Doanh số iPhone sụt giảm nhưng sao Samsung mới là người buồn nhất thế này?

TVD, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 10/01/2019

Có hai lý do khiến Samsung không thể ăn mừng trước việc đối thủ Apple gặp khó khăn và doanh số iPhone sụt giảm.

Những ngày đầu năm 2019 có lẽ là khoảng thời gian đáng buồn nhất của Apple trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Khi những kỳ vọng, những mục tiêu tăng trưởng đổ vỡ khiến cổ phiếu Apple lao dốc một mạch 10% và giá trị vốn hóa bốc hơn hơn 450 tỷ USD.

Nguyên nhân chính là do doanh số bán iPhone không cao như kỳ vọng, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Những chiếc iPhone XS và XS Max đã không còn đủ sức thuyết phục người tiêu dùng bỏ ra một số tiền quá lớn để nâng cấp. Xu hướng của những chiếc smartphone có giá 1.000 USD đang dần bị tẩy chay và gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Doanh số iPhone sụt giảm nhưng sao Samsung mới là người buồn nhất thế này? - Ảnh 1.

Doanh số iPhone sụt giảm, nhưng người buồn nhất lại chính là Samsung.

Trong bối cảnh Apple gặp khó khăn, những tưởng như đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Samsung sẽ vui mừng và tận dụng thời cơ này để đánh chiếm thị phần smartphone cao cấp. Nhưng trên thực tế, Samsung mới là người buồn nhất.

Ngay sau khi Apple tuyên bố hạ dự báo doanh thu của Q4/2018, Samsung cũng đưa ra những dự báo kinh doanh kém lạc quan. Dự báo lợi nhuận hoạt động của Samsung trong Q4/2018 chỉ là 9,67 tỷ USD, giảm 28,71% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 18,2% so với báo cáo của các nhà phân tích.

Samsung cho biết đó là do thị trường smartphone đình trệ và cạnh tranh khốc liệt, doanh số dậm chân tại chỗ.Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IDC, trong quý 3/2018, doanh số Samsung trên thị trường smartphone toàn cầu giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số iPhone sụt giảm, người buồn nhất chính là Samsung

Từ khi ra mắt iPhone X cho đến nay, Samsung là nhà sản xuất và cung ứng màn hình OLED cho Apple. Theo báo cáo của Daiwa Capital Market, Apple là khách hàng lớn nhất và chiếm tới 25 - 30% doanh số mảng kinh doanh màn hình, ước tính chiếm tới 10% trong tổng lợi nhuận 48 tỷ USD của Samsung năm 2018.

Samsung đã đầu tư hơn 3,7 tỷ USD để mở rộng các dây chuyền sản xuất màn hình OLED của mình tại Hàn Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu của Apple. Bên cạnh đó còn lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất màn hình OLED lớn nhất thế giới đặt tại Trung Quốc, với chi phí 1,7 tỷ USD và hoàn thiện hết 14 tỷ USD.

Doanh số iPhone sụt giảm nhưng sao Samsung mới là người buồn nhất thế này? - Ảnh 2.

Apple là khách hàng đặt mua màn hình OLED lớn nhất của Samsung.

Chính vì vậy mà khi Apple báo cáo cắt giảm sản lượng iPhone XS và XS Max, Samsung bắt đầu phải hứng chịu hậu quả do các đơn đặt hàng màn hình OLED cũng bị cắt giảm theo. Thậm chí Apple còn đang dư thừa màn hình OLED, dẫn đến một nguồn tin cho biết có thể iPhone X sẽ được hồi sinh để tận dụng số lượng màn hình này.

Không chỉ bị cắt giảm đơn đặt hàng đối với màn hình OLED, Samsung còn phải đối mặt với khó khăn trong việc giải quyết số màn hình OLED tồn kho và bù đắp số tiền đầu tư mở rộng nhà máy, khi không thể hoạt động hết công suất.

Cũng may là năm nay Samsung không còn cung cấp các chip nhớ cho iPhone XS và XS Max, do đó mảng kinh doanh chip nhớ không bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng iPhone của Apple.

Xu hướng smartphone cao cấp giá 1.000 USD mà Apple khởi xướng đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt

Chính Apple là người khởi xướng xu hướng mới của những chiếc smartphone cao cấp có giá lên tới 1.000 USD và thực sự đã rất thành công. Chính điều đó đã khiến các nhà sản xuất smartphone khác cũng tăng giá bán trung bình các thiết bị cao cấp của mình. Samsung là một ví dụ.

Năm nay, Samsung đã ra mắt chiếc smartphone đầu tiên của mình có giá bán lên đến 1.000 USD. Đó là chiếc Galaxy Note9, trong khi phiên bản cao cấp nhất với dung lượng 512GB có giá bán lên tới 1.250 USD tại Mỹ. Đây cũng là mức giá tương tự tại các thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Doanh số iPhone sụt giảm nhưng sao Samsung mới là người buồn nhất thế này? - Ảnh 3.

Apple khởi xướng xu hướng smartphone 1.000 USD, nhưng đã thất bại và kéo theo cả Samsung.

Tuy nhiên xu hướng của những chiếc smartphone cao cấp có giá 1.000 USD đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nhà sản xuất khác và nền kinh tế thị trường suy yếu. Sự thất bại của iPhone XS và XS Max tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ là bằng chứng cho điều đó.

Trong khi tại Trung Quốc, các nhà sản xuất trong nước đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ với phân khúc cao cấp. Huawei Mate 20 Pro có giá bán từ 763 USD, hay OnePlus 6T có giá bán chưa đến 500 USD đều là những chiếc smartphone cao cấp vô cùng hấp dẫn.

Theo báo cáo từ Trung Quốc, số lượng đơn đặt hàng trước đối với Galaxy Note9 trên trang web thương mại điện tử nổi tiếng JD.com không thực sự ấn tượng. Các chuyên gia phân tích cũng nhận định rằng doanh số Galaxy Note9 kém hơn cả người tiền nhiệm Note8. Khi mà phải mất nhiều hơn 5 ngày so với Note8 để đạt cột mốc 1 triệu máy bán ra.

Người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn một chiếc smartphone có giá chỉ bằng 2/3 hay thậm chí một nửa iPhone XS Max và Galaxy Note9. Trong khi vẫn sở hữu được các tính năng cao cấp, cấu hình mạnh mẽ cũng như camera chất lượng cao.

Chính vì vậy mà việc iPhone XS và XS Max của Apple thất bại tại các thị trường quan trọng này, không phải là cơ hội để Samsung ăn mừng và chiếm lấy thị phần. Mà thay vào đó, Samsung đang đối mặt với việc phải chịu chung số phận với Apple, khi người tiêu dùng muốn lựa chọn những chiếc smartphone cao cấp có giá cả phải chăng hơn.

Đó là lý do Apple kéo theo Samsung xuống đáy vực sâu của mình.