trong một căn nhà nhỏ ở Los Angeles. Khi muốn viết Fahrenheit 451, tôi đã phát hiện ra dịch vụ thuê máy đánh chữ ở một căn phòng dưới tầng hầm của Đại học California tại Los Angeles. Cứ trả 10 xu, tôi lại có thể dùng máy đánh chữ 30 phút”. 

Joan Didion

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 3
Một giờ trước bữa ăn tối, Joan Didion muốn ở một mình với một loại thức uống để bình tĩnh lại sau một ngày làm việc với chữ nghĩa

Trong suốt cuộc đời, Joan Didion chỉ dành được một giải thưởng sách quốc gia vào năm 2005, khi đã 70 tuổi, tuy nhiên bà được biết đến là một cây bút tiểu thuyết sắc sảo, một nhà báo văn nghệ tinh tế. Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là cuốn hồi ký thuộc hàng best-selling, The Year of Magical Thinking (Từ địa ngục trở về).

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1968, ở tuổi 34, Joan Didion đã không ngại ngùng chia sẻ một số thói quen kỳ lạ của bản thân. “Một giờ trước bữa ăn tối, tôi muốn ở một mình với một loại thức uống để bình tĩnh lại sau một ngày làm việc với chữ nghĩa. Nhờ đó, tôi có thêm sinh lực để tiếp tục làm việc vào ngày hôm sau… Và mỗi khi sắp hoàn thành một cuốn sách, tôi gần như không rời nó”. 

EB White 

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 4
EB White thường ngồi viết ở phòng khách, mặc kệ những gì đang diễn ra quanh mình

“Tôi không bao giờ nghe nhạc trong khi đang làm việc. Tôi không phải là người dễ tập trung, tuy nhiên lại làm việc khá tốt trong một không khí không lấy gì làm dễ chịu. Phòng khách của gia đình tôi là một tập hợp của phiền nhiễu, là lối đi vào tầng hầm, nhà bếp, nơi để tủ quần áo và điện thoại, nơi mọi người thường xuyên đi ra đi vào. Nhưng đó lại là một căn phòng sáng sủa, vì thế tôi thường ngồi viết ở đó, mặc kệ những gì đang diễn ra quanh mình…”

Sinh ở Mount Vernon, New York (Mỹ), EB White là một nhà văn khá kỳ quặc. Tốt nghiệp trường Cornell University năm 1921 nhưng ông quyết định đi du lịch vừa làm nhiều nghề khác nhau trước khi dừng chân ở tạp chí New Yorker. Nhà văn sinh năm 1921 nuôi động vật  trong trang trại của mình ở Maine, nhiều con vật trong số đó đã trở thành nhân vật trong tác phẩm của ông. Tác phẩm nổi tiếng nhất của EB White, Charlotte and Wilbur, một tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi Mỹ và là món quà cho trẻ em trên toàn thế giới. Ở trên là lời thú nhận của nhà văn nổi tiếng về không gian viết lách của ông. 

Jack Kerouac 

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 5
Jack Kerouac thường viết quãng nửa đêm về sáng

Nổi tiếng vì thời tuổi trẻ thích ngao du đây đó, Jack Kerouac còn hết sức mê tín. Vào năm 1968, ông vua của thế hệ Beat (Thế hệ mỏi mệt) mô tả những nghi lễ thể hiện tư tưởng mê tín của mình: “Tôi luôn tuân thủ nghi lễ thắp một ngọn nến và viết dưới ánh sáng của nó đồng thời quỳ gối và cầu nguyện khi bắt đầu viết… Tôi cũng tôn sùng số 9”. Cũng theo Jack Kerouac, một chỗ viết lách lý tưởng nên có “Bàn kê trong phòng, bên cạnh giường, ánh sáng rõ ràng, viết quãng nửa đêm về sáng, một thức uống khi bạn cảm thấy mệt mỏi, tốt nhất là nhà riêng, nếu không có nhà, chấp nhận một địa điểm an toàn ở phòng khách sạn hoặc nhà trọ”. 

