Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 14:00 26/12/2013

Những phác thảo đi kèm các trang nhật ký trên hành trình khám phá thế giới của Andersen thể hiện một khía cạnh trong tâm hồn phong phú cũng như sự gần gũi trong con người của “Ông vua kể chuyện cổ tích”.

Có lẽ thành tựu nổi bật nhất trong cuộc đời của “Ông vua kể chuyện cổ tích” Andersen (1805 – 1875) là những câu chuyện vượt thời gian không chỉ trẻ em mà người trưởng thành cũng vô cùng thích thú. Ở độ tuổi 20, nhận được một khoản trợ cấp 5 năm của Hoàng gia để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp viết lách sau khi  mồ côi cha, mẹ tái giá, Andersen đã thực hiện một chuyến đi khắp châu Âu để tìm vốn sống và nguồn cảm hứng cho những trang viết của mình. Cùng với những trang nhật ký đáng nhớ, những câu chuyện cổ hấp dẫn, những phác thảo về những miền đất lạ của Andersen đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. 

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 1
 Nhà hát Hoàng gia ở Copenhagen năm 1821, bản phác thảo đầu tiên của Andersen

Andersen vẽ bản phác thảo đầu tiên - Nhà hát Hoàng gia ở Copenhagen vào năm 1821, khi mới 16 tuổi, với mơ ước thoát khỏi cảnh nghèo nàn, đứng trên sân khấu, làm một diễn viên nổi tiếng tại Copenhagen. Tuy nhiên, trong thập kỷ tiếp theo của cuộc đời, Andersen đã cống hiến mình cho thơ ca và theo đuổi văn chương. Năm 1831, khi đã là một nhà văn trẻ đầy triển vọng, Andersen đã bị một nhà phê bình thời bấy giờ “đánh úp” bằng những chỉ trích thậm tệ. Đây thực sự là một cú sốc và nhà văn trẻ quyết định ẩn cư một thời gian để lấy lại cân bằng. Andersen thực hiện một chuyến đi 6 tháng tới các dãy núi Herz đến Leipzig và Dresden, cuối cùng từ Berlin và Hamburg trở về Copenhagen. Ông đã thăm đỉnh núi cao nhất Brocken, một huyền thoại đã được ca ngợi trong tác phẩm Faust của nhà triết học lỗi lạc Johann Wolfgang Goethe. 


Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 2
Ký họa của chuyến đi từ Lüneburg đến Braunschweig, từ một trang nhật ký ngày 22/5/1831

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 3
Thung lũng của Plauenscher Grund, gần Dresden, từ một trang nhật ký ghi ngày 4/6 /1831

Năm 1833, Andersen đi du lịch đến Paris, sau đó tới dãy núi Jura và khu Brig của Thụy Sĩ. Chỉ mới 28 tuổi, ông đã trải nghiệm nhiều vùng đất và được điểm mặt biết tên ở nhiều đất nước. Trong nhật ký ghi ngày 18/9/1833, Andersen viết: “Với áo khoác màu đen, áo gi lê và quần dài, những người nông dân nghiêng mũ khi đi qua vì tưởng tôi là một giáo sĩ. Đột nhiên, một ông già đi về phía tôi và quỳ xuống. Tôi sợ hãi và bước lùi lại. Đây là lần đầu tiên có một người quỳ xuống trước mặt tôi”.  Đây là giai đoạn Andersen bắt đầu rèn luyện các kỹ năng viết lách sẽ giúp ông nổi tiếng sau này, bao gồm những miêu tả tinh tế, xúc đọng về thiên nhiên, kiến trúc trên khắp các hành trình. 

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 4
Ở vùng núi Jura

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 5
Cửa ngõ Brig, từ một trang nhật ký ghi ngày 18/9/1833

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 6
The Simplon, đường qua dãy Alps

Trong một đoạn nhật ký ghi ngày 19/9/1833, “Ông vua kể chuyện cổ tích” đã miêu tả sự choáng ngợp khi đi qua dãy Alps: “Các khối đá khổng lồ kẹp chặt lấy tôi, bên cạnh là một thác nước hùng vĩ tuôn xối. Tất thảy mọi thứ là đá granite, giống như lái xe qua xương sống của trái đất”. Hai ngày sau đó, Andersen kể thêm về câu chuyện với một sự kính sợ, tự hào mãnh liệt: “Tất thảy đều có mùi thơ, tất thảy đều rất yên bình… Dãy núi Alps trông giống như những ngọn núi bằng thủy tinh trong câu chuyện cổ tích, và bây giờ tôi đã vượt qua nó”. 

