Những gì “Mark Twain đương đại” dạy chúng ta về cuộc sống

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 13/11/2013

“Tiếng cười và nước mắt là phản ứng với sự thất vọng hay kiệt sức. Bản thân tôi thích cười vì ít ra không phải làm vệ sinh sau điều này”- Kurt Vonnegut

Người "se duyên" cho văn học viễn tưởng và trào phúng, cây đại thụ của dòng văn học "hài hước đen", một trong những nhà văn hiện đại Mỹ xuất sắc nhất của thế kỷ XX, nhà văn tài năng nhất trong số những nhà văn đang sống, Mark Twain đương đại. Tất thảy những mỹ từ ấy đều được dành cho Kurt Vonnegut, tác giả của những Slaughterhouse-Five (Lò Sát Sinh Số 5 - 1968), Cat's Cradle (Nôi Mèo - 1963), Breakfast of Champions (Bữa sáng của các nhà vô địch - 1973), Jailbird (Người tù - 1979), Deadeye Dick (Dick mù - 1982), Galapagos (Đảo Galapagos - 1985), Bluebeard (Râu xanh - 1987), Hocus Pocus (Trò bịp - 1989), Timequake (Khe hở Thời gian - 1997). 

Bên cạnh sự nghiệp văn chương huy hoàng, nhà văn qua đời năm 2007 ở tuổi 84 còn được công chúng nhớ đến nhờ sự thẳng thắn trong quan điểm về tầm quan trọng của nghệ thuật cũng như cả hai vấn đề chính trị và đạo đức. Kurt Vonnegut luôn chủ trương nhân đạo trong cả tác phẩm lẫn các phát ngôn trong các cuộc phỏng vấn. Dưới đây là những bài học cuộc sống mà “Mark Twain đương đại” đã gián tiếp mang đến cho công chúng qua sáng tác và quan điểm sống của ông.

Điều quan trọng nhất là nỗ lực cho những gì bạn tin tưởng

Vào tháng 10/1973, Bruce Severy - một giáo viên tiếng Anh 26 tuổi tại trường trung học Drake, Bắc Dakota - quyết định sử dụng cuốn tiểu thuyết Slaughterhouse-Five (Lò Sát Sinh Số 5) của Kurt Vonnegut để minh họa cho các bài giảng của mình. Tới 7/11 cùng năm, người đứng đầu hội đồng nhà trường, Charles McCarthy, yêu cầu cho vào lò lửa của trường 32 bản sao của cuốn sách vì cho rằng ngôn ngữ của nó “quá tục tĩu”. Chín ngày sau đó, Kurt Vonnegut đã gửi cho ông Charles McCarthy một lá thư, trong đó có đoạn: “Nếu ngài đã có thời gian để bận tâm đọc cuốn sách của tôi và cư xử như một người có học, ngài sẽ biết rằng nó không hề tục tĩu, không tranh luận để ủng hộ sự hoang dã. Đúng là có một số nhân vật đã nói chuyện một cách thô thiển. Đó là bởi vì trong đời sống, họ đã thực sự nói như vậy”. Không hiểu vì sao người nhận thư không có hồi đáp nhưng động thái bảo vệ “đứa con tinh thần” của Charles McCarthy đã thể hiện tính cách cương quyết, nỗ lực vì những sáng tạo của bản thân và niềm tin về giá trị lan tỏa của chúng của Kurt Vonnegut.

Những gì “Mark Twain đương đại” dạy chúng ta về cuộc sống 1
Kurt Vonnegut luôn chủ trương nhân đạo trong cả tác phẩm lẫn các phát ngôn trong các cuộc phỏng vấn


Tiếng cười có thể chữa lành bất cứ điều gì

Vonnegut đã luôn quan niệm rằng tiếng cười là một phương tiện để đối phó với sự khó chịu hay buồn bã. Luôn luôn lạc quan, ông nói: “Tiếng cười và nước mắt là phản ứng với sự thất vọng hay kiệt sức. Bản thân tôi thích cười vì ít ra không phải làm vệ sinh sau điều này”.

Vấn đề tử tế

Trong thư gửi người đứng đầu hội đồng nhà trường trung học Drake, Bắc Dakota, Kurt Vonnegut cũng đã viết: “Cuốn sách cầu khẩn lòng nhân ái và trách nhiệm tối cao của con người”. Nhà văn nổi tiếng cũng lặp lại quan điểm này trong nhiều tác phẩm như God Bless You, Mr. Rosewater (Chúa ban phước cho ngài, Mr. Rosewater), một cuốn sách viết năm 1965 về một tổ chức từ thiện lầm đường, trong đó, ông viết: “Chào bé con! Mừng con đến với trái đất. Trời nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông. Nó tròn, ẩm ướt và đông đúc. Bé con, con có thể sống ở đây tới 100 năm. Chỉ có một nguyên tắc mà ta biết đến, bé con, Chúa nguyền rủa trái đất, mà con là một giống loài”. 

