Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 14:00 02/01/2014

“Tôi đứng về phía cuộc sống, chống lại cái chết. Tôi đứng bên cạnh hòa bình, phản đối chiến tranh”, chính tư tưởng này đã mở đường để Picasso chung thủy và gây dựng nên biểu tượng chim bồ câu mà ông vốn mến chuộng từ thời ấu thơ.

Pigeons và doves là hai danh từ chỉ hai loài chim cùng thuộc họ bồ câu Columbiformes. Theo đó, doves chỉ loài bồ câu nhỏ và Pigeons chỉ loài bồ câu lớn hơn. Nhiều tác phẩm hội họa của mình, họa sĩ người Tây Ban Nha, Pablo Picasso vẽ loài bồ câu mà ông gọi chung là “La Paloma”. Tuy nhiên, khi được dịch ra nhiều thứ tiếng, thí dụ bức Child Holding a Dove, đã có sự không thống nhất khi dịch ra tiếng Pháp với hai tên gọi là là L’Enfant A La Colombe (Child With the Dove) và L’Enfant Au Pigeon (Child With A Pigeon). Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng vì cả hai danh từ cùng chỉ một loài chim biểu tượng của hòa bình mà sinh thời là nguồn cảm hứng dồi dào của danh họa nổi tiếng nhất nhì thế giới Pablo Picasso.

Pablo Picasso (1881-1973) đã lớn lên cùng với những chú chim bồ câu chung quanh mình. Cha của ông, José Ruiz Blasco, một nghệ sĩ đúng nghĩa nuôi chim bồ câu đá và đã dạy con trai những nét đầu tiên để phác họa một chú chim bồ câu. Quê hương của Picasso ở ở Plaza de la Merced, Malaga, Tây Ban Nha, chim bồ câu thường đậu trên những cây ngô đồng và trong khi các cô bé tung tăng chơi với loài chim hiền lành ở quảng trường, Picasso dùng một chiếc que để vẽ hình chim bồ câu trên mặt đất. 

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 1
Bức vẽ Pigeons của Pablo Picasso, 1890 (lúc 9 tuổi)

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 2
Bức vẽ Bullfight and Six Studies of Doves,1892 (lúc11 tuổi)

Giáo viên dạy tiểu học của Picasso đã chú ý tới thói quen của cậu học trò có máu nghệ sĩ. Cậu bé thường mang chim bồ câu tới lớp và thay vì làm bài tập như các bạn, lại dành thời gian để vẽ những chú chim. Chim bồ câu và các chú bò tót đã trở thành niềm đam mê của Picasso khi cậu không bỏ lỡ một giây phút hay một trang giấy trắng nào để phác họa chủ đề yêu thích. 

Với sự tận tâm của người cha, ở tuổi 15, tác phẩm của Picasso đã được khá nhiều người biết đến. Tới năm 1901, chàng thanh niên người Malaga di chuyển qua lại giữa Barcelona và Paris và càng ngày càng chịu ảnh hưởng phong cách hậu ấn tượng của Vincent Van Gogh. Cùng năm đó, ở tuổi 20, Picasso đã khiến công chúng Paris chú ý khi có một show riêng tại Galerie Vollard. Nghệ sĩ mới nổi đã bán được 15/65 bức tranh trước khi triển lãm chính thức mở cửa. 

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 3
Child Holding a Dove, 1901

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 4
Woman With Pigeons, 1930

Thời điểm này, hình tượng chim bồ câu vẫn còn mê hoặc Picasso. Ông vẽ bức Child Holding a Dove (1901), chính thức mở ra thời kỳ xanh trong sự nghiệp của mình. Ở giai đoạn lập thể, chim bồ câu vẫn là nguồn cảm hứng thường xuyên với danh họa nổi tiếng, nổi bật nhất có lẽ là bức Woman With Pigeons ( 1930). 

Đến năm 1937, dưới sự ủy quyền của chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha, Picasso vẽ một bức bích họa khổng lồ Guernica. Bức tranh sau đó được mang tới Triển lãm quốc tế Paris (1937) và đi “lưu diễn” khắp châu Âu và Mỹ, giúp nhân dân quốc tế hình dung rõ nét tình hình của cuộc nội chiến kinh hoàng ở Tây Ban Nha. Guernica đã gần như trở thành một tượng đài, một biểu tượng phản đối chiến tranh mạnh mẽ và đưa cái tên Pablo Picasso trở thành nghệ sĩ đi đầu trong phong trào hòa bình. 