Qua đời sớm ở tuổi 47, Jack Kerouac đã kịp để lại cho nhân loại một gia tài văn chương quý báu, nổi bật nhất phải kể tới cuốn On the Road (Trên đường), xuất bản năm 1957, đến nay vẫn tiêu thụ được 100.000 bản tại Mỹ và Canada mỗi năm. Cuộc đời lênh đênh, cô độc và những trang viết của Jack Kerouac được giới trẻ sùng bái, thần tượng, ảnh hưởng tới nhiều nhân vật nổi tiếng cùng thời như ông hoàng nhạc phản chiến Bob Dylan hay nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami nhưng sinh thời ông vẫn loay hoay tìm kiếm một ghi nhận, danh phận văn chương đến nỗi lâm vào nghiện ngập. Sắp tới, Big Sur - bộ phim nghệ thuật đề tài tâm lý xã hội dựa trên cuốn tự truyện của Jack Kerouac sẽ ra mắt hứa hẹn là món quà tuyệt vời với những ai yêu văn  học nghệ thuật.

Susan Sontag 

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 6
Susan Sontag có nguyên tắc làm việc rất đáng ngưỡng mộ

Là nhà văn, Susan Sontag đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, được tôn trọng và vinh danh ở nước Mỹ.  Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà phải kể đến In America, giành giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ năm 2000 và vở kịch Waiting for Godot (Trong khi chờ Godot). Bà cũng chính là một trong những nhà văn đứng về phía nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ những năm 1960. 

Từ chỗ sợ hãi lời đe dọa của mẹ: “Nếu ngừng đọc sách sẽ không gả chồng”, Susan Sontag đã trở thành một trong những cây bút hàng đầu trên văn đàn Mỹ. Năm 1977, trong nhật ký của mình,  Susan Sontag cũng đã cho thấy nguyên tắc làm việc rất đáng ngưỡng mộ của mình. Nhật ký có đoạn: “Bắt đầu từ ngày mai, nếu không thực hiện được từ hôm nay: Thức dậy trước 8 giờ (Có thể phá vỡ quy tắc này mỗi tuần 1 lần); Dùng bữa trưa chỉ với Roger (Không đi ra ngoài ăn trưa, có thể phá vỡ quy tắc này mỗi tuần 2 lần; Viết trong máy tính xách tay mỗi ngày; Sẽ nói với mọi người đừng gọi vào buổi sáng hoặc không trả lời điện thoại; Cố gắng giới hạn thời gian đọc sách vào buổi tối (Tôi đọc quá nhiều); Sẽ trả lời thư mỗi tuần 1 lần".

Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn ở Paris 2 gần 2 thập kỷ sau đó, Susan Sontag kể chi tiết hơn về thói quen của mình: “Tôi viết bằng cây bút yêu thích trên giấy vàng hoặc trắng. Tôi thích sự chậm rãi của việc viết tay sau đó gõ lại, chỉnh sửa trên máy đánh chữ, cho tới khi cảm thấy tốt nhất. Cho tới khi có máy tính, tôi viết lại 2-3 lần từng đoạn một trước khi đánh máy. Tôi viết trong những biến động lớn. Tôi viết khi áp lực tích tụ. Tôi không đi ra ngoài, phần lớn thời gian tôi quên ăn và ngủ rất ít. Cách làm việc vô kỷ luật ấy khiến tôi không sung mãn nhưng tôi không quan tâm tới điều đó”.  

Henry Miller

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 7
Năm 1932, trong thời khóa biểu hàng ngày của Henry Miller có tới 11 quy định nhằm nâng cao hiệu suất làm việc

"Ông vua không ngai" Henry Miller là người sở hữu những “vương quốc thịnh vượng” với những “con dân” tuyệt vời như Tropic of Cancer (Hạ chí tuyến), Tropic of Capricorn (Đông chí tuyến), The Rosy Crucifixion (Đóng đinh Thập tự giá hồng), The Smile at the Foot of the Ladder (Nụ cười dưới chân thang). 

Năm 1932, trong thời khóa biểu hàng ngày của Henry Miller có tới 11 quy định nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, tạo cảm hứng cho viết lách, bao gồm: Buổi sáng: Nếu không tỉnh táo, ghi chú và soạn đề cương để kích thích thấn kinh. Nếu tâm trạng tốt, viết; Buổi chiều: Làm việc theo từng đề mục, kế hoạch một cách nghiêm ngặt. Không xâm nhập, không chuyển hướng. Viết để hoàn thành mỗi phần tại một thời điểm nhất định; Buổi tối: Gặp gỡ bạn bè, đọc trong quán cà phê, làm những việc thường ngày – đi dạo nếu trời ẩm ướt, đạp xe nếu trời khô ráo. Viết, một phần nhỏ, nếu có tâm trạng. Vẽ tranh nếu không có ý tưởng nào hoặc cảm thấy meey mỏi; Lưu ý: Khoảng thời gian ban ngày, nếu có thời gian, cho phép ghé thăm các bảo tàng, ký họa hoặc đạp xe. Vẽ trong các quán cà phê, trên tàu điện hoặc đường phố. Cắt giảm thời gian xem phim. Đến thư viện mỗi tuần một lần”