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 7
Genoa, 2/10/1833

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 8
Egeria, Grotto, bên ngoài Roma

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 9
Mái vòm nhà thờ Thánh Phêrô từ Monte Mario, từ một trang nhật ký ghi ngày 26/7/1834

Tới Milan một ngày sau đó, Andersen tiếp tục ghé Genoa và Florence. Nhật ký ngày 2/10/1833 của ông có đoạn: “Nếu Pháp là quốc gia của lý trí, Ý là quốc gia của trí tưởng tượng (Đức và Đan Mạch là của trái tim). Đây là tất cả những gì bạn có thể mong muốn về phong cảnh – những trái cam vàng treo giữa cây xanh tươi tốt, thảm cỏ màu chanh với mùi thơm đặc trưng chào đón tôi – mọi thứ như một bức tranh vậy…”. Một trong những đoạn hay nhất trong nhật ký của Andersen ghi ngày 26/10/1833 đọc lên giống như một câu chuyện cổ tích: “…Trong thung lũng của Campagna, sương mù la đà trên mặt đất. Chúng tôi đã đến. Cứ như thể một hầu gái nghịch ngợm quấn một chiếc áo choàng qua người tôi, một thứ vải liệm ẩm ướt. Tôi mím môi để tránh một nụ hôn” .

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 10
Villa Borghese

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 11
Ngôi mộ của Ascanius

Mùa hè năm 1834, Andersen vẫn đi du lịch trên khắp Italia. Ông tiếp tục được chiêm ngưỡng những cảnh sắc tuyệt đẹp và cảm thán về chúng trong cuốn nhật ký hành trình của mình. Đến giữa năm 1835 và năm 1846, Andersen bước vào giai đoạn sáng tạo sung mãn nhất. Ông viết liền 3 cuốn tiểu thuyết, hoàn thành 6 bộ truyện cổ tích và nhiều sản phẩm khác. Nhật ký của nhà văn Đan Mạch viết trong giai đoạn này đã hé mở việc viết truyện cổ tích không phải là đam mê lớn nhất nhưng là “hồ sơ” về thế giới nội tâm và kinh nghiệm sống của ông. 

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 12
Ngôi mộ của một người trùng tên Beethoven tại nghĩa trang Währing gần Vienna, từ một trang nhật ký ghi ngày 30/6/1834

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 13
Piazza del Trinità và nhà của Michelangelo, từ một trang nhật ký ghi ngày 11/4/1834

Năm 1841, Andersen tới Athens và có một chút mất phương hướng rồi tới Thổ Nhĩ Kỳ và càng ngạc nhiên với nền văn hóa ở đây hơn nữa. Tại đây, ông được chứng kiến điệu múa xoay vòng của các thầy tu đạo Hồi, điệu nhảy truyền thống ở một tu viện ở Pera và vô cùng ngạc nhiên, thích thú. 

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 14
Một con phố ở Athens

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 15
Ngôi mộ Thổ Nhĩ Kỳ gần Constantinople, từ một trang nhật ký ghi ngày 28/4/1841

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 16
Điệu múa truyền thống của các thầy tu đạo Hồi ở Pera

Andersen và chuyện kể hành trình qua các phác thảo 17
Một cô gái Wallachian

Điều làm cho Andersen trở thành một người kể chuyện đặc biệt hấp dẫn không chỉ ở chỗ ông biết cách truyền đạt những điều kỳ quái mà còn nỗi buồn nội tâm chất chứa trong những câu chuyện kể. Và những phác thảo của “Ông vua kể chuyện cổ tích” cũng thể hiện một khía cạnh trong tâm hồn phong phú của mình.