Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 09/07/2013

Tiêu đề đóng vai trò rất lớn vào thành công của một cuốn sách. Đó thực sự không phải là một lựa chọn dễ dàng. Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ tựa đề ngẫu nhiên của một số đầu sách kinh điển.

Rõ ràng, cảm hứng sáng tác văn chương có thể đến bất cứ lúc nào, kể cả từ một bức tranh, từ một bài thơ hay thậm chí là khi tác giả đang ở trong nhà vệ sinh.

Who’s Afraid of Virginia Woolf? (Tạm dịch: Ai sợ Virginia Woolf?) - Edward Albee

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 1
  Edward Albee đã viết cái tựa đề "Who’s Afraid of Virginia Woolf?" bằng xà bông lên tấm gương nhà vệ sinh của một quán rượu

Nhà soạn kịch nổi tiếng người Mỹ, Edward Albee đã nảy ra tựa đề của một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của ông: Who’s Afraid of Virginia Woolf? trong nhà vệ sinh của một quán rượu ở Greenwich Village (Mỹ) năm 1954. “Tôi đã ở đó, uống bia suốt đêm và nghĩ đến một vở kịch mang tên Who’s Afraid of Virginia Woolf?. Tôi đã viết cái tên này bằng xà bông lên tấm gương của nhà vệ sinh. Khi bắt tay vào viết vở kịch, cái tên lại một lần nữa hiện lên trong đầu tôi”, Edward Albee từng kể lại.

Who’s Afraid of Virginia Woolf? là sự chơi chữ từ ca khúc nổi tiếng Who's Afraid of the Big Bad Wolf, nhạc nền của Three Little Pigs, một bộ phim do hãng Disney sản xuất. Cụm từ cuối đã được thay bằng tên Virginia Woolf, một tác giả, biểu tượng nữ quyền nổi tiếng của nước Anh. Ra mắt năm 1962, vở kịch đã thắng cuộc trong nhiều giải thưởng danh giá như Tony Award for Best Play, New York Drama Critics' Circle, được phục dựng trên nhiều sân khấu hiện đại và được chuyển thể thành phim năm 1966.

Catch-22 - Joseph Heller

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 2
  Tên gọi đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Catch-22 là Catch-18

Một trong những nhà văn thuộc “Bộ tứ vĩ đại” của văn học Mỹ, Joseph Heller chính là người đã làm phong phú thêm từ điển ngôn ngữ tiếng Anh với tựa đề tiểu thuyết cổ điển Catch-22, cũng là một cụm từ chỉ vòng tròn luẩn quẩn, không có kết cục. Rất ít người biết rằng tên gọi đầu tiên của cuốn tiểu thuyết là Catch-18. Tuy nhiên, một tác giả nổi tiếng thời bấy giờ là Leon URI trước đó đã nhanh chân hơn, xuất bản một cuốn tiểu thuyết với tên gọi Mila 18. Người biên tập cuốn tiểu thuyết của Joseph Heller đã nghĩ rằng nếu giữ nguyên tên Catch-18 e rằng độc giả sẽ nghĩ rằng họ đang ăn theo cuốn sách của Leon URI.

“Tôi đã từng rất buồn lòng. Tôi đã nghĩ rằng 18 là con số duy nhất. Điều ngạc nhiên là khi thay đổi thành số 22, nội dung cuốn tiểu thuyết phải kéo dài gần gấp đôi và dường như điều này đã góp phần vào thành công của nó”, Joseph Heller nói trên tạp chí Playboy vào năm 1975.

The Postman Always Rings Twice (Tạm dịch: Người đưa thư luôn bấm chuông hai lần) - James M. Cain

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 3
  Tựa đề "The Postman Always Rings Twice" được ấn định nhờ một khoảnh khắc ngẫu nhiên

The Postman Always Rings Twice dựa vào một vụ án giết người làm kinh hoàng dư luận các năm 1927-1928. Cuốn tiểu thuyết tội phạm ban đầu đã được nhà viết kịch Vincent Lawrence yêu thích, thậm chí ông đã gợi ý cho James M. Cain một tựa đề.

Họ đã nói chuyện trong suốt một ngày. Trong lúc ấy, James M. Cain vô tình ngồi bên cửa sổ và quan sát một người đưa thư rung cửa tới 2 lần mỗi khi tới một ngôi nhà. Ý tưởng sống dậy và James M. Cain buộc phải cắt lời người bạn. Cả hai đều thích thú với tựa đề này và cuối cùng tên tác phẩm đã được ấn định nhờ một khoảnh khắc ngẫu nhiên như thế.

The Good Soldier (Tạm dịch: Người lính tuyệt vời) - Ford Madox Ford

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 4
  The Good Soldier ban đầu có tên là The Saddest Story

The Good Soldier của nhà văn người Anh, Ford Madox Ford lọt vào nhiều danh sách bình chọn danh giá như “100 tiểu thuyết vĩ đại nhất của mọi thời đại", “1000 tiểu thuyết tất cả mọi người phải đọc”… Năm 1915, khi hoàn thành tác phẩm, tác giả dự định đặt tên là The Saddest Story (Tạm dịch: Câu chuyện buồn) nhưng người biên tập cuốn sách nghĩ rằng cái tên này quá ủ dột, ảm đạm, và yêu cầu tác giả thay thế bằng một cái tên khác.