Simone de Beauvoir

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 8
Simone de Beauvoir thức dậy muộn, uống trà, 10 giờ thì làm việc cho tới 1 giờ chiều

Nữ nhà văn người Pháp đồng thời là người tình của Jean-Paul Sartre, nhà văn, nhà triết học hàng đầu của Pháp thế kỷ 20, cũng là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của trào lưu hiện sinh. Với những tác phẩm ngợi ca, đề cao vai trò của người phụ nữ trí thức, kiên định, Simone de Beauvoir từng giành giải thưởng Goncourt năm 1954. 

Năm 1965, trong một cuộc phỏng vấn, Simone de Beauvoir đã thẳng thắn kể về câu chuyện sáng tạo của mình, xua tan huyền thoại về quá trình viết văn như tra tấn mà người ta vẫn thêu dệt về bà. Nữ nhà văn xinh đẹp nói: “Tôi luôn làm việc một cách khẩn trương, nhưng nói chung không thích bắt đầu một ngày mới. Đầu tiên, tôi uống trà, 10 giờ thì làm việc cho tới 1 giờ chiều. Sau đó tôi gặp gỡ bạn bè. 5 giờ chiều, quay lại bàn viết và làm việc tới 9 giờ tối. Khi ra ngoài, tôi đọc báo và đi mua sắm, đó là một niềm vui để làm việc… Nếu công việc tiến triển tốt, tôi dành 15 phút tới nửa giờ để đọc và điều chỉnh những gì mình viết ngày hôm trước”. 

Ernest Hemingway 

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 9
Khi đang viết dở một cuốn sách hay truyện ngắn, Ernest Hemingway thường thức dậy vào lúc bình minh để viết

Người hùng của những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn học thế giới như Mặt trời vẫn mọc, Chuông nguyện hồn ai là một con người kỳ lạ với nhiều huyền thoại vây quanh. Người ta đồn rằng ông thường đứng viết trên một đôi giày lười thay vì ngồi như mọi người. Tuy nhiên, đáp lại sự tò mò của độc giả, Ernest Hemingway chia sẻ rằng ông cũng như mọi người viết khác: “Khi đang viết dở một cuốn sách hay truyện ngắn, tôi thường thức dậy vào lúc bình minh để viết. Lúc này, không ai phiền bạn, không khí mát lành và việc viết sưởi ấm cơ thể bạn. Bạn đọc những gì mình viết và dừng lại khi biết chắc những gì sẽ xảy ra tiếp theo, đó là điều để bắt đầu cho ngày hôm sau…”. 

Don DeLillo 

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 10
Thỉnh thoảng trong khi viết, Don DeLillo nhìn lên một bức ảnh của Borges để không bị phân tâm ra ngoài cửa số hay bất cứ một nơi nào khác

Năm 2010, ở tuổi 73, Don DeLillo nhận giải Pen/Saul Bellow, giải thưởng  tôn vinh những tiểu thuyết gia Mỹ còn sống mà những sáng tác của họ mang tính nhân văn, nghệ thuật cao và không ngừng đi lên cho toàn bộ tác phẩm của ông: mười sáu tiểu thuyết, một kịch bản phim cùng một ít truyện ngắn, tiểu luận và kịch. Trước đó, vào năm 2006, trong cuộc bầu chọn quyển tiểu thuyết hay nhất trong vòng 25 năm trở lại đây của tạp chí The New York Times Book Review, Underworld (Thế giới ngầm) của Don DeLillo được chọn là tác phẩm chỉ đứng sau quyển Beloved (Thương) của nhà văn nữ da đen  từng đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1993, Toni Morrison. Nói như vậy để thấy được vị trí của Don DeLillo, cùng Toni Morrison và Philip Roth là ba bậc thầy cuối cùng của văn chương Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn cho tờ The Paris Review vào năm 1993, Don DeLillo tiết lộ về lịch trình làm việc hàng ngày của ông: “Buổi sáng, tôi làm việc với máy đánh chữ khoảng 4 giờ đồng hồ, sau đó ra ngoài trời hoạt động. Điều này giúp tôi thoát khỏi một thế giới và hòa nhập với một thế giới tốt đẹp khác với cây cối, chim chóc và mưa. Sau đó, tôi trở lại làm việc vào buổi chiều, trong khoảng vài ba giờ đồng hồ. Tôi không dùng đồ ăn nhẹ hoặc cà phê, càng không dùng thuốc lá. Không gian tốt nhất là căn nhà yên tĩnh. Thỉnh thoảng trong khi viết, tôi nhìn lên một bức ảnh của Borges (nhà văn người Argentina, là một trong những cây bút lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới của thế kỷ 20. Ông được coi là cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin) do nhà văn Ireland, Colm Tóín gửi tặng… Bức ảnh khiến tôi không bị phân tâm ra ngoài cửa số hay bất cứ một nơi nào khác”.

