Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà

Red, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/07/2013

Xưa cũng như nay, bất cứ ai bước chân vào nghệ thuật, làm nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không mảy may vì kế sinh nhai, đều có thể được coi là đang đi trên con đường nhỏ mang tên Bohemia.

Bohemian, Gypsy, Hippie

Người Bohemia, Gypsy và Hippie là ba cộng đồng khác lạ được biết đến nhiều nhất, cùng chia sẻ nhiều đặc tính giống nhau, trong đó điểm chung nhất chính là "TỰ DO". Với lối sống tự do, tự tại trong một hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, hài hòa với thiên nhiên, không màng tiền bạc, yêu nghệ thuật, cả ba nhóm người này đã đóng góp thêm nhiều màu sắc cho nghệ thuật và cuộc sống. Trong đó, người Bohemia và Gypsy có mối tương quan mật thiết với nhau nhất, còn thế hệ Hippie gắn với biểu tượng hòa bình và tinh thần phản chiến, là đứa con ồn ào được thừa hưởng dòng máu của hai nhóm trước. Bohemian và Gypsy, vào thời kỳ thịnh hành nhất, mang nhiều đặc tính giống nhau. Những ưu tiên trong cuộc sống của họ hoàn toàn khác với văn hóa của số đông còn lại trong xã hội - những người vừa khinh thường vừa thèm muốn.

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 1
Người Bohemian (cảnh trong phim Bohemian Girl 1936)

Ngày nay, dấu ấn rõ rệt nhất về Bohemian và Gypsy có thể tìm thấy trong thời trang và nội thất hiện đại. Phong cách phục sức của hai nhóm người này cũng như cách trang trí nhà cửa và cách chọn nơi sống của họ làm say mê biết bao người. Nếu như Bohemian và Gypsy vốn là những người nghèo túng, thì giờ đây sản phẩm mang cảm hứng từ họ lại không rẻ chút nào, và được tiêu thụ bởi những người khá dư dả. Cách sống của họ trở thành một loại thời trang nào đó. Hoàn toàn ngược lại với thời trước, Bohemian và Gypsy từng bị phán xét và kỳ thị.

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 2
Ngôi nhà hiện đại được trang trí mang cảm hứng của phong cách Bohemia

Trong bài này, chúng ta sẽ làm quen với người Bohemia cộng đồng gắn với hình ảnh những cô gái váy vóc họa tiết hoa nhiều màu sắc, lối phục sức đầy cảm hứng không theo một xu hướng nào mà chỉ được gọi bằng cái tên "phong cách Bohemia"; những người sống tự do, phóng túng không theo một khuôn phép xã hội nào, và cũng được gọi là "cách sống của người Bohemia". Hơn thế nữa, đời sống của người Bohemia từ lúc mới hình thành đã là khởi nguồn của rất nhiều cảm hứng cho âm nhạc, văn chương và hội họa. Có thời, các đóng góp của họ được cho là nghệ thuật vị nghệ thuật, bởi họ yêu nghệ thuật từ trong máu và làm nghệ thuật không phải để duy trì cuộc sống vật chất.

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 3
Người ta biết đến người Bohemia qua hình ảnh các cô gái quyến rũ với phục sức nhiều họa tiết

Bohemia, Bohemian và Bohemianism

Có ba thuật ngữ (trong tiếng Anh) liên quan đến nhóm người Bohemia, bao gồm: Bohemia, Bohemian và Bohemianism. Trong đó Bohemia là tên vùng đất, Bohemian là một cộng đồng người có nguồn gốc từ Bohemia và hình thành nên một lối sống riêng biệt có tên là Bohemianism.

Bohemia là một vùng đất lịch sử nằm ở trung tâm châu Âu, choán hết hai phần ba diện tích phía Tây của vùng đất Séc truyền thống. Tên gọi "Bohemian - người Bohemia" xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ 19 khi ấy dùng để chỉ những nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ và diễn viên vô danh có cách sống không theo thói thường. Họ di cư đến nhiều vùng đất khác nhau, bị đánh đồng với đám người dị giáo, có quan điểm chống đối về chính trị và xã hội. Thuật ngữ Bohemianism nổi lên ở Pháp cũng vào thời kỳ đầu thế kỷ 19 khi nhiều nghệ sĩ bắt đầu đến sống tập trung trong các chung cư rẻ tiền, cùng với các tầng lớp thấp và các hàng xóm Gypsy đến từ Rumani. Người Pháp gọi chung những người Rumani di cư đến đất nước họ bằng tên gọi Bohemian (hay Bohémien trong tiếng Pháp).

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 4
Một ngôi nhà chung của cộng đồng Bohemian

Về sau, nhiều nghệ sĩ và tác giả tìm đến cách sống Bohemia, cộng đồng Bohemian không chỉ còn đơn độc những người Rumani di cư nữa. Thuật ngữ Bohemia cũng được đồng nhất với Bohemianism, là chỉ một cách sống.

