Chuyện tình của những cặp đôi trí thức nổi tiếng (P1)

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 01:36 06/02/2013

Là những bậc trí thức nổi tiếng, tình yêu và hôn nhân của họ luôn là chủ đề được quan tâm trong nhiều thế kỷ nay.

Peter Abelard (1079 – 1142) và Héloïse d'Argenteuil (1090 – 1164)

Chuyện tình của những cặp đôi trí thức nổi tiếng (P1) 1
Người ta đã tìm thấy 113 bức thư tình của Peter Abelard và Héloïse d'Argenteuil trong giai đoạn đầu yêu nhau

Nhà tư tưởng và thần học sâu sắc, táo bạo nhất của thế kỷ 12 - Peter Abelard, nổi tiếng một phần bởi mối quan hệ tình ái với học giả tiếng Latin, Hy Lạp và Do Thái - Héloïse d'Argenteuil. Họ có chung một con trai và bí mật kết hôn. Để không phá vỡ sự nghiệp của Peter Abelard, Héloïse d'Argenteuil tình nguyện làm một nữ tu. Người chú của Héloïse d'Argenteuil, vốn nuôi nấng nữ học giả từ nhỏ, quá tức giận vì nghĩ cháu gái bị bỏ rơi, đã ép thiến bộ phận sinh dục của Peter Abelard. Kết cục quá bi thảm của một mối tình.

Người ta đã tìm thấy 113 bức thư tình của Peter Abelard và Héloïse d'Argenteuil trong giai đoạn đầu yêu nhau. Ánh sáng trí tuệ của hai nhân vật chính và huyền thoại về cuộc sống thời trung cổ cũng từ đó được hé lộ.

Voltaire (1694 - 1778) và Emilie du Châtelet (1706 - 1749)

Chuyện tình của những cặp đôi trí thức nổi tiếng (P1) 2
  Voltaire và Emilie du Châtelet đã hỗ trợ nhau trong việc sáng tác và nghiên cứu khoa học bằng sự tôn trọng, nghiêm túc hiếm thấy

"Đó là một người đàn ông tuyệt vời trong nhân dạng của một người phụ nữ” - Voltaire đã nói về người tình của mình - nhà toán học, vật lý học, dịch giả người Pháp, Emilie du Châtelet như thế. Giữa Voltaire và nữ hầu tước xinh đẹp, thông minh đã có gia đình, không những tồn tại tình bạn thời thơ ấu, tình yêu sâu sắc mà còn chung niềm say mê nghiên cứu khoa học, tự nhiên và triết học.

Họ đã hỗ trợ nhau trong việc sáng tác và nghiên cứu khoa học bằng sự tôn trọng, nghiêm túc hiếm thấy. Cả hai sở hữu chung một thư viện đồ sộ gồm 21.000 cuốn sách nhiều thể loại. Sau khi người tình qua đời, đại văn hào người Pháp đã tâm sự rằng “Điều đó không giống như việc mất đi một người tình, mà là mất đi một nửa bản thân và cả linh hồn tôi”.

John Adams (1735 – 1826) và Abigail Adams (1744 – 1818)

Chuyện tình của những cặp đôi trí thức nổi tiếng (P1) 3
  Khi John Adams đạt tới đỉnh cao danh vọng, Abigail Adams cũng đồng thời trở thành một cố vấn chính trị nổi tiếng bởi trí tuệ hơn người

Tổng thống thứ hai của nước Mỹ, John Adams có một cuộc hôn nhân lý tưởng với vợ, bà Abigail Adams. Ấn tượng ban đầu về một cô gái nhỏ bé nhưng thông thái đã thôi thúc John Adams, lúc bấy giờ là một luật sư, ngỏ lời cầu hôn con gái của một gia đình danh giá. Abigail Adams, sau đó, bằng nghị lực và trí thông minh đã giúp chồng cai quản trang trại của gia đình và sáu đứa con nhỏ.

Khi chồng đạt tới đỉnh cao danh vọng, Abigail Adams cũng đồng thời trở thành cố vấn chính trị nổi tiếng bởi trí tuệ hơn người. Bà nổi tiếng bởi những phát biểu bình quyền như: “Phụ nữ ngày nay có cơ hội phát triển hơn so với quá khứ” hay “Đừng đặt giới hạn quyền lực vào tay các ông chồng”. Còn John Adams, trước sau vẫn một mực ngưỡng mộ tài năng cũng như nhân cách của vợ. Họ đã góp phần gây dựng tên tuổi của người bạn đời bằng sự nhường nhịn, hy sinh xuất phát từ tình cảm chân thành và trí tuệ vượt trội.

Mary Wollstonecraft (1759 – 1797) và William Godwin (1756 – 1836)

Chuyện tình của những cặp đôi trí thức nổi tiếng (P1) 4
  Mary Wollstonecraft và William Godwin kết hôn với nhau và có chung một con gái là nhà văn Mary Shelley, tác giả của Frankenstein

Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, Mary Wollstonecraft - nhà văn tiên phong của nữ quyền ở nước Anh thế kỷ 18, đã kết hôn với nhà triết học William Godwin, một trong những người tiên phong của chủ nghĩa vô chính phủ. Cả hai từng viết những tác phẩm phê phán hôn nhân và thiệt thòi của phụ nữ sau khi kết hôn. Tuy nhiên, cuối cùng, họ lại kết hôn với nhau và có chung một con gái là nhà văn Mary Shelley, tác giả của Frankenstein.

Pierre Curie (1859 – 1906) và Marie Curie (1867 – 1934)

Chuyện tình của những cặp đôi trí thức nổi tiếng (P1) 5
  Pierre Curie và Marie Curie đã cùng đoạt giải Nobel vật lý 1903

Khi Maria Salomea Skłodowska gặp Pierre Curie, ông đã là một nhà khoa học có tiếng và có quan điểm khá cực đoan: phụ nữ không thể trở thành nhà khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc chung, ông đã nhận ra tố chất thông minh đặc biệt và nghị lực hơn người ở cô gái người Ba Lan khi rời quê hương để theo đuổi con đường học vấn.

Một tình yêu lãng mạn nảy nở giữa họ. Mối tình mãnh liệt đến mức Marie quyết định ở lại nước Pháp, kết hôn với Pierre Curie và đổi tên theo họ của chồng. Họ đã cùng đoạt giải Nobel vật lý 1903. Hai trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu ở Paris và Warsaw, quê hương của hai vợ chồng Curie cũng đã được thành lập để kỷ niệm tình yêu đẹp giữa hai nhà nghiên cứu nổi tiếng.