Haruki Murakami 

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 11
Để giữ được một sức lao động văn chương sung mãn, Haruki Murakami bắt buộc bản thân phải thực hiện một chế độ kỷ luật khắt khe

Mặc dù chưa được xướng tên tại bất kỳ giải Nobel văn chương nào nhưng cái tên Haruki Murakami lại được đánh giá không thua kém bất kỳ tác giả thiên tài nào với những tác phẩm thuộc hàng kiệt tác như Rừng Nauy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời, Kafka bên bờ biển. Đầu năm nay, tác giả người Nhật tiếp tục cho ra mắt 1Q84 với 1 triệu bản in, mơ ước của mọi cây bút trên thế giới. 

Ít ai biết rằng, để giữ được một sức lao động văn chương sung mãn, Haruki Murakami bắt buộc bản thân phải thực hiện một chế độ kỷ luật khắt khe. “Khi tôi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết, tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc liên tục từ 5 – 6 giờ. Buổi chiều, tôi chạy bộ khoảng 10 km hoặc bơi  1500m hoặc cả hai. Sau đó tôi đọc một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ vào lúc 21 giờ. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày mà không cần thay đổi. Sự lặp lại của nó là một điều vô cùng quan trọng, như một thuật thôi miên. Tôi thôi miên bản thân mình để đạt được một trạng thái sâu sắc hơn về tâm trí”, ông nói.

Maya Angelou

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 12
Maya Angelou thỉnh thoảng ngừng viết để tắm rửa

Ngoài thói quen thuê phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ bình dân để làm việc nhằm tránh sự chú ý, Maya Angelou, viên ngọc gốc Phi quý giá của văn chương Mỹ còn là một người hết sức chuyên chú trong công việc. Không một biên tập nào có thể bắt bẻ bản thảo của tác giả I Know Why The Caged Bird Sings (Tôi hiểu vì sao con chim lồng hót).

Trong câu chuyện với tạp chí Paris Review năm 1990, Maya Angelou hé lộ kỹ hơn về thời khóa biểu hàng ngày của mình: “Tôi viết vào buổi sáng, sau đó về nhà vào buổi trưa để tắm gội. Sau đó, tôi đi ra ngoài và mua sắm. Là một đầu bếp có nghề, tôi chuẩn bị bữa tối dưới ánh nến và tiếng nhạc. Sau khi ăn, tôi đọc lại những gì đã viết trong buổi sáng hôm ấy và thu gọn chúng”. 

Anaïs Nin 

Thói quen hàng ngày của các nhà văn nổi tiếng 13
Anaïs Nin sáng tác trong buổi sáng, viết nhật ký vào ban đêm

Sinh ra trong một gia đình có cha là nghệ sĩ dương cầm Joaquin Nin, từ nhỏ Anaïs Nin đã sớm có thiên hướng nghệ thuật. Không chỉ là một tác giả cá tính, người phụ nữ viết văn mang nhiều dòng máu Tây Ban Nha, Cuba, Pháp và Hà Lan còn nổi tiếng với hồ sơ tình ái với các nhân vật tầm cỡ của làng văn như Henry Miller, Edmund Wilson, Gore Vidal, Otto Rank. 

Nổi lên từ năm 1965, 10 cuốn nhật ký văn chương dưới nhan đề The Diary of Anaïs Nin (Nhật ký của Anaïs Nin) đã đưa Anaïs Nin trở thành một trong những nhà văn nữ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Trong tập thứ ba của cuốn nhật ký ghi vào năm 1941, Anaïs Nin có ghi chú: “Tôi viết câu chuyện của tôi trong buổi sáng, nhật ký của tôi vào ban đêm”. Ở cuốn thứ năm, vào năm 1948, bà lại cho hay: “Tôi viết mỗi ngày. ... Tôi làm tốt nhất công việc của tôi trong buổi sáng”.