Thoát khỏi "gông cùm" của sự nổi tiếng luôn cần thiết

Những ý kiến, quan điểm của Kurt Vonnegut được phổ biến trên rất nhiều kênh thông tin truyền thông hiện đại, đôi lúc không có cả sự đồng ý của tác giả. Tất nhiên, chúng mang lại sự nổi tiếng nhưng đồng thời khiến ông cảm giác mình dị biệt, bị cô lập. Trong một cuộc cuộc phỏng vấn với PBS, Kurt Vonnegut đã kể một câu chuyện để giải thích vì sao ông không sử dụng những tiện tích hiện đại. Một lần, khi ông chuẩn bị ra phố để mua phong bì, bà vợ đã hỏi chồng vì sao không đặt một lượng lớn qua kênh bán hàng trực tuyến mà cứ phải đi mua lẻ tẻ từng cái một. Kurt Vonnegut giả vờ không nghe thấy vì việc đi ra ngoài sẽ cho phép ông thưởng thức những điều đơn giản như nhìn thấy một em bé tuyệt vời, một xe cứu hỏa chạy qua. Kurt Vonnegut đã lựa chọn sống chậm để thoát khỏi "gông cùm" của sự nổi tiếng.

Những gì “Mark Twain đương đại” dạy chúng ta về cuộc sống 2
Những tác phẩm tiêu biểu của Kurt Vonnegut


Đọc sách làm giàu có thêm cuộc sống

Đó là một quan điểm phổ biến của những tiểu thuyết gia, tuy nhiên, với Kurt Vonnegut, mức độ quan trọng của việc đọc sách được nhấn mạnh hơn cả. Cho đến tận năm 40 tuổi, ông mới có điều kiện tiếp cận nhiều tác phẩm văn học cổ điển nhưng ông đã luôn luôn đam mê sách vở. Trong cuốn Palm Sunday: An Autobiographical Collage (Chúa nhật lễ lá: Một tập hợp tự truyện), Kurt Vonnegut viết: “Tôi tin rằng đọc và viết là hình thái dưỡng sinh tốt nhất của thiền định được tìm thấy từ trước nay. Bằng cách đọc những tác phẩm thú vị nhất trong lịch sử, chúng ta suy niệm với chính mình và điều này rất tốt với tâm trí. Điều này với tôi là phép lạ”.  

Nghệ thuật là liều thuốc cho tâm hồn

Ngoài viết lách và giảng dạy, Kurt Vonnegut còn đam mê nghệ thuật tạo hình. Ông đã trực tiếp minh họa cho cả hai cuốn Slaughterhouse-Five (Lò Sát sinh Số 5) và Breakfast of Champions (Bữa sáng của các nhà vô địch). Trong tác phẩm Bluebeard (Râu xanh) kể về cuộc đời của một họa sĩ già theo trường phái trừu tượng cũng đề cập đến tầm quan trọng của nghệ thuật. Bộ sưu tập bài luận bán chạy nhất của mình, Man Without a Country (Người đàn ông vô tổ quốc, 2005), Kurt Vonnegut cũng viết: “Thực hành nghệ thuật, bản chất nó nằm ở chỗ làm cho tâm hồn bạn phát triển. Vì chúa, hát trong lúc tắm, nhảy theo nhạc trên đài phát thanh, kể chuyện, viết một bài thơ cho bạn bè, dù tệ hại. Làm những điều có thể, bạn sẽ nhận được một phần thưởng rất lớn. Bạn nên tạo ra một điều gì đó”. 

Những gì “Mark Twain đương đại” dạy chúng ta về cuộc sống 3
Theo Kurt Vonnegut: “Tiểu thuyết gia cũng chỉ có chỉ số thông minh tương tự các chuyên gia tư vấn mỹ phẩm tại cửa hàng Bloomingdale"

Kiên nhẫn là đức hạnh

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Vonnegut, Player Piano (Nghệ sĩ dương cầm) xuất bản năm ông 30 tuổi. Trước đó, ông chỉ viết truyện ngắn. Vonnegut chỉ bắt đầu viết sau khi tham dự một chương trình sau Đại học Chicago ngành nhân học nhưng luận văn của ông đã không được chấp nhận. Không một xu dính túi, Vonnegut quay trở lại làm việc cho một đại lý ô tô của Saab. Nhiều thập kỷ sau, ông đã được trao bằng thạc sĩ danh dự nhờ bảo vệ thành công luận văn, chính là cuốn tiểu thuyết Cat's Cradle (Nôi Mèo). Trong một bài viết, Vonnegut đã nói về đức tính kiên nhẫn: “Tiểu thuyết gia cũng chỉ có chỉ số thông minh tương tự các chuyên gia tư vấn mỹ phẩm tại cửa hàng Bloomingdale (một chuỗi cửa hàng cao cấp thuộc sở hữu của công ty đa quốc gia Macy, Inc). Sức mạnh của chúng tôi là lòng kiên nhẫn. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng kể cả những người ngu ngốc có một chút trí khôn cũng có thể viết những điều tương tự nhà văn viết ra, thậm chí hay hơn. Điều quan trọng là cần phải cải thiện các trang viết từng chút. Việc này giống như bơm khí cho khinh khí cầu bằng một chiếc bơm xe đạp. Ai cũng có thể làm điều đó. Vấn đề là phải mất thời gian”.