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 5
Guernica, 1937

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 6
Picasso miệt mài vẽ Guernica

Năm 1904, Picasso có cơ hội quen biết Henri Matisse, nhân vật tiên phong của trường phái dã thú trong hội họa Pháp đầu thế kỷ 20 khi cùng giới thiệu tác phẩm tại Paris salon của Gertrude Stein, một nhà sưu tập hội họa nổi tiếng. Từ đó, cả hai đã thể hiện sự gắn bó trong sáng tạo, đặc biệt là chung niềm đam mê với loài bồ câu. Khi Matisse qua đời vào năm 1954, Picasso đã vô cùng đau buồn. Gia đình ông chuyển tới một biệt thự lớn gần Cannes, miền nam nước Pháp và họa sĩ nổi tiếng bắt tay vào vẽ một bộ sưu tập tranh mà ông gọi là Studio, như một cách để tưởng niệm người bạn, người đồng nghiệp thân thiết. 

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 7
Môt bức vẽ trong bộ sưu tập Studio

Picasso đã vẽ hơn một chục bức tranh sơn dầu từ cửa sổ phòng ông ở tầng 3, với nền trời xanh tươi, cảnh vườn tược, biển cả, những gì trí tưởng tượng và những gì đã học hỏi được từ Henri Matisse mách bảo. Những lúc rảnh rỗi, ông thường chơi với những chú chim bồ câu mà mình nuôi giữ ở trên tầng thượng của ngôi biệt thự. 

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 8
La Colombe (The Dove), 1949

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 9
Pablo Picasso và hai con chung với Francoise Gilot vào năm 1951: Paloma (sinh năm 1949 - bế trên tay) và Claude (sinh năm 1947)

Vào năm 1940, khi Đức quốc xã tấn công nước Pháp, trong suốt Thế chiến II, Picasso đã sống ở Paris, ngay trong khu chiếm đóng của Đức Quốc xã, nơi ông đã liên tục bị các mật vụ bắt bớ, xét hỏi. Dù vậy, Picasso vẫn tiếp tục vẽ chim bồ câu. Năm 1949, tác giả Louis Aragon đã chọn bức tranh thạch bản của Picasso, La Colombe (The Dove) làm áp phích kỷ niệm Hội nghị Hòa bình ở Paris. Tấm áp phích trở nên nổi tiếng ở Paris, cũng tháng 4 năm đó, con gái của Picasso chào đời nên ông đã lấy cái tên ý nghĩa Paloma (Tiếng Tây Ban Nha là chim bồ câu) để đặt cho con. 

Tiếng nói hòa bình trong hình ảnh chim bồ câu của tranh Picasso đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Đó là biểu tượng cho phong trào hòa bình, Đảng Cộng sản, và phong trào tự do, cấp tiến. Những năm sau đó, danh họa nổi tiếng đồng ý để sử dụng hình ảnh chim bồ câu trong tác phẩm của mình làm biểu tượng hòa bình của các hội nghị trên khắp châu Âu.

Picasso - Người gây dựng nên biểu tượng hòa bình qua hình ảnh chim bồ câu 10
Hình ảnh chim bồ câu của Picasso được sử dụng ở Đại hội thế giới vì hòa bình tại Paris năm 1949, Đại hội thế giới vì hòa bình tại Vienne, Đại hội thế giới vì hòa bình tại Moscow

Hình ảnh chim bồ câu như một biểu tượng hòa bình thời hiện đại đã có nhiều thay đổi so với chuẩn mực ban đầu trong tranh Picasso vào năm 1949. Chim bồ câu thường được miêu tả trong tư thế bay liệng tự do, mang hoa lá, ô liu trong cánh, mỏ và cặp trong chân. Tuy nhiên, công lớn về việc phổ biến, nhân rộng biểu tượng hòa bình trong hình ảnh chim bồ câu vẫn thuộc về Picasso và sựu kiện ý nghĩa này đáng được nhắc nhớ bên cạnh gia tài lừng lẫy của nhân vật đứng đầu trong giới hội họa thế kỷ 20.