Lối sống Bohemia

Người Bohemia có một đời sống mang đậm dấu ấn nghệ thuật, họ đa phần theo đuổi âm nhạc, nghệ thuật, văn chương và đặt nhu cầu được tự do thể hiện bản thân lên trên tất cả những mong muốn khác. Người Bohemia thường cao hứng, có tâm trạng cường điệu và quá khích; cách nói thường khoa trương và dí dỏm. Cuộc sống của họ vì thế mà tự do phóng túng, nay đây mai đó, không theo khuôn phép của xã hội.

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 5
Người Bohemian chơi trò Cao bồi và người Ấn (1922)

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 6
Một nhóm Bohemian ẩn dật (đầu thế kỷ 20)

Mỗi ngày trôi qua, với người Bohemia là một ngày lễ. Trong đó, ban ngày là của trái tim và khối óc, buổi tối là để hưởng thụ và phóng túng. Họ thức dậy và "làm việc" với nghệ thuật, thơ ca, văn chương hay bất cứ đam mê nào khác. Tối đến là thời giờ của những màn trò chuyện, nhảy nhót, tán tỉnh và gần gũi xác thịt.

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 7
Lều trại của người Bohemian (khoảng năm 1911-1916)

Lối sống Bohemia tự do phóng túng và bị coi là vô tổ chức là thế, nhưng người Bohemian định ra rất rõ những gì họ theo đuổi và những gì họ bác bỏ. Tự do, nghệ thuật là điều họ theo đuổi và tư sản là cái họ bác bỏ.

Họ vui thú với cuộc sống thiếu thốn và coi thường chủ nghĩa vật chất. Họ chọn sống ở những nơi mà tư sản dè bỉu như căn hộ rẻ tiền, quán cafe, thư viện, trên phố, nơi công cộng hay dựng lều nay đây mai đó.

Họ không đồng tình với những chỉ trích đạo đức về việc tự do sử dụng cồn và chất kích thích khác, cũng như về tự do tình dục. Họ sống thảnh thơi, vô tư lự, và họ không thấy cần thiết phải đề ra những giá trị đạo đức hay hành vi đạo đức để mà dựa vào đó phán xét. Khác với tư sản, họ bộc lộ con người mình một cách không giấu diếm.

Họ không mảy may kiếm tìm sự giàu có, thay vào đó, họ sống vị nghệ thuật và tôn trọng cảm xúc. Tư sản luôn ám ảnh bởi vinh hoa và địa vị cao sang. Cuộc sống Bohemia, ngược lại, là tình trạng không làm gì cả. "Không làm gì cả" ở đây nghĩa là không làm gì để cố kiếm thật nhiều tiền. Kiểu như một người nói rằng anh ta sẽ không viết bài thơ nào cả, thế rồi anh ta sáng tác một bài thơ viết về cái sự không làm gì của mình.

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 8
Nhóm người Bohemian trong ngôi nhà nhỏ trên thân cây

Chính bởi những đặc trưng trên mà cách sống Bohemia bị coi là dị giáo, đi ngược lại với xã hội. Người theo lối sống này bị chỉ trích là những kẻ vô công rồi nghề, không có chí tiến thủ, lập dị. Họ là một vấn đề của xã hội và nền kinh tế. Họ từng bị gán với nhiều hình ảnh không mấy tốt đẹp, nhưng đồng thời cũng là hình mẫu xây dựng nên nhiều nhân vật trong văn chương, kịch, hội họa và về sau là phim ảnh.

Định nghĩa về người Bohemian của Henry Murger

Henry Murger (1822-1861), nhà thơ và tiểu thuyết gia người Pháp, là tác giả nghiên cứu về nhiều cuộc sống khác nhau của tầng lớp nghèo ở Paris, trong đó có nhóm người Bohemian. Trong tiểu thuyết khác thường của ông, Scenes de la Vie de Boheme xuất bản năm 1851, là một dạng tập hợp những câu chuyện về đời sống Bohemia được lãng mạn hóa theo một cách đầy vui thích. Murger mang đến một hình ảnh vừa cụ thể vừa bao quát: "Ngày nay, cũng như xưa, bất cứ ai bước chân vào nghệ thuật, làm nghệ thuật vị nghệ thuật chứ không mảy may vì kế sinh nhai, đều có thể được coi là họ đang đi trên con đường nhỏ mang tên Bohemia".

Bohemian - những người tự do, những nghệ sĩ không nhà 9
Cô gái Bohemian 1890

Murger chỉ ra ba loại người Bohemian chính:

Những kẻ mộng mơ vô danh - là những nghệ sĩ nghiệp dư, không kiếm tìm sự nổi danh nhưng lại mong nó tự tìm đến với mình. Họ nghèo và cũng thường chết trong cảnh bần cùng.

Những kẻ tài tử - có một thu nhập đều đặn nhất định, nhưng chọn sống vui thú một cuộc sống theo lối Bohemia. Đến khi cảm thấy đủ, họ lại quay trở lại với giai cấp tư sản của mình. Murger là một ví dụ điển hình cho loại này.

Những người Bohemian chính thức - họ là những nghệ sĩ tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng được gửi gắm tham vọng và mong đợi sẽ "làm nên chuyện". Họ vừa biết cách tiết kiệm vừa biết cách phung phí, vì thế mà có khả năng thích ứng với cả sự nghèo khó và xa hoa.