Ford Madox Ford đã rất phiền lòng. Thậm chí, ông giận đến mức mỉa mai trong thư gửi biên tập viên: “Có lẽ nên gọi nó là A Joke Roaring hay một cái tên nào đó mà bạn thích, hoặc có thể, tốt nhất hãy gọi nó là The Good Soldier”. Không ngờ, người ta đã lấy cái tên cuối cùng này đặt tựa đề cho tác phẩm, và The Good Soldier đã trở nên nổi tiếng thế giới nhờ sự ngẫu nhiên này.

Jaws (Tạm dịch: Hàm cá mập) - Peter Benchley

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 5
Không một người thân nào của tác giả thích tựa đề của tiểu thuyết Jaws

Tác giả người Mỹ Peter Benchley đã mất khá nhiều thời gian thảo luận với biên tập viên của nhà xuất bản để tìm một tựa đề ưng ý cho tác phẩm của mình. “Chúng tôi đã vật lộn với hàng trăm phương án, thậm chí phải tìm tới sự tư vấn của cha tôi nữa. Cuối cùng cả tôi lẫn biên tập viên đều nhất trí rằng, chúng tôi không chọn bất cứ cái tên nào đã nghĩ ra, mà chọn một từ cả hai đều thích nhất trong số các lựa chọn là Jaws. Tôi nhớ rằng đã liên tưởng tới một từ nào đó có thể diễn tả cảm giác xoáy, vặn. Tôi nói ra điều này và biên tập viên chấp nhận nó sau khi đã quá mệt mỏi”.

Peter Benchley cũng thú nhận “Cha tôi không thích cái tên này, đại diện của tôi lại càng không, vợ tôi không đồng tình, và tôi thì cũng không quá hài lòng. Nhưng rồi cuối cùng, điểm mấu chốt là mọi người đã để tâm đến nó”.

Of Mice and Men (Tạm dịch: Chuột và người) - John Steinbeck

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 6
  "Of Mice and Men" là một cụm từ trong bài thơ "To a Mouse"

Đây không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của tiểu thuyết gia người Mỹ, bù lại, câu chuyện về tựa đề của Of Mice and Men khá thú vị. Ban đầu John Steinbeck dự định đặt cho tác phẩm của mình một cái tên đầy ấn tượng, nhưng ông đã thay đổi ý định sau khi được đọc bài thơ To a Mouse của nhà thơ Robert Burns. John Steinbeck thích các câu thơ nổi tiếng “The best-laid plans of mice and men / Often go awry” và chọn cái tên Of Mice and Men để đặt cho cuốn tiểu thuyết về hai nông dân ít học hằng mong mỏi một mảnh đất cho riêng mình để canh tác.

Treasure Island (Tạm dịch: Đảo giấu vàng) - Robert Louis Stevenson

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 7
  Ý tưởng và tựa đề tiểu thuyết "Treasure Island" đã nảy ra từ cảm hứng bức tranh vẽ một hòn đảo màu nước do con trai riêng của vợ tác giả sáng tác

Tựa đề của tiểu thuyết phiêu lưu viết cho thiếu niên của nhà văn người Scotland, Robert Louis Stevenson, Treasure Island (Tạm dịch: Đảo giấu vàng) nảy ra từ cảm hứng bức tranh vẽ một hòn đảo màu nước do con trai riêng của vợ ông sáng tác. “Tôi đã tưởng tượng tới bản đồ của một hòn đảo, cực kỳ công phu, màu sắc, các con đường, con sông, bước chân người tiền sử, rừng rậm… Bằng trí tưởng tượng, các nhân vật của tôi dần hiện ra trên tấm bản đồ nhỏ, chiến đấu và săn bắn. Và tôi biết mình đã có một cốt truyện hoàn chỉnh”, Robert Louis Stevenson kể lại.

Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc hành trình đi tìm kho báu chôn giấu trên đảo của bọn cướp biển, với nhân vật chính là cậu bé Jim Hawkin đã hơn 50 lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình và đi vào nhiều vở kịch, âm nhạc trên thế giới. Nhiều hình ảnh, ký hiệu, chi tiết của tác phẩm cũng đã trở thành biểu tượng của cướp biển.

2666 - Roberto Bolaño

Nguồn gốc tựa đề của một số đầu sách kinh điển 8
  Xung quanh tên gọi tiểu thuyết 2666 của Roberto Bolaño vẫn còn nhiều phán đoán

Đã không có một lời giải thích xác đáng nào về tên gọi tiểu thuyết 2666 của Roberto Bolaño. Tác giả cũng qua đời gần như ngay sau khi gửi tác phẩm tới nhà xuất bản, vì thế ý nghĩa thực sự của tựa đề này vẫn đang nằm trong vòng nghi vấn.

Rất nhiều dự đoán đã được đưa ra, trong đó, giải thích của nhà phê bình Henry Hitchings có vẻ chí lý hơn cả: “Tiêu đề khó hiểu không được tham chiếu trong 900 trang của cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên, trong một tác phẩm khác của Roberto Bolaño, Amulet, một con đường ở thành phố Mexico được kể lại là một nghĩa trang vào năm 2666… Có lẽ cuộc di cư trong Kinh Thánh từ Ai Cập, một thời điểm quan trọng đã diễn ra 2.666 năm sau khi Đấng Sáng tạo khai sinh ra loài người”, ông phán đoán.